- Dối Trá - Tưởng Chỉ Mình Ta Biết

Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức.
"Con người cho dù có đang sống trong căn nhà tối tăm, ẩn khuất, thì Thiên Địa, Qủy, Thần vẫn nhìn thấu rõ tâm can, hành động của họ.... Cho dù anh có cố công che đậy cũng không cách chi dấu được ý niệm sinh ra từ tâm từ, thiện, ác. Ý niệm cũng giống như một nguồn sóng điện, còn Quỷ Thần chứng giám chính là vật dẫn điện vô hình".

Cùng chủ đề => LIE TO ME SEASON 1 (2009)

=> Dối Trá Phần 2

Câu chuyện:
Đừng Vì Chút Lợi Nhỏ Mà Đánh Mất Tiền Đồ
Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp. 

Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lí này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn vé chỉ khoảng ba phần trăm. 

Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên trốn vé. Cô còn tự tìm một lí do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy. 

Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc. 

Nhưng những công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những công ti này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài. 



Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty, yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một lí do khiến cô không ngờ. 

“Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm.” 

“Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?” 

“Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé” 

“Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như tôi sao?” 

“Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn vé thêm 2 lần nữa.” 

“Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ.” 

“Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã trốn được cả trăm lần rồi.” 

“Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa là được mà.” 

“Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều: Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc và sử dụng nó. Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực phụ trách. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thuyết bị giám sát, cũng như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu.” 

Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này: Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức. 

Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác. Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn.

Tôi cho các bạn lời khuyên chân thành, trong sự nghiệp cần phải dựa vào năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân phẩm. 

Nguồn: Sina/
Người dịch: Lưu Linh Trang

Không giấu gì được


Khoan bàn tới mục đích hay những hệ lụy mà "nhiều người" đang lo sợ, “tài liệu Panama” trước hết là một lời nhắc nhở, rằng không giấu gì được dưới bầu trời này, trong kỷ nguyên kỹ thuật số này.

Vụ rò rỉ “tài liệu Panama” vì mục đích gì, đặc biệt nhắm vào ai trong số những người “tai to mặt lớn” đương chức, đương quyền tại nhiều quốc gia bị “tung hê”, trong một góc nhìn nào đó chính là một cảnh báo rằng cái họa “bật mí” có thể lây lan đến nhiều nơi và làm chao đảo nhiều nước.

Việc thủ tướng Iceland phải từ chức chỉ vài ngày sau khi bị rò rỉ thông tin trốn thuế cho thấy đây chính là một hiểm họa khôn lường cho bất cứ ai đã “nhúng chàm”.

Không lấy làm lạ tại sao ở một quốc gia đông dân nọ, ngay từ thứ hai đầu tuần, an ninh mạng đã kiểm duyệt các thông tin từ “tài liệu Panama” trên báo chí cùng các trang mạng xã hội ở nước này - thiên hạ đồn rằng ông anh rể của một VIP bị lộ mấy trăm triệu USD tài sản tẩu tán.

Thậm chí ở đó, người ta đã “cẩn tắc vô áy náy” đến độ “khóa” luôn mọi tìm kiếm có từ “Panama”, gõ mỗi từ “Panama” cũng không xong! Nghe nói, có đến ba VIP của nước này có thân nhân “bị lộ” trong “tài liệu Panama”.

Một nước khác cũng vào hàng đông dân ở Nam Á cũng có cả lô chính khách có tên trong “tài liệu Panama”, kể cả nhân vật số 1. Rõ ràng là nước này sẽ không “hoan nghênh” việc rò rỉ “tài liệu Panama”!

Thế nhưng, nếu có những chính phủ ái ngại “tài liệu Panama” thì ngược lại cũng có những chính phủ có lẽ sẽ tận dụng nguồn tư liệu này: 33 tỉ phú trong danh sách tỉ phú của báo Forbes được đếm ra trong “tài liệu Panama” ắt hẳn sẽ không yên thân từ nay! 

Có thể thấy tính hữu dụng của “tài liệu Panama” đối với các chính phủ muốn “làm sạch nhà cửa”: cho tới nay những trường hợp tham ô, cho dù có bị một nước thứ ba công bố, cũng vẫn có thể được che chắn bởi lập luận: chứng cớ đâu mà họ bảo tôi “ăn”?

Nay, do lẽ “tài liệu Panama” là cả một nguồn chứng từ, bút toán điện tử (do ai đứng tên, chuyển bao nhiêu, ngày giờ nào, đi đâu, cho ai, để làm gì…) rõ ràng nên sẽ khó lòng phủ nhận, trừ phi chối bỏ luôn quan hệ với người đứng tên bị lộ!

Trong một góc nhìn nào đó, như từ Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc 2003 thì những rò rỉ từ “tài liệu Panama” sẽ góp phần giúp thực thi công ước này khi mà cho đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa thể “thực hiện các biện pháp khả thi nhằm phát hiện, kiểm soát việc chuyển tiền mặt và các công cụ có giá trị qua biên giới nước mình” (điều 14-1 b), chưa kịp “hợp tác và trao đổi thông tin ở cấp quốc gia và quốc tế” (điều 14-2)…

Những ai đã từng “nhúng chàm” có lẽ đang hồi hộp đợi xem tên mình có bị “bêu” hay không.

Chính vì thế, cũng có thể xem đây là một điều khả dĩ tích cực đối với công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi nước. Đó là một cảnh báo rằng những “phi vụ” chuyển tiền ra nước ngoài, tậu bất động sản lấy thẻ xanh chẳng hạn, cho tới nay cứ ngỡ là kín đáo cũng sẽ có lúc bị “lột trần”.

DANH ĐỨC

Nghiên cứu khoa học cho thấy dối trá hay máu cờ bạc là bản chất của con người

09/04/2016 02:06:30

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra giải thích về những thói xấu của con người như nói dối, trộm cắp hay cờ bạc, thật bất ngờ khi chúng có liên quan chặt chẽ tới gene.

Con người vốn được coi là giống loài thông minh nhất trong tự nhiên, đồng thời cũng là loài đặc trưng cho việc thích hủy hoại bản thân. Khoa học đã đưa ra những lý giải sâu xa về việc tại sao những loài thông minh thường có vẻ khá khó chịu, hằn học, thích tự hủy hoại bản thân đồng thời gây những tổn thương cho người khác.

So với hầu hết các loài động vật, con người đóng vai trò chủ thể trong những hành vi hủy hoại đồng loại và chính bản thân mình. Chúng ta dối trá, lừa đảo và trộm cắp, khắc những hình trang trí lên chính cơ thể mình, sống trong trạng thái căng thẳng tột độ và quyết định kết thúc cuộc sống của mình, và tất nhiên là cả cuộc sống của những người khác nữa. Sau đây, hãy cùng xem xét những hành vi tự hủy hoại nhất của con người dưới góc nhìn khoa học.

Nói dối 


Chẳng ai hiểu rõ tại sao con người nói dối nhiều đến thế, tuy nhiên các nghiên cứu đã cho thấy điều này là bình thường và có liên quan chặt chẽ tới nhiều yếu tố tâm lý phức tạp.

“Hành vi nói dối liên quan chặt chẽ với lòng tự trọng” , theo Robert Feldman - giáo sư tâm lý học giảng dạy tại Đại học Massachusetts: “Chúng tôi phát hiện rằng vào thời điểm con người cảm thấy lòng tự trọng bị đe dọa, họ sẽ bắt đầu nói dối với cấp độ tinh vi tăng dần” . 

Feldman đã tiến hành nhiều nghiên cứu trên những người thường xuyên nói dối, trong một cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 10 phút, 60% những người này nói dối ít nhất một lần.

Nói dối cũng không dễ dàng gì. Một nghiên cứu đã kết luận rằng việc nói dối tiêu tốn thêm 30% thời gian so với nói sự thật.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong thời đại e-mail con người nói dối thường xuyên hơn so với thời đại thư tay trước kia.

Về việc liệu một người có thực sự chủ định khi nói dối không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Để lý giải điều đó đòi hỏi phải có một định nghĩa phức tạp về nói dối.

“Một vài điều kiện nhất định phải được đảm bảo để một tuyên bố bị xếp loại là một lời nói dối” , giáo sư triết học James E. Mahon thuộc Đại học Washington and Lee cho biết: “Đầu tiên, một người phải đưa ra một tuyên bố và tin rằng tuyên bố đó là sai. Tiếp đó, người này phải có ý định khiến người nghe tin rằng tuyên bố đó là đúng. Nếu không thỏa mãn hai điều trên thì không nằm trong định nghĩa về nói dối của tôi”. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2014 thấy rằng, những lời nói dối vô hại và có những lý do đúng đắn giải thích cho hành động đó có thể khiến mối quan hệ trở nên bền vững hơn.

Động vật cũng được biết đến có khả năng gian lận, thậm chí robot cũng đã học được cách nói dối. Trong một thí nghiệm mà những con robot sẽ được khen thưởng hoặc bị phạt dựa vào biểu hiện trong một cuộc thi, chúng cũng gian lận.

Trộm cắp 

Hành vi trộm cắp có thể là do nhu cầu thúc đẩy. Nhưng đối với chứng ăn cắp vặt, hành vi ăn cắp chỉ đơn giản là bởi cảm giác kích thích. Một nghiên cứu trên 43.000 người cho thấy 11% trong số họ thú nhận từng ăn cắp ít nhất 1 lần.

“Những người này ăn cắp thậm chí cả khi họ không thiếu thốn” , Jon E. Grant- trường Đại học y Minnesota. 

Trong nghiên cứu năm 2009, những người tham gia được uống giả dược (Placebo: là một chất trơ, không có tác dụng chữa bệnh, không gây dị ứng, hoàn toàn vô hại, được mang hình dáng dược phẩm, tuy nhiên lại có tác dụng đặc biệt trên một số bệnh nhân, cả tốt lẫn xấu, gọi chung là hiệu ứng Placebo) hoặc thuốc naltrexone - được biết tới với công dụng kiềm chế những khuynh hướng liên quan tới chất cồn, thuốc phiện và cờ bạc. Naltrexone ngăn chặn những hiệu ứng của loại chất dạng thuốc phiện nội sinh mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ được sản sinh ra trong quá trình ăn cắp và có tác dụng kích hoạt cảm giác dễ chịu trong não bộ. 

Loại thuốc trên có tác dụng giảm bớt thôi thúc và hành vi ăn cắp, Grant và các đồng nghiệp đã đề cập trong tạp chí Biological Psychiatry.

Thói ăn cắp có thể đã được quy định ở trong gene của chúng ta. Suy cho cùng thì kể cả loài khỉ còn làm điều đó. Những con khỉ Capuchin sử dụng hệ thống báo động để cảnh báo đồng loại tản ra và tránh các nguy cơ khi kẻ thù tấn công. Nhưng một số sẽ làm giả các cuộc gọi, và sau đó lấy trộm thức ăn mà những con khỉ khác đã để lại trong khi vội vã đi trốn.

Lừa lọc 

Một vài đặc điểm khác của con người còn thú vị hơn nhiều. Trong khi hầu như ai cũng nói rằng sự trung thực là danh dự của mình, gần 1/5 dân số Mỹ cho rằng gian lận thuế thì có thể chấp nhận được về mặt đạo đức hoặc thậm chí đó chẳng phải một vấn đề đạo đức (theo khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew). Khoảng 10% số người được hỏi trả lời lấp lửng về việc có lừa dối nửa kia của mình hay không.

Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người đặt ra tiêu chuẩn cao về giá trị đạo đức lại nằm trong số những người lừa dối nhiều nhất. Theo một cách trái khoáy, những người này xem lừa dối là hành vi có thể hiểu được về mặt đạo đức trong một số tình huống nhất định.

Người nổi tiếng và chính trị gia vốn được xem như các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, nhưng chuyện họ lừa dối bạn đời của mình đã trở nên ngày càng phổ biến. Theo các chuyên gia, hành động này có một lý giải đơn giản: nam giới nhìn chung có ham muốn tình dục rất cao, và có xu hướng lừa dối nhiều hơn so với nữ giới. Đặc biệt hành vi này có khả năng xảy ra cao hơn với nam giới có quyền lực.

“Mọi người không nhất thiết phải làm theo những điều họ tuyên thệ” , Lawrence Josephs, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Adelphi, New York cho biết: “Chưa có nghiên cứu rõ ràng về việc những giá trị đạo đức của con người có đang thực sự kiểm soát những điều họ làm hay không, và nếu có thì ở mức độ nào”. 

Các chuyên gia cho rằng có hai lý do chính khiến một người lừa dối bạn đời của mình: Có thể họ thấy nhàm chán với đời sống chăn gối hoặc là họ không hạnh phúc với mối quan hệ của mình. Một nghiên cứu năm 2015 tìm ra rằng những người bị lệ thuộc vào bạn đời về mặt kinh tế có xu hướng lừa dối cao hơn những người có một mối quan hệ bình đẳng về tài chính.

Nghiện những thói quen xấu 

Có thể những hành vi khác trong danh sách này sẽ trở nên ít rắc rối hơn nếu chúng ta không phải những sinh vật lệ thuộc vào thói quen. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí khi ai cũng hiểu rõ những nguy cơ của một thói quen xấu, con người vẫn thấy rất khó để từ bỏ.

“Lý do không phải là bởi họ không có đủ thông tin về những nguy hại” , Cindy Jardine, Đại học Alberta chia sẻ: “Chúng ta có xu hướng hoạch định cuộc sống trong hiện tại và tương lai gần chứ không phải trong dài hạn” . 

Jardine, người đã nghiên cứu tại sao con người cứ níu lấy những thói quen xấu, đã đưa ra những nguyên nhân sau: Bản năng thách thức của con người, nhu cầu được xã hội công nhận, không thực sự thấu hiểu bản chất của rủi ro, nhìn nhận thế giới qua lăng kính cá nhân, khả năng hợp lý hóa những thói quen không lành mạnh và khuynh hướng dễ nghiện được quy định trong gene.

Con người có xu hướng biện hộ cho những thói quen xấu bằng cách đưa ra những ngoại lệ kể cả đối với những thống kê phổ biến, ví dụ như: “Điều này cũng chưa ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi” hoặc“bà của tôi nghiện thuốc và vẫn sống tới 90 tuổi”. 

Cờ bạc 

Máu cờ bạc có vẻ như cũng được quy định trong gene và có liên kết chặt chẽ với não bộ của con người, điều này có thể lý giải tại sao hành vi tiềm ẩn hủy hoại này lại trở nên vô cùng phổ biến.

Kể cả lũ khỉ cũng thích cờ bạc. Một nghiên cứu đo lường nhu cầu cờ bạc của loài khỉ để giành nước quả đã cho thấy kể cả khi những giải thưởng chẳng đáng kể, loài linh trưởng vẫn hành động có lý trí và đánh bạc để có cơ hội giành được nhiều hơn một chút.

Một nghiên cứu trong tạp chí Neuron năm ngoái đã chỉ ra rằng cảm giác thắng cuộc kích hoạt nhiều hệ thống truyền dẫn thần kinh trong não và củng cố thêm động lực để tiếp tục cờ bạc. “Những con bạc thường đánh đồng một cơ hội suýt soát với một sự kiện đặc biệt, và điều đó khuyến khích họ tiếp tục đánh bạc”, Luke Clark của Đại học Cambridge cho biết: “Chúng tôi thấy rằng bộ não phản ứng với những cơ hội suýt soát như thể một chiến thắng đã nắm chắc trong tay, ngay cả khi kết quả rõ ràng là thua”. 

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy việc thua bạc sẽ khiến con người mất kiểm soát. Khi một người lên kế hoạch trước về việc sẽ đặt cược bao nhiêu, họ thường rất lý trí. Nhưng nếu họ thua thì lý trí cũng rời bỏ họ, và khi đó họ thay đổi kế hoạch ban đầu và đặt cược thậm chí còn lớn hơn.

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét