Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở ở Trung Quốc không ngại sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc cho chất cấm vào thực phẩm. Điều này đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng.
Gạo giả, gạo nhiễm độc
Theo thông tin từ tuần báo Weekly Hong Kong vào năm 2011, gạo giả được bán tràn lan trên thị trường Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây).
Gạo giả được làm từ hỗn hợp gồm khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp resin. Loại nhựa resin này vô cùng độc hại với cơ thể con người. Được biết, ăn ba bát gạo nhựa tương đương với việc ăn cả một túi nilon vào bụng.
Ngoài gạo giả, người tiêu dùng Trung Quốc còn phải đối mặt với những loại gạo thật có chứa chất độc. Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho thấy 10% gạo được bán tại đất nước này có lượng cadmi vượt ngưỡng cho phép. Đây là chất có thể gây ung thư, suy thận, suy hô hấp và bệnh về xương. Khi được hấp thụ vào cơ thể con người, chất này có thể tồn tại đến 30 năm.
Nguyên nhân gạo bị nhiễm độc là vì được trồng trên những vùng đất ô nhiễm do tình trạng khai thác khoáng sản, đồng thời do ảnh hưởng của các hoá chất thải ra môi trường.
Thịt, cá giả
Năm 2012, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện trên thị trường đang có bán tai lợn giả. Loại tai lợn này được làm từ gelatin và natri oleate. Natri oleate là loại hoá chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Tiếp đó, người ta lại phát hiện thịt bò giả được làm từ thịt lợn tẩm ướp "hương liệu thịt bò". Chỉ cần ướp thịt lợn với hoá chất này trong khoảng 1 giờ là tạo ra được loại thịt giống hệt thịt bò, mắt thường rất khó phân biệt. Người ta cũng sử dụng cách này để biến thịt lợn thành thịt cừu.
Đầu năm 2013, một người dân ở thành phố Nam Kinh mua phải một loại cá ngân giả. Ông này cho biết con cá có độ dai hơn bình thường, dùng tay bóp không nát, phải kéo mạnh mới đứt, thậm chí ngửi không thấy mùi tanh của cá. Khi được hơ trên lửa, đuôi cá nhanh chóng bị teo lại trong khi thân cá hầu như không biến đổi.
Được biết, những loại hoá chất và phụ gia dùng để làm giả thịt động vật đều chứa nhiều chất độc hại nguy hiểm đến sức khoẻ của con người.
Sữa chứa chất gây ung thư
Trong những năm qua, cơ quan chức năng Trung Quốc nhiều lần phát hiện các loại sữa nội địa chứa chất cấm.
Cụ thể, năm 2008, sữa nhiễm melamine làm 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 em khác mắc bệnh. Melamine là chất thường được sử dụng để sản xuất nhựa tổng hợp, keo dán và phân bón hoá học. Melamine có thành phần khá giống protein nên người ta cho chất này vào sữa để tăng hàm lượng proteine trong sữa, qua đó giảm giá thành sản xuất.
Năm 2012, một loại sữa bột cho trẻ sơ sinh bị phát hiện có hàm lượng thuỷ ngân cao bất thường. Thuỷ ngân trong sữa sẽ gây nguy hại đến thận, gan và não của người uống. Chỉ 0,1 gam thuỷ ngân có thể giết chết 1 đứa trẻ.
Ngoài melamine và thuỷ ngân, độc tố aflatoxin cũng được phát hiện trong một nhãn sữa ở Trung Quốc. Đây là loại độc tố được sinh ra trong quá trình nấm mốc tấn công, có khả năng gây ra bệnh ung thư gan, thận và bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh mục chất gây ung thư hạng A.
Trái cây chứa virus viêm gan A, hạt dưa, hạt hướng dương chứa chất làm teo não
Khoảng 450.000 người Australia đứng trước nguy cơ bị nhiễm viêm gan siêu vi A sau khi ăn các sản phẩm trái cây đóng gói có xuất xứ từ Trung Quốc. Đã có 18 người được chẩn đoán mắc bệnh.
Những gói trái cây từ Trung Quốc được cho là chứa virus gây bệnh. Tuy viêm gan A không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể trở nặng ở người lớn tuổi, người bệnh gan mãn tính và người có hệ miễn dịch kém.
Nhôm và bột talc là những chất được phát hiện trong hạt dưa và hạt hướng dương ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất cho hai chất này vào sản phẩm để bảo quản được lâu, giúp hạt giòn, bóng đẹp và thơm ngon.
Được biết, lượng nhôm được hấp thụ vào cơ thể quá nhiều sẽ khó đào thải ra ngoài, ảnh hưởng tới tế bào não, gây giảm trí nhớ, nghiêm trọng hơn là làm teo não, đãng trí, ung thư...
Vỏ thuốc, thạch, trân châu làm từ da phế thải
Năm 2012, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện một số cơ sở sản xuất vỏ thuốc con nhộng và các loại thạch hoa quả, hạt trân châu từ da giày và da vụn.
Được biết, người ta sẽ nấu chảy các loại da phế thải nói trên để thu được collagen công nghiệp. Đây là thành phần chính để chế biến vỏ thuốc con nhộng và các loại thạch hoa quả, hạt trân châu được trẻ em ưa thích.
Những thành phẩm này chứa một hàm lượng crom vô cùng nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Đó là chưa kể đến các loại chất tẩy trắng công nghiệp và nhiều loại phụ gia khác được sử dụng trong quá trình chế biến.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình trong vấn nạn thực phẩm "bẩn" của Trung Quốc. Người tiêu dùng ở nước sở tại và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang từng ngày đối mặt với nguy cơ bệnh tật do tiêu thụ thực phẩm độc hại có xuất xứ từ quốc gia này.
Hàng loạt nhà hàng TQ tẩm thuốc phiện vào đồ ăn để giữ khách
Chủ một tiệm mỳ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc mới đây vừa bị bắt giam sau khi khai nhận đã tẩm hạt thuốc phiện xay mịn vào đồ ăn của nhà hàng hòng giữ chân khách.
Quán ăn tẩm thuốc phiện vào mỳ nói trên tọa lạc ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Chủ quán ăn này mới đây vừa thú nhận với cảnh sát rằng, ông ta đã tẩm 2 kg bột thuốc phiện nghiền từ nụ cây anh túc vào mỳ để giữ chân khách.
Loại bột này chứa các thành phần gây nghiện như mooc-phin và cô-đê-in. Ông ta khai đã mua số bột đó hồi tháng 8 với giá 600 nhân dân tệ (tương đương 2.100 triệu đồng).
Rõ ràng, số thuốc đó đã phát huy tác dụng. Chủ nhà hàng cho hay số lượng khách đã tăng vọt sau khi ông ta sử dụng loại gia vị “đặc biệt” của mình.
Vì đồng tiền, chủ tiệm mỳ ở Trung Quốc đã tẩm thuốc phiện vào mỳ để giữ chân khách.
Theo South China Morning Post, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết liều lượng đó đủ gây nghiện, khiến khách hàng phải quay lại ăn. Cảnh sát chỉ vào cuộc sau khi một khách hàng quen của cửa hàng có kết quả xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện.
Đáng nhấn mạnh rằng, đây không phải là nhà hàng đầu tiên ở Trung Quốc “phát minh” ra ý tưởng kinh doanh “ma quái” này.
Theo một báo cáo điều tra năm 2011, những sản phẩm thuốc phiện bất hợp pháp này được bán nhan nhản trong các khu chợ ở Thiểm Tây và khách hàng chính là chủ các nhà hàng ăn.
Trong lĩnh vực này, Thượng Hải cũng không chịu thua kém Thiểm Tây. Trong tháng 5/2015 vừa rồi, một chủ nhà hàng ở Thượng Hải đã nhận án 10 tháng tù vì cho thêm mooc-phin vào súp để “tăng thêm hương vị”.
Vỏ cây thuốc phiện được sử dụng như gia vị ở Trung Quốc.
Tháng 3/2014, cảnh sát cũng đã bỏ tù một chủ nhà hàng khác vì tội sử dụng Narceine, một dạng thuốc phiện chiết xuất từ vỏ cây anh túc để kích thích vị giác đối với món tôm càng nổi tiếngxiaolongxia của cửa hàng.
Năm 2010, ba nhà hàng lẩu ở Thượng Hải cũng bị đóng cửa vì bỏ thuốc phiện vào đồ ăn.
Các chủ nhà hàng ở Trung Quốc từ lâu đã dùng chiêu trò này để giữ khách. Năm 2014, hai nhà hàng ở Quảng Châu cũng bị bắt quả tang cho bột thuốc phiện vào đồ ăn. Trước đó một năm, bảy nhà hàng ở Ninh Hạ cũng “giữ khách” bằng cách cho mooc-phin vào lẩu.
Ở Tứ Xuyên, các nhà hàng cũng thường xuyên dùng cô-đê-in làm “nguyên liệu bí mật” cho các món ăn của minh.
Năm 2004, Quý Châu trở thành điểm nóng của Trung Quốc trong việc sử dụng chiêu trò “giết người” này khi cảnh sát phanh phui đến 215 nhà hàng dùng mooc-phin cho vào lẩu để giữ khách.
Rất nhiều nhà hàng bị phát hiện cho thêm mooc-phin vào lẩu để "tăng hương vị".
Tuy nhiên, đó chỉ là một số những trường hợp bị phát hiện trong số hàng ngàn nhà hàng "nhúng tràm" ở Trung Quốc. Những vụ bê bối về an toàn thực phẩm này là vấn đề nhức nhối khiến chính phủ đau đầu và công chúng phẫn nộ.
Nguồn cung loại ma túy này chưa được xác định chính xác. Nhưng miền Tây Trung Quốc tiếp giáp với Tam Giác Vàng – khu vực trồng cây anh túc chủ yếu của 3 nước Myanmar, Lào và Việt Nam nên có khả năng nó đến từ khu vực trên.Theo ghi chép, ma túy lần đầu được sử dụng làm thuốc gây mê trong phẫu thuật ở Trung Quốc vào năm 220 sau công nguyên và là nguồn cơn dẫn đến cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa Trung Quốc và Anh Quốc trong những năm 1800.
Thất bại kép của Trung Quốc trong Chiến tranh Thuốc phiện vẫn còn là nỗi đau của dân tộc Trung Hoa.
HanhTTN (Thế giới trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét