- Bệnh khô mắt

Mắt bị khô khi nước mắt ta tiết ra không đủ để làm mắt nhờn ướt. 

Ta không đủ nước mắt có thể vì nhiều lý do: mắt không tiết đủ nước mắt hoặc nước mắt tiết ra không tốt.
Triệu chứng
Thường thì cả 2 bên mắt đều bị khô, đưa tới những triệu chứng sau:
-Mắt cảm thấy như bị châm, trầy hay bỏng

-Có những sợi chất nhờn vương trong hay quanh mắt

-Khi trời có khói hay gió, mắt bị khó chịu

-Mắt bị mỏi sau khi đọc sách một thời gian ngắn

-Nhậy cảm với ánh sáng

-Khó mang kính sát tròng

-Có những lúc bị ra nước mắt thật nhiều

-Mắt nhìn bị mờ, nhất là cuối ngày hoặc sau khi phải chú ý một thời gian dài.

Nguyên nhân

Như trên đã nói, ta bị khô mắt là do nước mắt tiết ra không đủ. Nước mắt là sự pha trộn của nước, dầu béo (fatty oils), chất đạm và những chất điện giải. Hỗn hợp này giúp bề mặt của mắt bằng phẳng và trong, cũng như bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng.
Một số người thường bị khô mắt do sự mất cân bằng giữa những chất trong hỗn hợp nước mắt. Một số người khác bị khô do không đủ nước mắt. Một vài nguyên nhân khác: mí mắt có vấn đề, thuốc men, những yếu tố môi trường như gió, bụi...

1.Nước mắt không tốt

Màng nước mắt gồm có 3 lớp căn bản: dầu, nước và chất nhờn. Bất cứ lớp nào “có vấn đề” cũng đều có thể gây ra khô mắt.
-Lớp dầu: Là lớp ngoài cùng của màng nước mắt, do những tuyến nằm nơi rìa mí mắt tiết ra, chứa những chất dầu béo gọi là lipids. Lớp này làm màng nước mắt phẳng mịn và giúp lớp nước ở giữa bớt bị bốc hơi. Nếu các tuyến chất dầu không tiết đủ, lớp nước mắt sẽ bốc hơi nhanh làm mắt bị khô. Mắt rất dễ khô khi các tuyến này bị nghẹt, triệu chứng thường xẩy nơi các bệnh viêm rìa mí mắt (blepharitis), bệnh da sưng đỏ (rosacea) và một vài loại bệnh ngoài da khác.

-Lớp nước: Lớp giữa của màng nước mắt gồm hầu hết là nước, với một ít chất muối, được tiết ra từ những hạch nước mắt, có nhiệm vụ làm sạch mắt và quét đi những phần tử từ ngoài vào hay những chất gây khó chịu. Nếu lượng nước tiết ra bị thiếu thì lớp dầu và lớp chất nhờn sẽ đụng nhau và tạo ra những dây ghèn.

-Lớp chất nhờn: Lớp trong cùng của màng nước mắt giúp trải đều nước mắt trên mặt ngoài của mắt. Nếu thiếu chất nhờn này, trên mặt ngoài của mắt sẽ có những điểm khô.

2. Nước mắt không được tiết ra đủ
Do những nguyên nhân sau:
-Người lớn hơn 50 tuổi: Càng lớn tuổi thì nước mắt càng ít đi. Người trên 50 tuổi rất dễ bị khô mắt.

-Đàn bà tuổi hết kinh: Nước mắt ít đi có thể do kích tố thay đổi. Do đó đàn bà tuổi hết kinh dễ bị khô mắt.

-Bị một bệnh nào đó khiến nước mắt giảm đi, thí dụ như tiểu đường, thấp khớp, lupus, scleroderma, bệnh Sjogren's, bệnh tuyến giáp trạng, và bệnh thiếu vitamin A.

-Đã từng được mổ mắt bằng tia laser thí dụ như Lasix. Chứng này thường chỉ xẩy ra tạm thời.
-Tuyến nước mắt bị hư hại do viêm sưng hay tia quang tuyến

-Vấn đề của mí mắt: Mỗi khi ta chớp mắt, mặt ngoài của mắt được phủ một màng mỏng nước mắt. Mí mắt bị cụp vào hay vảnh ra sẽ làm cho nước mắt không phủ đều do ta khó chớp mắt, do đó ta bị khô mắt.

3.Thuốc gây ra khô mắt

Gồm có thuốc trị cao máu, thuốc chống dị ứng antihistamines và thuốc nghẹt mũi, thuốc ngừa thai, thuốc chữa trầm cảm, thuốc giảm đau như ibuprofen (Motrin, Advil) và naproxen (Aleve), thuốc trị mụn có chứa chất isotrenitoin.

4.Những nguyên nhân khác
Gồm có: gió, độ cao, không khí khô, những việc khiến ta phải chú ý lâu thí dụ như ngồi trước máy vi tính, lái xe, hay đọc sách.

Hậu quả của chứng khô mắt

Gồm có:
-dễ bị nhiễm trùng mắt do mặt ngoài mắt không được nước mắt bảo vệ
-Bị sẹo trên mặt ngoài mắt: Chứng khô mắt nếu không được chữa, có thể đưa đến viêm mắt và sẹo trên mặt ngoài của mắt khiến bệnh nhân không nhìn rõ.

Tự chữa

Người bị khô mắt nhẹ có thể dùng những loại thuốc nhỏ mắt mua tự do và rửa mắt thường xuyên để tự chữa. Nếu bị nặng hơn nên gặp bác sĩ để được định bệnh và chữa bệnh theo từng nguyên nhân.


1.Thuốc nhỏ mắt mua tự do
Có rất nhiều loại “nước mắt giả” giúp cho mắt bớt khô. Nên hỏi bác sĩ thuốc loại nào thích hợp cho mình. Sau đây là cách chọn thuốc:
-Thuốc có chất bảo quản hay không: Thuốc có chất bảo quản có thể để lâu được và có thể được dùng 4 lần mỗi ngày, dùng thường xuyên hơn có thể khiến mắt bị khó chịu. Thuốc không có chất bảo quản chỉ dùng được một lần nên thường gồm nhiều ống nhỏ, dùng một ống mỗi lần. Nếu cần phải nhỏ nhiều hơn 4 lần mỗi ngày nên dùng loại thuốc không có chất bảo quản.

-Thuốc nhỏ (eye drops) hay thuốc nhờn (ointment): thuốc nhờn bảo vệ mắt lâu hơn nhưng có thể làm khó chịu và không nhìn rõ được nên chỉ dùng trước khi đi ngủ.

Dùng thuốc nhiều hay ít là tùy theo triệu chứng. Có người cần nhỏ thuốc mỗi giờ, có người chỉ cần 1 lần mỗi ngày.              
                                  

2.Cách chữa khác
-Rửa mắt để giảm viêm sưng: Người hay bị viêm rìa mí mắt hay những bệnh khác gây ra sưng mắt khiến nghẽn đường cho chất nhờn tiết ra, nên dùng cách rửa mắt bằng miếng bông ướt đặt lên mắt khoảng 5 phút và nhẹ nhàng day cho chất rỉ rơi ra hoặc rửa mí mắt bằng xà bông nhẹ. Nên rửa như vậy mỗi ngày, ngay cả khi mắt không bị khô.


- Phương pháp “ngoại khoa”:
Một vài nghiên cứu sơ khởi cho thấy chất acid béo omega-3 có thể giúp giảm triệu chứng khô mắt nhờ giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Nếu muốn tránh vị tanh cá sau khi uống chất omega-3 FA, có thể ăn hay uống những thứ có chứa chất này như canola oil, dầu đậu nành, dầu flaxseed, hạt walnut, cá hồi, cá mòi, trứng của gà nuôi bằng thức ăn chứa nhiều omega-3 FA...

Ngừa bệnh
Nên theo những chỉ dẫn sau:
-Tránh gió thổi thẳng vào mắt bằng cách không chĩa máy sấy tóc, máy sưởi, máy lạnh hay quạt máy vào mắt

-Đeo kính vào những ngày có gió nhiều và đeo goggle khi bơi

-Bật máy phun hơi ẩm vào những ngày khô

-Đeo kính to bản che chở mắt

-Cho mắt nghỉ khi phải làm việc cần sự chú ý quá lâu bằng cách nhắm mắt vài phút hay chớp mắt liên tục cho chất nhờn được tiết ra.

-Đặt màn hình máy vi tính thấp xuống dưới tầm mắt để khỏi phải mở mắt quá to, giúp nước mắt không bị bốc hơi nhanh.

-Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét