- Góc khuất nghề y - Chuyện giờ mới kể

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, đến quá nửa đêm, sản phụ mới được cứu sống với hơn 40 đơn vị máu cùng với một kíp gây mê hồi sức điều động từ nơi khác và kíp mổ có sự tham gia của một nhóm bác sĩ từ BV Chợ Rẫy. Có thể nói đây là một kì tích y khoa . Tuy nhiên, câu chuyện đã không được công bố...

Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 3 năm. 

Rất tình cờ, tôi được chứng kiến một trường hợp cấp cứu hi hữu của nghề y. Một sản phụ sinh con xong thì bị băng huyết. Sau khi áp dụng các biện pháp cấp cứu khác không thành công, các bác sĩ quyết định mổ cắt tử cung. Mọi chuyện đều vượt ra ngoài dự đoán khi sản phụ luôn rơi vào thế nguy kịch. Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, đến quá nửa đêm, sản phụ mới được cứu sống với hơn 40 đơn vị máu cùng với một kíp gây mê hồi sức điều động từ nơi khác và kíp mổ có sự tham gia của một nhóm các bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Có thể nói đây là một kì tích y khoa. Tuy nhiên, câu chuyện đã không được công bố. Ngay cả người chồng cũng không biết rằng đã có một phép màu giữ lại mạng sống cho vợ mình.

Nhiều ca cấp cứu sản phụ đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra quyết định nhanh chóng (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: TM

Những người không trực tiếp biết câu chuyện này sẽ thắc mắc: Làm gì mà băng huyết và cắt tử cung ghê gớm đến thế, rồi lấy đâu ra 40 đơn vị máu để truyền trong vòng 6 tiếng đồng hồ, Bệnh viện Chợ Rẫy thì biết gì về sản khoa mà mổ cắt tử cung... Do những người trực tiếp với ca cấp cứu này không thích nói về nó nên tôi xin phép không đi sâu vào chi tiết. Sản phụ và người nhà chỉ là người dân bình thường, không có chức vụ, cũng chẳng giàu có, không nổi tiếng. Người tổng chỉ huy ngày hôm đó có khả năng tận dụng mọi mối quan hệ để cứu chữa cho sản phụ không may này. Sau khi phát lệnh mời các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia ca mổ, tôi hỏi người tổng chỉ huy về lí do, anh trả lời: “Chỉ có những nơi quen với việc quyết tâm cấp cứu, giành giật sự sống mới có đủ khả năng xử lí những trường hợp như thế này”. Thực tế chứng minh là anh đúng.

Tôi gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ thời sinh viên. Rất may mắn, khi ra trường, tôi lại được về công tác tại đó. Không biết trước năm 1975 thì sao nhưng sau năm 1975, Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối của khu vực phía Nam. Do là tuyến cuối nên Bệnh viện Chợ Rẫy không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được, trừ khi đó là những chuyên khoa mà bệnh viện không có. Ngay khi còn là sinh viên, tôi đã chứng kiến được những trường hợp mà các bác sĩ ở đây giành giật mạng sống với tử thần.

Một trường hợp bị cưa cắt đứt một bên sườn được đưa đến bằng xe ba gác. Khi lật tấm khăn phủ vết thương lên thì thấy phổi phòi ra qua vết cắt, phập phều cùng những tia máu nhỏ. Người bệnh nhợt nhạt, môi thâm tím. Không hồ sơ, chỉ kịp hỏi vài câu về nguyên nhân và đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng tiểu phẫu. Không dám chờ bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ trực cấp cứu cùng vài sinh viên trực tiếp xử trí luôn. Y lệnh đưa ra liên tục và bằng miệng vì tất cả đang tham gia cấp cứu. Sau khoảng 15 phút, lồng ngực đã được khâu kín, các đường truyền đã được thiết lập, bệnh nhân hồng hào hơn một chút và được đẩy ngay lên phòng mổ lớn để xử trí cơ bản. Lúc đó đã có bác sĩ chuyên khoa nhưng hồ sơ cũng chưa kịp hoàn tất. Những câu chuyện như vậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều không đếm xuể. Theo qui định thì trước khi mổ phải hội chẩn, bác sĩ trưởng tua trực phải quyết định chỉ định mổ, trước khi đưa lên phòng mổ phải có đầy đủ hồ sơ, bệnh án, phải có đủ xét nghiệm tiền phẫu, sinh viên không được phép trực tiếp tham gia điều trị. Nhưng ở Chợ Rẫy lại không thiếu những trường hợp mà chỉ có một bác sĩ khám và không kịp thông qua trưởng tua trực đã phải đẩy lên phòng mổ. Các bác sĩ gây mê cũng không cự nự gì khi mà hồ sơ còn chưa có bệnh án, chưa có chữ kí chỉ định mổ, thậm chí chưa có cả kết quả xét nghiệm tiền phẫu. Bệnh nhân được đưa vào trong phòng mổ và chuẩn bị gây mê. Chỉ định mổ có thể chỉ là cái gật đầu của bác sĩ trưởng tua (vì đang “bấn loạn” với một ca mổ khác) cùng với xét nghiệm tiền phẫu cho phép. Thế là... bắt đầu. Tất cả đều hiểu rằng chậm một chút nữa là sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân. Ngay cả nhanh hết mức như vậy mà khả năng cứu sống cũng chỉ rất mong manh.

Nhìn dưới một khía cạnh khác, các bác sĩ của chúng ta lại vi phạm một loạt qui chế, thậm chí các bác sĩ có thể còn phải đi tù nếu không chấp hành đúng quy chế mà chẳng may bệnh nhân chết, mặc dù việc làm trái quy chế đó là để cấp cứu cho bệnh nhân một cách kịp thời nhất. Nhưng các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã chấp nhận quên đi sự an toàn của bản thân để cứu chữa bệnh nhân. Ngoại trừ một số rất ít các trường hợp, hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, không phân biệt “trình độ chính trị”, đều hành xử như vậy.

Có thể có người sẽ cho rằng tôi xạo, người nhà họ vào cấp cứu chẳng thấy ai ngó ngàng tới. Không đâu, ở đó chúng tôi phân loại bệnh theo mức độ cần quan tâm theo dõi. Ngoại trừ rất ít trường hợp cá biệt, chúng tôi không quan niệm người bệnh là ai. Ngày nào chúng tôi cũng có bao nhiêu ca “vô danh”, đa số các ca “vô danh” lại là những ca nặng, phải ưu tiên cấp cứu.

Tôi và người tổng chỉ huy nói trên trưởng thành trong một môi trường như vậy. Trong môi trường đó, hai chữ “đầu hàng” ít khi được biết đến. Trong môi trường đó, không có việc lựa chọn bệnh nhân để điều trị. Trong môi trường đó, chúng tôi ít biết đến nghỉ trưa và khá quen với việc ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày vào buổi tối. Không có trang thiết bị dụng cụ, chúng tôi chế ra. Chúng tôi lấy nẹp chân tay cưa cắt lại rồi mang cố định vào cột sống, cứu sống và trả về với gia đình hàng ngàn bệnh nhân. Không ai kể những chuyện ấy ra ngoài. Có gì đâu mà kể, coi chừng lại bị bắt giò vì làm việc không đúng qui chế.

Kinh tế thị trường đến mang theo trang thiết bị, máy móc, kĩ thuật mới... Song song đó là tiền. Khi trả nhiều tiền, người bệnh bắt đầu đòi hỏi. Và thế là việc cấp cứu khi chưa có hồ sơ giảm dần, việc chế tạo dụng cụ chấm dứt. Nhiệt huyết vẫn còn đó nhưng phải có tiền, nhiệt huyết vẫn còn đó nhưng phải có thời gian, phải hoàn tất hồ sơ, phải kí duyệt trước khi làm... Một số người do không có tiền trả cho các trang thiết bị mới đắt tiền phải ngậm ngùi ôm bệnh, một số trường hợp cấp cứu khẩn cấp không chờ được hồ sơ... Sự bức xúc trong các bác sĩ về những bất cập giảm dần. Chỉ còn vài anh “Pavel” sót lại. Tuy nhiên, khi nhiệt huyết được khơi dậy như trong trường hợp sản phụ kể trên, nó lại bùng phát.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 
BS. Võ Xuân Sơn

SK&ĐS

Là một nữ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận - lọc máu, PGS.TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận - lọc máu (BV Việt Đức) chia sẻ, phụ nữ trong nghề y đứng trước rất nhiều áp lực, khó khăn bởi họ phải cân đối hài hòa giữa gia đình và công việc. Với chị, động lực giúp chị vượt qua những thăng trầm đó chính là bệnh nhân của mình…

Không phải ai sinh ra cũng có một cơ thể khỏe mạnh. Nhiều người sống với những bộ phận cơ thể không trọn vẹn hay mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như suy gan, suy thận… phải sống trong mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng, để tiếp tục sống.

Trong suốt quá trình nhiều năm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân và phẫu thuật các ca ghép thận, PGS.TS Hải An tâm sự, tuy có nhiều nhọc nhằn vất vả nhưng những bác sĩ như chị luôn coi người bệnh chính là động lực để mình vượt qua và bước tiếp."Trước những ca bệnh đặc biệt, trước áp lực trong công việc, điều gì giúp chúng tôi vượt qua được? Đó chính là bệnh nhân của chúng tôi. Nếu như một bác sĩ cảm thấy họ có thể mang lại điều gì cho người bệnh của mình, khiến bệnh nhân hài lòng, mang lại cho họ sức khỏe thì đó cũng chính là niềm vui với bác sĩ. Nghề y là một nghề như vậy, vừa nguy hiểm, vừa vất vả nhưng lại mang động lực vô hình, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn" - PGS.TS Hải An trải lòng.

Nói về lựa chọn nghề nghiệp và quyết định gắn bó với nghề y, nữ bác sĩ thận - lọc máu chia sẻ, với mỗi người khác nhau có thể do nguyện vọng, sở thích cá nhân hoặc cũng có thể do một định hướng nghề nghiệp sẵn có nào đó. Nhưng với chị, khi bắt đầu lựa chọn nghề y chị thực sự chưa biết "mình đang dấn thân vào điều gì?".

Chị kể: "Hồi đó, lựa chọn nghề nghiệp đôi khi không hẳn do nguyện vọng cá nhân bởi vì khi ấy chúng tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc như bây giờ, cho nên không có nhiều khái niệm về vấn đề lựa chọn ngành nào, nghề nào. Trên thực tế với tôi, điều này mang tính truyền thống gia đình nhiều hơn…".

Mặc dù vậy, khi đã bước chân với nghề y, chị đã nhanh chóng "say" nghề. "Nghề y không chỉ đơn thuần là một công việc giúp chúng tôi duy trì cuộc sống như bao ngành nghề khác. Khi bạn sống được bằng nghề nghiệp của mình thì đó đã là niềm tự hào nhưng riêng với nghề y, điều cần thiết phải có thêm đó là đam mê với nghề, tình yêu nghề. Đây là một trong những yếu tố cần thiết để giúp bạn có thể tiếp tục trên con đường thực sự rất khó khăn mà mình đã chọn"- chị nói.

PGS.TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận - lọc máu (BV Việt Đức)

Với nam giới khi chọn nghề y là xác định sẽ phải đối mặt với trực đêm, với áp lực công việc bộn bề, đi sớm về khuya… Gánh nặng ấy khi đặt trên vai một người phụ nữ như chị lại càng vất vả hơn. 

Chị An tâm sự: "Công việc với phụ nữ làm nghề y thì thật sự khó khăn vì phải cân đối hài hòa giữa công việc - gia đình, nhưng thực sự mà nói thì bản thân tôi không thể cân đối, hài hòa được, chúng tôi bắt buộc phải "bỏ bớt". Vì thế phụ nữ làm nghề y cần nhiều hơn sự hỗ trợ, một "điểm tựa" để chị em có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong công việc.

Quá trình làm việc, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nặng, nghèo khó và tôi nghĩ so với họ, có lẽ mình còn may mắn hơn rất nhiều. Nếu chúng ta nhìn một cách tích cực, chúng ta không nên nhìn điều gì đó quá xa vời, mà chúng ta hãy nhìn xung quanh.

Cũng giống như khi nói đến vấn đề hiến tạng, chết não, ngừng tim chẳng hạn thì đó là điều mà tôi nghĩ là rất đời thường nhưng rất cấp thiết. Bác sĩ chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, với người ốm và nhận ra rằng, họ cần điều gì đó khác cho sức khỏe hơn là bạn cần một cái áo mới, một cái chăn mới; người bệnh họ cần tạng để ghép hơn những điều khác…

Tôi nghĩ về phía nhân viên y tế, câu chuyện đó rất dễ hiểu nhưng để mọi người cùng hiểu được như chúng tôi quan niệm thì có lẽ cần cả một quãng đường dài…".

Bàn về vấn đề ghép tạng, mà chủ yếu là lĩnh vực ghép thận, PGS. Hải An luôn đau đáu nỗi niềm, khi đã thực hiện ghép thận thì làm sao phải tạo ra hai người khỏe mạnh chứ không phải đánh đổi một người yếu lấy một người khỏe hoặc tạo ra hai người bị bệnh giống nhau.

Chị nói: "Người cho luôn là đối tượng đáng được ưu tiên và họ phải là người được ưu tiên cao nhất với tất cả các vấn đề liên quan đến ghép. Đặc biệt là đối với người cho sống, điều này giống như là một điều luật yêu cầu người thầy thuốc phải đảm bảo tối đa sự an toàn cho người hiến.

Do đó, tiêu chuẩn đánh giá người cho rất chặt chẽ, đòi hỏi phải có những người có khả năng đánh giá chi tiết, nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, giúp họ khi đã hiến rồi vẫn đảm bảo an toàn. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra hai người khỏe mạnh chứ không phải đánh đổi hoặc tạo ra hai người bị bệnh giống nhau".

Hiện nay, nhớ có tính ưu việt của BHYT mà nhiều người bệnh thực hiện ghép tạng, ghép thận đã được hỗ trợ đồng chi trả, giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. Với chị An, đây cũng là điều đáng mừng vì khi có hỗ trợ bệnh nhân như vậy thì có thể mở rộng chỉ định ra rất nhiều, giúp hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh hơn nữa.

Theo thống kê tại Việt Nam hiện nay có hơn 16.000 người bệnh suy giảm chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép tạng trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng.

Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng . Chỉ riêng BV Việt Đức đã tiến hành 25 ca ghép gan (trong đó 3 trường hợp được ghép từ người cho sống), 11 ca ghép tim và hơn 250 ca ghép thận.

Mỗi ngày tại BV Hữu nghị Việt Đức có 2-3 bệnh nhân chết não và mỗi năm hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng.

Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Tuy nhiên, 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng do chết não. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép.

Theo Dương Hải - Sức khỏe & Đời sống

Thứ Sáu, ngày 13/11/2015, đang ở nhà dùng cơm tối với vợ thì bác sĩ Stephané Guero - Chuyên gia phẫu thuật bàn tay người Pháp - nhận được cuộc gọi từ một người bạn: “Paris bị IS tấn công, tôi đang ở sân vận động State de France và mọi người đang rời khỏi sân vận động”. Bắt đầu từ giây phút đó, Paris rơi vào tình trạng báo động và giới nghiêm. Mọi người hạn chế ra đường, sân bay, nhà hát, nhà hàng, siêu thị… hầu như đều đóng cửa.Vừa lo cho tình trạng bất ổn ở Paris, bác sĩ Stephané Guero vừa nóng lòng về chuyến công tác Việt Nam ngày 15/11/2015. Bạn bè và người thân ở Paris đều khuyên ông đừng đi xa rất nguy hiểm, hơn nữa sân bay cũng đã ngừng bay. Trong những ngày đó, ông vẫn nhận được email động viên của cha mẹ các bệnh nhi tại Việt Nam và nhắn nhủ đang mong ông từng ngày.

Hiểu được nỗi niềm của họ, bác sĩ Stephané Guero quyết định vẫn đi Việt Nam đúng hẹn, dù tình hình ở Paris vẫn chưa ổn định. Ngày 15/11/2015, sân bay Charles de Gaule mở lại, ông vội vã ra sân bay. Chuyến bay bị hủy, ông vẫn đợi ở đó suốt năm giờ đồng hồ để đón chuyến bay đầu tiên về Việt Nam.


Đến TPHCM, việc đầu tiên ông làm là xem lại hồ sơ của các bệnh nhi sẽ được khám và phẫu thuật tại Bệnh viện FV trong thời gian ông ở Việt Nam. Trong đó, người khiến ông quan tâm nhất là bé Linh Lan, 3 tuổi. Vừa mới chào đời, bé đã bị dị tật, tay trái bị thiếu xương quay nên bàn tay cứ gập vào trong và không thể co duỗi cánh tay.Ngón cái phải của em bị thiểu sản, chỉ dính với bàn tay bằng mẩu da bé tí, như có thể đứt rời bất cứ lúc nào, vì vậy em không thể cầm nắm bất cứ thứ gì. Bác sĩ Stephanel tâm sự: “Tôi đã hẹn với bé từ năm ngoái, tôi muốn năm nay bàn tay bé sẽ lành lặn, đó cũng là lý do thôi thúc tôi đến Việt Nam lần này”.

Chị Oanh, mẹ bé, chia sẻ trong nghẹn ngào: “Ai sinh con ra chẳng muốn con mình lành lặn, nếu được đau đớn, thiệt thòi thay cho con tôi cũng chịu. Tôi và chồng đã vay tiền đưa bé đi điều trị khắp nơi, nhưng nơi nào cũng bảo phải đợi đến 6 tuổi mới mổ được và không dám chắc bé sẽ cầm nắm bình thường.

May sao chúng tôi được gặp bác sĩ Stephanel Guero qua chương trình từ thiện do Tổ chức Vinacapital kết hợp với Bệnh viện FV thực hiện. Ông thật sự là ân nhân của chúng tôi. Năm ngoái ông mổ cánh tay trái cho bé, dùng nẹp và ốc định vị để làm xương quay, nhờ thế bé có thể co duỗi cánh tay bình thường. Năm nay ông hẹn sẽ quay lại mổ bàn tay phải để bé có thể cầm nắm. Chúng tôi đếm từng ngày để mong gặp ông”.

Ngày 16/11/2015, sau khi thăm khám lần nữa cho bé Linh Lan, bác sĩ Stephané Guero đã hội chẩn với BS Vũ Hoàng Liên, khoa Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật bàn tay Bệnh viện FV, cùng các bác sĩ khác và quyết định mổ chuyển ngón cho bé Linh Lan.

Ông cho biết: “Tôi sẽ dùng ngón trỏ để chuyển thành ngón cái cho bé. Trước đây, y học vẫn thường dùng ngón chân cái để thay thế ngón tay cái cho những bệnh nhận bị dị tật hoặc mất ngón cái. Tuy nhiên, về mặt thẩm mỹ thì ngón chân không đẹp bằng ngón tay, về mặt y học, cắt ngón chân để gắn làm ngón tay có tỉ lệ hoại tử cao và sau khi phẫu thuật việc co duỗi không đảm bảo.
Với phương pháp chuyển ngón, chúng tôi chỉ lọc bớt mô, da, cơ của ngón tay trỏ, cắt ngắn phần xương bên trong và dời sang vị trí ngón tay cái chứ không cắt rời. Khó nhất ở ca này là bệnh nhân còn nhỏ tuổi, bàn tay, mạch máu, dây thần kinh… mọi thứ đều rất bé, nếu phẩu thuật viên thiếu kinh nghiệm hoặc không cẩn thận, có thể cắt mất những sợi gân và mạch máu nuôi ngón tay, làm hoại tử và ngón tay sẽ kém linh hoạt sau này.

Ngoài ra khi chuyển vị trí, tôi còn chú ý xoay ngón sao cho khớp với vị trí ngón cái, mặt trong ngón cái có thể chụm lại được với mặt trong của những ngón khác, như vậy bé mới cầm nắm được”.

Ca mổ kéo dài 4 tiếng đồng hồ với sự cẩn thận tỉ mỉ của bác sĩ Stephané Guero và BS Vũ Hoàng Liên. Hiện bé Linh Lan đang dần hồi phục. Bé đã cảm nhận điều “thần kỳ” mà bác sĩ Stephanel đem lại cho mình khi thích săm soi bàn tay. Bác sĩ cũng vui mừng bảo: “Tay con rất đẹp. Giờ đây con được học viết, được chơi như các bạn mà không phải chịu đựng nỗi đau bất hạnh nữa”. 

Ngoài bé Linh Lan, trong chuyến làm việc 15 ngày tại FV lần này, bác sĩ Stephané Guero, người được mệnh danh là “Phù thủy của những bàn tay trẻ thơ”, đã thăm khám và phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhi bị dị tật bàn tay. Có bé từ Hà Nội, từ miền Trung xa xôi được cha mẹ đưa vào tận FV để gặp bác sĩ và phẫu thuật. Chính niềm tin cậy đó khiến bác sĩ Stephané Guero không ngại khó khăn, sẳn sàng làm tất cả vì bệnh nhân.

Theo M.L - Phụ nữ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét