Tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (tháng 7/2015), ông Trần Thọ với cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã rất quyết liệt buộc tháo dỡ biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân. Nay vẫn đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP, sao ông lại nói khác?
Như tin đã đưa, tại buổi làm việc chiều 26/11 với quận Liên Chiểu về vụ biệt phủ trái phép của “đại gia vàng” Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân, ông Trần Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ (TTCP), Tổ trưởng Tổ công tác của TTCP đã tiết lộ: “Ngày 17/11, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn 9105/UBND-NCPC báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND TP cho ý kiến chỉ đạo theo hướng tạm dừng việc xử lý vào thời điểm 30/11 để chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và TTCP”.
Như Infonet đã phân tích, điều đó cho thấy, từ trước khi Tổ công tác của TTCP vào Đà Nẵng rà soát vụ việc thì lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND TP Đà Nẵng đã có ý "đồng lòng" việc xử lý vào thời điểm 30/11. Sự "đồng lòng" này được thể hiện rõ tại Công văn 9381/UBND-NCPC ngày 28/11 của UBND TP Đà Nẵng gửi quận Liên Chiểu, thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý tháo dỡ khu biệt phủ trái phép này cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng TTCP.
Nói một đằng…
Điều này khiến dư luận hết sức ngạc nhiên, bởi trước đó, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (tháng 7/2015), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Tại cuộc họp hôm 1/7 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản chính thức trả lời không giải quyết đơn kiến nghị của ông Ngô Văn Quang và buộc ông phải tháo dỡ khu biệt phủ xây dựng trái phép trên núi Hải Vân”.
Cũng ngay tại kỳ họp này, HĐND TP Đà Nẵng cũng đã ra Nghị quyết buộc tháo dỡ khu biệt phủ trái phép của ông Quang trên núi Hải Vân, chậm nhất vào cuối tháng 8/2015 (sau đó UBND TP Đà Nẵng có công văn 6223/UBND-NCPC ngày 7/8 cho phép gia hạn đến hết ngày 30/11, nếu ông Quang không tự tháo dỡ thì sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ).
Công luận vẫn nhớ rõ những chất vấn của ông Trần Thọ, vào thời điểm đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng về vụ việc này: “Phát hiện ra từ năm 2010 tại sao không kiên quyết xử lý ngay từ đầu mà để bây giờ người ta xây lên cả khu biệt phủ to lớn như thế rồi mới xúm vô giải quyết? Tại sao cùng một địa bàn, cùng một sự việc mà với một cựu chiến binh thì tháo dỡ cái rẹt, còn với trường hợp này họ gửi đơn lên TP xin, TP chưa đồng ý, dưới đó họ vẫn làm mà mình không biết?”.
Ông Trần Thọ cũng nêu rõ, trong vụ xây dựng biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang thì việc ông Phan Như Thạch nhận hợp đồng giao khoán đất trồng rừng nhưng lại chuyển nhượng cho người khác để xây dựng trái phép là không đúng quy định tại Nghị định 01/CP của Chính phủ. “Đây là việc làm sai, hoàn toàn không đúng!” – ông Trần Thọ từng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, ông Trần Thọ xác định “việc UBND TP Đà Nẵng chính thức có văn bản không đồng ý với kiến nghị của ông Ngô Văn Quang xin cho tồn tại khu biệt phủ xây dựng trái phép và xử lý buộc tháo dỡ là vừa cân nhắc, vừa thận trọng, xử lý đúng quy định pháp luật, không bao che nhưng cũng không nôn nóng quyết định nên tránh được việc đã sai rồi, nếu xử lý không khéo sẽ càng sai thêm”.
Đồng thời ông Trần Thọ dứt khoát yêu cầu các cấp chính quyền, nhất là quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, Chi cục Kiểm lâm, Sở TN-MT và các ngành hữu quan vận động hộ vi phạm tự giác tháo dỡ hoặc dùng biện pháp hành chính một cách nghiêm minh để tháo dỡ ngay, kết thúc chậm nhất là cuối tháng 8/2015, không để kéo dài thêm nữa. 100% đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết đồng tình với kết luận này của ông Trần Thọ và đưa vào Nghị quyết kỳ họp.
...làm một nẻo?
Như vậy có thể thấy, khi còn trên cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ông Trần Thọ đã rất quyết liệt trong việc buộc tháo dỡ biệt phủ trái phép của ông Quang trên núi Hải Vân để thượng tôn pháp luật và lấy lại lòng tin của nhân dân. Nay vẫn đang đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP, hơn ai hết, lẽ ra ông Trần Thọ phải là người đầu tiên bảo vệ Nghị quyết đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại một kỳ họp do chính ông chủ trì.
Sự quyết liệt đó của ông Trần Thọ đã được 100% đại biểu HĐND TP Đà Nẵng biểu quyết đồng tình đưa vào Nghị quyết kỳ họp. Nay tại sao ông Trần Thọ lại nói khác đi? (Ảnh: HC) |
Nếu có sự kiên quyết đó, chưa chắc UBND TP Đà Nẵng đã ra được Công văn 9381/UBND-NCPC. Thế nhưng như đã nêu trên, chính ông Trần Thọ nay lại “đồng lòng” để UBND TP Đà Nẵng ra công văn này gửi UBND quận Liên Chiểu, thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo dỡ khu biệt phủ trái phép này cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng TTCP! Tại sao lại có sự “tiền hậu bất nhất” như vậy?
Báo Tiền phong ngày 1/12 (bài “Biệt phủ trái phép trên rừng Hải Vân: Câu giờ chờ 'giải cứu'?”) đã đăng ý kiến của ông Trần Thọ về sự đổi thay này: “Theo nguyên tắc, Nghị quyết HĐND ban ra thì phải thi hành, tuy nhiên, khi cấp TƯ có ý kiến chỉ đạo rà soát lại thì địa phương phải chấp hành. Thủ tướng có quyền hủy bỏ Nghị quyết của HĐND TP”.
Cũng theo báo Tiền phong, ông Trần Thọ cho rằng, về nguyên tắc Nghị quyết đã ban hành thì phải thực hiện, tuy nhiên khi người dân có khiếu nại ra TƯ và Thủ tướng yêu cầu lập đoàn rà soát, báo cáo lên Chính phủ thì TP phải chấp hành. “Nghị quyết là thế, nhưng nếu sau khi thanh kiểm tra, các ban ngành TƯ nhận thấy có thể giữ lại, tăng lợi ích cho địa phương, cho người dân và quyết định không tháo dỡ thì TP phải chấp hành thôi” – ông Thọ đưa ý kiến trên báo Tiền Phong.
Tự ý gật đầu hay lấy ý kiến tập thể Thường trực HĐND TP?
Những phát biểu này của ông Trần Thọ đã bị chính những người đã, đang giữ trọng trách trong Thường trực HĐND TP Đà Nẵng phản bác lại.
Trả lời báo Pháp luật TP.HCM (trong bài “Nếu không tháo dỡ biệt phủ 100 tỉ trái phép: Đà Nẵng sẽ mất mặt!” ngày 3/12), ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng (nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) nói thẳng: "Không thể làm theo kiểu “gậy ông lại đập lưng ông” như thế. Ông ra nghị quyết rồi thì không thể cứ “sớm nắng chiều mưa” quay lại phủ nhận nó. Nếu các đại biểu làm việc vì cái chung thì không thể làm khác. Trừ khi nghị quyết đó trái luật, song điều này là không có!”.
Trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Huỳnh Nghĩa nêu rõ: “Nghe nói TTCP vào để giải quyết đơn thư, trong đó có liên quan đến biệt thự này nên UBND TP Đà Nẵng mới ra công văn tạm dừng tháo dỡ. Nhưng đây là điều vô lý. TTCP không thể cao hơn nghị quyết của HĐND TP. TTCP là cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Việc này chỉ có Thủ tướng khi xét thấy nghị quyết trái pháp luật thì Thủ tướng đề nghị dừng. Đến nay Thủ tướng chưa có ý kiến thì nghị quyết vẫn có hiệu lực, phải được thi hành. TTCP không có quyền tạm dừng thi hành nghị quyết của HĐND TP!”.
Ông Nguyễn Nho Trung, người vừa lên thay ông Huỳnh Nghĩa làm Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng nhấn mạnh trên báo Pháp luật TP.HCM: “Nghị quyết của HĐND TP phải được chấp hành nghiêm túc. Thủ tướng có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh nếu nó trái với Hiến pháp và trái luật, nhưng Thủ tướng phải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ nghị quyết này. Ngoài ra, thẩm quyền bãi bỏ nghị quyết của HĐND TP phải do chính HĐND đó thực hiện”. Và ông Trung xác định: “Quan điểm của HĐND TP Đà Nẵng là nghị quyết về việc tháo dỡ biệt phủ trái phép của ông Quang phải được thực hiện nghiêm, nếu không thì các nghị quyết sau này sao dân tin được? Đến giờ này, nghị quyết về biệt phủ không phép chưa có cái gì sai cũng chưa ai khẳng định sai nên nó còn hiệu lực, phải được thực hiện nghiêm túc. HĐND TP đã giao UBND TP phải thực hiện theo đúng pháp luật và có giải trình tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tới đây. Dư luận yên tâm là nghị quyết sẽ được thực hiện nghiêm”.
Theo tiết lộ của Phó Cục trưởng Cục II TTCP, Tổ trưởng Tổ công tác của TTCP Trần Văn Hồng thì công văn 9105/UBND-NCPC của UBND TP Đà Nẵng được gửi cho Thường trực HĐND TP Đà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo theo hướng tạm dừng xử lý. Thường trực HĐND TP Đà Nẵng hiện có 3 người là Chủ tịch Trần Thọ, Phó Chủ tịch Nguyễn Nho Trung và Ủy viên Thường trực Phan Thị Thúy Linh. Nhưng với ghi nhận nêu trên thì rõ ràng ý kiến của ông Trần Thọ và ông Nguyễn Nho Trung về vụ việc này rất khác biệt. Chưa kể ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Nghĩa cũng hoàn toàn đối lập.
Vậy thì ông Trần Thọ có đưa công văn xin chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng ra tập thể Thường trực HĐND TP xem xét cho ý kiến, hay là chỉ tự mình gật đầu đồng ý theo kiểu “tiền hậu bất nhất”, để rồi HĐND TP Đà Nẵng có thể sẽ rơi vào cảnh “gậy ông đập lưng ông” như ông Huỳnh Nghĩa đã cảnh báo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét