- Đi tìm lòng trắc ẩn

Nếu cứu người chỉ để được phong anh hùng thì chắc chắn rằng, theo cách nghĩ thông thường, nhiều người ngày nay sẽ nhường suất làm anh hùng cho kẻ khác để đổi lấy cuộc sống yên ổn.


Tuần qua, từ vụ xe Camry mất lái đâm chết người ở Hà Nội, trong đó có trường hợp một nạn nhân bị nhiều người qua đường bỏ mặc, đã rộ lên tranh luận: Vì sao bây giờ người ta ra đường thường ngại giúp người bị nạn?

Hãy nhân rộng lòng tốt một cách tự nhiên
Gần đây, cụm từ “sự tử tế” hay “người tử tế” được truyền thông nói nhiều, theo đó là những chân dung người và việc - minh họa cụ thể. Có thể xem đây là nỗ lực tuyệt vời trong việc thay đổi cái nhìn, hun đúc niềm tin xã hội, uốn nắn cách cư xử của con người với nhau trong bối cảnh hệ giá trị nhân văn trong đời sống đang có nguy cơ chao đảo. Điều này có ý nghĩa lớn lao gấp nhiều lần việc sợ hãi, rúng động trước những thảm họa đạo đức xảy ra hằng ngày hoặc tiêu cực hơn là lấy lời cao đạo để nguyền rủa bóng tối mông lung.

Nhưng như thế liệu đã đủ để vực dậy một nền đạo đức cộng đồng? Có lẽ chưa đủ nếu sự thật đằng sau những câu chuyện về sự thực hành công chính cụ thể kia chưa được làm rõ hay phổ quát hóa.

“Gánh vác nỗi khổ của người khác mới thật nặng nề làm sao” - triết gia Émile Chartier viết. Thật thế, người ta có thể rất giỏi lý thuyết về tình yêu thương, lòng trắc ẩn nhưng để ứng cứu một người lâm nạn nằm bên đường thì cần một sự quyết đoán, một phản xạ có điều kiện phát sinh từ tâm thế sống vị tha thực sự có được từ nhận thức lẫn đào luyện trong thực tế.


Vì vậy, có lẽ xã hội sẽ cần những câu chuyện chi tiết nói về sự hy sinh của người làm điều tốt hơn là những thành quả, thành tích mà người đó có được. Và quan trọng hơn, sự “sống tốt” đó phải được nói một cách tự nhiên nhất, bình dị nhất. Cần hiểu rằng tính tự nhiên của lòng vị tha không phải chỉ là sở hữu của con người có ý thức mà còn là phản xạ của những con vật sống có quần thể.

Chim sẻ ngói kêu lên róng riết để báo cho đồng loại biết có mối nguy hiểm đe dọa đến gần dù bản năng nó thừa biết tiếng kêu có thể mang lại nguy hiểm cho nó. Cũng thế, loài ong thợ trong tổ ong mật sẽ sẵn sàng rút ruột mình ra cùng với nọc độc để tấn công kẻ thù đụng đến tổ của chúng rồi sau đó chấp nhận cái chết…

Đề cao giá trị nhân bản

Kết quả hình ảnh cho Đề cao giá trị nhân bản
Trước nay, tinh thần cảm tử vị tha đó có ở con người, rất tiếc là hầu hết chúng được mô tả trong những bối cảnh chiến tranh, huyền thoại hóa đến mức quá xa xôi so với đời thực, được tô vẽ, thêm thắt quá phi thường (làm cho chúng ta nghĩ phẩm chất hy sinh, lòng trắc ẩn lớn lao chỉ có ở những con người dị thường) không phải là một mô thức chung để ai ai cũng có thể làm theo.

Sự gắn kết tương quan sinh mệnh bản thân vào tha nhân, trước hết là cùng huyết thống, cùng quê hương, Tổ quốc và xa hơn là nhân loại sẽ giúp con người gạt bỏ bớt mối hoang tưởng về “tự kỷ trung tâm luận” tai hại để đặt hệ giá trị tinh thần trong đời sống cao hơn mọi vật chất hay vinh quang hão huyền.

Vì vậy, nền giáo dục và khế ước xã hội cần đề cao những giá trị nhân bản và khai phóng (thay vì chú tâm cung cấp tri thức định kiến, cực đoan) để xây dựng một nền đạo đức cộng đồng thực sự được cấu tạo từ những con người tự do. Ở đó, những giá trị như: trách nhiệm, lương tâm, lòng trắc ẩn hay sự công minh… được coi trọng, những hy sinh hướng tới sự tiến bộ và văn minh của xã hội được thấu hiểu, khích lệ.

Và cuối cùng, cuộc cải cách và quán triệt lớn lao nhất, khó khăn nhất là nằm trong tâm trí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Cần thiết đưa mình thoát ra khỏi sự suy tính thiệt hơn thực dụng để dành dư địa lý trí chọn lựa thực hành lòng vị tha, hành động vì sự trắc ẩn. Đó không đơn thuần là vì người mà phần nào đó còn là vì mình. Cũng không có nghĩa là chờ luật nhân quả ứng báo mà hành động vì nhận ra trong nỗi đau khổ của tha nhân có bóng dáng bản thân, đó là một trong những nguồn gốc đạo lý của lòng trắc ẩn.

Có gì đó vừa thật cay đắng lại vừa lạc quan khi triết gia Friedrich Hölderlin cho rằng: “Ở đâu hiểm họa gia tăng thì nơi đó cũng gia tăng sự cứu nguy”!

Làm anh hùng xem ra không còn hấp dẫn nữa một khi danh hiệu ấy hoặc bị huyền thoại hóa, trở nên quá phi phàm hoặc đã bị giải thiêng bởi tính hình thức. Trong một thế giới nhiều rủi ro, nếu có óc thực tế một chút, người ta sẽ chọn được yên.

Sợ xui thì không cứu người được

Năm nọ, tôi đưa mẹ về quê ăn Tết.
Sáng mùng 1, tôi chạy xe máy chở mẹ đi thăm bà con. Trên đường về, hai mẹ con gặp một vụ tai nạn giao thông. Nạn nhân nằm bất động trên đường, người dân xúm quanh nhìn. Tôi dừng xe. Mẹ tôi len vào, ngồi xuống bắt mạch cho người bị nạn rồi bảo tôi: “Còn sống, con ạ. Cần đưa ngay anh này vào bệnh viện”.

Tôi kêu mấy người bế nạn nhân đặt lên xe máy của tôi, bảo một người vòng tay qua người anh ấy, bám vào vai tôi thật chặt. Tôi chở anh ấy vào bệnh viện huyện. Máu anh ấy chảy ướt hết cả lưng tôi.

Trớ trêu thay, anh ấy chính là... bác sĩ của bệnh viện nơi tôi chở anh ấy vào. Anh ấy uống rượu (Tết mà!), đi xe máy không vững, lao lên đống đá cạnh đường nên ngã đập đầu xuống đường. Bệnh viện đã kịp thời cấp cứu... đồng nghiệp của họ. Tôi quay lại đón mẹ. Cũng không biết tính mạng anh ấy sẽ thế nào nếu hôm đó mẹ con tôi không tình cờ đi ngang qua.

Sau đó cũng có người bảo tôi là người ta kiêng những việc dính đến máu me đầu năm, dễ bị xui cả năm. Tôi chẳng tin làm việc cứu người mà lại bị xui. Cả năm đó, tôi và gia đình chả bị làm sao hết.
Lương Hoài Nam

Họ chỉ quan tâm đến con mình!

Có lần tôi chạy xe máy trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), trước mặt tôi là một đám đông đứng nhìn một bé gái bị tai nạn nằm giữa đường. Bé mặc đồng phục học sinh, cặp sách văng một bên, chiếc kính cận vỡ nát. Người ta nói kẻ gây ra tai nạn đã chạy mất. Tôi len vào đám đông ẵm bé gái dậy, để cháu ngồi trước xe và chở tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi làm thủ tục, đóng tiền cho cháu xong thì người nhà đến, không phải một người mà nhiều người, họ xông vào rất hung hăng. Họ tưởng tôi là người gây ra tai nạn nên muốn lao đến đánh.



Tôi ngồi trên ghế, bình tĩnh giải thích nhưng họ vẫn muốn động thủ. May thay, có một người đến sau, giải thích rõ ràng tôi không phải là người gây ra tai nạn mà là người cứu cháu. Họ không thèm xin lỗi, hỏi tôi một câu, chỉ quan tâm đến con họ.



Tôi lặng lẽ ra khỏi bệnh viện. Nghĩ rằng nếu người kia không đến kịp, có thể cả đám đó sẽ nhập viện, còn mình thì lên đồn công an.

 V.sư.Lê Thanh Phong (Theo Người lao động)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét