Đằng sau những cuộc “tháo chạy” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc


TRUNGQUOC-KHUNGHOANG33

Cuộc khủng khoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc trong hơn 1 tháng qua cho thấy thị trường “ảo” của Trung Quốc đã đạt mức “siêu ảo”.
Chỉ sau hơn 1 tháng khủng hoảng, tính từ ngày 12/6 – 19/7, “bong bóng” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc “nổ tung”. Chính phủ Trung Quốc đã phải bơm tiền và siết chặt kỷ cương để cứu thị trường này. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp “sốc” vẫn còn đang ở phía trước khiến giới nghiên cứu và dự luận đặc biệt quan tâm.

Từ thị trường “ảo”…
Thị trường chứng khoán, còn được gọi là thị trường “ảo”, trong đó thuật ngữ “ảo” là một phạm trù kinh tế học. Theo đó, giá cả xoay quanh giá trị là hình thức biểu hiện của quy luật giá trị và là vẻ đẹp của quy luật giá trị như Karl Marx đã nói trong Bộ tư bản.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giá cả hàng hóa (cổ phiếu, trái phiếu đại diện…) lại vận động tách rời quá xa giá trị thực của hàng hóa. Do đó, từ “ảo” ở đây được hiểu gần như không có thực nhưng nó vẫn tồn tại.

Tính chất “ảo” của thị trường chứng khoán Trung Quốc còn rõ nét hơn. Vì thị trường này tuy lớn, nhưng theo báo chí phương Tây nó có thể gọi là “sòng bạc”, còn các nhà đầu tư là những “con bạc”. Bởi vì giá cả các cổ phiếu ở đấy ít liên quan đến các điều kiện kinh tế tiềm ẩn và các nhà đầu tư phó mặc tài sản của họ cho số phận.

Chỉ trong thời gian ngắn mà hơn 30% giá trị cổ phiếu của khách hàng trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã biến mất 350 tỷ USD, buộc Nhà nước Trung Quốc phải can thiệp bằng “bàn tay hữu hình” (bơm tiền và siết kỷ cương).

Đến nay, “tuy tình hình có vẻ dịu bớt, nhưng ẩn sau cuộc khủng hoảng chứng khoán lại là cuộc khủng hoảng nợ. Đây là hai cuộc khủng hoảng mang tính “đặc sắc Trung Quốc”… Tuy nhiên, tình trạng bán tháo vẫn còn đang diễn ra khi giới đầu cơ vẫn còn nóng lòng bảo vệ tài sản của họ trươc sự đổ vỡ của thị trường.

Đến liệu pháp “sốc”…

Sau khi Chính phủ Trung Quốc đã dốc hết sức để ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán bằng các biện pháp: cắt giảm lãi suất, dừng lại tất cả các đợt lên sàn (IPO), yêu cầu ký quỹ ít nghiêm ngặt, răn đe những người giao dịch khống, cho phép các nhà đầu cơ sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp cho các khoản lãi vay… khiến sau khi mất giá kỷ lục hồi trung tuần tháng 6, nay đã có thể coi là “chững lại” và giá trị đang phục hồi dần.

Giới quan sát đặt câu hỏi: “Thị trường chứng khoán Trung Quốc liệu đã ra khỏi khủng hoảng chưa”. Có chuyên gia nhận định “bong bóng đang xẹp từng đợt”, nhưng cũng có chuyên gia khác lại cho rằng, thị trường này vẫn đứng trước nguy cơ trong trung và dài hạn.

Vì thị trường chứng khoán Thâm Quyến đã vượt ngưỡng 600 điểm vào thứ Sáu tuần trước được coi là một sự khởi đầu tốt đẹp. Nhưng giới chuyên gia lại cho rằng, phải đến sát ngưỡng 660 điểm thì mới coi là chắc chắn.
Tuy nhiên, trong giới chuyên gia cũng chia thành hai phái trong cách đánh giá về thị trường chứng khoán Trung Quốc:
Một là, để thoát khỏi “bóng bóng” trên thị trường chứng khoán thì Trung Quốc cần bớt nhập khẩu nguyên liệu thô, các thị trường xuất khẩu có thể bị gián đoạn khi mà các công ty Trung Quốc giảm giá và bán tháo sản phẩm thừa ra nước ngoài.

Hai là, sự tác động đến toàn cầu chủ yếu thông qua tác động tâm lý hơn là tác động vật chất. Nhìn trên bề nổi, sự quan ngại về sự sụp đổ ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới là điều dễ hiểu.

Dư nợ phái sinh…

Số nợ của các xí nghiệp Trung Quốc hiện lên đến 16.000 tỉ USD, tương đương 160% GDP nước này, gấp đôi gánh nợ của các doanh nghiệp Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc là tương đối nhỏ so với thế giới, nhưng tác động của gánh nợ của các công ty Trung Quốc lại đáng ngại hơn nhiều. Vì “Chính phủ Trung Quốc có thể đã tránh được một cuộc khủng hoảng chứng khoán bằng cách can thiệp mạnh mẽ vào thị trường, nhưng gánh nợ của các doanh nghiệp địa phương lại cao nhất thế giới, và mối đe dọa còn nghiêm trọng và khó xử lý hơn nhiều”.

Một chuyên gia nghiên cứu của Standard & Poor’s dự báo trong 5 năm tới gánh nợ của Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 77%, lên đến 28.800 tỉ USD.

Trước đó, ngân hàng Trung ương Trung Quốc năm 2014 đã hạ lãi suất 4 lần, hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, bãi bỏ trần tín dụng, nhằm hỗ trợ các xí nghiệp vừa và nhỏ cùng các xí nghiệp có nhu cầu sáng tạo.
Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu của năm 2015, các ngân hàng đã cho vay đến 1.280 tỉ NDT (gần 200 tỉ USD), cao hơn nhiều so với 900 tỉ NDT (140 tỉ USD). Điều đáng quan ngại hơn là phần lớn các khoản vay mới này lại dùng để tiếp sức cho các doanh nghiệp công ích không mấy hiệu quả.

Vì thế, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn khi sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán liên quan đến 8.000 tỉ USD, trong khi gánh nợ hiện đang ở con số hơn gấp đôi. Qua cuộc khủng hoảng thực của thị trường “ảo” Trung Quốc cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tuy có lớn, nhưng yếu tố “ảo” vẫn còn nhiều và nguy cơ nổ “bong bóng” đang tiềm ẩn.

Và sự tác động…

Đằng sau những cuộc “tháo chạy” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Diễn biến xấu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo TTXVN, kết thúc phiên 27/7, chỉ số Dow Jones giảm 127,94 điểm (0,73%) xuống 17.440,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,01 điểm (0,58%) xuống 2.067,64 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 48,85 điểm (0,96%) xuống 5.039,78 điểm.

Sắc đỏ bao trùm bản đồ chứng khoán thế giới trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 8,48%, trước những quan ngại về khả năng Bắc Kinh sẽ “thu hồi” các biện pháp hỗ trợ ổn định thị trường.

Tại châu Á, mở cửa phiên giao dịch sáng 28/7, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng mất 0,79% (161,53 điểm) xuống 20.188,57 điểm.
Tuy nhiên, theo tác giả Lawrence Osborne khi nghiên cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ví von: “Bất cứ con bạc nào từng mài thời gian trong các sòng bạc của thành phố Macau cũng đều ít nhiều hiểu chính xác điều gì đang diễn ra trong sự bốc hơi của thị trường chứng khoán Trung Quốc…”

Sự “giật mình” dẫn đến hoảng hốt khiến họ đột ngột bỏ sàn này chạy sang sàn kia để tìm vận may… người Trung Quốc chơi chứng khoán không xem đó là đầu tư dài hạn, mà như một thứ cờ bạc để trở nên giàu có một cách dễ dàng, nhanh chóng cùng với một chút hi vọng ở vận may.

Một chuyên san tài chính Pháp Capital còn kết luận: “về bản chất thị trường chứng khoán Trung Quốc cứ như là một sòng bạc, điều đó phản ánh trình độ phát triển kinh tế”.

Còn tác giả John Lee, của Đại học Quốc gia Australia (ANU), lại có cách nhìn khác và khẳng định: Cùng với quy mô kinh tế và tầm quan trọng như là một đối tác thương mại của các nền kinh tế lớn, Trung Quốc còn là nước lắp ráp công nghiệp hàng đầu tính về khối lượng. Vì thế, nền kinh tế Trung Quốc tuy lớn thứ hai thế giới, chiếm gần 50% sức tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại không tác động nhiều đến phần còn lại của thế giới.

Hãy nhìn con số đầu tư cố định, vốn chiếm khoảng 50% nền kinh tế của Trung Quốc: trong số 4,5 nghìn tỉ USD giá trị đầu tư cố định mới trong năm 2014, chỉ có khoảng 3% có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc.

Mặt khác, nếu nhìn những lĩnh vực quan trọng của kinh tế Trung Quốc, đều được thiết kế cho các doanh nghiệp nhà nước đặc quyền “ưu tiên”, khi các doanh nghiệp này được hưởng lợi chủ yếu từ chính sách kinh tế thì cũng sẽ chịu tác động trước sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc hơn là các công ty đa quốc gia.

Như vậy, với quy mô, tính chất của cuộc khủng khoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc trong hơn một tháng qua cho thấy, thị trường “ảo” của Trung Quốc đã đạt mức “siêu ảo”. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng: tiếng nổ của “bong bóng” chứng khoán Trung Quốc tác động mạnh đến thị trường toàn cầu và khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sự tác động chỉ là hiệu ứng tâm lý tức thời trong ngắn hạn.

Theo VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét