Mấy hôm nay, An Giang lại rộ lên việc đào cây thốt nốt bán cho thương lái Trung Quốc. 300 – 500 nghìn đồng/cây cả gốc, cứ thế ào ạt người dân đào bới gom cây chở đi bán.
Người dân đào cây thốt nốt bán cho thương lái Trung Quốc
Thực ra cũng chẳng có gì lạ, bởi cây thốt nốt còn có thể mua về làm cảnh, còn là thứ dùng được. Trước đó, thương lái Trung Quốc còn mua cả cau non, cam non, rễ hồ tiêu, thậm chí cả tiêu lép, lá mãng cầu xiêm, nụ và hoa thanh long. Những thứ người bán tưởng chỉ vứt đi mà người mua thì thực ra nhắm tới những mục tiêu không phải ai cũng rõ.
Ví như chuyện cây thốt nốt, bán đi có tiền ngay, ai không muốn bán, nhưng cây bán rồi thì sao? Làng nghề truyền thống mất đi nguồn nguyên liệu, những trận lũ sẽ ngạo nghễ đổ về bản làng vì không còn cây thốt nốt kìm giữ.
Rút kinh nghiệm những năm trước còn thờ ơ, thả lỏng, giờ thương lái Trung Quốc tới đâu thu gom nông, lâm sản là chính quyền địa phương ở đó lo “toát mồ hôi”. Đắk Lắk, Cần Thơ đều phải có công văn yêu cầu các cơ quan có chức năng ngăn chặn tình trạng thu mua nông sản bất thường của thương lái Trung Quốc. Nhưng chỉ đạo là một nhẽ, việc thực hiện được lại là một nhẽ khác. Bởi gần như các địa phương bó tay với cách thu mua của thương lái Trung Quốc. Các mặt hàng họ mua thường không có trong danh mục cấm, cũng không nợ tiền hàng.
Đáng sợ nhất là sau những lô hàng đầu tiên “tiền tươi thóc thật”, bà con truyền miệng giục nhau thu gom, tự chở ra cửa khẩu thì thương lái Trung Quốc mất tăm. Quả non thì đã hái, rễ cây đã đào, người nông dân có thể trông chờ gì ở những vụ sau?
Để không còn sợ thương lái Trung Quốc, thiết nghĩ, ngoài việc địa phương theo dõi sát sao, phát hiện kịp thời những “chiến dịch” thu mua nông sản để tuyên truyền vận động cho bà con hiểu, không mù quáng tiếp tay thì điều quan trọng nhất là phải thiết lập được hệ thống thu mua, phân phối trong nước. Cần thiết lập các điểm thu mua, bán lại cho thương lái Trung Quốc có hợp đồng. Kết nối thương mại trong nước và thương mại biên giới. Cần sớm chấm dứt cảnh xe chở hàng hóa của Trung Quốc dễ dàng qua cửa khẩu vì đã có hợp đồng thương mại, còn xe chở nông sản, hải sản của bà con qua biên giới phải xếp hàng chờ thương lái Trung Quốc kiểm từng quả, từng con… Họ không cho qua cửa khẩu thì hàng tấn dưa, tấn nông sản chỉ còn cách đổ bỏ.
Cây thốt nốt được trồng nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Đây cũng là nơi đã xây dựng nên thương hiệu đường thốt nốt nổi tiếng cả nước.
Những rừng thốt nốt ở đây có tuổi đời hàng chục năm và đang cho thu hoạch nước đường.
Song những ngày qua, nông dân Bảy Núi bỗng rủ nhau đào gốc cây này bán cho thương lái Trung Quốc.
Theo thông tin từ một số thương lái, thốt nốt được bán sang Trung quốc để trồng làm kiểng.
'Nhiều ngày qua nơi đây rộ lên tình trạng các thương nhân đến mua thốt nốt. Họ thường chọn mua loại cây 15 - 20 năm tuổi.
Mỗi ngày có hàng chục cây được đào đem đi nơi khác bán. Họ đưa cả các loại xe chuyên dụng đến rừng vận chuyển', anh Chau Lyl, người dân ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên nói.
Những chiếc xe tải hàng chục tấn nằm chờ sẵn trên tỉnh lộ 948 để mua thốt nốt.
Nông dân tại chỗ được thuê đào xung quanh cây để bứng gốc còn nguyên rễ.
Cây đào lên sẽ có nhóm người khác đến dùng lưới B40 bó xung quanh rễ, rồi dùng bao tiếp tục bao bọc lớp rễ phía ngoài trước khi vận chuyển lên xe.
Theo nhiều người dân bán cây thốt nốt, thương lái chỉ chọn mua những cây không quá non, cũng không quá già, chủ yếu là cây mới lớn, chưa ra bông, trái, để về dưỡng cho dễ sống.
Còn đội ngũ được thuê đào gốc cây cho biết, những cây thốt nốt đạt tiêu chuẩn thương lái chọn mua là loại trồng trên 30 năm, thân thẳng hoặc chỉ hơi cong (tùy sở thích khách hàng).
Chỉ mất 300.000 - 400.000 đồng, thương lái đã sở hữu một cây thốt nốt còn cả ngọn và rễ.
Dân địa phương được trả công 170.000 - 180.000 đồng để đào 1 cây thốt nốt. Với những cây to, cần 3 - 4 người đào mất hơn 2 tiếng (chưa kể phải leo lên ngọn rọc lá) nhưng tiền công cũng không tăng.
Ngoài bán nguyên cây còn lá, rễ, một số hộ còn cưa từng khúc cây ra để bán gỗ, với giá chỉ bằng một phần tư so với bán cả cây tươi.
Hạt kiểm lâm huyện Tịnh Biên cho biết, toàn huyện có gần 7.000 cây thốt nốt được trồng ở các bờ ranh của người dân Khmer.
Ngành kiểm lâm đang vận động người dân không nên đào bán loại cây đặc sản của vùng này.
Cây thốt nốt thích hợp với đất pha cát vùng Bảy Núi, An Giang. Loại cây này trồng ít nhất 20 năm mới cho trái và có thể khai thác nước từ cuống hoa.
Mỗi năm, 1 cây thốt nốt có thể khai thác nước từ cuống hoa nấu khoảng 4kg đường (loại đường chảy). Giá loại đường này hơn 15.000 đồng/kg.
Người dân Bảy Núi thường cho thuê cây để khai thác, với giá thuê mỗi năm khoảng 60.000 đồng/cây.
'Thốt nốt từ lâu được biết đến như đặc sản của vùng Bảy Núi. Nếu một ngày chẳng còn cây thốt nốt, cảnh quan môi trường nơi đây sẽ bị tàn phá nghiêm trọng', lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn chia sẻ.
Hiện nay, tại hai huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) xuất hiện nhiều nhóm người đến gạ gẫm nông dân (người Việt gốc Khmer) đào cây thốt nốt bán cho họ.Trên thực tế, nhiều người dân, vì khó khăn trước mắt, đã không ngần ngại “nhổ tận gốc, trốc tận rễ” - đúng theo nghĩa đen - những hàng cây thốt nốt vốn được xem là “người bạn thân thiết” gắn bó, vui buồn cùng gia đình hàng chục năm để đổi lấy những đồng tiền rẻ mạt…
Lợi bất cập hại
Những ngày này, tại các xã Tân Lợi, An Cư, Văn Giáo thuộc huyện Tịnh Biên - nơi được mệnh danh là “thánh địa thốt nốt”, nhiều người đang hí húi rào lại những mảnh vườn còn trơ toàn những hố đất sâu hoắm. Trước đó, họ đã đào bới xung quanh gốc những cây thốt nốt, bứng cả gốc đem bán cho thương lái.
Theo nhiều người dân địa phương, thời gian qua, những người “săn” thốt nốt đã sục sạo khắp các xóm, ấp để chèo kéo, đặt mua. Những cây thốt nốt có tuổi càng cao càng có giá. Do được trả giá khá hời nên nhiều gia đình đã huy động nhân lực bứng cả những cây trồng được trên 20 năm - đang trong thời kỳ cho nước, trái (để làm đường) “sung” nhất - đem ra quốc lộ bán cho những nhóm người thu mua đợi sẵn.
Theo giải thích của một thành viên trong nhóm chuyên gom cây thốt nốt, “đóng đô” tại xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), hiện nay bên Trung Quốc, nhiều “đại gia” đang ráo riết tìm mua thốt nốt làm cây cảnh.
Thay vì phải trồng cây nhỏ, mất hàng chục năm mới lớn, họ “đi tắt” bằng cách tìm mua cây đã có nhiều năm tuổi về trồng. Trả
lời thắc mắc là vận chuyển qua quãng đường gần 2.000 cây số, liệu thốt nốt có thể sống khi sang tới Trung Quốc, người đàn ông này giải thích: Thốt nốt là loại cây giữ nước và chất dinh dưỡng rất tốt. Dù bị bứng khỏi mặt đất và cắt trụi rễ, nhưng hàng chục ngày sau đem trồng lại vẫn sống như thường.
Một cây thốt nốt cỡ 20 tuổi mua tại Tịnh Biên hiện có giá trên dưới 500.000 đồng, sau khi vận chuyển ra tỉnh lộ 948 thuộc xã Thới Sơn để chất lên những chiếc xe đầu kéo đã có giá trên 2 triệu đồng/cây.
Còn theo ông Chau Danh - cư dân địa phương, hàng xóm của một gia đình người dân tộc Khmer vừa “chia tay” 5 cây thốt nốt trong vườn nhà để bán cho thương lái, người dân vẫn biết việc đào tận gốc, trốc tận rễ loại cây này là “lợi bất cập hại”, bởi thốt nốt phải trồng 18-20 năm mới có thể khai thác.
“Trước đây, trái thốt nốt bỏ đi, nay mỗi trái tươi cũng bán được được vài ngàn đồng. Nhưng nguồn lợi từ đường thốt nốt mới là điều đáng nói. Cứ mươi lít nước thốt nốt có thể cô được 1 kg đường ăn vừa ngon vừa mát. Người ta gọi thốt nốt là cây xoá đói giảm nghèo là vì thế.
Vậy mà, những cây thốt nốt đã trồng mấy chục năm, giờ người ta đào lên bán được có 500.000 đồng/cây, bán 10 cây cũng chỉ được có 5 triệu đồng, tiêu vèo cái là hết. Nghĩ thật xót xa…”, ông Châu Vươn - một người dân ở xã An Cư - tâm sự.
Nói rồi, ông Chau Vươn tỏ vẻ chua xót: Một năm, tiền thu từ lá (để lợp nhà, làm nón), trái, nước (để làm đường) từ một cây thốt nốt cũng phải đạt hơn 500.000 đồng. Đó là chưa nói đến chuyện cây thốt nốt góp phần tạo nên cảnh quan du lịch đặc trưng của vùng Bảy Núi. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp, vài năm nữa, hai vùng đất Tịnh Biên và Tri Tôn vắng bóng cây thốt nốt thì không còn ai được ngắm những dãy thốt nốt ngạo nghễ vươn mình trong nắng gió miền Tây.
Hiện tượng mua bán bất thường
Được biết, hai huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên hiện có khoảng 60.000 cây thốt nốt đang cho thu hoạch trái và nước để làm đường với sản lượng hơn 5.000 tấn/năm, tạo việc làm cho hàng ngàn hộ dân.
Rõ ràng, việc nhiều nhóm thu mua tới khu vực này thuyết phục người dân đào thốt nốt bán để xuất sang Trung Quốc là hiện tượng bất thường. Tình trạng này, về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng vì thấy có người mua, do cái lợi trước mắt, người dân sẽ đua nhau đào thốt nốt để bán.
Đặt vấn đề - nhiều hộ dân trên địa bàn hồn nhiên đào cây thốt nốt đem bán một cách công khai giữa ban ngày mà không hề bị bất cứ cơ quan chức năng nào hỏi tới - Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nhận thức rõ hiện tượng đồng bào Khmer đào thốt nốt bán cho thương lái có tác hại khôn lường vì nó là loại cây đặc trưng, chủ lực của ngành tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Theo một viên chức địa phương, một việc cần làm ngay là cơ quan chức năng tỉnh An Giang cần đưa cây thốt nốt vào danh mục cấm mua bán để bảo vệ loài cây tạo nên thương hiệu của vùng Bảy Núi, đồng thời, tổ chức ngăn chặn nạn triệt hạ cây thốt nốt. Nếu không làm được như vậy, không những gây lãng phí về trước mắt mà thiệt hại kinh tế về lâu về dài đối với hàng ngàn cây thốt nốt sẽ là rất lớn.
“Vấn đề quan trọng không kém là phải có biện pháp nghiêm cấm những người thu mua cây thốt nốt. Vì triệt người mua ắt sẽ hạn chế người bán. Còn ai mua, mua với mục đích gì, các cơ quan có trách nhiệm cứ vào cuộc ắt sẽ rõ...”.
Sau tết Nguyên đán, một số tỉnh ở miền Tây xuất hiện nhiều thương lái mua lá mãng cầu xiêm (khô và tươi) với số lượng lớn. Giá lá tươi dao động 5.000 - 15.000 đồng/kg. Còn lá được phơi khô có giá cao hơn 2 - 3 lần so với tươi.
Trước mức giá hấp dẫn nhiều hộ nông dân Hậu Giang đã ngắt lá ồ ạt bán cho thương lái. Nhiều người cho biết sản phẩm được thu gom lên TP HCM và vận chuyển sang cho Trung Quốc làm thuốc.
Cũng gom lá ồ ạt như Hậu Giang, tại Tiền Giang, nhiều hộ nông dân vặt trụi cả cây để gom lá bán. Mức giá lá tươi ở đây 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn bán được cả triệu đồng tiền lá.
Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết trước thực trạng trên, vừa qua Sở cũng đã vào cuộc và ban hành văn bản khuyến cáo phòng nông nghiệp các huyện kiểm soát chặt và ngăn trạng tình trạng trên. Đến nay, việc thu gom lá cây non đã thuyên giảm.
Theo ông, việc thu gom lá non của các loại cây ăn quả có trái sẽ làm giảm tuổi thọ và năng suất cho trái. Tuy nhiên, vì ham lợi trước mắt nên trước đó nhiều nông dân còn cho thương lái vào vườn bẻ cả ngọn và lá.
Cùng với lá mãng cầu xiêm, trước đó thương lái Trung Quốc còn gom là khoai lang, dọt khoai mì và râu bắp ở một số tỉnh miền Tây. Ban đầu họ mua với giá cao nhưng sau đó giảm giá dần rồi ngưng mua khiến nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
2. Cam non
Cam non có giá bán 700 - 1.000 đồng/kg. Ảnh: ĐĐK.
Không chỉ bị thu mua lá cây non mà tại Hậu Giang, cam non cũng được gom rầm rộ. Tháng 5 năm nay, nhiều thương lái đi lùng sục khắp nơi để tìm thu mua cam non hoặc cam xắt miếng phơi khô để xuất sang Trung Quốc. Giá sản phẩm dao động 700 - 1.000 đồng/kg.
Theo hộ nông dân ở đây, họ chủ yếu bán các trái được tỉa nên không ảnh hưởng nhiều tới vườn cam.
'Thương lái thu gom loại trái cây non này khá dễ tính chỉ cần báo đã đủ hàng thì họ sẵn sàng đem xe tải đến tận vựa tôi bốc xếp, không phải tốn chi phí chuyên chở', chủ vựa cam ở Hậu Giang cho biết.
Trước thực trạng trên, Sở NN - PTNT Hậu Giang đã có công văn về việc ngăn chặn việc thu mua trái cam non trên địa bàn.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, cho biết, đã chỉ đạo các tổ kỹ thuật nông nghiệp các xã, thị trấn, tiến hành rà soát việc tổ chức thu mua trên địa bàn và xử phạt theo tùy mức độ.
Đến nay, việc mua cam non của thương lái không gây tác hại nhiều cho hộ nông dân, do họ mới bán loại sản phẩm vườn tỉa để đổ bỏ.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Đời cho rằng người trồng cam cần cảnh giác vì ồ ạt bán cam non sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và thị trường.
Mặt khác, nếu thương lái hạ giá và bất ngờ ngừng thu mua thì hộ trồng sẽ rơi vào cảnh thua lỗ. Hiện việc mua bán cam non ở đây đã trầm lắng và được ngăn chặn kịp thời.
3. Nụ hoa thanh long
Vào đầu tháng 5, tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang xuất hiện khá nhiều cơ sở thu mua nụ thanh long.
Nhiều xã thương lái bỏ tiền ra đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy để sơ chế nụ hoa tại chỗ với công suất hàng tấn nụ mỗi ngày để xuất sang Trung Quốc làm trà.
Nhiều nông dân ở đây cho biết thương lái thu gom với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với giá này người trồng cho rằng còn lời hơn so với bán trái mà lại không mất công chăm bón nên nhiều hộ đã hưởng ứng.
Nhận thấy được tình trạng trên là bất ổn nên cơ quan quản lý huyện Chợ Gạo đã tuyên truyền phổ biến về tác hại của việc cắt hoa non nên đến giữa tháng 6 tình hình thu mua đã dịu đi.
Theo ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, tới nay người dân đã nhận thức được có điều bất thường trong việc thu mua này nên nêu cao cảnh giác, họ đã không còn hám lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và tuổi thọ của cây sau này nữa.
4. Cau non
Gần cuối tháng 8, mặc dù chưa vào vụ thu hoạch cau nhưng hàng trăm thương lái đã đổ về các huyện vùng cao Quảng Ngãi, thu mua cau non với giá cao gấp 3 lần năm ngoái để bán sang Trung Quốc.
Dọc tuyến đường từ huyện Sơn Hà về Sơn Tây, nhiều điểm đặt bảng giá thu mua cau với giá dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/kg.
Bà Đinh Thị Lành (ngụ xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) cho biết thêm nếu như chính vụ năm ngoái, mỗi cân cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng thì nay thương lái mua cau non với giá cao gấp 3 lần.
Các thương lái đi xe máy về tận các bản, làng vùng cao Quảng Ngãi thu mua cau non. Họ cũng chưa lý giải được vì sao phía Trung Quốc mua trái cau non với giá cao bất thường so với các năm trước.
Ông Đinh Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa, cũng cho biết vụ năm nay giá cau tăng đột biến nên hầu hết người dân địa phương đã hái sạch cau non bán cho thương lái.
Nếu như những năm trước, cau bị bỏ chín rục trên cây thì năm nay là lần đầu tiên người dân bán được cau non với giá cao.
Theo Hồng Châu/Vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét