Đây là bài viết của một ông thầy gọi đích danh về ngành GD củamình. Cái title nghe thật dữ dằn, nên chủ Blog phải cho vào ngoặc kép.
Tuy nhiên về cơ bản, bài viết nói đúng bản chất. Giáo dục VN từ lâu bản chất là vì tiền, vì lợi ích của người lớn, không phải vì trẻ em, từ chuyện lạm thu, thu tiền tùy tiện, mua bằng bán điểm, chuyện các dự án, đến bệnh nói dối, bệnh thành tích lươn lẹo.
Giáo dục như thế, trẻ em nước Việt sẽ lớn lên trưởng thành như thế nào. Nước Việt này đi đâu về đâu, khi lợi ích của người lớn, của nhóm lợi ích là trên hết?
Ai trả lời được câu hỏi này đây? Thật buồn! :(
Câu này là của anh Nguyen Xuan Bang, trong một lần hội ngộ cafe với tôi kể lại, và chính anh công bố chính thức trong phần bình sau một bài viết của tôi. Anh ấy kể, khi ngồi uống cafe, có nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long, anh ấy nói: Giáo dục Việt Nam đang là một con điếm! Bất ngờ, lúc ấy, Thứ trưởng Bành Tiến Long không tức giận mà khen: Câu nói hay nhất trong ngày!
Tôi chưa bao giờ dám phát ngôn công khai thế, nhưng ngẫm kĩ, hay vì đúng đến tuyệt đối!
Vì lẽ, giáo dục Việt Nam đang làm tiền trắng trợn. Mà thực ra làm tiền chẳng có gì là sai khi nó dũng cảm xem giáo dục là một hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, đằng này, mở mồm ra là phi lợi nhuận cho ra vẻ nhân đạo. Tính chất đĩ điếm nằm ở chỗ đó!
Bề ngoài, nó cũng chủ trương như người ta: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”, nhưng đa phần học chỉ để biết như con vẹt, học xong chẳng xin được việc gì đúng ngành mình học, tồn tại vất vưởng và khó chung sống với ai khi chẳng lẽ mang tấm bằng về quê sống với dân cày???
Các trường từ công lập đến dân lập mở đủ các loại ngành, đủ các loại hệ và gia tăng chỉ tiêu để thu học phí, bất kể là các loại ngành, các loại hệ ấy có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay không, trừ nhu cầu chạy đua bằng cấp của thường dân ít hiểu biết.
Giáo dục đang thực hiện những chiêu lừa thượng thặng. Nhớ cách đây mấy năm, khi tôi còn tham gia ôn luyện thi cho học sinh phổ thông, có nhiều em học sinh hỏi tôi: Ngành “giáo dục đặc biệt” là ngành gì, học ra làm gì vậy thầy? Hồi đó, ở Trường Đại học Quy Nhơn mới chiêu sinh ngành này, tôi cũng không hiểu nó là ngành gì, bèn trả lời đại: Thầy không hiểu, có lẽ nó giống như cái “giải đặc biệt” khi chơi xổ số kiến thiết vậy! Tưởng hỏi vui, nói vui, không ngờ nhiều em nộp hồ sơ vào ngành này thật. Sau mới biết “giáo dục đặc biệt” là giáo dục cho trẻ em khuyết tật!
Kết quả chiêu sinh được một lớp, nhưng sau một năm rất nhiều sinh viên bỏ học và trường đành giải thể ngành học này. Cho đến giờ tôi cũng không hiểu, đội ngũ giảng viên tâm lí học – giáo dục học của Trường tham gia đào tạo ngành này dạy thế nào khi họ không phải là những chuyên gia về giáo dục người mù, câm điếc???
Rồi nữa, khi ngành “Việt Nam học” mở ra, nhiều sinh viên học trường chuyên, giỏi thật sự đã đăng kí thi tuyển, mặc cho Hiệu trưởng trường chuyên cảnh báo không nên, vì người Việt Nam sao phải học cái ngành khoa học lù mù không định hướng ấy rồi ra trường làm được việc gì? Thú thật, mình cũng không hiểu cái Vietnamese Sciences là nhân chủng học, văn hóa học hay du lịch học… của Việt Nam? Kết quả là có một sinh viên xuất sắc của trường chuyên sau khi ra trường không thể xin việc ở đâu được và rơi vào bệnh trầm cảm nặng!
Gần đây nhất là cái hội chứng Kinh tế tài chính, Ngân hàng, các trường gần như không giới hạn chỉ tiêu, có khóa một ngành của trường có trên 3000 sinh viên theo học, kéo theo chạy điểm, mua bán điểm cả loạt như Trường Đại học Quy Nhơn trong năm vừa rồi. Tiếp theo, lại xuất hiện các ngành hot mới như hot girl lên sàn diễn, nào là Quản lí giáo dục, nào là Quản lí Nhà nước… Nghe hai chữ Quản lí rất hấp dẫn, nhiều em mơ học xong có thể lên đến ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay Chủ tịch Nước vậy!
Trong một bài viết trên blog, tôi từng nói, chính cuộc chạy đua bằng cấp và những giá trị ảo đã rút kiệt sức dân. Dân đã nghèo càng nghèo thêm bởi cái trò chơi chạy đua tốn kém này.
Viết ra điều này để các phụ huynh và học sinh cảnh giác, tránh rơi vào trò chơi ảo tốn tiền hơn cả việc bọn trẻ ăn cắp tiền cha mẹ chơi game. Vẫn là mục đích dân trí, không nhằm chỉ trích ai! Vâng ạ, vì dân thôi ạ, vì trong cái thằng nhà giáo là tôi thấy xấu hổ thật sự khi ở trong cuộc chơi ăn tiền dân bất lương này! Mong được tha thứ!
FB Chu Mộng Long (Nguồn: TTXVH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét