Tôn Thất Mệnh – TẬN THẾ (Phần 1)
Vũ trụ lớn lắm, lớn đến độ dù ta tưởng tượng thế nào thì nó vẫn lớn hơn điều ta nghĩ. Quả đất đối với vũ trụ thì bé lắm, bé đến độ dù ta tưởng tượng thế nào thì nó vẫn bé hơn điều ta nghĩ.
Đại khái nó như thế này, chúng ta sống trong một thiên hà có độ lớn trung bình và thiên hà này được gọi Ngân Hà. Ngân Hà, còn gọi là sông Ngân, là một thiên hà (galaxy) mà hệ mặt trời nằm trong đó. Ngân hà có khoảng từ 200 tới 400 tỷ ngôi sao.
Mặt trời là một ngôi sao rất tầm thường có độ lớn trung bình trong hàng trăm tỷ ngôi sao đó. Quả đất quay quanh mặt trời cùng với các hành tinh khác. Độ lớn của quả đất đối với mặt trời như một hạt đậu xanh đối với quả bóng rổ.
Có người sẽ đặt câu hỏi: «Nhiều ngôi sao thế tại sao chúng nó không đụng nhau tông vào nhau?». Câu hỏi rất hay, tuy nhiên câu trả lời lại rất đơn giản: «Vì khoảng cách giữa các ngôi sao quá lớn để mà chúng có cơ hội gặp nhau để tông vào nhau».
Ngôi sao gần mặt trời nhất là Proxima Centauri là một sao lùn đỏ nằm cách hệ mặt trời xấp xỉ 4,2 năm ánh sáng (4.0×10 lũy thừa 13 km) trong chòm sao Bán Nhân Mã. Để dể hiểu cái khoảng cách giữ mặt trời và ngôi sao gần nhất này thì ta cứ tưởng tượng một điều sau đây: Để có một khoảng cách tương xứng với thực tế trong vũ trụ, nếu mặt trời là trái banh bóng rổ và Proxima Centauri là trái banh tennis và nếu ta đặt trái banh bóng rổ mặt trời ở trung tâm Montréal thì trái banh Tennis Proxima Centauri phải được đặt tại Winnipeg của Manitoba. Như vậy hai trái banh cách nhau khoảng 3000 km (khoảng cách giữa Montréal – Winnipeg) thì xác suất, cơ hội để chúng tông vào nhau là quá sức nhỏ.
Thiên hà cũng như ngôi sao, chúng không thích sống cô đơn lẻ loi một mình mà chúng thích tụ họp lại thành nhiều quần tụ thiên hà hay có thể gọi là trường thiên hà (field galaxies). Những quần tụ thiên hà này tụ họp lại thành nhiều quần tụ thiên hà lớn hơn và cứ thế các quần tụ thiên hà này lại gộp vào nhau để thành nhiều siêu đảo vĩ đại mà mỗi siêu đảo có đến hàng chục nghìn thiên hà…Với khoa học hiện tại, con người có thể ước tính, đếm được hàng trăm tỷ thiên hà trong cái vũ trụ “thấy được” của con người.
Vũ trụ mà chúng ta đã đề cập ở trên chính là cái vũ trụ mà mọi con người đều có thể cảm được, nhận được, thấy được và ngay cả nghe được. Đó là một vũ trụ trong không gian ba chiều.
Con người sống trong một không gian ba chiều nên không thể cảm được, nhận được, thấy được thế giới của không gian bốn chiều. Những ai có khả năng xâm nhập vào chiều không gian thứ tư, thì họ sẽ tiếp xúc được với cái thế giới bốn chiều, như những người trên trái đất đã gặp người hành tinh khác hoặc có thể là gặp những linh hồn trong thế giới yêu ma?
Thật ra không gian có nhiều chiều, Stephen Hawking đã phát triển ra một mô hình vũ trụ từ những công thức toán học tỉ mỉ cho chúng ta thấy rằng không gian có tất cả 11 chiều.
Trở lại không gian bốn chiều, từ khi xuất hiện loài người đến năm 1915, con người luôn cho rằng không gian 3 chiều và thời gian là hoàn toàn tách biệt, chúng độc lập với nhau và thời gian là phổ quát. Chính năm 1915, Albert Einstein đã làm một cuộc cách mạng, lật đổ hoàn toàn những quan niệm cố hữu của chúng ta như trên bằng khái niệm không – thời gian 4 chiều (3 chiều không gian và một chiều thời gian), vì không gian và thời gian không độc lập mà chúng phụ thuộc vào nhau không thể tách rời.
Người ta thường lấy câu chuyện hai anh em sinh đôi của Langevin để minh họa tính chất tương đối của thời gian : người anh phiêu lưu trong không gian trong một phi thuyền với một tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, trong khi người em ở lại trái đất. Thời gian đối với người anh sẽ rất chậm hơn người em ở lại trái đất. Sau một thời gian, người anh trở về, anh ta vẫn còn trẻ như khi ra đi và nói với người em rằng anh ta đã vắng mặt khỏi trái đất chỉ vài tháng trong khi người em đã luống tuổi, đã già hơn người anh rất nhiều và người em nói với anh rằng sao anh đi lâu quá hàng chục năm đã trôi qua trên trái đất rồi!
Như vậy, khoa học ngày nay có thể giải thích được những câu chuyện thần tiên Á Đông như một năm trên thượng giới bằng ngàn năm ở hạ giới hay câu chuyện Từ Thức gặp Giáng Hương, hay Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên, khi trở về hạ giới, chỉ còn gặp những cháu chắt của mình!
Con người hiện nay khi nói đến thời gian vẫn nói với một quan niệm cố hữu thời gian là hoàn toàn tách biệt và độc lập với không gian và thời gian là phổ quát. Với khái niệm như vậy thì từ khi có vũ trụ, từ khi khai thiên lập địa cho đến nay đã được bao nhiêu năm, bao nhiêu thời gian đã trôi qua ? Quả đất đã có được bao nhiêu năm ? Và con người đã xuất hiện được bao nhiêu năm?
Có phải cách đây 6 ngàn năm Chúa Trời đã lấy đất nặn ra vũ trụ như trong Kinh thánh đã nói? Mở đầu chương Sáng Thế Kỷ, phần «Nguồn Gốc Vũ Trụ và Nhân Loại» có nói Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra toàn bộ vũ trụ trong 6 ngày. Ngày thứ nhất là từ chỗ vô hình và trống không Đức Chúa sáng tạo ra sự sáng và sự tối. Ngày thứ hai Đức Chúa nặn ra bầu trời, ngày thứ 3 Trái Đất. Mặt Trời, Mặt Trăng và các sao được nặn ra vào ngày thứ tư, các loài cây và động vật được nặn ra vào ngày thứ năm và ngày thứ sáu Đức Chúa nặn ra loài người. Như vậy, sau 6 ngày lao động sáng tạo, Đức Chúa Trời đã xây dựng nên toàn bộ vũ trụ mà ở tâm là Trái Đất nằm yên. Không gian ngoài Trái Đất thuộc về thiên đường, thế giới bên kia mà người trần tục không thể nhận thức được.
Theo khoa học hiện đại vũ trụ đã có cách đây khoảng 15 tỷ năm, mặt trời xuất hiện cách đây 4,5 tỷ năm cùng quả đất. Và loài người chỉ xuất hiện cách đây 2 triệu năm. Nếu coi sự phát triển của trái đất trong 4,5 tỷ năm qua như là khoảng thời gian 24 giờ của một ngày, thì lịch sử phát triển của loài người chỉ là 4 giây cuối cùng trước nửa đêm. Như vậy, sự tồn tại của nhân loại xét cả về không gian lẫn thời gian đều vô cùng nhỏ bé, chỉ như một sự tình cờ nhỏ mọn đến mức vô nghĩa của tạo hoá mà thôi.
=>> Xem phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét