Sau mức án 7 năm tù giam cho anh Võ Văn Minh, không ít ý kiến độc giả bày tỏ bức xúc, kêu gọi đòi tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát và gắn cho thương hiệu sản phẩm của Tân Hiệp Phát với hình ảnh con ruồi.
“Tòa đã không dám chắc về tính đúng đắn của vụ án này nên phải tuyên theo kiểu thỏa hiệp như vậy”
Chiều 18/12, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với Võ Văn Minh (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Minh đã dùng chai nước ngọt Number 1 chứa con ruồi bên trong để uy hiếp tinh thần của Tân Hiệp Phát, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.
Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng kết luận, hành vi của ông Minh đã cố ý xâm phạm đến quyền tài sản, gây mất ổn định xã hội, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
Theo hội đồng xét xử, xét ông Minh chưa có tiền án tiền sự, chưa gây ra thiệt hại, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt nên đã quyết định tuyên phạt ông Minh 7 năm tù.
Trước mức án được Hội đồng xét xử đưa ra, LS. Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú nhận định: “Qua 2 ngày xét xử sau khi Viện Kiểm sát đề nghị 12 – 13 năm tù, tòa tuyên án 7 năm tù. Việc này không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi mấy”.
Theo LS.Tú, khung hình phạt cho tội “cưỡng đoạt tài sản” là 12 – 20 năm, nếu tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ bằng nhau thì tuyên khoảng 14-16 năm. Tình tiết tăng nặng nhiều thì mức án khoảng 18 -20 năm, tình tiết giảm nhẹ nhiều thì khoảng 12-14 năm.
“Trong vụ án này tôi không thấy có tình tiết giảm nhẹ nào ngoại trừ việc anh Minh phạm tội lần đầu, nhân thân tốt. Nhưng tình tiết đó không nhìn ra căn cứ nào để tòa tuyên 7 năm.
Hôm qua có người hỏi tôi, với mức 12 – 20 năm thì tòa sẽ tuyên khoảng bao nhiêu trong số đó, tôi nói luôn ‘Tòa sẽ không tuyên trong khung, chắc chắn mức rất nhẹ ngoài khung đó’. Với mức tuyên 7 năm, tôi cho rằng tòa đã không dám chắc về tính đúng đắn của vụ án này nên phải tuyên theo kiểu thỏa hiệp như vậy”, LS. Tú cho biết.
Bình luận dưới bài viết độc giả Nguyễn Thu Trang viết: “Đến giờ việc xác định con ruồi tại sao có trong chai nước vẫn chưa được làm sáng tỏ nên không thể nói anh Minh ‘cưỡng đoạt tài sản’, mức án 7 năm nằm ngoài khung tội ‘cưỡng đoạt tài sản’”.
Quan tâm đến chất lượng sản phẩm, độc giả Nguyễn Loan cho rằng: “Con ruồi không do ông Minh bỏ vào, do đó phải xem lại quy trình sản xuất của Tân Hiệp Phát”.
“Bản án chung thân” cho Tân hiệp Phát
Ngay sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên mức án 7 năm cho ông Võ Văn Minh, trên khắp diễn đàn mạng xã hội, dưới các bài viết trên các tờ báo có hàng trăm coment chia sẻ của độc giả.
Theo đó, rất nhiều ý kiến cho rằng: Khi tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên án Võ Văn Minh 7 năm tù trong vụ án “con ruồi 500 triệu” thì đó cũng là một “bản án chung thân” cho thương hiệu Number 1 – Tân Hiệp Phát trong lòng người tiêu dùng.
Không ít ý kiến độc giả bày tỏ bức xúc, kêu gọi đòi tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát và gắn cho thương hiệu sản phẩm của Tân Hiệp Phát với hình ảnh con ruồi.
Nêu quan điểm của mình, ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cho rằng: “Án tù 7 năm cho Võ Văn Minh cũng là “án chung thân” cho Tân Hiệp Phát trong tâm trí người tiêu dùng vì cái gì đầu tiên sẽ ấn tượng mạnh. Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đầu tiên khiến cho người tiêu dùng phải vào lao tù vì đã tố chất lượng sản phẩm”.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, trong marketing và cuộc sống, tương phản thường được sử dụng như hệ quy chiếu và ngẫu nhiên Tân Hiệp Phát là cực xấu của suy nghĩ người tiêu dùng.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, trong marketing và cuộc sống, tương phản thường được sử dụng như hệ quy chiếu và ngẫu nhiên Tân Hiệp Phát là cực xấu của suy nghĩ người tiêu dùng.
“Ruồi chứ không phải là vật lạ – các bạn cần nhớ vụ án này liên quan tới ruồi chứ không phải là vật lạ, đối với thực phẩm ruồi là một cái gì đó tối kỵ không thể nào tồn tại song song. Sản phẩm ngày càng sạch xanh và rõ ràng vụ ruồi này là đi ngược với xu hướng tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng. Cái gì đi ngược xu hướng thì sẽ phá sản và rất gay go”, ông Tuấn Anh phân tích.
Về biểu tượng, vụ án ruồi – Tân Hiệp Phát và Võ Văn Minh không chỉ là giữa hai chủ thể mà nó đã thành biểu tượng giữa thực phẩm bẩn/người tiêu dùng vì thế xử lý nó cần phải suy nghĩ thấu triệt và sâu sắc hơn nhiều.
Ông Vũ Tuấn Anh cũng nhận định, thời điểm xét xử vụ án hoàn toàn bất lợi cho Tân Hiệp Phát bởi nguyên tắc xử lý khủng hoảng là từ to thành nhỏ và không có, không nên kéo dài theo thời gian. Bản án 7 năm được tuyên cho Võ Văn Minh vào đúng tháng 12, tháng cuối cùng trong năm và chỉ còn vài tuần tới mùa tiêu thụ sản phẩm nước giải khát cao điểm nhất của năm.
“Kết thúc phiên tòa, mặc dù nắm phần thắng nhưng Tân Hiệp Phát vô tình tự biến mình trở thành một biểu tượng không hoàn thiện trong tâm trí người tiêu dùng”, ông Vũ Tuấn Anh viết.
Chia sẻ dưới bài viết của ông Vũ Tuấn Anh, nickname Thuphuong đồng tình: “7 năm tù sẽ nhanh chóng qua, ông Minh rồi sẽ về với gia đình nhưng ‘mức án’ trong lòng người tiêu dùng dành cho Tân Hiệp Phát là mãi mãi. Tân Hiệp Phát sẽ không lấy lại được niềm tin người tiêu dùng”.
Ở góc nhìn khác, Blogger Nguyễn Ngọc Long trên trang cá nhân cho rằng, sau bản án 7 năm dành cho ông Minh cái tên Tân Hiệp Phát sẽ được người tiêu dùng nhớ mãi với những ấn tượng về một thương hiệu đưa người tiêu dùng vào cảnh lao tù.
Dưới chia sẻ của Blogger Nguyễn Ngọc Long, rất nhiều coment nhận định, “bản án lương tâm” mà Tân Hiệp Phát phải trả còn lớn hơn gấp nhiều lần 7 năm tù của ông Minh. Trước mắt Tân Hiệp Phát thắng kiện nhưng sẽ thua về thương hiệu, uy tín trong tâm trí người tiêu dùng.
Theo giaoduc.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét