- Kỹ năng cơ bản dành cho người sử dụng xe gắn máy

Theo thống kê từ Vietnamnet.vn, số lượng môtô, xe máy đã đăng ký ở Việt Nam, tính theo số dân 90,5 triệu người, bình quân cứ 1.000 người dân sở hữu khoảng 460 xe máy. Mật độ xe máy tham gia giao thông rất cao, cùng với cơ sở hạ tầng giao thông kém, ý thức chấp hành luật giao thông của đại bộ phận người dân chưa tốt, tất cả góp phần làm số vụ tai nạn giao thông trên cả nước không ngừng gia tăng. Theo số liệu thống kê của ủy ban an toàn giao thông quốc gia: xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước, nhưng xe máy cũng là nguyên nhân gây ra hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Thay vì chờ đợi những giải pháp của các cơ quan chức năng, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về luật giao thông và những kỹ năng điều khiển phương tiện, dưới đây là những kỹ năng căn bản nhưng vô cùng hữu ích, giúp bạn an toàn hơn khi lưu thông bằng xe gắn máy.

Quan sát nhanh và bao quát

Dưới đây là video  tai nạn tại Ngã Tư Sở (Hà Nội) – Xe đi phía trước dừng bất ngờ, cô gái đi xe ga màu đỏ phát hoảng và đảo lái.
Đây không hẳn là một kỹ năng, nó là thói quen, cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện có ý thức kém, không quan sát, không đánh giá đúng mức các tình huống đang gặp phải hoặc cố tình đi ẩu , đưa mình vào nguy cơ xảy ra tai nạn. Khi di chuyển đến ngã 3, ngã 4…hãy chú ý bật đèn báo rẽ, không nên hoàn toàn tin tưởng vào gương chiếu hậu, gương chiếu hậu xe máy hay ô tô đều có điểm mù, tốt hơn trước khi rẽ vừa nhìn qua gương đồng thời xoay đầu nhẹ về phía sau để quan sát.

Kỹ năng phanh xe

Đây là kỹ năng cơ bản nhưng có ảnh hưởng lớn đến an toàn khi lưu thông, xe gắn máy không phải là chú ngựa để bạn bảo dừng lại và nó sẽ dừng lại ngay, nó chỉ là phương tiện di chuyển, hoàn toàn phụ thuộc vào người điều khiển. Nhiều người có thói quen chỉ sử dụng phanh trước, hoặc có thói quen chỉ sử dụng phanh sau, để phanh có hiệu quả hãy phanh đều cả 2 phanh , trọng lực của xe và lực hãm phân bổ cả lên cả 2 bánh giúp xe thăng bằng, khi sử dụng phanh trước trọng lực được dồn về phần đầu xe, phuộc nhún sẽ triệt tiêu một phần giúp xe dừng lại êm ái, tuy nhiên nếu sử dụng lực phanh quá lớn sẽ mang tới hậu quả tai hại, nếu bánh sau bị khoá (khoá bánh là hiện tượng bánh xe trượt, mài trên mặt đường) xe sẽ trượt ngang, nếu bánh trước bị khoá thì còn nguy hiểm hơn, bạn sẽ ngã xe ngay lập tức hoặc phần đuôi xe bị hất tung lên. Lời khuyên của chúng tôi là hãy làm quen với chiếc xe của mình, bạn có thể tìm một đoạn đường vắng và tập sử dụng phanh xe, ban đầu nên di chuyển chậm bóp cả hai phanh rồi tăng dần lực phanh, cảm nhận và ghi nhớ lực hãm của phanh, giới hạn lực phanh tại thời điểm bánh xe bị khoá. Tiếp đó hãy luyện tập trong trường hợp đang di chuyển và bóp “chết” phanh ngay lập tức, lúc này bánh xe sẽ bị khoá và trượt, hãy cố gắng giữ thăng bằng, nếu bạn làm tốt, xe chỉ trượt một đoạn ngắn rồi dừng lại mà không làm bạn bị ngã, chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ tập sử dụng phanh xe nhưng nó sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá khi tham gia giao thông.
Khi di chuyển hãy ngồi ngay ngắn trên xe, bạn không thể biết lúc nào sẽ có tình huống khẩn cấp xảy ra, ngồi với tư thế ngay ngắn khi phanh xe sẽ an toàn hơn, thân xe đứng thẳng, xe sẽ dừng lại êm ái, nếu bạn phanh khi xe đang nghiêng, xe rất dễ mất thăng bằng và người điều khiển dễ bị ngã.

Tập thói quen dùng lực phanh hợp lý

Đối với những người có ngón tay khoẻ nên tạo thành thói quen đặt một hoặc hai ngón lên cần phanh, với người nào ngón tay yếu thì nên để ba ngón. Luôn để ngón tay lên cần phanh là thói quen tốt, nó giúp người điều khiển phản ứng nhanh nhất với các sự cố bất ngờ, tại sao người có ngón tay khoẻ chỉ nên để một hoặc hai ngón lên tay phanh, bởi vì trong tình huống bất ngờ, theo phản xạ người điều khiển sẽ bóp phanh với lực rất lớn, nếu để cả bốn ngón lên tay phanh, lực mà các ngón tác động vào cần phanh lớn, có thể gây khoá bánh, nhưng nếu chỉ có một hoặc hai ngón, lực kéo vào là vừa phải, lực phanh sẽ tăng dần đều, phanh bằng một hay nhiều ngón tay là phụ thuộc sức khoẻ của từng người.

Kỹ năng vào cua

2015-10-09 22_26_27-Huong dan om cua cho yamaha exciter - YouTube - Cốc Cốc1
Xe đang cua (Ảnh: youtube)
Khi xe vào cua ngoài việc đánh lái hãy nghiêng người theo cua, tuỳ theo tốc độ vào cua, độ bám của lốp xe trên mặt đường, độ linh hoạt của tay lái mà nghiêng người sâu ở mức độ nào, việc nghiêng người theo cua sẽ giúp chiếc xe ôm cua gọn hơn. Khi xe đang ôm cua nếu có chướng ngại vật trước mặt hãy tìm cách lách xe qua, tuyệt đối không nên sử dụng phanh, lúc này tiết diện của lốp trên mặt đường thu hẹp, trọng lực của xe ép xuống không vuông góc với nền đường, lực hãm của phanh chỉ hơi lớn một chút là bánh xe bị trượt, không giống với trường hợp thân xe đang đứng thẳng , một khi để trượt bánh xe, bạn chắc chắn bị ngã.

Xem chiếc xe như một người bạn

Hầu như ngày nào bạn cũng rong ruổi cùng với chiếc xe của mình, nó vừa là phương tiện di chuyển vừa như người bạn đường, hãy đảm bảo bạn chắc chắn am hiểu về chiếc xe của mình, khả năng bám đường của lốp xe, lực hãm của phanh, độ linh hoạt của tay lái, khả năng bứt tốc…các xe số (côn bán tự động) trên thị trường như Dream, Wave, Future, Jupiter, Sirius, Viva… đều có kích cỡ bánh trước 70/90/17 và 80/90/17, đây là thông số mặc định cho hầu hết các dòng xe phổ thông, nhà sản xuất đã tính toán để đảm bảo an toàn nhưng nếu muốn lốp xe bám đường hơn, bạn có thể trang bị lốp “độ” cho xe với kích thước bề ngang lớn hơn, cụ thể 80/90/17 cho bánh trước và 90/80/17 cho bánh sau, lốp lớn giúp xe vào cua vững và phân bổ lực phanh xuống nền đường tốt hơn, sẽ hạn chế hiện tượng trượt bánh.
Vào mùa mưa, thường xuyên di chuyển trên các con đường ẩm ướt, lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường giảm, dễ gây hiện tượng trơn trượt, hiện tượng này có thể khắc phục bằng cách: không tăng ga quá đột ngột và tháo bớt hơi trong lốp, lốp xe bớt căng sẽ bám đường tốt hơn.

“Khoá đích” đừng tự đánh bẫy bản thân

Khi ở trong trạng thái hoảng sợ, người lái thường có xu thế nhìn “chằm chằm” vào chướng ngại vật hoặc khu vực mà xe sắp lao vào và dẫn đến việc “khóa đích”. Hầu như sau đó sẽ đâm thẳng vào chướng ngại vật đó. Khi bất ngờ xuất hiện trướng ngại vật  hãy ngay lập tức đảo mắt sang lối thoát và chân tay sẵn sàng tì phanh.
Một chiếc xe dù được trang bị tốt tới đâu nhưng nó chỉ là phương tiện di chuyển và phụ thuộc hoàn toàn vào người điểu khiển. Ý thức và trên hết là trách nhiệm đối với bản thân và những người xung quanh là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn lái xe an toàn.
Tác giả: Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét