- Người Cộng Sản Việt Nam cần một sự hòa giải cấp bách

“….Vấn đề cấp bách của ông Trọng, Bộ Chính Trị và phe nhóm ông Dũng là ngồi lại với nhau, hòa giải với nhau để tiến hành một cuộc cách mạng mà họ đóng vai trò là một nhân tố thay đổi thay vì là những nạn nhân…”



Kết thúc đại hội Đảng XII có nhiều sự kiện xảy ra, từ bầu cử đại biểu quốc hội cho đến vô số vấn đề xã hội được giới trí thức và dư luận quan tâm.

Riêng tôi nghĩ thời gian này xem truyền hình là một điều thú vị, bởi nó phản ánh đúng bản chất và tình hình của chế độ Cộng Sản. Qua bài viết trước, tôi đã nêu rõ 4 nguy cơ mà Đảng CSVN phải đối mặt, quả thực là các lãnh đạo cấp cao trong chế độ đang chạy thuốc "Tầu" cho 4 nguy cơ trên.

Đích thân tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng phải xuống các tỉnh ĐBSCL để "giải quyết" vấn đề nhiễm mặn và tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội-hội đồng nhân dân. Dùng từ là giải quyết thì hơi quá đáng bởi người dân đã gánh chịu hậu quả của sự nhiễm mặn, nó như một căn nhà cháy rụi chỉ còn khói bốc lên cao và chúng ta nghe tiếng ò e của xe cứu hỏa chạy đến.

Đảng CSVN đã lãnh đạo đất nước hơn 40 năm ở miền Nam, họ có quá đủ thời gian để hiểu rõ những vấn đề cấp bách của khu vực ĐBSCL thay vì được tôi ví như một chiếc xe cứu hỏa đến muộn. Trước mắt, thảm họa đã lấy đi hàng trăm tỉ đồng và trong tương lai nỗi lo âu và sự cơ cực của người dân sẽ còn hiện hữu. Bởi việt Nam vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu và sự lãnh đạo thiếu trí tuệ của Đảng CSVN. Và sau thảm họa của sự nhiễm mặn này, nó càng chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đã đến hồi lung lay. Bởi một vấn đề sẽ kéo theo vô số vấn đề mà chỉ có một chính quyền dân chủ thực sự mới có thể giải quyết.

Trong chuyến đi này, ông Trọng tỏ ra khoe sắc như những chùm pháo hoa mà các đồng chí của ông là những người thưởng thức rồi tự vỗ tay hoan hô trước nỗi đau và sự mất mát của người dân. Đâu cũng vào đấy, nhân dân ĐBSCL phải đối mặt với thảm họa và chỉ một thảm họa tương tự nữa thôi thì lòng tin của nhân dân ĐBSCL đối với Đảng sẽ không còn là những ẩn số…

Ông Trọng và bộ máy chính quyền địa phương của ông đáng lẽ phải là những kẻ cúi đầu nhận trách nhiệm trước nhân dân, đất nước và phải hòa giải với các cán bộ có tâm huyết nhưng họ đã bất lực trước bản chất của chế độ thay vì chủ trương ra các nghị quyết để tiếp tục ru ngủ và cai trị đất nước vô hạn định. Chính sự bảo thủ của ông Trọng sẽ làm gia tăng sự phân hóa trong nội bộ Đảng, và một ngày không xa chính ông hoặc người kế nhiệm phải là người khởi xướng các sự kiện "hòa giải" trong nội bộ Đảng để đi đến việc thay đổi thể chế chính trị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thời gian qua cũng làm việc trong và ngoài nước rất năng nổ. Ngoại giao để tìm kiếm sự hợp tác song phương về các lĩnh vực nông nghiệp với các nước Châu Phi mới nổi. Trong khi thực tế Việt Nam đã bắt đầu rất lâu và hiện nay thì đang tụt hậu một cách bi đát. Còn những quốc gia Châu Phi thì tương lai vẫn rất xán lạn vì họ chỉ mới bắt đầu. Có lẽ chủ tịch nước Trương Tấn Sang biết rõ Việt Nam là một bài học quý báu cho các quốc gia Châu Phi về sự thất bại trong sự phát triển nông nghiệp. Và ông Sang cần hiểu rõ hơn người nông dân Việt Nam là nạn nhân của chính chế độ độc hại của ông trong suốt 40 năm qua.

Trong một buổi làm việc với giới luật sư và các quan chức có liên quan đến ngành tư pháp. Ông Sang phát biểu một câu khiến tôi phải mở to âm lượng tivi "không một chế độ nào có thể tồn tại nếu không có công lý". Tôi không biết ông Sang có bị ngáo đá hay ngây thơ đến mức phải thốt lên câu nói ấy. Có lẽ ông cũng đang lo đến sự an nguy của chế độ bởi ông thừa biết rằng hàng trăm ngàn luật rừng, cách hành xử Mafia và một chính quyền tham nhũng đã là bản chất của chế độ. Nếu bảo vệ công lý thì chế độ của ông không thể tồn tại thậm chí là cái ghế của ông đang ngồi cũng khó giữ. Câu nói của ông làm tôi buồn cười mà qua đó cũng hiểu được nổi khổ của ông với vai trò là một Chủ tịch nước bù nhìn trong một chế độ Cộng Sản.

Chính một chế độ công an trị đã khiến đất nước chìm trong sự thù hận giữa người dân với cán bộ công an và giữa cán bộ công an cấp thấp với cán bộ công an cấp cao. Tôi thường xuyên nghe được những lời nói từ người dân "Chế độ cộng sản này mà thay đổi thì công an sẽ là người đầu tiên biết tay với người dân". Tôi không biết ông Sang có nghe được những câu nói đó từ người dân hay không, và cảm nghĩ của ông như thế nào về cái gọi là "công lý" trong cái thể chế xã hội chủ nghĩa này?

Không chỉ đại biểu quốc hội, người làm trong tòa án bị nhân dân khinh bỉ mà cả người công an, cán bộ các ngành cũng không ngoại lệ. Trong tương lai, những người công an, cán bộ chân chính với ngành cần được một sự hòa giải cấp bách trước nhân dân và sự hòa giải đó phải xuất phát từ ngay trong nội bộ Đảng, những người lãnh đạo các ngành và sự xúc tiến không mệt mỏi của một chế độ dân chủ đa nguyên.


Đảng CSVN phải nhận tội và bằng mọi cố gắng đưa ngành công an về đúng với bản chất của nó thay vì trung thành tuyệt đối với Đảng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ mờ nhạt sau kết quả của Đại Hội Đảng XII. Mọi cố gắng của ông cũng chỉ thể là ký kết hiệp định TPP. Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, TPP vẫn là một bài toán khó cho chế độ khi phải thừa nhận việc thành lập các công đoàn độc lập. Và với đường lối phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa thì các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp vô vàn khó khăn để chuẩn bị trước cuộc hội nhập.

Cho dù hiệp định TPP có diễn ra suôn sẻ thì đồng vốn FDI chỉ có thể là công cụ bóc lột sức lao động của các công ty đa quốc, nó còn là một gánh nặng cho đất nước và một chế độ mới thay vì một thắng lợi của Đảng đã đạt được. Bên cạnh đó hiệp định TPP được quốc hội Hoa Kỳ và các ứng cử viên Nhà Trắng có cái nhìn không mấy thiện cảm.

Sau đại hội Đảng XII, phe thắng cuộc cũng đã bắt đầu thanh trừng những nhóm lợi ích. Những đứa con tinh thần của Nguyễn Tấn Dũng không thể tránh khỏi sự trừng phạt bởi chế độ Nguyễn Tấn Dũng đã chấm hết. Cả cuộc đời của ông Dũng theo Đảng đã gây ra quá nhiều thảm họa cho đất nước nói chung và quyền lực của Đảng nói riêng, ông Trọng và những người cộng sản không thể hòa giải mà chỉ có thể là thanh trừng cho dù nó có là những di sản do ông Dũng để lại. Đối với ông Dũng, ông cần một sự hòa giải hơn bao giờ hết bởi ông biết hòa giải hiện đang là một thứ xa xỉ đối với ông. Trong lúc này và tương lai phe nhóm của ông Dũng phải là những người cần một "lập trường hòa giải" từ một tổ chức chính trị, đó là sự khôn ngoan để đất nước tránh được nhiều đổ vỡ do quá khứ của những sai phạm và lòng hận thù.

Chính vì thế mọi cố gắng được cho là khôn ngoan của ông Dũng trong thời gian còn đương nhiệm là phải ủng hộ và yểm trợ cho lực lượng đối lập có tinh thần và lập trường hòa giải. Nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới vẫn sẽ không khởi sắc và càng lâm vào bế tắc nếu những người đứng đầu trong Đảng CSVN tiếp tục độc tài cai trị và kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin. Một xã hội tồi tệ đã chuyển hóa đến mức khiến con người sống trong nó không thể chịu đựng được nữa. Xã hội thực tại đã khiến người dân đã ý thức và quan tâm đến chính trị, bởi chính trị là một nhân tố quyết định và ảnh hưởng đến xã hội sống.

Giới văn, nghệ sĩ và hiện nay giới luật sư cũng đã nhập cuộc vào cuộc cách mạng. Đất nước đang lâm nguy, nạn thất nghiệp, nền giáo dục lạc hậu vẫn không thay đổi và sự hiện diện thông tin đa chiều từ internet mang lại đã thúc đẩy sự thức tỉnh của giới trẻ ngày càng nhanh hơn. Một khi giới trẻ đã nhập cuộc vào cuộc cách mạng thì thời điểm cáo chung của chế độ đã đến. Mọi cố gắng cải tổ chế độ của người Cộng Sản chỉ làm cho lòng thù hận giữa người dân với chế độ gia tăng và khiến đất nước đón nhận thêm nhiều thảm cảnh bi đát. Vấn đề cấp bách của ông Trọng, Bộ Chính Trị và phe nhóm ông Dũng là ngồi lại với nhau, hòa giải với nhau để tiến hành một cuộc cách mạng mà họ đóng vai trò là một nhân tố thay đổi thay vì là những nạn nhân.

Nguyễn Hòa Bình
(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét