- Ai không được uống nước gừng?


Nếu uống quá 5 ly nước gừng một ngày, bạn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, tim đập nhanh và mất ngủ. Ảnh minh họa: T.G

Mùa đông lạnh, mưa rét, uống một cốc trà gừng khiến bạn “ấm từ trong ruột ấm ra”. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể uống được nước gừng và ăn gừng. Hãy xem bạn có nằm trong danh sách những người này không nhé.


Tử vong vì uống nước gừng?
Gần đây, có trường hợp một người đàn ông (ở Hà Đông, Hà Nội) đi ngoài trời lạnh về thấy người khó chịu nên pha một cốc nước gừng nóng uống cho ấm người rồi đi nằm, không ngờ tử vong. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân cái chết của anh là do uống nước gừng(?!).

Chia sẻ về trường hợp này, lương y Nguyễn Duy Phong – Chủ tịch Hội Đông y Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, nguyên nhân dẫn đến tử vong có phải do uống nước gừng hay vì đâu thì cần phải được xem xét rõ.

Đối với người bình thường, nước gừng nóng không thể gây tác động như vậy mà có thể do người đàn ông trên đã đột quỵ do lạnh. Cũng có thể do người này có cơn cao huyết áp. 

Nước gừng rất tốt đối với những người có huyết áp thấp, khi bị tụt huyết áp nhưng đối với người có huyết áp cao thì uống nước gừng cần phải thận trọng.
Uống vào đúng thời điểm huyết áp đang lên cao, nước gừng sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng dương quá ngưỡng và gây hưng phấn. Người dùng có thể bị cường huyết áp, gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến...

Những người không được uống nước gừng
BS Nguyễn Quốc Oai – Trưởng khoa Đông Y (Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên) cho biết, vào mùa đông, việc uống nước gừng càng phổ biến. Mùa đông cũng dễ khiến bạn bị cảm mạo. 

Khi đó có thể dùng gừng sống 20g giã nát, bỏ vào một ly nước sôi hoặc trà nóng rồi cho đường vừa đủ ngọt để uống lúc còn nóng. 

Nếu bị cảm lạnh có thể nấu cháo thịt, trước khi bắc ra cho 10g gừng tươi, cùng hành lá, tía tô vào ăn nóng. Cũng có thể dùng gừng tươi và tỏi mỗi loại 100g cắt lát rồi ngâm trong nửa lít giấm ăn. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với giấm ngâm gừng và tỏi này sẽ có công hiệu.

Những trường hợp huyết áp cao dùng nước gừng cần theo chỉ định của bác sĩ. Mọi người có thể dùng gừng theo cách khác như dùng khương bì là vỏ gừng hoặc nướng gừng sém vỏ để hạ nhiệt.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, gừng có tính ấm nên có nhiều tác dụng chữa các chứng bệnh do hàn. Không nên uống nước gừng khi có các biểu hiện cao huyết áp. 

Khi dùng gừng hay bất kỳ vị thuốc nào cũng cần lưu ý nguyên tắc "Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng", tức hàn gặp hàn tất sẽ dẫn đến tử vong, nhiệt gặp nhiệt tất sẽ dẫn đến phát cuồng điên. 

Người có cơ địa thể hàn hoặc đang mắc các bệnh hàn tuyệt đối không dùng các vị thuốc có tính hàn, chẳng hạn đau bụng do cảm hàn tuyệt đối không dùng sâm. 

Người có cơ địa mang tính nhiệt hoặc khi mắc các chứng bệnh nhiệt nóng không dùng các vị thuốc có tính nhiệt như sốt nóng thì không dùng gừng.
Ngoài ra, những trường hợp bị cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng. Người có cơ địa nhiệt táo, người âm hư hỏa vượng, nhiệt trong, mắc các bệnh mụn nhọt, viêm dạ dày, viêm gan, cao huyết áp, bệnh tim mạch thời kỳ tiến triển cũng thận trọng khi dùng và nên theo chỉ định của bác sĩ. 

Thầy thuốc sẽ xác định liều lượng và nhu cầu có cần thiết không mới dùng. Ngoài ra, người có thai, nôn ra máu, đại tiện ra máu cũng tránh lạm dụng. Một số nghiên cứu khẳng định, tiêu thụ nhiều gừng sẽ gây co thắt tử cung, có thể gây xuất huyết tử cung trong thai kỳ.

Vào những ngày lạnh việc ngâm chân trong nước gừng hay uống một cốc nước gừng sẽ có tác dụng giải lạnh. Tuy nhiên, mọi người cần tránh lạm dụng uống nước gừng. 

Người bệnh tiểu đường, bệnh tim, viêm loét dạ dày, bệnh viêm ruột, mang thai... nếu uống nước gừng hay nước gừng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và dùng đúng lượng mà bác sĩ hướng dẫn. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, nếu uống quá 5 ly một ngày, bạn có thể bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, ợ nóng, tim đập nhanh và mất ngủ.

Những người trước khi vào cuộc phẫu thuật, phải gây mê thì càng phải tránh dùng trà gừng vì trà gừng có thể gây phản ứng với các loại thuốc gây mê và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Hoặc khi bạn đang dùng một số loại thuốc khác như thuốc làm loãng máu, thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch... uống nước gừng có thể gây hại.

Buổi tối không nên ăn gừng

“Khi sử dụng gừng không nên gọt vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh, nên ăn gừng chỉ cần rửa sạch sau đó sử dụng. 

Gừng bị nẫu, mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng khi chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan. Khi ăn loại gừng này, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng. 

Ngoài ra buổi tối không nên ăn gừng nhiều vì âm khí buổi tối thịnh, dùng gừng sẽ làm ngược lại quy luật sinh lý âm dương cơ thể, không tốt cho sức khỏe”.

Theo BS Nguyễn Quốc Oa
Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét