- Kháng kháng sinh & Nguyên tắc cơ bản trong sử dụng


Thính giả Trịnh Lực hỏi
:
“Thưa Bác sĩ, kháng sinh là một trong những phát minh vĩ đại của loài người. Nhờ có thuốc kháng sinh, hàng triệu người đã được cứu sống do nguyên nhân nhiễm trùng. Nhưng hiện nay do lạm dụng, thậm chí sử dụng bừa bãi, tình trạng kháng thuốc đã lan tràn khắp thế giới trong đó Việt Nam là một điểm nóng, một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ kháng thuốc.
Xin Bác sĩ cho biết nguyên tắc cơ bản trong sử dụng kháng sinh ở Hoa Kỳ, đặc biệt ở tuyến cơ sở.
Xin cảm ơn Bác sĩ.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời: Nguyên tắc cơ bản trong sử dụng kháng sinhNói đến trụ sinh hay kháng sinh là chúng ta nói đến bịnh nhiễm trùng, do định nghĩa “trụ” từ Hán Việt có nghĩa là “chống”, “kháng” có nghĩa tương tự. “Sinh” là đời sống. Trước 1975, miền nam Việt Nam gọi là trụ sinh, hiện nay gọi là kháng sinh để dịch từ antibiotic. (Có lẽ theo tiếng quan thoai cũng gọi là kháng sinh. Anti là chống, bio là đời sống, ví dụ biology là khoa học về đời sống).

Một điểm quan trọng cần chú ý là do các điều kiện vệ sinh hiện nay, cũng như những cải thiện về dinh dưỡng, điều kiện sống của chúng ta hiện nay, bịnh nhiễm trùng không còn là mối đe doạ lớn nhất đối với sức khoẻ chúng ta, nhất là đối với những người sống ở các nước phát triển. Ví dụ, nguyên nhân làm chết người dưới 25 tuổi ở Mỹ là những bịnh bẩm sinh, tai nạn, ung thư và tự tử (cho nhóm trên 10 tuổi). Nói chung, trong 10 nguyên nhân tử vong ở Mỹ, chỉ có bịnh cúm (influenza) và sưng phổi kèm theo là bịnh nhiễm trùng thôi, những nguyên nhân khác như bịnh tim, phổi mãn tính, đột quỵ (stroke), tự tử, v.v.

Nói cách khác, chúng ta cần thay đổi quan điểm ngày xưa là phần lớn bịnh có thể chữa bằng trụ sinh, như bịnh lao, thương hàn, kiết lỵ,sưng phổi, bịnh phong tình...

Những câu hỏi lúc dùng kháng sinh
Nói chung, lúc dùng kháng sinh, chúng ta cần tự hỏi chúng ta cần đặt những câu hỏi sau đây:

1) Chúng ta có cần dùng kháng sinh trong trường hợp này hay không?
Kháng sinh chống lại vi khuẩn và một số ít siêu vi (virus) mà thôi. Ví dụ một người bịnh bị đau họng và lở ở trong họng nguyên nhân cũng có thể là một vi khuẩn như Streptococcus group A, hay có thể do một siêu vi, đau họng vài ngày rồi tự nó sẽ khỏi; hay do một nguyên nhân khác không phải do bịnh nhiễm trùng. Bác sĩ có thể căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng, như họng có mủ hay không, amidan có sưng nhiều không, có sưng hạch cổ hay không, và cũng tuỳ theo lứa tuổi bịnh nhân, và kết luận định bịnh.

Ví dụ định bịnh là viêm họng do Streptococcus, bác sĩ có thể xác nhận bằng cách lấy cây bông gòn thử nhớt, mủ trong họng (throat swab), để truy tầm các kháng nguyên (antigen) của vi trùng này.

Nếu phản ứng dương cho Streptococcus, cần cho bịnh nhân uống kháng sinh thường là Penicillin, hay Amoxicillin (dễ uống hơn, hấp thụ trong ruột tốt hơn), uống trong 10 ngày.

Nếu phản ứng âm, thì có lẽ do siêu vi, không cần chữa vì đại đa số sẽ tự khỏi.

Một số bịnh nhân hay phụ huynh cứ đau cổ là đòi bác sĩ cho trụ sinh, mà thường các bà mẹ gọi là thuốc "màu hồng" có mùi vị một số trẻ em rất thích, vì các bà nói rằng không uống trụ sinh thì không bớt. Điều này cũng thông cảm được vì:
con cái bịnh ai cũng sốt ruột,
cha mẹ không đi làm được, bé không đi nhà trẻ được,
các bịnh do siêu vi có thể kéo đến 1 tuần hay lâu hơn là thường, làm cho bịnh nhân khổ sở,
bịnh nhân/thân nhân từng được các bác sĩ dễ dãi làm theo yêu cầu của họ, tuy biết là không đúng nguyên tắc.

2) Kháng sinh phải đáp ứng với nhu cầu bịnh:
Ví dụ có đi dễ dàng vào mô xương nếu là nhiễm trùng xương; đi xuyên qua màng chắn giữa mái và não bộ nếu cần chữa bịnh cho não bộ như sưng màng óc, viêm não. Có hấp thụ đường ruột tốt hay không, nếu không thì phải chích. Đối với người Việt chúng ta mấy mươi năm trước, bịnh nhân thường muốn bác sĩ chích "một mũi" tuy uống thuốc cũng có thể giải quyết vấn đề và giải quyết tốt hơn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc biệt, có thể chích hữu hiệu hơn: thuốc chắc chắn vào cơ thể bịnh nhân (bác sĩ cho toa chưa chắc bịnh nhân đã đi mua được, có thể thuốc giả; thuốc chích thực hiện mức kháng sinh trong máu cao hơn là nếu uống).

Các phát đồ điều trị ở Mỹ cũng thay đổi tuỳ theo kết quả các khảo cứu. Ví dụ 20 năm trước đây trẻ em nhiễm trùng thận và đường tiểu là bắt buộc phải vào nhà thương truyền kháng sinh vào tĩnh mach vài ngày. Hiện nay thì đa số chỉ cần cho uóng thuốc kháng sinh, vì các khảo cứu cho thấy kết quả cũng tốt ngang nhau.

3) Dùng kháng sinh trong bao nhiêu lâu?
Tại sao trong trường hợp trên bác sĩ dặn dùng trụ sinh trong 10 ngày? Thuốc dùng 10 ngày trong một số trường hợp mà bác sĩ ước tính, căn cứ trên các nghiên cứu lâm sàng, là thời gian 10 ngày cần để chữa cho dứt bịnh. Ví dụ, bịnh nhân bị nhiễm streptococcus Group A trong amidan, bác sĩ dặn uống mười ngày, dù hết nóng, hết đau họng. Lý do bác sĩ muốn dứt hẳn vi khuẩn trong người bịnh, để tránh hậu hoạ, vì nhiễm vi trùng “strep” này có thể gây ra bịnh thấp khớp cấp tính (acute rheumatic fever) là một bịnh có thể làm đau tim, viêm cơ tim, viêm và hư các van tim. Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính, căn cứ trên thống kê số đông từng được nghiên cứu.

Ví dụ khác, như thuốc azithromycin dùng chữa viêm tai giữa (otitis media) nhưng chỉ uống 5 ngày, trong lúc dùng amoxicillin thì uống 10 ngày, đều là những khuyến cáo căn cứ trên các nghiên cứu lâm sàng. Nhiễm trùng đường tiểu nếu chỉ ở bọng đái có thể chỉ uống kháng sinh một liều cao, hoặc 3 ngày, nhưng nếu bác sĩ nghi nhiễm trùng liên hệ đến thận, có thể cho bịnh nhân uống 2-3 tuần kháng sinh, nhất là ở trẻ em, để tránh hư hại thận và các biến chứng về sau. Hay người bịnh lao (tuberculosis) có thể uống thuốc hàng tháng , hàng năm.

Căn cứ trên những nghiên cứu mới, hiện nay y khoa Mỹ cũng như thế giới thiên về y khoa thực chứng (evidence based medicine), người ta xét lại rất thường xuyên, rất nhiều các khuyến cáo hay phát đồ điều trị (treatment guidelines) này, thường là do những hội chuyên khoa (ví dụ như AAP cho nhi khoa), các trường đại học lớn, hay những cơ quan nhà nước như CDC (Trung Tâm Kiểm Soát Bịnh của Mỹ)…

4) Khả năng gây phản ứng phụ?
Bác sĩ theo đúng nguyên tắc, bảo vệ an toàn cho bịnh nhân bằng cách giới hạn không dùng kháng sinh bừa bãi.

Tất cả kháng sinh đều có khả năng gây phản ứng phụ: ví dụ dị ứng; phản vệ (anaphylaxis); lên ban, sốt, đau khớp sau khi dùng thuốc do” bịnh huyết thanh do thuốc gây ra” (drug induced serum sickness); lờn thuốc; tiêu chảy do huỷ hoại các vi khuẩn "thân thiện" sống trong ruột già, ngược lại một số vi khuẩn độc hại thì trỗi lên, có thể nguy hiểm như Clostridium difficile trong ruột, gây tiêu chảy, đi cầu ra máu, với những “màng giả” trong ruột, có thể lan truyền trong bịnh viện (pseudomembraneous colitis).

Một số khảo cứu cho thấy kháng sinh dùng lúc trẻ em còn nhỏ có thể làm cho các em sau này dễ bị suyễn và dễ bị mập hơn. Lý do là kháng sinh, nhất là các kháng sinh gọi là "broad spectrum antibiotic" (quang phổ rộng) có khả năng trị "bá bịnh", làm rối loạn "microbiome" sống trong ruột già, da, mà những vi khuẩn này lại đóng vai trò quan trong trong hệ miễn nhiễm, phòng thủ của cơ thể.

Bản thân bác sĩ có thể bị thiệt thòi. Nếu bịnh nhân biến chuyển (ví dụ nóng quá làm kinh, co giật, tuy không hại gì), bịnh trở nặng (ví dụ cọng thêm sưng phổi phải vào phòng cấp cứu), hay bịnh kéo dài (ví dụ ho cảm vài ngày chuyển qua viêm mũi-xoang), phụ huynh có thể kết tội bác sĩ, chê bác sĩ "nhát" , hay dỡ, hay tệ hơn nữa thưa kiện nếu kết quả xấu, mặc dù theo hướng dẫn cho toàn quốc, bác sĩ chỉ nên dùng kháng sinh lúc có chỉ định chính xác, có nghĩa là bịnh do vi trùng gây ra và bác sĩ cần dùng trụ sinh thích hợp cho vi trùng đó.

Tuy nhiên, điều kiện mỗi nơi có thể khác. Đa số bịnh làm em bé sốt nóng có thể là do virus, không cần trị bằng kháng sinh, bịnh nhân thường được theo dõi an toàn sau khi rời phòng mạch. Điều kiện nơi khác (ví dụ khu đô thị "inner city" ở New York), ở xứ khác, ví dụ Việt nam, hay Phi Châu, có thể khác, vì nguyên nhân bịnh và dịch học khác nhau, điều kiện theo dõi bịnh có thể khó khăn hơn sau khi ra khỏi phòng khám.

5) Vấn đề lờn thuốc

Vấn đề lờn thuốc là một vấn đề nghiêm trọng không những ở những xứ đang phát triển, mà cũng xảy ra ở Mỹ, mặc dù các biện pháp cố gắng dùng thuốc kháng sinh có chủ đích và hợp lý, trong lúc việc phát triển ra một thuốc mới rất chậm chạp và tốn kém.

Ví dụ, trước đây người ta dùng kháng sinh loại fluoroquinolone như Cipro để chữa bịnh lậu (gonorrhea); chỉ cần một liều 500mg Cipro là đủ. Đến năm 2007, CDC không khuyến cáo dùng thuốc này nữa vỉ chừng 14% trường hợp kháng thuốc. Hiện nay CDC khuyến cáo kết hợp một liều Azithromycin (Zithromax) cọng với một mũi chích Ceftriaxone. Tuy vậy, đã có dấu hiệu vi khuẩn lậu đề kháng với Azithromycine, cọng vào danh sách những thuốc bị kháng như Penicilline, Tetracycline, Fluoroquinolone, trong lúc bịnh lậu có chiều hướng gia tăng ở Mỹ, với chừng 800,000 ca mỗi năm, hết 1/2 không được định bịnh và chữa trị vì không có triệu chứng.

Năm 2016, CDC phỏng chừng hết 30% (44 triệu/154 triệu toa) các toa thuốc của bác sĩ và phòng cấp cứu ở Mỹ là không cần thiết. Theo CDC, phần lớn là thuốc cho các bịnh thật ra do virus (siêu vi) chứ không phải vi trùng (bacteria) và sẽ tự khỏi chỉ cần các biện pháp phụ trợ làm cho bịnh nhân dễ chịu hơn (supportive treatment): bịnh sưng họng, viêm cuống phổ (bronchitis), viêm xoang do virus (acute viral rhinosinusitis), và một số bịnh viêm tai giữa.

CDC khuyến cáo những biện pháp sau:

Thầy thuốc xét lại thói quen ghi toa của mình, tìm các áp dụng biện pháp canh chừng bịnh nhân mà hoãn thuốc kháng sinh lại, sau khi thấy các triệu chứng nặng thêm. Ví dụ, thay vì thấy em bé chảy mũi 3 ngày, nhẹ, nước mũi hơi vàng, xanh (là một chuyện bình thường đối với bịnh viêm mũi do virus), hay bé 5 tuổi sốt đau tai nhẹ, có thể chờ thêm vài ngày xem lại, nếu em bớt bịnh thì tốt, nếu bịnh léo dài, nặng hơn, lúc đó mới cho kháng sinh.

Các cơ quan như nhà thương, bảo hiểm giáo dục cho bác sĩ, thấy thuốc, phản hồi, phê bình cách dùng kháng sinh. Ví dụ, nếu bs gởi 100 hoá đơn (bills) đến cơ quan bảo hiểm ghi là định bịnh: URI (Upper respiratory infection, nhiễm siêu vi đường hô hấp trên) mà trong đó bs kê toa amoxicilline hết 80 người, cơ quan bảo hiểm sẽ đặt dấu hỏi và viết thư nhắc nhở, vì theo so sánh mình dùng quá nhiều kháng sinh so với bs khác).

Bịnh nhân có thể bàn cãi với bs về lúc nào cần kháng sinh, lúc nào không, và cơ nguy bị nhiễm bởi những vi khuẩn kháng thuốc.

Trong lúc đó CDC triển khai các chương trình phát hiện ổ bịnh (outbreak) và phòng ngừa, theo dõi việc dùng kháng sinh, và phát hiện các đề kháng mới nổi, giáo dục quần chúng cũng như y giới về vấn đề lạm dụng kháng sinh và lờn thuốc, luôn ở mức địa phương.

Tưởng cũng nhắc đến tầm quan trọng của các thuốc chích ngừa cho người lớn cũng như trẻ em, làm giảm nhu cầu phải dùng thuốc kháng sinh, như ngừa H flu (Hemophilus influenza), Pneumococcus (thuốc Prevnar 13) gây viêm tai, viêm phổi, viêm màng óc ở trẻ em, ngừa cúm, ngừa Pneumococcus (gây sưng phổi) ở người lớn (Pneumovax, Prevnar13 ).

Tóm lại, nên hiểu rằng thuốc men và nhất là trụ sinh không phải lúc nào cũng cần thiết. Trong đa số trường hợp, thuốc men chỉ phụ cho cơ thể chống lại bệnh tật hữu hiệu hơn hoặc nhanh hơn. Thuốc men xài bừa bãi lắm khi có hại nhiều hơn có lợi và tuy nhìn vào có vẻ dễ dàng, thật sự dùng thuốc đúng cách, đúng liều không dễ dàng như người ta tưởng. Khi quyết định kê toa, bác sĩ phải vận dụng hết kiến thức, kinh nghiệm thu thập qua bao nhiêu năm; nếu không đồng ý hoặc không hiểu, bạn nên hỏi lại hoặc yêu cầu được bàn cãi nhưng bạn không nên coi nhẹ quyết định đó. Nếu chẳng may sau khi gặp bác sĩ, bị biến chứng ngoài mong muốn phải đi vào phòng cấp cứu (ER) hoặc phải đem tới một bác sĩ khác (như bị sưng phổi, làm kinh vì sốt cao, bịnh trở nặng), bệnh nhân hay phụ huynh cũng không nên quá nóng nảy, mau mắn qui lỗi cho bác sĩ không cho trụ sinh, dù là lắm lúc có những người khác (ở phòng mạch khác, hay ở ER) quyết đoán quá nhanh “đổ thừa” một cách thiếu trách nhiệm trên đầu người bác sĩ đầu tiên.

Sự tương kính, thông cảm, lòng tin cậy và cộng tác giữa bệnh nhân hay phụ huynh và bác sĩ là một yếu tố rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ sức khỏe của chúng ta.

Chúc quý thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.
Thời đại hoàng kim của kháng sinh đã qua, trước mắt sẽ là cơn ác mộng với loài người

GenK 
Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới.

Năm 1928, penicillin, loại kháng sinh đầu tiên được tìm ra bởi một nhà sinh học người Scotland, Alexander Fleming. Ông được coi là người đã mở ra kỷ nguyên vàng của kháng sinh trong y học. Nó được gọi là thần dược của tây y, khi đã cứu hàng triệu người bệnh mỗi năm khỏi cái chết gây ra bởi nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, câu chuyện tuyệt vời ấy dường như đang đi đến hồi kết. Sau hơn 70 năm kháng sinh được đưa vào y học, thời đại hoàng kim của nó đã không còn được duy trì. Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới. Cơn ác mộng này mang tên "kháng kháng sinh", và xuất phát từ chính sự lạm dụng thuốc của con người.

Vi khuẩn sống sót trước kháng sinh là cơn ác mộng với nhân loại

Kháng kháng sinh là gì?
Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng.

Một chủng vi khuẩn có thể phát triển để chống lại từ một cho đến hàng chục loại thuốc kháng sinh khác nhau. Khi đó, bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hoặc thậm chí không thể điều trị. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ, hoặc thậm chí tử vong vì kháng kháng sinh.

Tại sao kháng kháng sinh là một cơn ác mộng với loài người?
Nếu bạn quay lại trước những năm 1943, khi thuốc kháng sinh chưa xuất hiện, mọi cái chết xung quanh chúng ta không đến từ ung thư hay bệnh tim mạch. Con người sẽ chết vì các vết thương khi bị ngã, trúng đạn, tai nạn lao động… Phần lớn những vết thương dẫn đến nhiễm trùng và kết thúc cuộc sống của một ai đó.

Tuy nhiên, tất cả thay đổi sau khi Fleming tìm ra penicillin. Nhiễm trùng được coi là án tử, đột nhiên lại có thể chữa trị chỉ sau "một cái búng tay" với kháng sinh. Giống như một phép lạ vậy, điều đó mở ra một kỷ nguyên vàng son cho thuốc tây y. Những viên kháng sinh được coi là thần dược.

Cho tới nay, đã hơn 70 năm trôi qua, và chúng ta nghi ngờ rằng có mấy khi một thời kỳ vàng son của điều gì có thể kéo dài đến vậy. Chẳng còn sớm nữa để nghĩ về sự sụp đổ của thời đại kháng sinh, khi vi khuẩn đang ngày càng kháng thuốc:
Những năm 1943, thuốc kháng sinh được coi là phép màu

Nói về một nền văn minh hiện đại, chúng ta hay tưởng tượng đến nhà máy điện, máy vi tính, thiết bị cầm tay… Nhưng mấy ai biết rằng kháng sinh là một trong những trụ cột đang chống đỡ thế giới ấy. Nếu thời đại kháng sinh sụp đổ, nền văn minh sẽ rung chuyển như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta sẽ mất hết lá chắn phòng vệ cho những người có hệ miễn dịch yếu. Họ bao gồm bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV, trẻ em đẻ non… Điều này đồng nghĩa với cái chết của tất cả những con người này.

Tiếp đến, kỹ thuật phẫu thuật của loài người bị vô hiệu hóa. Nhiều ca phẫu thuật được yêu cầu sử dụng kháng sinh phòng ngừa. Khi kháng sinh mất tác dụng, phòng phẫu thuật của bệnh viện như không có mái che.

Chúng ta sẽ không thể mổ tim, ghép thận, đưa ống thông cho bệnh nhân đột quỵ… Chúng ta không thể phẫu thuật dù chỉ đơn giản là chỉnh lại khớp gối. Không thể đẻ mổ, và dù cho trong những bệnh viện hiện đại nhất, cứ 100 sản phụ sẽ có 1 người tử vong.
Kháng kháng sinh dẫn đến sự thất bại trong điều trị nhiễm trùng

Nhiễm trùng gây ra nỗi sợ hãi từ những bệnh tầm thường. Viêm họng liên cầu gây suy tim. Viêm phổi giết chết 3 trong 10 trẻ em mắc bệnh. Nhiễm trùng da đồng nghĩa với phẫu thuật cắt bỏ chi. Hãy nhớ lại trường hợp đầu tiên được điều trị penicillin. Albert Alexander trước đó đã mất một con mắt trong tình trạng da đầu rỉ mủ, chỉ bắt đầu từ việc bị gai xước vào mặt trong khi làm vườn.


Rồi thì bạn còn dám làm gì nữa khi mà bất cứ tổn thương nào cũng có thể giết người. 
Bạn có dám đi xe máy, trượt patin, trèo thang để sửa mái nhà hay đặt con bạn chơi đùa dưới sàn nhà?
Bao giờ thì những điều này xảy ra? 
Bạn có giật mình không khi biết rằng chúng ta đã ở trong cơn ác mộng này rồi? 


Cho tới ngày hôm nay, loài người có trong tay trên dưới 100 loại kháng sinh. Con số không khác biệt là mấy từ những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng năm 2000, một bệnh nhân người Mỹ đầu tiên được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa Hoa Kỳ (CDC) xác nhận kháng tất cả các kháng sinh, chỉ trừ hai loại.

Năm 2008, các bác sĩ Thụy Điển phải đối mặt với trường hợp một bệnh nhân Ấn Độ nhiễm trùng mà kháng toàn bộ kháng sinh chỉ trừ 1 loại.
10 triệu người sẽ chết mỗi năm vì kháng kháng sinh vào năm 2050

Nhưng bạn đừng nghĩ đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Mỗi năm, riêng Hoa Kỳ và Châu Âu có khoảng 50.000 người chết vì nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Một dự án được tài trợ bởi chính phủ Anh mang tên “Chương trình Đánh giá Kháng kháng sinh” ước tính tổng số ca tử vong loại này trên thế giới là 700.000 người mỗi năm. Năm 2050, con số sẽ lên đến 10 triệu ca với tốc độ kháng kháng sinh phát triển như hiện nay.

Bỏ qua những con số, bạn cũng có thể biết được cơn ác mộng đã đến với chính mình và người thân. Thời gian trước đây, triệu chứng tiểu buốt do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng một đơn kháng sinh ngắn ngày. Bây giờ, bạn có thể phải dùng đến vài ba loại thuốc.

Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng con bạn có nguy cơ nằm trong 25% trẻ em nhiễm trùng đường tiết niệu phải sử dụng 3 loại kháng sinh khác nhau. 25% còn lại phải điều trị với 2 loại thuốc và chỉ còn một nửa trẻ em có thể trị khỏi bằng một loại thuốc duy nhất.

Ngày 30 tháng 4 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố trong một báo cáo rằng nhân loại thực sự đang ở trong cơn ác mộng của kháng kháng sinh. Nó là một mối đe dọa nghiêm trọng và thách thức y học trong thời điểm này. WHO nói “không hành động ngay hôm nay, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn thuốc chữa bệnh”.

Fleming đã biết trước mọi thứ
Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới.

Alexander Fleming, nhà sinh học người Scotland được coi là cha đẻ của kháng sinh khi ông phát hiện ra penicillin vào năm 1928. Năm 1943, những liều penicillin thương mại đầu tiên được tung ra. Hai năm sau đó, Fleming nhận giải Nobel cho phát hiện của mình.

Nhưng ngay trong buổi phỏng vấn sau đó, ông đã cảnh báo đến viễn cảnh không vui khi vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. “Những người lạm dụng penicillin ngày hôm nay, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này”, Flenming nói. “Tôi hy vọng điều nguy hiểm này có thể được kiểm soát”.

Và rồi đúng như vậy. Năm 1943, penicillin được tung ra thì năm 1945, vi khuẩn kháng penicillin xuất hiện. Con người lại đi tìm những loại kháng sinh mới. Năm 1972, vancomycin được điều chế, kháng vancomycin xuất hiện năm 1988.

Imipenem ra đời năm 1985 thì đến năm 1998, kháng imipenem xuất hiện. Một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ 1 năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.

Điều này được ví như trò chơi nhảy cừu. Thuốc ra đời, vi khuẩn kháng nó và rồi chúng ta lại đi tìm loại thuốc mới. Nhưng có vẻ như loài người đang hụt hơi khi mà một chủng vi khuẩn mới sinh ra cứ mỗi 20 phút, các công ty dược phẩm thì cần đến cả thập kỷ đế nghiên cứu một loại kháng sinh.

Chúng ta có thể làm gì?
Trước hết, hãy nói về nguyên nhân tại sao vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. Xét dưới góc độ tế bào, nó là việc vật chất di truyền DNA của vi khuẩn được biến đổi để: tránh sự xâm nhập của kháng sinh vào chúng, giúp vi khuẩn tổng hợp enzyme gây bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh, thay đổi con đường chuyển hóa và chúng thải được kháng sinh ra khỏi tế bào.
Mỗi cá nhân cần hành động để chống lại vi khuẩn kháng thuốc

Bỏ qua những điều phức tạp này, bạn nên biết đến chính con người đã tiếp tay cho vi khuẩn biến đổi gen của chúng. Đó là những hành động được gọi chung cái tên: lạm dụng thuốc kháng sinh.

Bạn có bao giờ dùng kháng sinh để điều trị bệnh cúm mà không biết nó gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn? Bạn có bao giờ tự ý giảm liều lượng hay thời gian điều trị kháng sinh của bác sĩ xuống một nửa mà không biết điều đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sống sót và tạo gen kháng thuốc?

Rồi khi chúng ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y, sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp, đó là điều kiện cho những vi khuẩn ở động vật kháng thuốc rồi ảnh hưởng tới cả con người. Sử dụng chất diệt khuẩn trong lau rửa thường xuyên cũng tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc.

Cho tới nay, kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề toàn cầu chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhưng ai cũng làm thường xuyên như vậy. Những giải pháp toàn cầu cũng sẽ phải được đặt ra. Có thể là chúng ta nên nghiêm cấm hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và ngư nghiệp. Thiết lập một cổng kiểm soát kê đơn kháng sinh để tránh lạm dụng bừa bãi hay xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo kháng thuốc sắp xảy ra…

Nhưng rồi đó là những điều quá to lớn và cần một nguồn tài trợ không hề nhỏ. Tại sao chúng ta không bắt đầu bằng những hành động của từng cá nhân?
Mỗi cá nhân cần hành động để chống lại vi khuẩn kháng thuốc

Bằng cách đọc bài viết này, bạn cũng đã góp phần vào nguy cơ giảm kháng kháng sinh xảy ra trong tương lai. 
Nếu bạn thực sự muốn chung tay cùng nhân loại chiến đấu trong cơn ác mộng chung, dưới đây là một số khuyến cáo mà nên được thực hiện và chia sẻ với mọi người:

1. Đừng bao giờ tự ý sử dụng kháng sinh. Ví dụ như bệnh cúm thông thường do virus, bạn có uống kháng sinh cũng không thể hiệu quả được.

2. Nói chuyện với bác sĩ nếu họ kê đơn kháng sinh cho bạn. Hãy hỏi họ xem liệu có thể điều trị ngoài kháng sinh hay không? Và nếu bắt buộc, loại kháng sinh đó có phù hợp với cơ thể bạn? 

3. Tuân thủ nghiêm ngặt liều và thời gian điều trị với kháng sinh của bác sĩ, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã tốt hơn hoặc đã khỏi bệnh. Giảm liều hay dừng điều trị sớm tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại kháng thuốc và tái nhiễm. 

4. Đừng tiết kiệm kháng sinh đã điều trị ở đợt trước để dùng lại. Vứt bỏ chúng, bởi lần sau có lẽ chúng sẽ mất tác dụng. 

5. Cùng một bệnh nhưng đừng sử dụng đơn thuốc của người khác. Như đã nói không phải kháng sinh nào cũng phù hợp với bạn. 

6. Bỏ ngay thói quen yêu cầu bác sĩ kê kháng sinh cho mình. Họ là những người có kinh nghiệm và nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị các triệu chứng với thuốc ngoài kháng sinh là đủ.

Tổng hợp

Khi kháng sinh trở nên vô dụng, số người chết vì vi khuẩn sẽ còn nhiều hơn ung thư

Theo ước tính của các chuyên gia, con số này sẽ vào khoảng 10 triệu người mỗi năm.
Những căn bệnh lây nhiễm thông thường có thể trở thành kẻ giết người thầm lặng nếu không có những biện pháp kịp thời trong trận chiến chống lại các vi khuẩn kháng thuốc. Đó là nhận định gần đây của các chuyên gia y tế.

Vi khuẩn có thể gây tử vong nhiều hơn số người chết vì ung thư nếu các chất kháng sinh không có khả năng vô hiệu chúng. Nhiều chuyên gia y tế lo rằng cho tới năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì siêu vi khuẩn.
Siêu vi khuẩn đang là nỗi lo của rất nhiều người trên thế giới

Lời cảnh báo nghiêm trọng này được đưa ra bởi George Osborne. Ông cho rằng, cuộc khủng hoảng kháng sinh này cũng sẽ tiêu tốn hơn 70,000 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới trong vòng ba thế kỉ tới.

Về cơ bản, khi một loại kháng sinh được sử dụng nhiều lần, vi khuẩn sẽ trở nên "nhờn" với kháng sinh sau một thời gian dài. Do đó, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Các nhà khoa học sẽ phải tìm ra một loại kháng sinh mới để phù hợp với loại siêu vi khuẩn mới ra đời.

Có khoảng 7,6 triệu người trên toàn thế giới qua đời mỗi năm vì căn bệnh ung thư. Chỉ tính riêng tại Anh, con số đó vào khoảng 160,000 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số lượng người chết có thể tăng lên 390,000 người mỗi năm do các loại thuốc không hiệu quả, cùng với 317,000 người tại Mỹ, 4 triệu người tại châu Phi và 4,7 triệu người khu vực châu Á.
Các loại vi khuẩn sau một thời gian sẽ trở nên "nhờn" thuốc kháng sinh

Chancellor trao đổi với quỹ tiền tệ thế giới tại Washington: “Nếu chúng ta không có những hành động mang tính toàn cầu, việc vi khuẩn trở nên “nhờn” với các loại thuốc kháng vi sinh vật (kháng kháng sinh) sẽ trở thành một mối đe dọa lớn hơn cả căn bệnh ung thư”.

Tổ chức y tế thế giới phát biểu rằng kháng kháng sinh “là một mối nguy lớn đối với y tế công cộng trên toàn cầu mà chúng ta cần hành động ngay để giải quyết chúng”.

“Nó đe dọa tới việc ngăn ngừa hiệu quả và điều trị nhiều loại dịch bệnh bởi vi khuẩn, nấm mốc, virus và các loại kí sinh trùng”.

Cảnh báo được đưa ra 2 năm về trước khi WHO dự đoán việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ dẫn tới sự xuất hiện của vi khuẩn MRSA, một loại siêu vi khuẩn mà gần như không loại thuốc kháng sinh nào có thể điều trị được.
Nếu không có thuốc kháng sinh, khoảng 10 triệu người sẽ chết mỗi năm vì vi khuẩn

Trợ lý giám đốc an ninh sức khỏe Keiji Fukuda nói “Nếu không hành động kịp thời, thế giới đang dịch bước tới kỉ nguyên hậu kháng sinh, khi mà những căn bệnh tưởng chừng như đơn giản có thể gây tử vong”.

Nước Anh đã gây quỹ cho công tác nghiên cứu về việc bùng phát các vi khuẩn kháng kháng sinh. Năm ngoái, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiết lộ kế hoạch hành động trị giá 85 triệu USD để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, nhà vi sinh học nổi tiếng Hugh Pennington đã cảnh bảo: “Đây là trận chiến không có hồi kết. Chúng ta sẽ phát triển những loại thuốc kháng sinh mới. Nhưng đó không phải là cách lâu dài khi mà với mỗi loại thuốc kháng sinh mới, các loại vi khuẩn lại phát triển để có thể kháng lại chất kháng sinh”.

Ông Osborne chia sẻ thêm: “Đây không phải chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn liên quan tới vấn đề kinh tế. Chi phí liên quan tới việc nghiên cứu và phòng chống rất lớn. Chúng ta cần tìm ra những phương pháp mới để điều trị, dưới sự hợp tác của chính phủ các nước và các công ty hàng đầu về dược phẩm”.
Các nhà nghiên cứu luôn nỗ lực để tìm ra các chất kháng sinh mới

“Chúng ta cần chuyển sự ưu tiên sang những giải pháp dài hạn hơn, đối với các công ty dược phẩm và nhiều tổ chức liên quan. Những khoản đầu tư nên tập trung vào việc phát triển kháng sinh mới và đảm bảo khả năng tiếp cận các loại kháng sinh của người dân trên toàn thế giới”.

“Chúng ta cũng cần có những chẩn đoán chính xác hơn để hạn chế việc sử dụng chất kháng sinh”.

Kháng kháng sinh đang trở thành mối nguy toàn cầu và có thể dẫn tới ngày tàn đối với nền y học hiện đại khi mà sự phụ thuộc vào các loại thuốc kháng sinh hiệu quả cho nhiều loại bệnh là vô cùng lớn.

Sẽ cần có một kế hoạch hành động hợp lý và đồng bộ, từ việc tiêm chủng và kiểm soát lây nhiễm, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào chất kháng sinh. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ quay lại thời kì “tiền kháng sinh” nếu không có những loại thuốc mới phù hợp với các loại vi khuẩn hiện đại.Theo 

Minh Đức - Trí thức trẻ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét