- Ngập và chống ngập ở Sài Gòn


Đây một phần là kết quả của những thay đổi khí hậu chung của thế giới. 
Dự đoán “toàn cầu ấm lên” giờ đây không còn ai dám dè bỉu vì hầu như ai cũng đã trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, sự tăng nhiệt này không chỉ là “ấm lên” , mà còn là sự đảo lộn những kiểu mẫu khí hậu quen thuộc. Ngoài hậu quả tất nhiên là băng tan, mặt nước biển dâng, còn có sự xuất hiện của những đợt khí hậu khắc nghiệt cực đoan. Lạnh kỷ lục, nóng kỷ lục, mưa kỷ lục.
Tuyết ở nơi không bao giờ có tuyết, nóng ở nơi đang trong mùa băng giá. 
Sự thay đổi khí hậu từ thái cực này sang thái cực khác tạo ra những kết quả thái thậm khác. Nóng kỷ lục bất ngờ ở xứ lạnh có nghĩa băng tuyết tan nhanh thành ngập lụt. Lạnh kỷ lục bất ngờ cũng có thể gây ra cùng hậu quả, vì sau đợt lạnh, nhiệt độ ấm áp bình thường sẽ khiến tuyết tan rất nhanh.

Ở Việt Nam, băng tuyết chưa phải là mối lo, tuy đã không còn là bất thường với một quốc gia rất gần xích đạo. Mới cuối năm 2013, một đợt tuyết phủ trắng Sa Pa đã được báo chí gọi là “bất thường”.

Ông Lê Thanh Hải thuộcTrung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nói đợt tuyết rơi vào tháng 12 trước đó đã cách 51 năm. Tuy nhiên, trở ngại và thiệt hại nếu có vì băng tuyết chỉ giới hạn trong khu vực Tây Bắc (Sa Pa, Lào Cai) gần biên giới với Trung Quốc. Mối nguy thực sự của Việt Nam là mưa và lụt. Bờ biển rất dài của Việt Nam là một điểm lợi quan trọng, nhưng có thể rất nhanh trở thành mối họa.

Mùa mưa dài của Việt Nam cũng là một điểm lợi, và cũng là nguy cơ.
Thủ đô Hà Nội nằm ở vị trí khoảng 5-10m trên mực nước biển, nhưng lại ngay cạnh con sông Hồng, vốn dĩ lúc nào cũng cần bờ đê bảo vệ. Sài Gòn cũng nằm cạnh con sông, chỉ trên mặt nước biển nhỉnh hơn 1m, trong một khu vực nền đất yếu, lại khá gần biển.

Một nước như Việt Nam có thể làm gì để giảm bớt mối họa tự nhiên toàn cầu được không, đấy có thể là một câu hỏi không có câu trả lời chắc chắn. Một điều chắc chắn là Việt Nam đã không làm bao nhiêu để giải quyết vấn đề.

Từ năm 2012, một bài báo trên tờ The Economist (Nhà kinh tế) đã nói nguy cơ ngập lụt ở những thành phố lớn châu Á đang tăng, nhưng chính quyền đã không nhận thức ra những hệ quả và tương tác từ những hoạt động phát triển kinh tế hoặc không có phản ứng kịp thời.

Chẳng hạn, làn sóng dân di chuyển từ nông thôn đến thành thị là một chuyện thông thường khi nền kinh tế phát triển theo đường hướng hiện đại hơn. Một vấn đề đương nhiên và hiển nhiên và đoán trước được và sự cần thiết quy hoạch thành phố và phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng số lượng dân tăng. Những thành phố lớn của Việt Nam, từ thủ đô cho đến thành phố hạng nhất nước là Sài Gòn là những thành phố cũ kỹ, qua một thời gian chiến tranh và đói kém rất dài chưa hề được cải thiện. Sự bành trướng của những thành phố này ra các vùng ngoại ô và tỉnh lỵ lân cận trên thực tế chỉ là gắn nhãn thành phố cho vùng nông thôn mà không có một kế hoạch thành thị hóa rõ ràng. Không chuẩn bị nền đất nông thôn đủ tiêu chuẩn xây dựng những kiến trúc gạch ngói cùng bê tông có nghĩa nhà sẽ bị lún, bị nứt, đất dễ dàng úng ngập trong mùa mưa. Cộng vào đó là hệ thống cống và kênh thoát nước cả trăm năm tuổi, nhiều nơi đã rò rỉ, lấp nghẹt do xây dựng hoặc do lâu ngày chưa được nạo vét, không lạ gì những thành phố Việt, điển hình là Sài Gòn, mưa một tiếng đồng hồ là ngập, mỗi năm ngập nặng, ngập sâu hơn. Mùa mưa năm nay, Sài Gòn có nơi ngập nước đến ngang người, và có những người phải chịu trận trong làn nước ngang người ấy một hay nhiều giờ đồng hồ trong lúc nhích từng chút trong rừng xe trên đường về nhà.

Tuy thế, những thành phố lớn của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chịu một kỳ lũ lụt thiệt hại nặng về vật chất cũng như tính mạng con người, trong khi trong khoảng năm năm gần đây Thái, Malaysia, Philippine đều trải qua những trận bão ngập lụt trong thành phố kinh hồn.


Một báo cáo mới của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Sài Gòn cho biết đầu năm 2015 khu vực trung tâm có 68 điểm ngập, sau khi thực hiện nhiều giải pháp chống ngập thì đến nay phát sinh thêm... 29 điểm ngập mới. Đã thế, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về vấn đề lũ lụt, Thạc sỹ Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu (WACC) thuộc Đại học Quốc gia Sài Gòn lại tuyên bố: nếu không thể chống ngập thì phải thích nghi với ngập, vì ngập là “yếu tố không thể tránh khỏi trong tương lai”.

Trước cảnh ngập lụt thường xuyên tại Sài Gòn, vài chuyên gia nói thẳng rằng không có biện pháp chống ngập thực sự, và dân Sài Gòn phải ráng chịu vậy thôi. (ngoisao.net)

Trước khi trích dẫn hai chuyên gia “lắm lời” nhất trong lĩnh vực chống ngập ở Sài Gòn, cần phải nhấn mạnh là cả hai cùng không phải là chuyên gia về khí hậu cũng như đô thị hóa, tức là họ có thể nói chung chung về nguyên nhân và phương pháp chống ngập, nhưng đề ra kế hoạch chi tiết thì hoàn toàn chưa chắc.

Người thứ nhất là Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám Đốc Trung Tâm Quản Lý Nước và Biến Đổi Khí Hậu Đại Học Quốc Gia Sài Gòn. Tuy được cho là đã có 15 năm kinh nghiệm trong lãnh vực chống ngập, ngành chuyên môn chính của ông là xây dựng.

Người thứ hai là Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện Trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin Học TP HCM (EEI), Chủ Tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý TP HCM (HASCON), với ngành chuyên môn là điện, tức còn xa rời chống ngập hơn nữa.

Cả hai chuyên gia này đã nhiều lần đưa ra ý kiến về nguyên nhân cũng như cách chống ngập ở Sài Gòn. Nói chung, quan điểm của họ có nhiều điểm giống nhau, nhất là về phần nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Bách Phúc, ngập lụt thường do ba nguyên nhân chính: nước lũ của dòng sông tràn lên bờ, nước úng khi mưa lớn, và nước triều cường. Ông cho rằng nước lũ của dòng sộng không phải là lý do Sài Gòn ngập, vì thành phố ở gần biển, và lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đã có hai hồ điều hòa rất lớn, Dầu Tiếng 1.7 tỷ mét khối, Trị An 2.9 tỷ mét khối. Vấn đề nước úng, tức là thiếu khả năng thoát nước nhanh, có nhiều lý do liên quan đến việc xây dựng, đô thị hóa thiếu kế hoạch, trong đó lối thoát nước không được tính toán, hơn nữa những hồ chứa nước tự nhiên lại bị lấp để lấy đất xây dựng.

Riêng về triều cường, theo ông Phúc, tuy triều cường ở trạm Phú An (Sài Gòn) đã tăng đến 1.7m vào năm 2015 từ 1.30m vào trước năm 1995, và là một trong những nguyên nhân gây ngập thường xuyên, nhưng mức triều cường tăng không phải do mực nước biển tăng (theo quá trình ấm lên toàn cầu) mà là do những đê bao ngăn nước mặn cho những vùng như huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, hay Quận 7, và cũng vì những khoảng đất trống để giữ nước đã được dùng vào việc xây dựng và đô thị hóa.


Đô thị hóa, và hơn nữa là đô thị hóa thiếu kế hoạch, cũng là nguyên nhân chính ông Hồ Long Phi đưa ra để lý giải tình trạng ngập lụt của Sài Gòn. Ông Phi cũng là người duy nhất trong những chuyên gia nói thẳng rằng không có biện pháp chống ngập thực sự, và dân Sài Gòn phải tập sống chung với ngập lụt và giảm tối thiểu mức thiệt hại vì ngập lụt thay vì giải quyết ngập lụt.

Hai chuyên gia khác thực sự nằm trong lãnh vực đô thị hóa là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Thành Phố, và Tiến sĩ Kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Quy Hoạch Môi Trường Đô Thị - Nông Thôn, cũng đồng thanh quy lý do ngập lụt chính cho việc đô thị hóa thiếu kế hoạchvà quản lý đô thị kém cỏi, cộng thêm tình trạng mất rừng đầu nguồn.

Ngoài việc 47 kênh rạch đã biến mất vì đô thị hóa, ông Lưu Đức Cường còn cho rằng việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên có khả năng thấm 50% nước mưa thành bề mặt đô thị bê tông với khả năng thấm khoảng hơn 10% lượng nước mưa, đã làm gia tăng tình trạng ngập nước ở Sài gòn. Theo kết luận một cuộc khảo sát cuối năm ngoái, 75% các khu vực bị ngập ở Sài gòn không phải do triều cường cao, mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống chỉ đáp ứng lượng mưa thấp.

Ông Lưu Đức Cường tỏ ra lạc quan hơn ông Hồ Long Phi về phương hướng giải quyết ngập. Theo ông, hai việc phải được tiến hành song song là đô thị hóa ngoại ô, chỗ đất cao để dân chuyển về đó sinh sống, và trả lại cho thành phố những khu vực cho cây xanh, hồ điều tiết nước… Giải pháp này cũng là giải pháp ông Nguyễn Bách Phúc nhắc đến, và cũng theo ông Phúc, đã được nêu ra vào năm 2009 nhưng không được chấp thuận.
Giải pháp “rốt ráo” của ông Cường/ông Phúc cũng như giải pháp gọi là “chấp nhận” của ông Phi, cả hai đều đòi hỏi một quá trình đô thị hóa và kiến trúc hạ tầng có kế hoạch và kế hoạch một cách hợp lý. Khả năng này của chính quyền Sài Gòn và những “cơ quan chức năng” phụ thuộc, cho đến nay chưa có gì thuyết phục với dân chúng.

Đã 15 năm từ khi chính quyền Sài Gòn tổ chức họp hành thảo luận đưa ra rồi phê chuẩn rồi thi hành những dự án chống ngập, tình trạng này vẫn đang trở thành trầm trọng hơn, vì trong 15 năm qua dân số của thành phố đã tăng từ khoảng 5 triệu đến gần 8 triệu, và số xe máy xe hơi cũng tăng vọt.

Trong 15 năm ấy, và ít nhất trong tương lai gần, dân Sài Gòn chỉ biết trân mình mà chịu. Chịu những lần mưa ngập dầm nước trên những quãng đường kẹt xe mấy giờ đồng hồ mới về được đến nhà, khi về nhà nhiếu khi lại phải múc nước đã tràn vào nhà đổ ra ngoài và dọn dẹp lau chùi nhà cửa

Tình trạng ngập úng chỉ mới xuất hiện sau thời Đổi Mới, tức là lúc Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng tăng tốc phát triển kinh tế và cùng kinh tế là sự chuyển dịch dân số từ nông thôn lên thành thị, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Năm 2000, tình trạng ngập úng ở Sài Gòn đã rất nghiên trọng. Chính phủ thuê tư vấn Nhật JICA xây dựng Quy Hoạch Tổng Thể Chống Úng Ngập cho thành phố, và quy hoạch này đã được chính phủ và thành phố phê duyệt. Quy hoạch dự kiến trong vòng 10 năm phải xây dựng nhiều công trình chống ngập, với tổng số vốn đầu tư khoảng $10 tỷ đô la, với mục tiêu Sài Gòn hết ngập vào năm 2010-2011.

Chi tiết về những công trình chống ngập trong bản quy hoạch thổng thể này không tìm thấy được trên mạng, nhưng theo phê bình của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện Trưởng Viện Điện - Điện Tử - Tin Học TPHCM (EEI), chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý TPHCM (HASCON), thì quy hoạch này không xét đến cách giải quyết nguyên nhân gốc, mà giải quyết theo kiểu chắp vá tạm bợ, chỗ nào ngập thì chống chỗ ấy. Hơn nữa, chính quyền cũng không tìm đủ ngân sách $10 tỷ đô la để thực hiện, nên việc thi hành càng chắp vá, tùy tiện hơn. Cho đến hết thời hạn dự kiến, chính quyền chỉ kiếm được $1 tỷ đô la cho dự án, tức là 1/10 mức cần thiết.

Đã thế, chưa thực hiện xong quy hoạch này thì năm 2008 chính quyền lại thiết lập một quy hoạch chống ngập khác. Quy hoạch này yêu cầu xây dựng một vòng đê bao kín thành phố, với 13 cống trên vòng đê, khi triều cường dâng lên thì đóng các cống lại, khi nước triều cường hạ xuống mở ra cho thuyền bè lưu thông và nước chảy ra ngoài sông Sài Gòn. Ông Phúc chỉ trích quy hoạch này là không xét đến nguyên nhân của tình trạng triều cường dâng cao, còn ông Hồ Long Phi, trong một cuộc phỏng vấn với báo The Economist (Nhà kinh tế) đã nhắc đến quy hoạch này với vẻ mỉa mai rằng quan chức rất thích xây đê điều vì những công trình xây dựng lớn là dịp họ được hối lộ của các công ty thầu xây dựng. Dù thế, dự án này cũng chưa tiến triển là mấy cũng do thiếu tiền, cùng lúc mức dự trù kinh phí đã tăng từ 30,000 tỷ đồng (hơn $1.4 tỷ đô la) đến 67,000 tỷ đồng ($3.2 tỷ đô la). Cho dù dự án này thành công, thì tuy Sài Gòn không ngập, nhưng những vùng chung quanh sẽ bị ngập nhiều hơn.

Kết quả cuối cùng là, cho đến nay, sau 15 năm chống ngập, so với yêu cầu trong các quy hoạch, Sài Gòn mới chỉ cải tạo được 43% hệ thống cống thoát nước, 12% kênh rạch, xây dựng được 1/10 cống kiểm soát triều.

Ông Phúc cũng dự đoán rằng muốn giải quyết rốt ráo vấn đề ngập, có nghĩa là làm mới cơ sở hạ tầng như cống rãnh, vét kênh, xây hồ chứa nước… phải tốn ít nhất $20 tỷ đô la. Nếu dựa vào con số ấy mà tính tương lai thì ông Phi đã đúng khi nói rằng Sài Gòn phải chấp nhận sống với ngập, vì $10 tỷ đô la còn kiếm chưa ra thì nói chi đến $20 tỷ?

Ngoài việc sống chung với ngập lụt, dân Sài Gòn còn phải chấp nhận sống với những quyết định và quy hoạch chống ngập rất lạ đời của chính quyền thành phố. Chẳng hạn như chống ngập bằng cách xây mặt đường cao hơn. Có nghĩa là nhà hai bên đường thành hầm chứa nước. Mới đây, chính quyền quận Bình Thạnh nói rằng cho biết dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài trong quá trình thi công đã cắt, hủy hàng loạt hệ thống thoát nước của nhiều hẻm của hai phường trong quận, vì mặt đường quá cao so với mặt đường hẻm, ống cống không thể nối nhau khi bị con đường cắt ngang.

Đường xây cao hơn, dân chúng cũng cố xây nền nhà cao hơn nếu có thể để tránh ngập, vậy mà Sài Gòn lại đang hô hào dự án xây khu đậu xe dưới tầng hầm. Đa số những dự án này ì ạch kiếm không ra vốn đầu tư, có dự án chủ thầu đã xin rút vốn không làm nữa, nhưng mới đây Vingroup ra đề xuất xây bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân vận động Hoa Lư (Quận 1) với vốn đầu tư khoảng 3,308 tỷ đồng ($1.6 tỷ đô la). Tuy nói là ngầm nhưng thực ra đây là tòa nhà 10 tầng, 5 tầng nổi, năm tầng ngầm, với sức chứa 2,873 xe máy và 1,548 xe hơi, bao gồm một khu vực kinh doanh. Không biết thiết kế tòa nhà này sẽ có những biện pháp chống ngập như thế nào, hiệu quả bao nhiêu, có lẽ những điều này phải đợi thời gian để trả lời.

Cuối cùng, dân Sài Gòn phải chịu những báo cáo tươi hồng hơn thực tế rất nhiều của nhà nước về kết quả chống ngập. Như con số điểm ngập mấp mô tùy theo báo cáo. Một bài trên báo Nhân Dân vào cuối tháng tám nói rằng Sài Gòn chỉ còn 33 điểm ngập, giảm từ 95 điểm, để rồi chỉ mươi ngày sau một báo cáo khác tăng hơn gấp đôi con số điểm ngập lên 68. Hơn nữa, báo cáo còn du di những điểm như mức ngập. Sau trận mưa ngày 15/9, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Sài Gòn nói nơi ngập sâu nhất khoảng 50 cm, chỗ ngập nhẹ khoảng 15 cm. Khi bị chất vấn rằng rõ ràng nhiều nơi nước ngập cả mét, với rất nhiều hình ảnh được ghi lại, thì Trung tâm giải thích “Cách đo mực nước ngập là đo ở phạm vị một-phần-tư đường để lấy con số trung bình chứ không phải chỉ đo chỗ ngập sâu nhất”!

NGUYỄN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét