- Tài Xế Cần Xem...

Đa số chúng ta chỉ biết đến cái xe khi cần sử dụng, với những động tác đơn giản là nhảy vào xe, tra chìa khóa, chờ nghe tiếng xình xịch quen thuộc, rồi vù đi. 

Hình minh họa

Thường chẳng mấy khi nghĩ đến máy xe. Chúng ta chỉ chủ ý đến khi có trục trặc, hoặc khi nghe những âm thanh lạ phát ra từ đầu máy. Việc giữ gìn máy xe, hay nói cho có chuyên môn một chút là bảo trì máy xe, là công việc chủ xe phải biết.

Nói săn sóc máy xe chỉ có nghĩa là: Bạn thỉnh thoảng nên mở nắp đầu xe ra, nhìn vào bên trong một chút, và thực hành những công tác bảo trì căn bản. Mặc dầu đa số công việc bảo trì xe là việc có thể tự làm, nhưng không có nghĩa là bạn cũng phải “lem luốc” dầu nhớt như những người thợ. Bạn có thể đưa xe ra tiệm cho thợ làm, nhưng điều quan trọng bạn phải biết là khi nào mang xe đi.


Theo giới chuyên gia bảo trì, công tác săn sóc máy có thể gồm tóm trong 10 điều, có thể coi như “Mười điều răn của chủ xe” như sau: 1. Thay nhớt máy, 2. Bảo đảm hệ thống nước mát hoạt động đều đặn, 3. Giữ cho đầu máy được thở, 4. Kiểm tra rò rỉ, 5. Đổ đầy bình xăng trước khi quá cạn, 6. Cài dây belt vào, 7. Để ý khi đèn cảnh báo, 8. Thay màng lọc xăng, 9. Lái đều đặn, tránh dọt hoặc thắng gấp, 10. Thay Bu-gi và dây nối bu-gi.




Thay nhớt và lọc nhớt từ 8,000 km trở lên (5000 dặm)

Chúng ta sẽ nói thêm chi tiết về từng “điều răn”:
1. Thay nhớt máy: Nhớt máy (Oil) là thành phần quan trọng giúp cho các bộ phận máy chuyển động không bị ma sát, nhờ đó máy không bị overheat (hiện tượng đầu máy quá nóng do nhiệt tăng cao, vượt quá sức chịu đựng của máy). Thay nhớt thường xuyên, và thay bộ lọc mỗi lần thay nhớt, là một trong những việc quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ máy. Sở dĩ phải thay bộ lọc (oil filter) cùng lúc thay nhớt là vì, nếu nhớt đã dơ tới mức phải thay thì bộ lọc nhớt cũng không thể nào còn sạch sẽ, vì bộ lọc nhớt chính là nơi giữ lại những cặn bẩn, không để cho chúng đi theo dòng nhớt lưu thông vào trong máy.

Nếu không biết làm gì khác hơn, ít nhất bạn phải biết điều này: Thay nhớt và lọc nhớt. Không có nhớt, đầu máy sẽ không hoạt động được đến 2 giây. Và nếu xài nhớt quá lâu, quá cũ, các bộ phận trong máy sẽ bị tổn thương.

Hiện nay, với phẩm chất nhớt được cải tiến, chúng ta có thể nới rộng thời gian giữa 2 lần thay nhớt, nghĩa là thay nhớt sau 5,000 dặm đường, thay vì 3,000 dặm như trước đây vẫn thường được khuyên. Đầu máy trong các kiểu xe đời mới có thể dùng nhớt lâu hơn, tới 7,000 dặm hoặc 10,000 dặm mới phải thay. Đầu máy trong các kiểu xe cũ không xài nhớt lâu được như vậy, nhưng cũng không cần thay trước mức 5000 dặm. Tuy nhiên, nếu sách cẩm nang có chỉ thị rõ ràng, bạn phải theo sát chỉ thị này.

2. Bảo đảm hệ thống nước coolant hoạt động đều đặn:

Bên cạnh việc bảo đảm đủ nhớt và thay nhớt thường xuyên, chúng ta không thể bỏ qua một việc khác: Bảo đảm có đủ nước Coolant lưu thông đều đặn trong máy, nếu không máy sẽ bị overheat. Thế nhưng, để coolant có thể lưu thông đều đặn, những bộ phận liên quan, tạo thành hệ thống làm mát máy (cooling system), phải hoạt động hiệu quả. Hệ thống làm mát máy bao gồm 4 bộ phận:

- Két nước (Radiator): Bể chứa nước coolant. Đeo bên cạnh két nước là một bình mủ, gọi là Overflow Tank.

- Điều nhiệt kế (Thermostat): Máy đo nhiệt độ và điều hòa sự lưu thông của coolant.

- Máy bơm nước (Water Pump): Máy bơm, tạo sức đẩy để đưa coolant đi.

- Và nước Coolant.

- Hệ thống cooling còn có một cái quạt (fan), nhưng quạt này khó hư mà chúng ta cũng chẳng có thể làm gì để “bảo trì” quạt, nên tạm thời không kể đến nó.


Bình mủ đeo ngang hông Radiator, giúp chủ xe kiểm soát mực nước.

Nước coolant lưu thông qua các ngõ ngách trong máy, và trở nên nóng hơn sau khi đã thâu hút nhiệt độ từ đó. Khi bộ phận điều nhiệt (thermostat) cảm nhận coolant đã lên nóng lên tới một mức ấn định, cần phải được giải tỏa cho bớt nóng, thì liền mở “cổng” cho coolant nóng chảy về két nước (Radiator) để được làm mát trở lại. Khi coolant đã hạ nhiệt, nó lại được máy bơm (water pump) hút lên đưa vào làm việc tiếp trong đầu máy.

Chu trình vận chuyển của coolant cứ như thế liên tục: được bơm vào máy, nóng lên, trở về két nước, rồi lại được bơm vào máy….

Theo dõi chu kỳ hoạt động của hệ thống cooling system, người sử dụng xe chỉ cần quan sát mức coolant nằm trong bình nước phụ (overflow tank). Đây là một cái bình mủ trong, đeo dính vào bên cạnh két nước chính (radiator). Mực nước coolant, có màu xanh hoặc màu vàng, có thể quan sát được từ bên ngoài: Điều cần thiết là mực nước ấy phải nằm trên vạch tối thiểu (minimum) và dưới vạch tối đa (maximum) ghi trên bình mủ. Có khi bình được ghi dấu Cold Level (tương đương Minimum) và Hot Level (tương đương Maximum).


Hệ thống làm mát máy gồm: Radiator, Thermostat, Water Pump, và Coolant

Nếu nhận thấy bình có đủ nước mà máy xe vẫn Overheat, chúng ta biết rằng sự trục trặc có thể xảy ra ở Radiator, ở Water Pump hoặc ở Thermostat. Nếu không muốn động chân động tay, bạn cứ đưa xe ra thợ máy. Kết quả chẩn bịnh sẽ cho biết vấn đề nằm ở đâu trong hệ thống làm mát máy.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, đúng, chi phí bỏ ra lúc này để điều chỉnh lại sự trục trặc ở đâu đó trong cooling system chắc chắn là nhẹ hơn nhiều, so với sự thiệt hại một khi đầu máy đã bị Overheat.

3. Giữ cho đầu máy thở

Hãy tưởng tượng như bạn đang luyện chạy marathon. Bạn luyện tập thể lực, tập chạy mỗi ngày, hoạch định kỹ càng một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đúng mức. Nhưng tất cả những nỗ lực nầy chẳng ăn thua gì khi mà bạn không hề biết cách điều tiết hơi thở trong lúc chạy marathon.



Chiếc xe cũng vậy: Nó cần đến một luồng khí liên tục chảy vào.

Ngoài nhiên liệu, thì không khí là thành phần thiết yếu kế tiếp giúp cho đầu máy chạy. Không khí cần được tiếp liên lỉ vào cho đầu máy, không bị kẹt tắc và không có vẩn cặn. Ở đây, chúng ta cần tới một bộ phận khiêm nhường nhỏ bé:

Cái màng lọc khí (air filter). Đây chính là bộ phận giúp cho luồng khí trong sạch không vẩy cặn được đưa vào trong máy.


Đổ xăng khi vẫn còn chừng 1/3 bình.

Màng lọc khí (air filter) có nhiều kiểu – hình chữ nhật, hoặc hình tròn…., nhưng bạn phải dùng đúng kiểu có sẵn tùy theo nhà sản xuất

Bộ lọc giữ lại tất cả những cặn bẩn và những tác nhân “báo hại” từ luồng không khí ngoài trời mang lại, như sâu bọ, lá, cỏ, và bụi bẩn… không cho chúng đi vào trong đầu máy xe. Có thể nói, nó là quán trọ của những tác nhân báo hại ấy. Trải qua thời gian, “quán” đã chứa đầy những khách trọ đến rồi ở lì không chịu di chuyển. Đối với xe, điều cần làm là phá cái quán trọ đã ô nhiễm kẹt tắc ấy đi, bởi vì việc thay vào một quán mới thật là dễ dàng đơn giản và rẻ tiền.

Tùy theo thói quen lái xe và tình trạng đường xá, thời gian phục vụ của bộ lọc có thể thay đổi, nhưng nói chung một cái air filter có thể phục vụ được rất lâu, rất dai, dai đến nỗi mà người ta quên khuấy cả sự hiện diện của nó. Vì thế, thường xuyên xảy ra tình trạng chủ xe để cho màng lọc quá dơ bẩn và không thể hiện đúng chức năng của mình. Đáng tiếc, sự lơ là này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: Một là máy xe thiếu khí không “thở” được, hai là để quá nhiều chất cặn vào trong máy.

Vì thế, mỗi khi thay nhớt máy, xin để ý liếc cái Air Filter một chút xem nó còn sạch không. Nếu không thì thay ngay để đầu máy có thể chạy được điều hòa, và bảo vệ cho đầu máy khỏi những thứ vẩn cặn bẩn thỉu từ ngoài trời thổi vào.


4. Tìm chỗ rò rỉ

Không cần phải là người có tay nghề thợ máy mới kiếm ra được chỗ rò. Thậm chí, có khi chẳng cần phải xem thấy, bạn vẫn có thể đánh hơi được, tức là ngửi thấy: Nhớt máy và nước coolant là 2 thứ chất lỏng chính có mùi đặc biệt mà bạn phải kiểm tra gắt gao, tuyệt đối không để cho chúng bị rò rỉ ra bên ngoài.

Nên biết rằng máy và các bộ phận phụ tùng hoạt động dưới những điều kiện rất ngặt nghèo, như sức nóng ghê hồn và áp suất cực lớn. Các ống dẫn trong máy - đa số làm bằng cao su - sớm muộn cũng sẽ bị hư, để cho không khí, dầu nhớt rò rỉ cách này cách khác. Các điểm nối hai bộ phận với nhau, thường là bằng keo dán silicon hoặc bằng cao su, cũng là những điểm yếu, dễ bị nứt, dòn, vỡ… dưới sức nóng trải qua thời gian, khiến dầu nhớt… rỉ từ trong máy, chảy ra ngoài, hoặc tệ hơn nữa là vào trong các bộ phận không thể dung nạp chúng.

Để đề phòng hậu quả này, chúng ta có thể làm một công việc rất đơn giản và dễ dàng là thỉnh thoảng nâng nắp đậy đầu máy (hood) lên để nhìn vào bên trong, xem có nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi dầu nhớt rò rỉ hay không. Hoặc, kiểm tra dưới gầm xe, xem dầu nhớt có để lại những vết loang lổ trên sân hay không.

Nếu phát giác dấu hiệu rò rỉ, thì dù xe có còn chạy được, bạn cần phải ra tay ngay và có biện pháp thích ứng để ngăn chặn những điều tệ hại lớn hơn có thể xảy ra.




Đừng chạy xe tới mức không còn một giọt xăng, với kim xăng chỉ dưới vạch E như thế này

5. Đừng để bình xăng quá cạn
Công việc phổ thông nhất mà chủ xe phải làm, nhưng chẳng ai thích làm, đó là đi đổ xăng. Đa số thường hay trì hoãn, chạy cố được đến đâu hay đến đó, và chờ cho đến khi bình xăng cạn kiệt mới đi đổ. Đi đổ xăng, không ai hiểu là dốc ngược bình cho xăng đổ ra ngoài, mà thực ra là đi mua xăng. Móc tiền ra cũng thấy ngại, nhưng nếu cứ thường xuyên căn cho đến lúc kim xăng chỉ tới vạch E (empty, cạn kiệt) mới đi đổ, vậy là bạn đang hút xăng từ đáy bình cùng với tất cả những thứ cặn dơ đã lắng chìm trong đó từ bao lâu nay để đưa vào trong máy rồi.

Không thể chối cãi được rằng, dù có lọc kỹ càng đến đâu, số xăng mà chúng ta nạp vào bình chắc chắn phải có một chút cợn bẩn, nhiều ít tùy theo phẩm chất từng loại. Chút cợn bẩn này lắng xuống đáy bình xăng. Gom lại số năm lái xe và hằng trăm lần đổ xăng, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng, lượng cợn bẩn lắng xuống đáy bình quả thật không nhỏ. Bộ lọc xăng (fuel filter), hàng rào phòng thủ đầu tiên, sẽ cản lại phần lớn số cặn này, không cho nó đi tới trên đường dẫn nhiên liệu vào máy.

Tuy nhiên, nếu luôn luôn chạy xe cạn bình mới đi đổ, tức là bạn đang thử thách màng lọc này quá đáng. Một là nó sẽ bị nghẹt, làm xăng không còn lưu thông được, hai là nó có thể “bắt sẩy” và để cho một vẩy cặn nào đó lọt qua và đi vào máy, gây ra rất nhiều phức tạp nhức đầu sau này.

Một số người đề nghị nên đi đổ xăng ngay khi xe còn nửa bình. Nếu bạn thấy như vậy là quá sớm cũng không sao, nhưng đừng bao giờ chờ cho đến lúc bình cạn đáy rồi mới đến trạm xăng. Đầu máy xe sẽ rất cám ơn chúng ta về sự biết điều này.

6. Cài lại dây nịt (Belts)
Dây nịt là Belt, nhưng không ai nói đến cái dây thắt ngang lưng quần, mà là hệ thống dây belts trong đầu máy xe, đa số đều làm bằng cao su, được giao nhiệm vụ nối kết và thúc đẩy sự vận hành những bộ phận của đầu máy. Ở đây nên gọi belts là dây kéo mới đúng, chẳng hạn: dây kéo quạt (fan), dây kéo máy bơm nước (water pump), dây kéo máy phát điện (alternator) và dây kéo máy lạnh…. Chúng ta không cần biết những thứ máy móc đó là gì, chỉ cần biết rằng belt đang thúc đẩy chúng vận hành; không có belts những thứ máy ấy sẽ “liệt”, sớm muộn cũng kéo theo sự tê liệt của đầu máy.

Khi máy chạy, chắc chắn các dây kéo cũng chạy. Nói cách khác, chúng rất cần thiết. Nói chung, dây kéo rất bền, nhưng không có nghĩa là trường thọ, trải qua thời gian làm việc, chúng cũng mỏi mòn, và từ từ có dấu hiệu nứt nẻ. Để chúng đứt phựt khi xe đang lăn bánh là một tai ương tưởng không có gì lớn hơn. Nếu không gây tai nạn cho người lái xe thì cũng gây tổn hại lớn cho đầu máy.

Thế nên, cần làm một công việc rất dễ dàng là mỗi lần lật đầu máy xe lên để xem nhớt, xem nước coolant… - ít nhất mỗi tháng một lần - chúng ta cũng phải soát lại các thứ dây kéo, xem chúng có lỏng không, có rạn nứt chỗ nào không. Dây kéo mà kêu như heo bị chọc tiết hoặc bị “sói” là dấu hiệu cần điều chỉnh hoặc thay thế. Ra tay trước để bảo đảm sự thoải mái và an toàn khi chạy xe, đồng thời kéo dài tuổi thọ của xe.


Spark Plug, bộ phận đánh lửa, khởi đầu tiến trình cháy nổ trong đầu máy xe hơi

7. Thay bộ lọc xăng (fuel filter)
Người viết có thể nói chắc, có đến 95% chúng ta – những người chạy xe trên đường phố mỗi ngày – chẳng bao giờ nghĩ đến cái lọc xăng (fuel filter). Là vì, thứ nhất nó ẩn mặt, thứ hai ít khi nó lên tiếng, trừ khi bạn thường xuyên dùng xăng bẩn, xăng kém, là thứ rất khó kiếm ở nước Mỹ này. Nhưng dù xăng có sạch đến đâu chăng nữa cũng có lởn vởn chút cặn, hoặc một ngoại vật nào đó vô tình rớt vào, chưa kể những vụn sắt hoen rỉ rơi ra từ thành bình xăng. Vì thế, cũng như nhớt, xăng cần được lọc trước khi nạp vào trong máy. Bằng không, những cặn này sẽ đọng lại trong xi lanh, gây ra nhiều biến chứng tai hại khác.
Nếu thấy đã lâu mà chưa được thay lọc xăng, thì bây giờ là lúc chúng ta phải nghĩ tới điều đó. Việc thay lọc xăng không khó khăn gì, nhiều người có thể tự làm lấy, hoặc có thể thuê thợ làm với một lệ phí nhỏ.




Vị trí của lọc xăng trong hệ thống tiếp nhiên liệu của xe hơi

8. Thay Spark Plugs và dây nối
Spark Plugs, nhiều người vẫn gọi là Bu-gi, là bộ phận đánh lửa để khởi đầu tiến trình cháy nổ trong đầu máy. Spark Plug không phải chỉ có một, mà thường là 4, nên gọi chung là “dàn spark plugs”. 

Chúng có nhiều công dụng trong đầu máy, và sẽ dẫn đến nhiều phiền phức nếu không làm việc đúng chức năng vì hư hỏng, hoặc quá già. Chỉ cần một spark plug trục trặc thôi cũng gây ra trở ngại cho hoạt động đầu máy. Thường thì chúng ta nên ra tay sớm bằng cách kiểm tra dàn spark plugs cùng với hệ thống dây dẫn điện. 

Nhiều vấn đề có vẻ lớn lao thực ra chỉ bắt nguồn từ đoạn dây bị lỏng hoặc sút rời ra, vì không có nó thì máy phát điện không cung cấp điện năng cho spark plug để tạo ra tia lửa điện khởi động tiến trình cháy nổ được. Nối lại đoạn dây này là hệ thống hoạt động trơn tru ngay.

Vì thế, đối với dàn spark plugs, chúng ta cần ra tay trước. Thay spark plugs và hệ thống dây nối không khó khăn gì. Mọi người dùng xe nên dành ít thời giờ để tìm hiểu việc này, và bỏ ra ít tiền để mua spark plugs và tự thay lấy. Với đa số các loại xe hiện đang lưu hành, tuổi thọ của spark plugs là vào khoảng 30,000 tới 40,000 dặm. Thực tế chúng còn phục vụ được lâu hơn thế.

Nhớ là khi thay Spark Plugs, đừng quên thay luôn hệ thống dây nối. Làm việc này đều đặn, máy sẽ hoạt động nhẹ nhàng, xe chạy đỡ tốn xăng, tiếng kêu “nền” hơn, nói chung cái xe sẽ rất biết ơn ông/bà chủ xe. (Xem tiếp phần IV)





Belt nối kết và thúc đẩy vận hành nhiều bộ phận trong đầu máy



Hạn chế thắng vội, vì nó sẽ gây sốc cho máy xe

Biết lái xe, tận dụng sự tiện lợi của xe, và thưởng thức niềm vui lái xe, chúng ta không cần lo lắng nhiều quá về tình trạng “sức khỏe” của xe. Bởi vì những vụ “đau bệnh” nặng nề đã có thợ máy chuyên nghiệp săn sóc. Nhưng chúng ta cần giữ ít nhất 10 điều căn bản, có thể gọi là “10 điều tâm niệm” hoặc “10 điều răn”, giúp xe phục vụ lâu dài và biến thời gian ngồi sau tay lái thành những giờ khắc thực sự thú vi. 


Trong 3 bài trước, chúng ta đã lượt qua 8 điều, hôm nay, xin nói đến hai điều cuối:


 

Chạy với vận tốc đều đặn và duy trì kim RPM ở mức độ ổn định


9. Lăn bánh đều đặn, hạn chế dọt lẹ thắng vội
Xe được chế ra để chạy, nhưng nó sẽ chạy tốt hơn và phục vụ lâu dài hơn nếu chúng ta luôn luôn cho nó di chuyển ở một vận tốc đều đặn. Điều này cũng dễ hiểu khi áp dụng với chính bản thân con người: Hãy tưởng tượng như trong một cuộc chạy đua, đa phần người lực sĩ giữ một vận tốc đều đặn, và chờ đến khi sắp tới đích mới huy động hết sức lực, vọt lên như tên bắn để vượt qua vạch đích. Nhưng ngay sau đó đương sự coi như hết sức, anh ta/chị ta sẽ bước đi mệt lả, hoặc ngã nhoài vào vòng tay một người bạn. Nếu cứ vài phút một lần trên đường đua mà anh ta lại làm như vậy: Vọt lên rồi khựng lại, vọt lên rồi khựng lại…. thì chỉ cần chừng hai, ba lần là đương sự sẽ kiệt sức ngay giữa đường, không bao giờ về tới đích.

Đối với máy xe cũng vậy, không gì làm cho máy xe mau chóng rệu rã hoặc kiệt quệ trước thời hạn bằng kiểu lái xe vọt nhanh, thắng gấp. Phải lăn bánh trên những con đường đông đúc trong thành phố, là nơi bạn phải vừa chạy vừa dừng….., cũng không có lợi cho xe. Nếu là chuyện bất đắc dĩ thì đành chịu.

Nhưng nếu có thể đổi đường, đưa xe ra xa lộ, để xe có thể bon bánh thênh thang và máy xe có thể vận hành được ở một vận tốt đều đặn được thì tốt hơn. Một cách dễ dàng nhất để nhận định là quan sát cây kim trên đồng hồ RPM (chỉ số vòng quay của máy trong một phút): Xe chạy nhanh, kim RPM sẽ nhích cao, và ngược lại, kim sẽ hạ xuống khi xe chạy chậm; Dù xe chạy nhanh hay chậm, bạn cần cố gắng duy trì cây kim này ở vị trí ổn định.

Chính vì thế, bất cứ khi nào có thể được, chúng ta nên dùng xa lộ để xe có thể được di chuyển thoải mái. Dù đường có xa hơn, nhưng máy chạy bền hơn, và phí tổn xăng nhớt cũng nhẹ hơn. Nếu bắt buộc phải di chuyển trên các tuyến đường thành phố, nên tìm những con đường vắng vẻ, ít xe. Trên một lộ trình mà xe lâm vào cảnh “stop and go” càng nhiều thì càng bất lợi cho máy. Tuyệt đối không bao giờ nên tranh hơn thua với xe đồng hành bằng cung cách hung hăng như dọt gấp, thắng vội….



Hiệu đèn cảnh báo thường kèm theo màu sắc để chỉ mức độ quan trọng và khẩn thiết

10. Để ý hiệu đèn cảnh báo

Đó là những hiệu đèn cảnh báo (warning signs) trong bảng theo dõi trước mặt tài xế. Kể ra cho đầy đủ, chúng ta phải nói tới trên 150 hiệu đèn cảnh báo. Càng những xe đời mới, hệ thống càng trở nên nhậy cảm để nhận được những bất thường xảy ra trong hệ thống. Mặc dầu mức độ khẩn thiết của hiệu đèn khác nhau, nhưng tất cả đều là quan trọng và tài xế không thể bỏ qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa về màu sắc của hiệu đèn để có phản ứng thích hợp:

- Màu đỏ (Red): Chỉ một trục trặc có thể là trầm trọng, hoặc một vấn đề về an toàn, đòi hỏi phải xem xét ngay.

- Màu vàng hoặc màu cam (Yellow/Orange): Chỉ một vấn đề hoặc một trục trặc nào đó đang cần phải xem xét, điều chỉnh và sửa chữa trong một thời gian ngắn nhất.

- Đèn chớp nháy (flashing): Báo hiệu cho tài xế cần phải liên lạc với đại lý hoặc người sửa xe ngay.

Với những tín hiệu quan trọng cần bạn để ý ngay, xuất hiện qua màu đỏ, như hiệu đèn về Thắng (brake), về nhiệt độ nước Coolant, về Nhớt Máy…, tài xế cần dừng xe ngay và tìm cách đưa xe về nhà hoặc tới một cơ sở sửa chữa gần nhất.

Nhưng không phải hiệu đèn nào cũng đòi hỏi sự phản ứng tức thời như vậy. Có những dấu hiệu khác cho biết về nước rửa kính xe, về bánh xe non hơi, về việc cài seatbelt, hay về một cái cửa chưa đóng chặt…. Điều cần thiết là chúng ta phải hiểu ra ý nghĩa của hình vẽ, và màu sắc hiển thị qua hình vẽ.

Tóm lại, bất kể bạn có là người biết sửa chữa hay không, nhưng làm chủ xe, bạn cần phải nhớ 10 điều căn bản, bao gồm: 1. Nhớt, 2. Coolant, 3. Giữ cho đầu máy thở, 4. Tìm chỗ rò rỉ, và điều 5. Đừng để bình xăng quá cạn, 6. Cài lại dây nịt, 7. Thay bộ lọc xăng, 8. Thay dàn Spark Plugs, 9. Lăn bánh đều đặn, và 10. Để ý đèn báo động. Nhớ săn sóc chiếc xe của mình qua 10 điều trên, bạn sẽ trở thành một người chủ xe hạnh phúc nhất, và cái xe sẽ sẵn sàng phục vụ bạn cả triệu dặm đường hoặc hơn nữa.


HAO SMITH - haosmith@yahoo.com

Khi bị hư thắng hay kẹt chân ga ở vận tốc 190 km/h bạn phải làm gì

Một cô gái đang chạy chiếc ô tô SUV trên đường cao tốc Missouri và chiếc xe đang bị kẹt chân ga. 

Tâm trí lúc này thật sự hoảng loạn “ ôi chúa ơi, em sợ chết mất” với chiếc xe đang bị kẹt chân ga, “ trước mặt là 1 đống xe... em sợ quá” và cô liên tục đạp phanh nhưng với cỗ máy 175 mã lực vòng tua động cơ đang ở mức báo động đỏ 7000 vòng/phút, hệ thống phanh không thể làm chậm chiếc xe, hơn nữa đạp phanh liên tục đã làm cho má phanh ở nhiệt độ quá cao làm mất phanh. 

Cô tiếp tục hét lên trong hoảng loạn “ ôi chúa ơi, có 2 chiếc container phía trước xe đang chạy ở tốc độ 173km/h”.

 Lúc này cảnh sát vẫn tiếp tục chạy theo chiếc xe và vượt lên để cảnh báo cho những chiếc xe phía trước. Nhưng ở tốc độ gần 190km/h họ rất khó kiểm soát và thậm chí là giữ được khoảng cách an toàn với chiếc xe. 

Giờ đã đến lúc phải ra quyết định ngăn chặn nó hoặc phó mặc cho thần chết.


Nếu là bạn thì lúc này bạn sẽ làm gì? Hãy đặt mình vào tình huống này và thử tưởng tượng!
Có rất nhiều ý kiến được đưa ra để xử lý vụ việc này

Theo anh có nick name là Vien Doan:” Khi đã kẹt ga thì bình tĩnh tắt máy là hiệu nghiệm nhất thôi. Vì hầu hết các ACE học lái bây giờ không chịu khó nghiên cứu và chất vấn đưa ra các câu hỏi và tính huống để cùng thầy giải quyết nên gặp phải khó xử lý lắm. Ngay chạy xe ban đêm bật pha và cốt thôi ACE đâu có để ý cứ bật pha xả láng tội người đi ngược chiều, nhưng trách thầy ở đây nhiều hơn vì thầy dạy vô trách nhiệm quá nhiều.”

Trả lời ý kiến của anh Doan Vien, anh Le Hung cho biết “ ở tốc độ 190km/h tắt máy là tắt luôn cả tương lai”

1 tài xế khác cho bình luận là anh Ryan Nguyen “ Nếu dùng phanh tay ở tốc độ này nó lộn cho mấy vòng thì xong luôn”.

Cũng có nhiều ý kiến vui nhộn và hài hước như: “Em sẽ chọn phương án là không làm gì hết và phi thẳng về nhà người yêu cũ” hay “ cách tốt nhất là nhắm vào nhà đứa nào mình ghét nhất”......

Để trả lời câu hỏi trên chúng tôi xin đưa ra 3 trường hợp có thể xảy ra ở trường hợp này.
- Phương án 1: Kéo phanh tay và lái xe vào vệ đường

- Phương án 2: Gạt cần số về số trung gian N ( Số mo)

- Phương án 3: Tắt máy xe

Đây là 3 trường hợp bạn sẽ phải cân nhắc, bạn đạp phanh không có tác dụng và bạn đang gào thét trong chiếc xe đang lao đi trên cao tốc với tốc độ gần 190km/h. 

Giống như bạn đang lao vào trái đất với tốc độ ở những giây cuối cùng vậy, ở tốc độ này cứ 1.7s là bạn đã đi hết chiều dài của 1 sân bòng bầu dục. Nếu trên cao tốc vắng xe thì bạn may ra còn cơ hội nhưng hiện là giờ cao điểm bạn chỉ có thể nhận được 1 kết quả tồi tệ nhất. 

Bạn phải làm gi?
Chúng ta sẽ cùng phân tích 3 trường hợp trên



Nếu bạn chọn phương án 1, bạn kéo phanh tay và lái xe vào vệ đường, sỏi đá gồ ghề ở ven đường có thể làm giảm tốc độ xe chăng? 

Kéo phanh tay ở tốc độ thường có thể khóa cứng 2 bánh xe của xe lại và đưa chiếc xe vào tình trạng quẫy đuôi cá, phía sau lắc mạnh cực kỳ nguy hiểm. Nhưng đây lại là tốc độ 190km/h dù có lái xe vào đường gồ ghề đều chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn “ vòng lộn tử thần”. Nếu bạn chọn phương án này thì bạn đã mắc 1 sai lầm chết người.

Nếu bạn chọn phương án 3, tắt máy xe và đưa vào nơi an toàn. Nhưng đây thực sự là 1 hành động không nên làm bởi khi bạn tắt động cơ thì hệ thống lái sẽ bị khóa lại, bạn không thể chuyển hướng chiếc xe để tránh va chạm, nếu bạn chọn tắt máy xe thì số mệnh của bạn sẽ khóa lại.

Nếu bạn muốn sống sót trong tình huống này thì lựa chọn hoàn hảo là phương án 2, đưa cần số về N ( Neutral - số mo). Bằng cách này thì xe sẽ ngắt truyền động từ động cơ đến bánh xe.

- Mặc dù chiếc xe vấn tiếp tục gầm rú. Bằng cách gạt cần số về số trung gian N bạn đã dừng khả năng tăng tốc và lao về phía trước của chiếc xe. 

- Xe trôi tự do theo quán tính rồi tiếp tục rà lên chân phanh, bây giờ thì hệ thống phanh có thể làm chậm chiếc xe.

- Giúp bạn có thể sống sót đến cuối hành trình, Gạt cần số về số trung gian N là cách bạn phải làm nếu không muốn chết.

Việc nắm vững những đặc điểm của hai loại hộp số này sẽ giúp cho người dùng có thể làm chủ và vận hành xe thoải mái và an toàn hơn.


Nguồn: Dantri.

Mối Họa Khôn Lường Từ Chai Nước Suối

Rất nhiều người khi lái xe hay ngồi ôtô có thói quen hoặc tiện tay để chai nước suối lên ghế ngồi mà không biết rằng, hành động này có thể sẽ gây đại họa. 

Đó là lời cảnh báo được rút ra từ kinh nghiệm bản thân của anh Dioni Amuchastegui.

Amuchastegui hiện đang là một nhân viên kỹ thuật của công ty Idaho Power. Cách đây không lâu, khi đang nghỉ trưa trên xe tải, anh vô tình phát hiện có khói bốc lên từ trong xe.

Quan sát kỹ, người đàn ông này ngỡ ngàng phát hiện luồng khói đó bắt nguồn từ bề mặt ghế phụ, nơi chai nước lọc được đặt lên. Thậm chí, luồng khói còn khiến bề mặt ghế xuất hiện hai cái lỗ nhỏ.


Thì ra, một chiếc chai nhựa khi chứa đầy nước bên trong giống như một chiếc gương phóng đại, khi trời nắng to, nó có thể khiến ánh sáng tập trung vào một chỗ và khiến cho vật bị chiếu vào bị đốt nóng, thậm chí là bốc cháy, hậu quả là có thể khiến cho cả chiếc xe dần bắt lửa, nguy hiểm đến tính mạng người ngồi trong xe.

Amuchastegui đã chia sẻ những gì mình vừa trải qua trên trang Facebook cá nhân để cảnh báo đến mọi người sự nguy hiểm của việc để chai nước lên ghế ngồi trên xe.


Đoạn clip anh đăng tải cũng đã được rất nhiều người theo dõi và chia sẻ lại.

Rất nhiều người cho biết, đặt chai nước lên ghế đúng là thói quen mà họ từng mắc phải nhưng chưa từng nghĩ rằng hậu quả có việc này lại nghiêm trọng đến thế.

Theo soha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét