Cách đơn giản nhất loại bỏ thạch tín trong gạo
Cây lúa sống trong môi trường ngập nước nên hạt gạo dễ nhiễm thạch tín làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và gia đình. VnDoc xin giới thiệu với các bạn cách hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm độc thạch tín từ gạo để giảm bớt lượng thạch tín có trong gạo để giảm thiểu nguy cơ gây bệnh cho cơ thể của bạn và gia đình.
Lúa gạo là cây sinh trưởng trong môi trường ngập nước. Môi trường đất úng quanh năm tạo ra asen vô cơ (thạch tín), ngấm tự nhiên vào cây lúa. Khoa học chứng minh rằng, chất này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Việc nhiễm độc thạch tín có thể dẫn tới các bệnh như tim, tiểu đường và tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt là ung thư phổi và bàng quang...
Lúa gạo là loại lương thực chính nên cắt giảm chúng trong khẩu phần ăn không phải là ý tưởng tốt. Để giảm thiểu mối nguy từ chúng, các nhà khoa học đến từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyên nên vo gạo thật kỹ trước khi nấu. Bằng cách này, bạn có thể giảm tới 25 - 30% lượng thạch tín trong gạo.
Đảm bảo nguồn nước không chứa thạch tín. Hàm lượng thạch tín có nhiều trong nước cũng là nguyên nhân khiến bạn đối diện với nguy cơ ung thư cao. Chính vì lý do này, John Duxbury đến từ Đại học Cornell khẳng định: Việc vo gạo bằng nước chứa nồng độ thạch tín cao không giúp loại bỏ chất độc hại mà còn khiến chúng nguy hiểm hơn cho sức khỏe. Nếu nước chứa lượng thạch tín vượt mức cho phép, bạn nên tìm đến các chuyên gia để được giúp đỡ.
Nấu cơm bằng lồng hấp. Các nhà khoa học tại ĐH Queen (Anh) khẳng định, nấu cơm bằng lồng hấp có thể loại bỏ 85% thạch tín có trong gạo thông thường. Chính việc để hơi nước luân chuyển liên tục qua gạo, có thể loại bỏ thạch tín một cách dễ dàng.
Lựa chọn các loại gạo thơm. Đây được xem là tin tốt đối với những người ưa chuộng loại gạo thơm. Kết quả phân tích chỉ ra, các loại gạo thơm chứa lượng thạch tín chỉ bằng một nửa, 1/8 thạch tín vô cơ so với các loại gạo thường.
Hạn chế ăn gạo lứt. Gạo lứt cung cấp lượng chất xơ, dinh dưỡng vượt trội. Tuy nhiên, quá trình xay xát gạo lứt khiến chúng vẫn còn nguyên phần cám bám ở bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc chúng chứa lượng thạch tín cao hơn nhiều. Nếu thực sự cần dùng đến gạo lứt, bạn nên chọn gạo xuất xứ từ California và Ấn Độ bởi chúng có lượng thạch tín thấp hơn nhiều so với gạo có nguồn gốc xuất xứ từ miền nam nước Mỹ.
Cẩn trọng khi cho con ngũ cốc, sữa gạo. Quá trình phân tích chỉ ra, các loại ngũ cốc, sữa gạo dành cho trẻ sơ sinh đều chứa lượng thạch tín có hại. Đặc biệt, hệ tiêu hóa của trẻ còn non kém nên các bậc phụ huynh không nên cho trẻ uống sữa gạo, bột ngũ cốc quá sớm. Nếu có, bạn chỉ nên giới hạn không quá ¼ tách cà phê bột mỗi ngày.
Theo Hải Yến - Kiến thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét