- Ngẫm chuyện tượng đài xứ người

Văn hóa tượng đài, ở xứ người, hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nhận thức qui hoạch tượng đài, đến cách biến qui hoạch ấy thành giá trị thẩm mỹ bền vững và thói quen tôn vinh người được dựng tượng...

Nếu bạn có dịp đi đến nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này: hầu như không thành phố nào, lớn hay nhỏ, lại không có tượng và tượng đài ngoài trời. Điều đáng chú ý nữa là, tất cả các tượng và tượng đài ngoài trời ấy, dù mới dựng vài chục năm hay vài trăm năm trước, đều được làm bằng chất liệu bền vững là đá hoặc đồng. Điều đáng kinh ngạc nữa không thể bỏ qua: tuyệt đại đa số các bức tượng ấy đều là các tác phẩm điêu khắc có đẳng cấp về tay nghề sáng tạo.
Bức tượng người sáng lập Apple - Steve Jobs mới được đặt ở Budapest. Ảnh: Pilotafrica


Tượng đài được dựng lên là để ghi nhớ công lao của một người hoặc để tôn vinh những giá trị nào được xem là phổ biến đối với quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Vì vậy, tượng được làm bằng chất liệu nào và đặt ở những vị trí nào luôn được xem là những nguyên tắc quan trọng. Không thể có một qui hoạch đô thị nào, vùng dân cư nào có thể được xem là văn minh nếu trong qui hoạch ấy thiếu các không gian công cộng và các công trình (văn hóa) công cộng quan trọng trong đó có tượng và tượng đài.

Ở Hungary có đến gần 1.000 tượng và tượng đài đã được dựng lên tại thủ đô Budapest và các vùng dân cư khác, dù đó là làng xã hay thị trấn. Năm 2008, khi người viết bài này đưa đoàn công tác của sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm việc với chính quyền Budapest, phía bạn cho biết: trong số gần 1.000 tượng và tượng đài hiện có ở Hungary, khoảng một phần tư được xây dựng sau năm 1945, còn lại đều làm trước đó, nhiều tượng và tượng đài đã có từ vài trăm năm. Chất lượng công trình tượng đài về mặt nghệ thuật điêu khắc và vật liệu xây dựng đều còn tốt.

Hai nguyên nhân quan trọng đưa tới kết quả ấy. Thứ nhất, sự lựa chọn và thẩm định chính xác ngay từ đầu tác giả điêu khắc và chất liệu làm tượng để đảm bảo giá trị thẩm mỹ và sự bền vững theo thời gian. Tất cả các tượng đều được làm bằng đá hoặc bằng đồng và có thể nói đều đạt tới hoàn hảo, bất kể đó là tượng có kích thước lớn hay nhỏ. Thứ hai, luôn có trong ngân sách của chính quyền trung ương và địa phương khoản chi phí gìn giữ và duy tu công trình tượng và tượng đài.

Ở khu du lịch Hồ Balaton nổi tiếng, trong một khoảng rừng tự nhiên có cây cao, có thảm cỏ, có những lối đi trồng hoa và những băng ghế gỗ, khách nghỉ chân có thể ngắm nhìn những cụm tượng nhỏ đặt rải rác. Mỗi bức tượng kể với người đời nay về họ tên, năm sinh năm mất và công tích đáng nghi nhớ của các bậc tiền nhân bằng những dòng chữ khắc trên biển đồng hoặc khắc thẳng vào chân tượng bằng đá. Không có rêu phong và rác thải xung quanh khu vực tượng đài. Nhưng hoa tươi thì thỉnh thoảng vẫn được ai đó đặt trang trọng bên chân tượng. Văn hóa tượng đài hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác như vậy đó, từ nhận thức qui hoạch tượng đài, đến cách biến qui hoạch ấy thành giá trị thẩm mỹ bền vững và thói quen tôn vinh người được dựng tượng.

Tượng sư tử uy nghi ở quảng trường Trafalgar. Ảnh: World-visits

Ở London, tượng đài được đặt tại rất nhiều vị trí quan trọng của thành phố. Chỉ cần nêu một ví dụ về cụm tượng đài ở quảng trường Trafalgar – được mệnh danh là “trái tim của London” để biết Hoàng gia và Chính phủ Anh chú trọng qui hoạch tượng đài và điều chỉnh cẩn trọng như thế nào. Quảng trường Trafalgar thuộc tài sản của Hoàng gia Anh nhưng do chính quyền London quản lý. Được xây dựng để tôn vinh trận thủy chiến Trafalgar vẻ vang của Hoàng gia Anh trong cuộc chiến tranh với Napoleon (21.10.1805), quảng trường Trafalgar có công trình chính là tượng đài hình trụ (column) cao vút với tượng của Đô đốc Lord Nelson đặt trên định cột và dưới chân tượng đài là 04 tượng sư tử lớn uy nghi bằng đá – biểu tượng sức mạnh của Hoàng gia Anh. Từ trên ban công mặt tiền của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh quảng trường tuyệt đẹp với cụm tượng các nữ thần đặt trên đài phun nước hình tròn và một số tượng danh nhân lịch sử tiêu biểu như tượng Henry Havelock – Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Anh chết trận ở Ấn Độ năm 1857; tượng Geoge Washington – người đã lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến tranh với nước Anh và là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.v.v

Quảng trường Trafalgar khởi công năm 1820 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư John Nash và hoàn thành vào năm 1840. Trong cụm công trình quảng trường Trafalgar còn có Bảo tàng mỹ thuật quốc gia và Nhà thờ Saint Paul danh tiếng. Đứng giữa quảng trường Trafalgar mới thấy được sự hài hòa của toàn cụm kiến trúc tượng đài, không tượng nào bị che khuất về tầm mắt hoặc thiếu sự hài hòa về kích thước. Mỗi bức tượng có thể xem là một tuyệt tác điêu khắc bằng chất liệu đồng và đá. Từ qui hoạch hoàn chỉnh này, Hoàng gia Anh và chính quyền Wesminster London những năm sau đó đã tiếp tục mở rông không gian 2000 mét vuông nữa để biến Trafalgar thành nơi tụ tập của công chúng, nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Hoàng gia và đất nước. Việc mở rộng diện tích sinh hoạt công cộng đảm bảo nguyên vẹn vị trí và tầm nhìn đối với các tượng đài nằm trên quảng trường. Công chúng nườm nượp kéo đến đây tham dự các sự kiện lớn hàng năm như lễ đón chào Noel, đón chào năm mới, khởi động các chiến dịch thể thao quốc gia và quốc tế.

Tháng 7.2011, chiến dịch quảng bá cho các tập phim kết thúc loạt phim Harry Porter cũng diễn ra tại đây với sự hiện diện của gần 10.000 khách. Qui hoạch cụm tượng đài trên quảng trường Trafalgar cho thấy tầm nhìn xa của những người quản lý đô thị London cách nay 191 năm. Giá trị của tầm nhìn ấy là đã đem lại cho London một địa điểm vô cùng danh tiếng, thu hút khách du lịch chỉ đứng sau cung điện Burkingham. 

Tượng chú chó tên Bobby ở Edinburgh

Nhưng, nếu nói về cách nhận thức và cách làm tượng đài ở xứ người, điều làm cho người viết bài này thực sự khâm phục và thú vị chính là câu chuyện một chú chó được dựng tượng ở thành phố Edinburgh – thủ phủ của Scotlan. Chú chó ấy có ông chủ là một người Edinburgh tên John Grey. Chú chó tên Bobby ấy rất khôn ngoan và giúp ích rất nhiều cho chủ của mình, luôn theo sát ông chủ như hình với bóng. Khi chủ của Boby qua đời vào năm 1858, Bobby mới hai tuổi. Chú chó nhất định không rời ngôi mộ của ông chủ mình, nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, từ chối mọi sự chăm sóc và lời mời mọc về nhà, chỉ để được nằm bên ngôi mộ. Cứ như thế suốt 14 năm, Bobby chết vào năm 1872 và được con cháu ông Greig làm tang lễ và chôn bên cạnh chủ của chú với tấm bia mộ ghi: Bobby, chết năm 1872, được 16 tuổi...

Câu chuyện về Boby kéo dài suốt 14 năm, lan truyền sâu đậm trong đời sống của người dân Edinburgh. Và, chính quyền thành phố đã quyết định cho phép dựng tượng chú chó Bobby tại chỗ gần nơi xưa kia là nhà của gia đình Greig, nay là ngôi nhà mang tên Greifriars Bobby. Đến Edinburgh, một trong những câu chuyện người dân kể cho du khách nghe là tượng chú chó Bobby – được dựng lên để tôn vinh lòng trung thành, một trong các giá trị sống mà con người cần có./.

Nguyễn Thế Thanh

Tượng danh nhân trong làng đại học: đâu cần to mới thấy


Cách nay ít lâu trên đoạn đường khoảng một cây số trong Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM mà nhiều người quen gọi là “làng đại học”, xuất hiện 10 bức tượng danh nhân. Những bức tượng lập tức tạo được sự tò mò thích thú cho sinh viên cũng như người dân đi qua...

Bắt đầu từ vòng xoay trước cổng Đại học Quốc tế, con đường lớn rải nhựa thẳng tắp, có điểm cuối cắt với đường nội bộ thuộc địa phận huyện Dĩ An (Bình Dương) là khu vực có địa hình khá thú vị với những mỏm đồi, thung lũng, hồ đá và cây xanh tạo nên cảnh đẹp nên thơ. Trục đường có các đường nhánh dẫn tới Trung tâm Giáo dục quốc phòng, ký túc xá, các trung tâm chức năng của Đại học Quốc gia... vì vậy lưu lượng người qua lại đông đảo.

Dễ bắt gặp những nhóm sinh viên sau tiết học quốc phòng tản bộ về ký túc xá, bến xe buýt. Cứ mỗi khi đi qua những bức tượng, họ lại ngoái nhìn hoặc dừng lại ngắm. Mười bức tượng kích cỡ lớn hơn người thật một chút, với đủ tư thế đứng, ngồi và xung quanh là những khóm hoa, thảm cỏ xanh, dù chưa được đặt biển tên nhưng dễ nhận ra đó là bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, chí sĩ Phan Châu Trinh, cụ Đồ Chiểu...

Làm đẹp thêm cho không gian học thuậtVừa kết thúc tiết học giáo dục quốc phòng, sinh viên Thu Huyền (Đại học Quốc tế) và nhóm bạn tranh thủ nghỉ ngơi dưới tán cây bên cạnh bức tượng cụ Phan Châu Trinh. Sinh viên này cho biết: “Từ khi có những bức tượng của các danh nhân, con đường có vẻ đẹp hơn. Các bức tượng nhỏ nhưng có cái gì đó gần gũi và quen thuộc”. “Lúc đầu thấy ngồ ngộ nhưng đúng là từ khi có các bức tượng, con đường trở nên đỡ hiu quạnh. Giá như có thêm bảng chú thích tên của các bức tượng thì hay”, sinh viên Nguyễn Hữu Tuấn (Đại học Nông lâm TP.HCM) cho biết.

Sống và làm việc ở đây hơn 15 năm, ông Tăng Hữu Thủy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và xúc tiến đầu tư Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: “Đây là việc làm ý nghĩa. Phải tính toán phát triển các hạng mục công trình, dịch vụ đồng bộ cho người đi xe đạp đôi, đi bộ để ai đi qua cũng sẽ “chậm lại” và hoàn toàn có thể nhân rộng việc đặt tượng qua các con đường khác”. Theo ông Thủy, ngoài việc nương theo cảnh quan sinh thái tự nhiên là cây cối và hồ nước để đặt tượng hay bố trí các công trình nghệ thuật, thậm chí có thể tạc tượng trên vách các hồ đá.

Ông Thủy cho rằng, để làm được như vậy cần thêm vốn xã hội hóa: “Hoàn toàn có thể kêu gọi đóng góp từ các cựu sinh viên, các doanh nhân quan tâm tới văn hóa tri thức, thẩm mỹ. Việc góp tay xây dựng một không gian đẹp, mang lại nhiều giá trị văn hóa lịch sử chắc chắn sẽ được hưởng ứng”...

Tượng chỉ lớn hơn người một chút 

PGS-TS Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết ý tưởng đặt tượng trên trục đường là của PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và người thiết kế, điêu khắc các bức tượng là ThS. điêu khắc Trần Thị Diệu Phượng: “Thầy Bình gợi ý các trục đường trong khu đô thị đã hình thành, ngoài việc tôn tạo cảnh quan, trồng cây xanh, hoa và thảm cỏ thì cần đặt những bức tượng danh nhân, tượng nghệ thuật. Đó cũng là cách bổ khuyết cho những công trình đã xây trước đây nhưng chưa vừa ý”. Vì vậy, ngoài hai bức tượng bán thân lớn của người có công truyền bá quốc ngữ và chữ Nôm là Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên đặt trong khuôn viên Ký túc xá khu A thì đoạn đường số 2 của khu đô thị được thử nghiệm đặt tượng.

 Trong tương lai sẽ có thêm danh nhân các ngành nghề khác, danh nhân nước ngoài và cả tượng nghệ thuật.

“Đây mới là những thử nghiệm, các bức tượng này làm từ vật liệu composite, chưa có đế cũng như bảng giới thiệu vì đang trong thời gian nhận ý kiến phản hồi của sinh viên, các nhà mỹ thuật, thầy cô và người dân. Thời gian tới đây mới chính thức đặt các bức tượng bằng đá granite, bảng thuyết trình về bức tượng - Ông Sang chia sẻ - Có một số góp ý là cần phải nâng tượng cao hơn một chút, cũng như bố trí ở những vị trí không bị che khuất bởi tán cây, chúng tôi đều ghi nhận và điều chỉnh. Chúng tôi không chủ trương xây các tượng đồ sộ bởi như vậy lại phải chi ngân sách lớn, cái chính là tạo ra điểm nhấn cho cảnh quan không gian học thuật trở nên đẹp, thông qua đó tùy mỗi người sẽ có cảm nhận riêng về ý nghĩa những bức tượng. Bởi bản thân những đóng góp, ảnh hưởng của những danh nhân đó đã là những tượng đài trong lòng dân, đâu cần phải xây to mới thấy”.

Là người chọn để thiết kế những bức tượng này, ThS. Trần Thị Diệu Phượng cho biết chị đã mất nhiều thời gian trong việc tìm tài liệu, đi thực địa tới địa điểm là khu di tích, nhà lưu niệm của các danh nhân để thu thập thông tin, quan sát các mẫu tượng có sẵn. Các danh nhân mà chị chọn là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, chí sĩ từ thế kỷ XIX trở về trước: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Phan Châu Trinh, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm, Lê Văn Hưu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn.
“Phải nghiên cứu kỹ thông tin vì cái khó là lột tả được cốt cách, phong thái của các danh nhân. Tôi đã thuyết phục không cần làm tượng kích cỡ quá khổ, chỉ cần lớn hơn người bình thường một chút để người xem đặc biệt là sinh viên cảm nhận được sự gần gũi, giản dị của các danh nhân. Cái quan trọng là sự tôn kính dành cho nhân vật được đúc tượng trong bối cảnh không gian giáo dục”, ThS. Diệu Phượng cho biết.
Bài và ảnh Trọng Văn

Suy tư tượng đài

Tượng đài là một phần không thể thiếu trong các đô thị, do vậy mà việc thiết kế và dựng tượng, tượng đài là chuyện ngày càng phổ biến ở tất cả các đô thị trên thế giới, tới mức đến thành phố nào đó mà không có tượng thì cảm thấy hụt hẫng trong tâm thức và coi đó là sự thiếu hoàn chỉnh trong tổ chức và bố cục không gian.Với người ngoại đạo thì tượng được coi là những thứ mô phỏng từ đời sống xã hội như người, thú, đồ vật sau đó đặt ở nơi này, nơi khác cho vui. Nhưng thực tế việc phân chia tượng khá phức tạp, đến ngay các nhà điêu khắc cũng chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Về đại thể người ta chia tượng ra thành hai loại chính là tượng trang trí và tượng “thiêng”.

Tượng trang trí: điểm nhấn đô thị

Tượng trang trí rất đa dạng về hình thức, kiểu dáng, chất liệu và quy mô. Chúng có thể được đặt đơn lẻ rải rác trong công viên, trên trục đường, vỉa hè, trong sân nhà dân hay theo từng cụm, thành vườn tượng với mục đích làm giảm bớt sự khô cứng của sắt thép, bê tông. Chủ đề của loại tượng trang trí rất đa dạng và tự do. Đó có thể là những bức tượng phụ nữ khỏa thân, trẻ em đang chơi, muông thú, đồ vật, nhưng có khi chỉ là những hòn đá tự nhiên được sắp đặt có chủ ý cùng cây cỏ. Cùng với cây xanh, thảm cỏ, đài phun nước, ánh sáng đèn, hình khối công trình kiến trúc, tượng trang trí sẽ tạo ra những điểm nhấn trong bức tranh đô thị. Loại tượng này vô cùng đa dạng về chất liệu, hình thức thể hiện và quy mô. Bởi tự do và phóng khoáng trong ý tưởng, chất liệu mà loại tượng này rất gần gũi và phổ biến trong các đô thị hiện đại. Rất nhiều các bức tượng của loại hình này nổi tiếng khắp thế giới và góp phần làm rạng danh tên tuổi của thành phố, thu hút khách đến tham quan, chẳng hạn như tượng cậu bé đứng tiểu Manneken Pis chỉ cao 0,6m ở Brussel của Bỉ, tượng con chó trung thành Hachiko ở Tokyo, hay tượng sư tử biển ở Singapore.

Tượng chú chó Hachiko mừng chủ ở Tokyo (Nhật). Ảnh TL


Loại tượng trang trí này ở thành phố chúng ta đã có khá nhiều. Một vài nơi được ghi nhận là có thành công nhất định như ở Đầm Sen, nhóm tượng ở công viên Tao Đàn, nhưng nhìn chung chúng còn quá đơn điệu, tẻ nhạt, và không ít trong số đó làm ta liên tưởng đã thấy đâu đó ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Tượng “thiêng”: thông điệp của lịch sử

Loại tượng “thiêng” thường là có hai nhóm, thứ nhất là tượng tôn giáo và thứ hai là tượng các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân, các sự kiện lịch sử. Ở nhóm tượng tôn giáo thường thấy như Đức Mẹ, Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Phật Di Lặc... hầu như không có sáng tạo gì mới mà chỉ là những khuôn mẫu có sẵn; những tượng gây được mỹ cảm chủ yếu là do được đặt ở vị trí đắc địa và được phông nền xung quanh tôn lên như tượng Đức Mẹ ở trước các nhà thờ lớn. Tượng Phật đẹp và linh diệu không phải ở chỗ to hay nhỏ, đứng hay nằm, thếp vàng hay sơn đỏ mà nó thiêng bởi được đặt trong một bối cảnh truyền thống, thường là ở trong điện, ở những nơi xa chợ búa thương trường, xa giao lộ ồn ào, ở nơi tĩnh lặng có nhiều cây xanh, mặt nước, ao sen. Nhưng rất tiếc là mấy năm gần đây hiện tượng chùa mặt tiền, tượng Phật đặt nơi công cộng đã làm hỏng mất sự linh thiêng này. Nhiều nơi đua nhau làm sao có tượng Phật “to nhất nước”, “lớn nhất Đông Nam Á” để được ghi vào kỷ lục và dụ khách du lịch, có chùa mới xây đặt tượng Phật Di Lặc to nghễu nghệu ngay trên nóc chùa với chiều cao bằng tòa nhà hai tầng, có chùa đặt cùng lúc nhiều tượng Phật ngay liền kề đại lộ ở cửa ngõ thành phố trông rất phản cảm.


Nhóm tượng “thiêng” thứ hai ở Việt Nam chủ yếu là tượng các sự kiện lịch sử, tượng lãnh tụ. Thực lòng mà nói, những tượng này không gây được ấn tượng thị giác và nhiều cái rất xấu. Nhóm những tượng sự kiện ná ná giống nhau mà người ta gọi nôm na là tượng “phong trào”. Nếu là tượng “công nông binh”, bao giờ cũng có “nam phụ lão ấu” cùng súng gươm, giáo mác, liềm búa, lúa, cá... Nếu là tượng “chiến công” thì mười mươi là súng AK, B40, mũ tai bèo, quốc kỳ. 

Tượng lãnh tụ cũng rơi vào cảnh tương tự, thậm chí với tượng lãnh tụ không còn khái niệm sáng tác mà là “đúc” theo khuôn và đóng gói gửi về cho từng địa phương.

Một điều ai cũng thấy là đất nước ta không có truyền thống văn hóa tượng đài, nhất là tượng hoành tráng, bằng chứng là khi nhìn tượng phác thảo ở tỷ lệ nhỏ thì coi hay hay nhưng phóng to mới thấy nó xấu và thô kệch như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài mẹ Thứ... Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính ngăn cản chúng ta phát triển nó trong thời hiện đại và toàn cầu hóa. Vấn đề là ở chỗ chúng ta xây dựng nó như thế nào.

Với loại tượng đài hoành tráng về các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân, các thánh nhân huyền thoại thì sự đánh giá chúng không phải chỉ thuần túy về mặt mỹ học hay ấn tượng tạo điểm nhấn không gian mà điều quan trọng, nếu không nói quan trọng nhất, là chúng phải truyền được thông điệp gì và mang lại cảm hứng sống như thế nào cho các thế hệ muôn đời con cháu mai sau. Hiện nay, thực tế không bác bỏ được là đứng trước các tượng đài hoành tráng của Việt Nam thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng trầm trồ “to thế, cao thế” và than trời là “sao nhiều tiền thế”, rồi không nhớ gì về nó cả!

Thời trẻ, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam khi học ở Liên Xô, bị chinh phục hoàn toàn bởi các tượng đài hoành tráng trên khắp đất nước Xô Viết bao la. Đứng trước tượng đài vĩ đại “Mẹ tổ quốc”, tượng đài những chiến sĩ hồng quân đầu tiên ngã xuống tại pháo đài Brest giáp biên giới Ba Lan, tượng đài “Ngọn lửa vĩnh cửu” không bao giờ tắt để nhắc nhở loài người nhớ về những chiến sĩ vô danh đã ngã xuống cho sự sống nhân loại thì ngoài sự thán phục vẻ đẹp và sự hoành tráng, người ta không thể không có những phút suy tư về chiến tranh và hòa bình, cuộc sống và cái chết, sự cao thượng và hèn mọn, về thân phận con người...

Tôi đã đứng lặng rất lâu để ngắm những tượng đài các vị anh hùng dân tộc được dựng ở Seoul. Bất cứ người dân Hàn nào đi qua cũng ngả mũ chào, nhiều người dừng lại rất lâu với vẻ trầm tư mặc tưởng, hoa tươi lúc nào cũng có dưới chân tượng của những người tự nguyện dâng tặng. Tôi cũng đau quặn lòng khi phủ phục xuống dưới chân tượng đài tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại công viên Hòa bình Nagasaki để cảm nhận tận cùng sự mỏng manh phận người trước sức mạnh công nghệ mà chính con người sản sinh ra. Tôi tự hỏi ở Việt Nam có được bao nhiêu bức tượng khiến người ta phải tự vấn, tự suy ngẫm về thời cuộc? Bao nhiêu bức tượng khi ngắm ta được tiếp thêm sức mạnh từ cha ông bởi lòng tự hào về một dân tộc có sức sống mãnh liệt? Một nước nhỏ luôn phải đối mặt với những thế lực lớn hơn bội lần và chưa bao giờ từ bỏ ý định bắt dân tộc ta khuất phục rất cần những tượng đài vật chất làm thông điệp bất hủ truyền dạy cho các thế hệ muôn đời những bài học lịch sử mạnh mẽ nhất, sống động nhất.

Một tượng đài trong công viên Hòa Bình Nagasaki (Nhật). Ảnh TL


Mới đây thôi, trong những ngày biển Đông dậy sóng, tôi đã đi khắp đất nước và thành phố này để tìm những thông điệp vật thể như thế và tự hỏi bao giờ tượng các thánh nhân mới xuất hiện, hay là không bao giờ?

TS. Nguyễn Minh Hòa, Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM; thành viên Hội đồng Quy hoạch và kiến trúc của TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét