Nhị nguyên là hai cực, hai đầu đối kháng, như là đúng và sai, thiện và ác, chánh pháp và tà pháp, chánh đạo và tà đạo, chính trị và tà trị, xấu và đẹp, tốt và xấu…
Vấn đề này cực kỳ dễ thấy, nhưng thiên hạ cả thế giới vẫn không thấy, vẫn cứ đấu đá đủ thứ chuyện trên đời vì “tôi đúng, nó sai.” (Cho nên người ta ngu không phải vì người ta không thấy. Nhưng dù thấy thì cũng không đi đường đúng được, vì thấy chữ mà chẳng thấy tâm).
Thánh nhân có trí tuệ, vì thế, dạy chúng ta vượt lên trên nhị nguyên. Tức là, đừng vướng vào tranh chấp hai đầu, vì thực sự mỗi đầu chỉ là tư duy chủ quan của mỗi người, thực sự chẳng có đúng sai, vì vậy đừng tranh chấp.
Nhà Phật nói đó là tâm không phân biệt – thấy mọi người như nhau, mọi khái niệm như nhau, mọi thứ như nhau… chỉ là tương đối, phù du, ảo tưởng. Bản tánh thật của mọi người, mọi thứ, là Không – tuyệt đối bất khả tư nghị (tuyệt đối, không thể nghĩ bàn), bất sinh bất diệt, bất cấu bất diệt, bất tăng bất giảm (chẳng sinh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm) (Bát Nhã Tâm Kinh).
Chúa Giêsu thì nói giản dị hơn, dễ hiểu hơn, và có lẽ thực tế với mọi người hơn: Yêu tất cả mọi người kể cả kẻ thù. Tức là không còn xem ai là thù, ai cũng đều là bạn; không còn đúng sai, mà xem như ai cũng đúng. Tình yêu đưa chúng ta vượt lên nhị nguyên, và sống với nhất nguyên. Và đương nhiên nhất nguyên đó là Thượng đế.
Các bạn, điều này thì nói về phương diện chữ nghĩa chẳng có gì là khó hiểu. Chỉ là không ai muốn làm, kể cả các giáo phái xưa nay – các quý vị dùng đấu đá làm cách sống là chuyện rất thường, chạy dọc toàn chiều dài của lịch sử.
Câu hỏi cho các bạn là các bạn có muốn sống vượt lên nhị nguyên như thế không?
Rất dễ sống, muốn sống là được. Chỉ là người ta không muốn sống như thế nên mới thấy là khó. Chỉ là bỏ cách suy nghĩ đôi đường đấm đá của mình mà thôi. Nhìn mọi người như nhau: Ai cũng khổ vì tham sân si, ai cũng có Phật tính/Thánh linh trong người, ai cũng có thể trở về với bản tính tinh khiết của mình. Nếu mình suy nghĩ cách đó thì việc gì mà không vượt lên trên nhị nguyên được?
Nhưng tại sao các bạn muốn làm thế?
Tại vì, mình đã nói trong bài Nửa nạc nửa mỡ, nếu chúng ta tiếp tục sống nửa nạc nửa mở thì (1) chúng ta chẳng tạo nên được gì cho thế giới và cho mình, rất phí đời mình, và (2) thế giới này toàn là người nửa nạc nửa mỡ, thế giới cần người với tư duy và hành động của thánh nhân đễ đỡ nó lên.
Chúc các bạn luôn thánh khiết.
Trần Đình Hoành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét