- Từ cá trê ‘chui mộ’ đến nghĩa địa đầy… rau muống

Ngày bốc mộ ông, cả nhà tôi đã bạt vía khi nắp áo quan bật lên, bên trong là một đàn cá trê vàng ruộm bò lúc nhúc.

Chuyện kể rằng, vào một đêm cuối năm, cả họ nhà tôi đều túc trực tại khu nghĩa địa của làng để sang cát cho ông.
Khi lớp đất cuối cùng được xúc đi, áo quan lộ ra thì cũng là lúc có những âm thanh lục đục phát ra từ dưới đất.
Giữa đêm khuya lạnh lẽo, đồng không mông quạnh, cả nhà tôi đều tim đập chân run, nín thở nép vào nhau.
Sau một thời gian bất động để xem động tĩnh từ trong áo quan, bác trưởng họ mới lấy hết sức bình sinh, run run ra lệnh cho đấng trượng phu trong họ bật nắp áo quan lên để xem trong đó có gì.
Và sau khi mọi người tản ra thành một vòng tròn lớn quanh mộ, ông cụ xắn tay áo vào từ từ mở nắp áo quan. Sau khi cỗ ván được lật, ông kêu lên thất kinh.
Dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng-sông, một đàn cá trê vàng rộm bò lúc nhúc trong quan tài.
Sau khi lấy hết can đảm đưa đàn cá lên khỏi mộ huyệt, mọi người mới phát hiện phần đáy của chiếc quan tài bị đục ruỗng. Đây chính là nguyên nhân mà đàn cá trê có thể chui vào và làm tổ ở đây.
Từ ngày đó, cả họ hàng nhà tôi, từ lớn tới bé, từ già tới trẻ, không một ai dám ăn cá trê nữa.
Còn về bản thân tôi thì khỏi phải nói. Tôi thà chết đói chứ không bao giờ ăn một miếng cá trê nào.
Mặc dù nhiều lần được các chị ngoài chợ chào mời đon đả là cá trê nuôi nhưng những hình ảnh năm nào lại hiện lên khiến tôi vẫn còn dựng tóc gáy.
Đó là chuyện của nhiều năm về trước. Nhưng gần đây, khi chuyển về sống tại khu nhà mới, hình ảnh ghê rợn năm nào lại ‘bật dậy’ trong tâm thức của tôi. Bởi nhẽ, gần nhà tôi là một khu nghĩa địa.
Ở cái nơi đáng lẽ chỉ dành cho người đã khuất đó, người sống ra vào, sinh hoạt rôm rả không khác gì nơi dành cho riêng họ.
Điều đáng nói, họ trồng rau muống ở đó – ngay trong khu nghĩa trang, sát với các ngôi mộ.
Rau muống ở đây cứ xanh mơn mởn. Những ngôi mộ đều được bao kín xung quanh bởi rau muống. Những bờ bao cũng là đường đi lại được phủ bằng những chiếc chăn, mền, đệm… bỏ đi của người đã khuất sau khi chôn cất.
Có những buổi xế chiều khi đi làm về, tôi lại thấy những đám khói nhỏ bay ra từ các ngôi mộ.
Khi hồn vía tôi vẫn đang lơ lửng, thì lại thấy bóng người nhảy phắt ra từ những ngôi mộ nhấp nhô đó. Hóa ra là họ phát quang cỏ quanh các ngôi mộ để lấy thêm chỗ trồng rau.
Thậm chí, có những ngôi mộ đắp sơ sài bằng đất, nhiều bà nhiều chị cũng thả hạt giống xuống đó để… mở rộng diện tích.
Quanh khu nghĩa địa có những con mương nhỏ với nguồn nước đen sì, hôi thối, đứng cạnh bốc mùi nồng nặc. Nhưng ôi thôi, rau muống ở khu này đều được tưới tắm bằng nguồn nước cực kỳ ô nhiễm đó.
Hàng ngày khi ra đến chợ, cầm bó rau muống trên tay, lại nhớ tới hình ảnh các chị các bà sớm sớm hái rau từ khu nghĩa địa đem ra chợ bán, tôi lại rùng mình.
Rùng mình vì không biết thứ rau này đã ngấm trong nó những tạp chất gì, cũng giống như tôi đã rùng mình khi nhìn thấy đàn cá trê béo tròn lăn lẳn tại huyệt mộ năm nào. Chẳng nhẽ tôi lại cự tuyệt với rau muống!
Đem chuyện kể lại với bạn bè, ai cũng bảo tôi dở người mà toàn thắc mắc cái không đâu.
‘Khuất mắt trông coi thôi bạn ơi, giờ ai biết người ta ngâm gì, phun gì vào thực phẩm hằng ngày. Nếu sợ như thế tốt nhất là đừng ăn nữa’.
Nhưng tôi không thể không ăn, cũng không thể không quan tâm đến sức khỏe của mình. Vì tôi bỏ tiền ra mua thì cũng phải cho tôi quyền thắc mắc, đâu phải tôi đi xin để họ đưa gì cũng phải chấp nhận như thế. Nhưng tôi biết hỏi ai, thắc mắc với ai bây giờ.
Nhiều lần trên đường đi, tôi thấy người ta treo đầy khẩu hiệu: ‘Hãy là người tiêu dùng thông thái’, ý là tôi hay bất kỳ người nào khác cần có sự khôn ngoan trong việc lựa chọn hàng hóa. Tuy nhiên, tôi tự đánh giá mình không có đủ khả năng đó.

Sở dĩ tôi ‘thề sống thề chết’ không ăn cá trê, ăn rau muống nghĩa địa là vì tôi đã trực tiếp, tận mắt nhìn thấy chúng như thế nào, còn muôn vàn những thứ khác, tôi không có đủ 3 đầu 6 tay để đến tận nơi, truy tận nguồn gốc chúng xuất xứ ở đâu.
Giữa mê hồn trận của hàng trăm hàng nghìn chủng loại mẫu mã, người mắt thường như tôi làm sao có thể biết đằng sau chúng chứa những thứ độc hại ghê rợn gì.
Dù sao cuộc sống vẫn đang tiếp diễn và tôi cần phải ăn để tiếp tục sống. Và cũng thay vì để các nhà quản lý thúc giục người dân ‘hãy thông thái’ đi, tôi tự cứu mình bằng cách tự trồng rau và nuôi cá trên sân thượng.
Ra chợ, thấy những rau gì cứ mơn mởn, cá gì cứ tròn lăn lẳn là tôi ‘một đi không trở lại’. Gà qué tôi toàn nhờ người ở dưới quê nuôi giúp, mặc dù giá cả đắt hơn 1 chút nhưng có tâm lý an toàn.
Tôi cũng đánh giá được là mình may, vì sẽ có người không có họ hàng ở quê hay có điều kiện như tôi để tự trồng rau, nuôi cá.
Và cũng từ ngày tự biết lo cho bản thân mình, mỗi lần đi qua khu nghĩa địa ngập tràn rau muống, tôi lại tự đặt câu hỏi: ‘Liệu trên mâm cơm của các nhà quản lý thông thái có món rau muống này không?’

* Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả.
Nguồn:http://www.phapluatso.com/chuyen-tra-da-tu-ca-tre-chui-mo-den-nghia-dia-day-rau-muong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét