- Gửi tiền đa cấp dễ trắng tay

Hầu hết công ty huy động vốn theo dạng đa cấp đều nhắm vào người hưu trí, người lớn tuổi và làm ăn theo kiểu lấy tiền người sau trả cho người trước.



Phiếu thu tiền của Công ty Kim Mỹ, trong đó có giới thiệu văn phòng tại quận 1, TP.HCM, nhưng Chi cục Thuế quận này khẳng định không công ty nào có tên Kim Mỹ tại địa chỉ trên – Ảnh: A.H.

Xung quanh câu chuyện “Mất ngủ vì gửi tiền đa cấp”, nhiều chuyên gia khẳng định không có bất cứ ngành nghề nào có lợi nhuận khủng theo kiểu “làm giàu không khó” như quảng cáo của nhiều công ty huy động vốn theo hình thức đa cấp.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo hình thức này vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở, lôi kéo người nhẹ dạ cả tin bằng những quảng cáo có cánh.

Lấy tiền người sau trả cho người trước

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết hầu hết công ty huy động vốn theo dạng đa cấp đều nhắm vào người hưu trí, người lớn tuổi là đối tượng thường có thu nhập hạn hẹp, lại ít nắm bắt các thông tin để dụ dỗ.

“Phương thức thuyết phục của các công ty huy động vốn đa cấp về lý thuyết có vẻ có lý, vẽ ra cho người chơi lợi ích tưởng chừng rất rõ ràng. Do vậy những người lớn tuổi thường rất dễ bị thuyết phục, trong khi với người biết phân tích thì câu chuyện này nghe rất hoang đường” – ông Toại nói.

Theo ông Toại, không có loại hình đầu tư nào có thể thu lợi nhuận gấp trăm gấp ngàn lần như các công ty huy động vốn đa cấp này quảng bá.

Thực chất các công ty này chẳng đầu tư kinh doanh gì, chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước. Vòng quay này tiếp tục đến khi không thể chiêu dụ thêm người hoặc chủ công ty ôm tiền bỏ trốn. Khi đó phần thiệt hại sẽ rơi vào những nhà đầu tư, đặc biệt những người tham gia sau.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng những công ty mà quảng cáo chỉ bỏ tiền một lần rồi hưởng lãi suất cao gấp hàng trăm lần ngân hàng, hưởng mãi mãi là những loại hình kinh doanh mang tính chất lừa đảo. “Họ đánh vào chính lòng tham của nhà đầu tư, chứ trong thực tế làm gì có loại hình kinh doanh tiền mà đẻ ra tiền với tốc độ kinh khủng như vậy” – ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, lừa đảo dưới dạng huy động vốn từng diễn ra ở nước ngoài và rất nhiều người đã mất vốn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh nói hình thức biến tướng huy động vốn theo kiểu lách luật hiện nay rất phổ biến và dưới nhiều dạng, không chỉ tiền tệ mà còn tiền ảo, gian hàng ảo…

Với kiểu lách luật này, nhà đầu tư lãnh đủ vì giá trị hàng hóa bị thổi lên, đến khi bể ra thì công ty nói đã giao hàng, bằng chứng là có phiếu thu, đơn hàng… Hơn nữa, các công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm trên số vốn đăng ký dù huy động đến vài trăm tỉ là bình thường.

Chỉ có thể là lừa đảo

Luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc bịa ra các đơn hàng để huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. “Huy động vốn của nhiều người mà chỉ cấp phiếu thu, biên nhận thì pháp luật không thừa nhận và nhà đầu tư không phải thành viên của doanh nghiệp đó. Đây chỉ là hình thức nhà đầu tư cho doanh nghiệp mượn tiền” – ông Thạnh nói.

Cũng theo ông Thạnh, các phiếu thu, đơn đặt hàng chỉ có giá trị pháp lý đối với doanh nghiệp đó. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng chi trả, nhà đầu tư coi như mất toàn bộ. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng chỉ 6-7%/năm.

Nếu bỏ tiền vào chỗ mà sinh ra lời trên 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng cũng là chuyện khó rồi, còn quảng cáo lãi từ gấp 4 lần ngân hàng thì có khả năng lừa đảo vì không có loại hình nào làm ăn thu lãi khủng như vậy. Huống hồ những công ty huy động vốn đa cấp quảng cáo lãi suất lên đến vài trăm phần trăm.

“Nhà đầu tư phải có thước đo lợi nhuận, từ đó có cơ sở để phân tích và đưa ra quyết định bỏ vốn hay không. Mặt khác, phải tìm hiểu nguồn gốc, giấy phép, tính pháp lý… của doanh nghiệp để kiểm chứng thông tin, không nên chỉ tin theo những gì các công ty đa cấp quảng cáo. Cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc dẹp tình trạng này” – ông Hiếu nói.

Hoạt động 4 năm, đổi tên 7 lần

Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội cho biết kể từ thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 21-6-2011, đến nay Công ty Kim Mỹ đổi tên đến bảy lần.

Trong đó, lần đổi tên mới nhất vào ngày 26-10-2015 với tên là Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Kim Mỹ, vốn điều lệ đăng ký là 20 tỉ đồng, chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Hạnh Toan (sinh năm 1978) và người đại diện theo pháp luật là ông Hồ Việt Hùng (chức danh giám đốc).

Để tìm hiểu thêm về công ty này, chúng tôi tìm đến “trụ sở chính” được đăng ký trong giấy phép là “đường 179, thôn Gia Cốc, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội”, nhưng nhiều người dân địa phương cho biết “đường 179 qua địa phận thôn Gia Cốc không thấy có công ty nào trưng biển tên như vậy”.

http://www.baomoi.com/Gui-tien-da-cap-de-trang-tay/c/18192478.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét