Thật khó khăn cho người viết, khi lần đầu tiên trong đời làm báo phải xin lỗi người được phỏng vấn, lại là 8 người nước ngoài. Càng khó khăn hơn khi cả 8 người này đến từ quốc gia dành vốn ODA cho VN.
8 người đó là 8 đại diện người Nhật của 8 công ty Nhật Bản tại khu công nghiệp (KCN) Tân Đức, tỉnh Long An. Họ quyết định ngồi lại với nhau để bàn bạc cầu cứu Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và các cơ quan chức năng tại Việt Nam về việc bị “xã hội đen” địa phương “khủng bố”.
Không chỉ có 8 công ty Nhật Bản mà còn một số công ty khác trong KCN ngồi trong cuộc làm việc ấy…
Trong đó tôi chú ý ông già hiền từ và ít nói mang tên Tango Hirosuke - Ông chủ công ty Tango Candy chuyên sản xuất bánh kẹo xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản. Công ty Tân Đức yêu cầu Tango Candy và các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp phải đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2. Tango Hirosuke cho biết công ty ông có diện tích 10.000m2 nên số tiền mỗi năm phải đóng là 100,2 triệu đồng.
Các nữ công nhân Tango Candy đứng sát cánh bên ông giám đốc Hirosuke.
Nhưng mức mà các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn là 8.500 đồng/m2. Như vậy mỗi năm công ty ông sẽ đóng khoảng 85 triệu đồng – thấp hơn 15 triệu đồng so với giá công ty Tân Đức yêu cầu.
“Chúng tôi muốn minh bạch! Mỗi ngày tôi thiệt hại khoảng 15.000 USD. Cả tuần qua tôi thiệt hại tiền tỷ, chưa tính tổn thất tinh thần, công nhân hoang mang. Thiệt hại này lớn hơn rất nhiều so với việc tôi chấp nhận nhượng bộ mức giá của họ. Tuy nhiên việc không đúng thì dù 1 đồng chúng tôi cũng không chi!” – Tango Hirosuke nói.
Người trợ lý của Tango Hirosuke nói anh ta hiểu sếp của mình không phải sợ tốn kém, mà vì muốn giữ nguyên tắc. Thứ nguyên tắc biến một quốc gia tan nát sau chiến tranh thế giới, chẳng có tài nguyên gì lại trở thành cường quốc thế giới. Tango Hirosuke năm nay 77 tuổi (ông sinh năm 1939), tôi tin ông hiểu và giữ nguyên tắc này là hợp logic.
Nếu biết rằng những bảo vệ của Tân Đức đã từng đưa ngón tay thối trước mặt Tango Hirosuke. Nếu biết rằng ông già 77 tuổi người Nhật ấy đã ngồi trên đường ống dẫn nước vào công ty lúc rạng sáng đến lúc các bảo vệ Tân Đức hiểu họ không có quyền cắt nước công ty ông. Nếu biết rằng Tango Hirosuke “ra lệnh” phải trả lương cho công nhân dù họ có phải nghỉ làm và bị “ai đó” ngăn cản…v.v… Tôi có nhiều thứ “nếu biết rằng” để hiểu thêm về nguyên tắc của Tango Hirosuke.
Người viết đã xin lỗi Tango Hirosuke và 7 đồng hương của ông vì quốc thể. Tôi nhìn bãi đất sét và chiếc barie chắn ngang cổng công ty của Tango Hirosuke mà xấu hổ; khi lá cờ Việt Nam bay song song cùng lá cờ Nhật Bản.
Và Tango Hirosuke nhìn những bảo vệ người Việt đưa ngón tay thối trước mặt mình. Cũng bình thản. Vì đó là nguyên tắc.
Nhưng nhìn thái độ bình thản của Tango Hirosuke trước mọi sự việc đã diễn ra, tôi hiểu mình cần cả đời để học thứ nguyên tắc của ông. So với ông tôi chỉ là một đứa trẻ!
Càng khó khăn hơn, khi một người gánh nợ công trung bình 23 triệu đồng như tôi, như các bạn; để học nguyên tắc của một người đến từ Quốc gia đang là chủ nợ ODA lớn thứ 2 của đất nước mình .
Bỗng dưng tôi khóc. Vì nhục!.
Mai Quốc Ấn
Theo ngaynay.vnTừ ngày 19/3, trước hai cổng doanh nghiệp Tango Candy đang hoạt động trong khu công nghiệp Tân Đức đã bị Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức rào chắn để thu phí. Cả cổng chính và cổng phụ của Tango Candy đều bị chắn lại bằng rào chắn và các đống đất đá hàng chục tấn. Xe đưa đón công nhân của công ty không vào được trong mà phải dừng bên ngoài, công nhân muốn vào nhà máy làm việc phải vất vả vượt qua đống đất đá, thậm chí phải trèo qua hàng rào chắn. Hầu hết họ là công nhân nữ. Ngoài việc dùng rào chắn và đất đá bịt kín các lối đi, Công ty Tân Đức còn cắt nước của Tango Candy.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do Công ty Tango Candy không chịu đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng vì không đồng ý với mức phí 10.018 đồng/m2 mỗi năm mà Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức đưa ra.
Tổng giám đốc Tango Candy, ông Tango Hirosuke, cho biết: “Khi chúng tôi đặt chân đến đây vào năm 2007 thì trên hợp đồng không ghi cụ thể con số phí duy tu cơ sở hạ tầng. Đến năm 2013 thì họ bắt đầu thu với mức phí rất cao, chúng tôi không đồng ý vì các khu công nghiệp xung quanh chỉ thu với mức phí duy tu từ 6.000 đến 8.000 đồng/m2, còn khu này là trên 10.000 đồng. Mỗi ngày chúng tôi sản xuất hơn 20.000 sản phẩm, nhưng sự cố này khiến chúng tôi đình trệ không sản xuất được, thiệt hại mỗi ngày khoảng 15.000 USD”.
Theo MỘT THẾ GIỚI
Ông Giám đốc người Nhật 77 tuổi là “người Việt Nam”
Câu chuyện ông Tango Hirosuke 77 tuổi đang làm dư luận dậy sóng mấy ngày qua. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên, ông già Nhật Bản này đã tự xem mình là người Việt Nam.
Dưới đây là những chia sẻ về nguyên tắc bất biến của người Nhật, về cuộc sống đời thường và triết lý kinh doanh của ông Tango Hirosuke.
Ông Tango kể: “Tôi sinh năm 1939, ở thành phố Kobe – một trong những cảng biển chính của Nhật Bản. Sinh ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ký ức tuổi thơ tôi có những trận bom.
Năm 1945, khi tôi 6 tuổi, một trận bom đã giết chết hơn cả 100.000 người dân và đốt cháy cả thành phố Nagasaki và Hiroshima. Vụ đánh bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh cũng là một ám ảnh khủng khiếp. Tôi sống trong cảnh hoang tàn đổ nát suốt tuổi thiếu niên.
Cuộc sống đói khổ nhưng người Nhật luôn sống nguyên tắc, luôn công bằng. Đến 15 tuổi thì tôi phải lập nghiệp để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Chưa trưởng thành, nhưng như nhiều thiếu niên khác, tôi được vào làm cho Tập đoàn Kotobuki, là nhân viên làm bánh”.
“Năm 1991, theo chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường qua Việt Nam, Tổng giám đốc Kotobuki đã điều tôi về Việt Nam để nghiên cứu thị trường, và một số dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã được Kotobuki đưa vào Việt Nam. Những sản phẩm như bim bim (bánh Snack), bánh Cookies, kẹo cứng nhân hoa quả, socolate và đặc biệt là bánh ngọt, bánh gato danh tiếng đã được Kotobuki và các đối tác đưa ra thị trường.
Khi vừa qua Việt Nam, cảm nhận của tôi là con người Việt Nam rất thân thiện, hay cười, cởi mở. Khung cảnh Việt Nam thì rất đẹp…”.
Và ông mở công ty khi nào? Ở Việt Nam, có đến 2 công ty bánh kẹo có tên Tango?
“Năm 1993, Kotobuki liên doanh với Vinabico – công ty sản xuất bánh kẹo quy mô hàng đầu miền Nam. Tôi làm chuyên gia đến năm 1998 thì được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Vinabico – Kotobuki.
Người Nhật khi đã phục vụ lý tưởng thì không bao giờ ngừng giữa chừng. Như nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi, đã phục vụ Kotobuki thì là trọn đời. Năm 2000, sau 45 năm phục vụ duy nhất một công ty, tôi 60 tuổi và nghỉ hưu nên chuyển qua lập nghiệp cho riêng mình.
Tôi cùng một người bạn Đài Loan lập Công ty bánh kẹo Art Tango – lấy tên tôi, nằm trong KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM. Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm kinh doanh, chỉ hơn 6 tháng sau tôi ra đi và lập một công ty hoàn toàn mới, vẫn lấy tên tôi nhưng là Tango Candy, nhà xưởng tại KCN Tân Bình, TP.HCM. Lúc này, một số nhân viên cũ của tôi thời còn ở Vinabico cũng theo về trợ giúp.
Đến năm 2007, khi tôi về Long An đầu tư với quy mô lớn hơn, những người công nhân của tôi không bỏ rơi tôi. Họ quyết tâm theo nhà xưởng về Long An, tôi phải mua 2 chiếc xe ca để phục vụ những người không chịu rời xa mình. Về Long An, tôi có thêm những cộng sự mới, là những người dân ở Đức Hòa, là những người dân ly hương từ nơi khác, như một mái ấm gia đình…
Những ngày bị bịt cổng thực sự khó khăn, nhưng công nhân của tôi không ai muốn bỏ việc. Họ cũng muốn minh bạch. Đó là động lực để tôi chiến đấu vì công nhân của mình”.
Qua những gì đã xảy ra, ông có chán nản, muốn buông bỏ hay không?
“Các bạn hẳn cũng rõ, người Nhật đang đầu tư ở Việt Nam rất nhiều. Hiện tôi là Hội trưởng Hội đồng hương tỉnh Hyogo Kobe. Chỉ riêng thành phố nhỏ của chúng tôi có khoảng 150 người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Hồi mới sang Việt Nam, không rành đường xá, không hiểu tiếng nói, lại rất ít đồng hương, tôi đã mời nhiều người bạn Nhật sang chơi và góp phần kêu gọi đầu tư ở Việt Nam. Bản thân tôi không chỉ có trách nhiệm với mình, mà còn có trách nhiệm với những người bạn mà mình mời sang. Môi trường đầu tư nếu chưa minh bạch thì chúng ta sẽ cùng đấu tranh cho sự minh bạch, không thể vì một chút khó khăn mà tặc lưỡi cho qua nguyên tắc sống cơ bản này.
Năm 1993, một số đài truyền hình Nhật Bản và Việt Nam phỏng vấn tôi với tư cách là một chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam. Chưa rành tiếng Việt, tôi cố học thuộc lòng và nói rất to trên truyền hình: “Mời các bạn đến Việt Nam đầu tư, chắc chắn sẽ không hối hận vì con người Việt Nam rất dễ thương và cởi mở”.
Năm 1994, tôi quyết định kết hôn với người vợ Việt Nam và có 2 người con gái, mang 2 quốc tịch Việt Nam – Nhật Bản. Tôi là con rể Việt Nam và tự xem mình là người Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì môi trường kinh doanh minh bạch, không bao giờ buông bỏ. Các bạn hỏi, thì tôi vẫn trả lời bằng câu nói của 23 năm về trước: “Mời các bạn đến Việt Nam đầu tư, chắc chắn sẽ không hối hận vì con người Việt Nam rất dễ thương và cởi mở”.
Theo Danviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét