Bóng đá Việt - Nói ít thôi, làm đi
“Này, Sterling, nói Chào Việt Nam đi” - một người hâm mộ Việt Nam gần như hét vào mặt Sterling. Cầu thủ trị giá tới gần 50 triệu bảng Anh, tương đương 1500 tỉ đồng vẫn lạnh lùng bước đi, không thèm đáp một câu. Sterling có cách trả lời của mình, bằng khả năng của anh trên sân cỏ. Sterling có hai bàn thắng quá dễ vào lưới tuyển Việt Nam. Trong khi đó chúng ta nói quá nhiều, quá ồn ào, từ quan chức tới cầu thủ, nhưng cuối cùng, chỉ có một bàn thắng của Văn Quyết, bàn thắng có ý nghĩa “lại quả” ở cuối trận, khép lại một trong những trận thua đậm nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam: 1-8.
Nói nhiều quá
Truyền thông nước Anh, cụ thể là hãng BBC, ngay lập tức có dịp “giễu” cung cách tổ chức trận đấu ở Việt Nam khi dành thời lượng đầu bài tường thuật để nói về những bài diễn văn, phát biểu dài lê thê trước trận đấu. Hài hước kiểu Anh, BBC tường thuật: “14h03: Trận đấu có cách bắt đầu khá thú vị. Vâng, tôi đang nói về "cách bắt đầu", vì thật sự nó vẫn chưa diễn ra. Các cầu thủ vẫn đứng trên sân 5 phút vừa qua, trong lúc đó một người đeo kính, hình như là chủ tịch của ngân hàng nào đó ở Việt Nam làm một bài giảng rất dài, chẳng ai trong chúng ta hiểu cái gì, vì ông ta đang nói tiếng Việt. Joe Hart trông có vẻ hơi bối rối. 14h06: Bây giờ lại đến một người khác đến từ VFF. Ông này cũng đeo kính. Và ông ta bắt đầu nói. Rất nhiều. Các cầu thủ trong khi đó vẫn đứng như đống vỏ chanh vô dụng trên sân. 14h13: Các cầu thủ được tặng hoa: 14h17: Đây rồi! Trận bóng đã bắt đầu. Tôi không biết đống hoa đấy ở đâu rồi nữa. Có lẽ trong thùng rác. Thật là một sự lãng phí tiền bạc. Nhưng dù sao, trận đấu cũng đã diễn ra…”.
Một đoạn tường thuật ngắn đã nói đúng và trúng hai vấn đề của bóng đá Việt (và cũng không chỉ riêng bóng đá): Nói quá nhiều và rất lãng phí.
17 phút cho những bài phát biểu từ BTC, từ những nhà tài trợ. Dài dòng lê thế quá thể, đủ làm nguội lạnh nhiệt huyết thi đấu của bất kỳ cầu thủ nào. Nên nhớ, cách đây gần 20 năm, phần phát biểu của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho sự kiện mang ý nghĩa toàn cầu là Olympic Atlanta chỉ đúng 15 từ và diễn ra trong khoảng 5 giây: “"Tôi tuyên bố khai mạc Thế vận hội Atlanta, Olympic hiện đại lần thứ XXVI".
Lãng phí thời gian - thứ người Việt thường xuyên lãng phí nhất. Lãng phí thời gian của mình, và của người. Tối 27.7, khán giả đến sân Mỹ Đình, có cảm giác họ bỏ tiền ra để nghe những bài phát biểu, những lời cảm ơn.
Lãng phí thời gian kéo theo những lãng phí khác. Nhỏ bé như những bó hoa. Ai cũng biết, sau khi được tặng, các cầu thủ sẽ vứt ngay những bó hoa ấy đi và đừng hy vọng họ mang sang Anh. Và lãng phí cả những vấn đề lớn lao, như trận đấu có giá 40 tỉ đồng mà những người thu lời chỉ là nhà tổ chức, còn người hâm mộ và bóng đá Việt Nam chẳng thu hoạch được điều gì.
Bệnh hình thức nặng nề
17 phút dư thừa trước trận tuyển Việt Nam- Manchester City còn lộ ra căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt: Bệnh hình thức.
Ít ai để ý, trận thua 1-8 hôm 27.7 chính là trận thua kỷ lục của đội tuyển Việt Nam. Bóng đá Việt sẽ còn khổ và còn “chết” vì bệnh hình thức.
Sau trận đấu, BLV Quang Huy chia sẻ: “FIFA từng khuyến cáo không nên để đội tuyển quốc gia thi đấu với CLB. Tại sao ta không làm như các nước xung quanh là thành lập đội Viêt Nam XI hoặc All Star của V.League để đối đầu với các đội bóng hùng mạnh. Chắc chắn All Star nếu có thêm 1 số ngoại binh sẽ khiến trận đấu chất lượng cao hơn và khán giả hưng phấn hơn nhiều. Đằng nào thì đẳng cấp cũng chênh lệch quá xa. Cần gì phải sĩ diện với ai”.
Thật ra, việc cố tình trưng dụng đội tuyển là để “đẹp mặt” BTC nhưng hậu quả của nó là “thanh danh đội tuyển quốc gia” bị tổn hại nặng nề. Một đội tuyển, được tập trung đá mua vui, rồi bị vùi dập không thương tiếc dù ai cũng biết tuyển QG là khuôn mặt, là linh hồn của một nền bóng đá.
Nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia, Indonesia không gọi đội tuyển QG để đá với những CLB mạnh đến từ Châu Âu. Họ gọi một đội tuyển chọn gồm những cầu thủ bản địa xuất sắc nhất, những cầu thủ ngoại tốt nhất đang chơi ở giải VĐQG để tạo thành một đội Thái Lan XI (XI để chỉ lượng ngôi sao trên sân) hay All Star (các ngôi sao) thay vì “bán linh hồn” là ĐTQG cho một trận đấu thuần tính thương mại.
Văn Quyết - cầu thủ ghi bàn duy nhất, được nhận giải thưởng lên tới 300 triệu. Đó không chỉ là hình thức mà còn bộc lộ sự tự ti, yếu kém của một nền bóng đá.
Còn Công Phượng - cầu thủ được kỳ vọng nhất, được vào sân 4 phút và gần như không chạm bóng. Việc ông Miura đưa cầu thủ này vào sân cũng chỉ nhằm làm thỏa mẵn căn bệnh hình thức và yêu cầu của những nhà tổ chức.
Để có một Sterling không biết nói “Chào Việt Nam” nhưng có giá trị 1.500 tỉ đồng, bóng đá Việt Nam phải ít nhất có 1.000 cầu thủ có trình độ tương đương Công Phượng, có 1.000 trung tâm đào tạo bóng đá như HAGL-Arsenal JMG, có 1.000 quan chức Vn.FF tâm huyết và muốn nâng tầm bóng đá thật sự.
Vì thế, xin các ngài làm bóng đá ở Việt Nam, hãy nói ít thôi và làm nhiều hơn.
(Theo laodong.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét