- Nước Mặn Bao Vây & Cách Làm Giàu Của GS Võ Tòng Xuân


Bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn

Từ sự biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chấm dứt thời kỳ tốn tiền tốn bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá qua những chương trình không hiệu quả.

Trắng tay, ôm nợ vì lúa ngập mặn

LTS:Những ngày qua báo chí trong và ngoài nước liên tục đưa tin, tường thuật về hiện trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Theo Bộ NN – PTNT, đã có khoảng 58.300 ha lúa bị thiệt hại. Vào Google gõ chữ “Rice damaged by salinity intrusion 2016” sẽ xuất hiện tin tức từ Việt Nam. Chỉ một ít là từ Bangladesh. Nếu gõ tiếng Việt “Lúa thiệt hại do xâm nhập mặn 2016” thì hầu như chỉ có tin từ Việt Nam. Rất tiếc, tin tức về xâm nhập mặn chỉ nói đến khía cạnh cây lúa cho nên đã gây nên dư luận xem nước mặn như “kẻ thù” mà cả nước phải chống bằng mọi cách, mọi giá…”

Để lý giải tại sao nước mặn không phải là kẻ thù, mời quí vị theo dõi cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam và giáo sư Võ Tòng Xuân.
Thưa GS Võ Tòng Xuân, ông giải thích thế nào về nhận định “không nên lo lắng” trước tình trạng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho SX ở các tỉnh ven biển ĐBSCL của ông?

GS- TS Võ Tòng Xuân: “Không nên lo lắng” ở đây là tôi muốn nói trong tương lai. Bởi chúng ta đã cố gắng rất nhiều để “ngọt hóa” nhưng cuối cùng vẫn không giữ được, ví dụ chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và nhiều chương trình khác đắp đê ven biển để giữ cho trồng lúa…


Tới đây nhất định chúng ta phải thay đổi thôi chứ không còn có thể “bằng mọi giá” duy trì cách làm cũ. Vì chúng ta có đổ thêm tiền của, công sức thì vẫn không thể ngăn mặn và giữ ngọt được.

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là chúng ta thích nghi với sự thay đổi này như thế nào? Và trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay thì sự thay đổi, chuyển đổi cơ cấu sản xuất đang đặt ra hết sức cấp bách thì chúng ta đón nhận sự xâm nhập mặn này một cách thông minh, tỉnh táo nhằm đem lại lợi ích to lớn cho nông dân. Bởi vùng ngập mặn cũng là hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rất tốt nếu chúng ta biết khai thác. 

Thưa GS, có thể hiểu tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại trước mắt cho trồng lúa nhưng lại là cơ hội lớn để chúng ta xoay chuyển thế kẹt hiện nay của ngành nông nghiệp tại ĐBSCL có đúng không?

GS–TS Võ Tòng Xuân: Đúng rồi!
Năm nay sự thay đổi của thiên nhiên đã rõ ràng và chứng minh một điều là chúng ta không thể “cứu” gì được vì không có nước ngọt. Thái Lan đang tổ chức làm mưa nhân tạo cho các vùng bị hạn của họ. Họ cho máy bay bắn đá khô vào các đám mây để tạo mưa, rất tốn kém mà hiệu quả không cao.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến đổi không lường từ thập kỷ vừa qua. Nhìn chung trái đất của chúng ta trong năm qua lượng mưa ít hơn, khô hạn trầm trọng nhiều lục địa nhất là Bắc Mỹ, Úc, Đông Á, Nam Á (Ấn Độ), và Nam Phi làm thiệt hại mùa màng như mía, lúa, bắp… 

Chúng ta không có điều kiện như Thái Lan. Và nếu muốn giữ vùng trồng lúa thì vẫn phải đổ ra hàng ngàn tỷ đồng mà không thể giữ. Mà có giữ được thì cũng không có hiệu quả. Cho nên, phải thay đổi là khôn ngoan nhất, là lẽ tất nhiên.

40 năm nay nông dân ta cắm đầu trồng lúa nhưng vẫn phải chạy ăn từng bữa. Ảnh: Thu Hà. 

GS–TS Võ Tòng Xuân: Ở Indonexia, họ làm thủy lợi ở các vùng ngập mặn ven biển cho nuôi tôm rất tốt. Họ xây dựng những tuyến kênh cung cấp nước vào và ra cho từng ruộng nuôi tôm. Trong từng vuông tôm có hệ thống tháo nước ra để thanh lọc, xử lý vệ sinh cho ruộng tôm. Trong vùng mặn ven biển họ trồng các loại cây như cây đước để xử lý môi trường, lọc nước, tinh khiết hóa nước vùng ven biển phục vụ cho nuôi trồng. 

Ở ĐBSCL có những vùng ven biển nuôi tôm rất hiệu quả. Ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có vùng nuôi tôm tập trung rộng 11.000 ha. Trước đó người dân trồng lúa, sau mới chuyển qua trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Khi lúa chín họ thu hoạch và đưa nước mặn vô khi đất còn ẩm. Thật sự ra mấy ông nông dân làm giàu dưới đó là nuôi tép thôi. 1 kg tép khô hiện nay trên 1 triệu đồng/kg. Sau khi thu hoạch lúa rồi thì nuôi tép. Đây là mô hình đang cực kỳ có hiệu quả, tính ra lợi tức gấp 4–5 lần so với trồng lúa! 

Mô hình tôm – lúa đang được nhiều nông dân ở các huyện ven biển khác đang áp dụng nhưng không quy mô nguyên vệt 11.000 ha như ở Mỹ Xuyên mà chỉ vài trăm ha thôi hiện rải rác khá phổ biến. 

Cái hướng làm giàu như mô hình tôm – lúa hay chuyên tôm đã có từ lâu nhưng nhiều nông dân không làm được rộng rãi là bởi cái gì không phải là lúa thì không được nhà nước đâu tư. Nhà nước chúng ta chỉ đầu tư cho cây lúa. 

Mô hình nhà nước đầu tư như Indonesia cũng là mô hình để chúng ta nghiên cứu và vận dụng. Tùy từng vùng chúng ta có thể quy hoạch và làm thủy lợi cho phù hợp, có thể canh tác lúa – tôm, hay chuyên canh nuôi tôm và các loại hải sản khác. 

Vấn đề đầu tiên là nhận thức lại trong khâu quản lý nhà nước, thứ hai là tổ chức quy hoạch lại để có chính sách đầu tư phù hợp hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi … 

Tại các hội thảo, diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế nêu vấn đề, chúng ta cứ lo xuất khẩu 5 – 7 triệu tấn gạo hàng năm nhưng không hiệu quả bằng Campuchia mỗi năm xuất khẩu 1 triệu tấn! Mặt khác, thị trường gạo của Việt Nam toàn là nước nghèo, còn Campuchia là thị trường cao cấp, họ bán cho nước giàu. Và chính Việt Nam, đang phải "tài trợ” cho các nước khác yên tâm phát triển! Đáng buồn là cho đến nay là sự thật phũ phàng này vẫn chưa có tín hiệu gì thay đổi, ít nhất trong hành động của các cấp quản lý?

GS – TS Võ Tòng Xuân: Lẽ ra chúng ta phải thay đổi chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó chính sách phát triển cây lúa từ lâu chứ không phải đến tận hôm nay mới “xem xét” hay “bàn bạc”.

Chính sách tập trung phát triển lương thực, chủ lực là cây lúa rất đúng và rất phù hợp sau chiến tranh. Không có chính sách nào khác phù hợp bằng. Ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy. Sau thời gian chiến tranh, bị tàn phá nặng nề thì việc đầu tiên khi có hòa bình là giải quyết nạn đói, thiếu ăn cho nhân dân. Nước Nhật đã từng công nghiệp hóa từ trước nhưng sau chiến tranh cũng phải thúc đẩy phát triển lương thực để đẩy lùi nạn đói. Ở Âu châu cũng vậy. Sau thế chiến thứ nhất và thứ hai thì phải tập trung trước mắt là giải quyết vấn nạn lương thực, thực phẩm để cứu đói.

Ở ta, chính sách phát triển trồng lúa phát huy tác dụng to lớn cho đất nước phải trải qua 30 năm chiến tranh tàn khốc. Cho đến năm 1989, nhờ chính sách này chúng ta vươn vai đứng dậy thành đất nước XK gạo đứng có thứ hạng cao trên thế giới. 

Nhưng cái thời thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã qua lâu rồi mà?

GS – TS Võ Tòng Xuân: Lẽ ra tới thời điểm 1989 chúng ta từ nước thiếu ăn thành ra quốc gia XK gạo thì chính sách an ninh lương thực của chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Lẽ ra, từ lúc này chúng ta phải lo cho người trồng lúa là nông dân tăng lợi tức cho họ chứ không nên cột chặt nông dân vào cây lúa nữa. Trên thế giới ai cũng biết lợi tức từ trồng lúa là không thể cao, nhất là trồng lúa chạy theo năng suất tối đa như ở ta.

Trên cùng một diện tích, nếu chỉ trồng lúa 3- 4 vụ/năm thì người nông dân không thể thoát khỏi nghèo mãi. Nếu chúng ta cho nông dân thay đổi, trồng 1 vụ lúa xen canh các loại cây trồng vật nuôi khác thì hiệu quả mới có, mới thay đổi đời sống nông dân.

Năm 1991 tôi chuyển trung tâm nghiên cứu lúa gạo ở Cần Thơ thành Viện nghiên cứu hệ thống canh tác ở ĐBSCL đã cho ra những mô hình bền vững để nâng cao lợi tức cho người trồng lúa. Ví dụ như mô hình lúa – tôm. Thật ra đây không phải do tôi nghiên cứu ra mà từ khám phá của một nông dân ở Bạc Liêu về phương pháp canh tác nuôi tôm trong ruộng lúa rồi tôi đưa về nâng cao, đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cho nông dân áp dụng. Nhưng tiếc là không thực hiện được nhiều vì không có sự đầu tư của nhà nước cho cơ sở hạ tầng kỷ thuật.

Chính sách đầu tư của nhà nước chúng ta bao năm qua chỉ là cây lúa thôi. Đầu tư cho lúa tốn kém rất nhiều. Nhà nước phải vay tiền của ngân hàng thế giới (WB), của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để làm thủy lợi cho cây lúa. Dù nhà nước có thu lại thủy lợi phí nhưng chẳng đáng là bao so với số tiền bỏ ra. Nói cách khác, nhà nước phải tiêu rất nhiều tiền để có được sản lượng lúa ngày càng nhiều, giúp cho cả nước được ăn gạo ngày càng rẻ.

Nhưng chính sách này giờ đây đang là một nghịch lý, chẳng phải lâu nay chúng ta còng lưng đi nuôi thiên hạ, những nước giàu có hơn ta đó sao?

GS – TS Võ Tòng Xuân: Đúng là cũng vì cách làm như thế này nên chúng ta bao cấp luôn cho nhiều nước khác, trớ trêu nhất là nhiều nước mua gạo của ta họ giàu hơn ta. Malaixia đã chính thức nói thẳng thừng, không cần tự túc lương thực mà chỉ trồng những cây gì, nuôi con gì có giá trị cao.

Còn gạo, nếu thiếu thì mua của Việt Nam vì Việt Nam làm ra gạo nhiều và giá rất rẻ!

Philippine có nhiều vùng đất rộng mênh mông nhà nước họ tập trung trồng chuối, trồng khóm đóng hộp, mứt khóm; trồng sầu riêng, trồng xoài xuất khẩu khắp thế giới. Tất cả những thứ này có lợi tức nhiều và nhiều hơn trồng lúa gấp bội. Và họ mua gạo của Việt Nam cho rẻ, có hiệu quả hơn là trồng. Indonexia cũng vậy. Chính sách của họ là không nhất thiết phải tự túc lương thực mà chuyển qua nuôi tôm, trồng cây cọ dầu. Nguồn thu nhập từ tôm, cọ dầu rất tốt hơn trồng lúa. 

Còn chúng ta lâu nay cứ lao vào cây lúa, cột nông dân vào cây lúa với sai lầm kéo dài là lo cho “an ninh lương thực” một cách mơ hồ. Thử hỏi một cách nghiêm túc, Việt Nam làm ra lúa gạo nhiều nhưng có đảm bảo “an ninh lương thực” như những nước mua gạo của ta không?

40 năm nay nông dân ta cắm đầu trồng lúa nhưng vẫn phải bán lúa tại đồng vì không đủ tích lũy, không đủ tái sản xuất. Đến mùa vụ thu hoạch xong phải bán ngay không kịp chở về nhà để trả nợ vay ngân hàng, nợ ứng vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu; lo tiền ăn uống, học phí con cái v.v… 

Vậy mà chính sách vẫn cứ đẩy họ trồng lúa hoài thì làm sao thay đổi số phận của họ?

Nói thật đây là cái chuyện chúng ta làm chưa thông minh, chưa khôn ngoan! Chúng ta phải chuyển đổi trước hết là tư duy rồi tới hành động để phát triển những hệ thống canh tác mới phù hợp với hoàn cảnh mới, phù hợp với thiên nhiên. Và quan trọng nhất là đem lại lợi tức chính đáng cho nông dân, giải phóng họ thoát khỏi nghèo túng quanh năm. 

Chuyển đổi theo hướng bớt trồng lúa giúp ta để giành nước ngọt sử dụng cho những mục đích khác như sinh hoạt , phục vụ tưới cho cây trái, chăn nuôi 

Nói chung, chúng ta chuyển đổi qua những cây trồng vật nuôi khác có giá trị hơn cây lúa ở vùng mặn và vùng ngọt là có khả năng. Giờ mình nên thật sự thay đổi thực hiện chủ trương đã có là chuyển đổi cơ cấu nhưng lâu nay chỉ nằm trên giấy không làm, phải chuyển một cách thật sự. 

Từ sự biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chúng ta thay đổi, chấm dứt thời kỳ tốn tiền tốn bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá những chương trình không hiệu quả, chấm dứt việc thủy lợi ngọt hóa, ngăn mặn lỗi thời không phù hợp mà tốn tiền của vô ích. 

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe GS! 

Duy Chiến thực hiện (VietNamNet)



Nguyên Ngọc: LÀNG MẤT, RỪNG CHẾT, ĐỒNG BẰNG HẠN HÁN ...


Làng mất, rừng chết, đồng bằng hạn hán 

là đương nhiên (Nguyên Ngọc)

Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng từ hàng chục năm trước, với công luận và với cả các cơ quan Chính phủ, đó là chuyện rừng Tây Nguyên. 

Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở sông Mê Kông năm nay hẳn là do nhiều nguyên nhân: có chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu, và chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn từ việc Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mê Kông, con sông nằm một nửa trên đất Trung Quốc, và đấy lại là phần đầu nguồn. 

Từ nhiều chục năm nay, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ngô Thế Vinh đã liên tục lên tiếng về nguy cơ này. Tâm huyết và quan tâm sâu sắc đến tác động của các đập trên đầu nguồn con sông này đối với các khu vực hạ lưu, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, vựa lúa nổi tiếng của nước ta, ông đã tìm mọi cách để đi đến khảo sát cụ thể tận nơi dù bị phía Trung Quốc ngăn cấm gay gắt. 

Kết quả chuyến đi dũng cảm và công phu này của ông là một cuốn sách rất quan trọng,có tên “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”, báo động hai nguy cơ lớn nay đã hành hiện thực: sông Mê Kông thiếu nước gây ra hạn hán và tai họa xâm mặn tàn phá đồng bằng Tây Nam Bộ, và việc Trung Quốc quấy phá ở biển Đông. .

Tây Nguyên hạn, trẻ em phải vào rừng tìm những khe nước nhỏ. (ảnh Nguoiduatin)

Câu chuyện của nhà văn Ngô Thế Vinh bắt đầu bằng một chi tiết sâu sắc và cảm động: sống ở Mỹ, từng ngày chăm chú hướng về quê hương, một hôm ông đọc trên báo tin người ta bắt được một con cá đuối ở Đồng Tháp. Ông giật mình: cá đuối bị bắt ở Đồng Tháp, tức là sông Mékông ở Tây Nam Bộ đã bị nhiễm mặn! Ông quyết đi tìm cho đến ngọn nguồn của hiện tượng nguy hiểm này, bất chấp mọi che giấu, cản trở hiểm độc của nhà cầm quyền Trung Quốc … Tôi rất mong cuốn sách quý “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”… của Ngô Thế Vinh - và nhiều tác phẩm quan trọng tiếp sau của ông, cũng về đề tài này – sẽ được in chính thức và rộng rãi ở trong nước ... 

Tuy nhiên, mặt khác cũng không thể bỏ qua một yếu tố không kém phần quan trọng trong tình trạng hạn hán và thiếu nước trầm trọng đang hoành hành hiện nay – mà chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng từ hàng chục năm trước, với công luận và với cả các cơ quan Chính phủ, đó là chuyện rừng Tây Nguyên. 

Tây Nguyên, như ai cũng biết, là nóc nhà của Đông Dương. Và chỉ có nước từ nóc nhà Tây Nguyên đổ xuống các vùng chung quanh, chứ không có nước nào chảy ngược lên được nóc nhà Tây Nguyên. Một trong những đặc điểm của địa hình Tây Nguyên, là đường phân thủy trên cao nguyên rộng lớn này nằm xế hẳn về phía Đông, tức sườn Tây Trường Sơn rộng hơn hẳn sườn Đông Trường Sơn, có nơi gấp ba, bốn lần. Cũng tức là nước từ Tây Nguyên đổ về các sông ở miền Nam Trung bộ (như Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng …) ít hơn hẳn nước đổ về phía Tây, về sông Mé Kông, để từ đó đổ về Nam Bộ. Cũng có thể nói, nước của Tiền Giang, Hậu Giang, nước ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau … cũng là nước Tây Nguyên … 

Và, cũng hoàn toàn có thể nói: rừng, nhân tố giữ nước quan trọng nhất của Tây Nguyên, cũng góp phần quan trọng quyết định đối với sự giàu có hay nghèo kiệt của Nam Bộ nói chung, đặc biệt của vựa lúa Tây Nam Bộ (chứ không chỉ đến Nam Trung Bộ, như lâu nay ta vẫn tưởng). 

Mà rừng Tây Nguyên thì thế nào? 
Có thể nói rất gọn: rừng tự nhiên gần như hoàn toàn không còn! Đã bị phá sạch! Và chỉ có rừng tự nhiên, với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại cây đan chen (khiến sâu không thể phát triển, mỗi loại sâu chỉ ăn được một loại cây), nhiều tầng, nhiều lớp thực vật … mới thật sự có tác dụng giữ nước. Để khi mưa xuống, thì nước không ào ào quét đi ngay một lúc, thành lũ hung dữ tàn phá … Mà thấm sâu xuống lòng đất, tằn tiện lưu tích lại ở đấy, giữ độ ấm giàu có cho đất, và từ từ, kiên trì theo các mạch ngầm rỉ rả mà vô tận quanh năm tiếp nước cho các dòng sông, cho các vùng đồng bằng hạ lưu… .

Những thửa ruộng khô nứt nẻ ở ĐBSCL trước đây từng là những vựa lúa trù phú.
Nhân đây, cũng xin nói luôn mấy chuyện. 

Rừng tự nhiên Tây Nguyên bị tàn phá kiệt quệ như hiện nay, rất khó tái sinh, dù là rừng nhiệt đới. Bởi trong rừng không phải cây nào cũng như cây nào, có những cây thông thường, có những cây được gọi là cây “nòng cốt”, còn có cây “nòng cốt” thì rừng mới tái sinh được. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá đến kiệt quệ như hiện nay, theo nhièu chuyên gia, sẽ không biến thành sa mạc cát, như kểu Gobi hay Sahara, mà thành loại rừng gai lúp xúp. Chẳng lẽ chúng ta muốn để lại cho con cháu một cao nguyên toàn rừng gai lúp xúp! 

Tôi vừa đi Kontum về. Kontum là tỉnh có một số ít khu rừng còn tương đối khá, như ở Ngọk Linh, Vi-ô-lắc … Tuy nhiên, năm nay trở lại, càng thấy ngay ở đây, rừng cũng đã bị phá đến kinh hoàng. Đồi núi đều trọc. Trong khi TP Hồ Chí Minh 30-32 độ , thì ở đây đã 35-36 độ. Hạn hán, thiếu nước và nóng gay gắt ngay ở Tây Nguyên năm nay đang rất nghiêm trọng. 

Cũng cần nói về việc trồng cao su. Phát triển cao su hiện nay ở Tây Nguyên đã vượt quá ngưỡng vùng đất ấy có thể chịu đựng được. Và cần khẳng định, cao su không phải là rừng, không thể coi là rừng. Cao su là loại cây rễ cọc, không có tác dụng giữ nước. Dưới cây cao su cũng không có cây gì còn mọc được, đến cả cỏ. Chủ trương gọi là “cho phép chuyển rừng nghèo sang trồng cao su” cách đây mấy năm là rất tai hại. Lập tức rừng già bị khai là “rừng nghèo”, và đấy là một thời kỳ phá rừng dữ dội nhất ở Tây Nguyên. 

Cà phê cũng đã được trồng quá mức, gây phá rừng. Và càng chắc chắn cà phê không phải là rừng, không thay thế được rừng để giữ nước… 

Mất rừng ở Tây Nguyên đến kiệt quệ như hiện nay, ngoài những nguyên nhân có tính chất “kỹ thuật”, còn do những nguyên nhân xã hội sâu xa, xuất phát từ những chủ trương lớn không được nghiên cứu, cân nhắc đủ thận trọng. Trong đó, theo tôi, có hai việc lớn: 

Từ xa xưa, và cho đến tận năm 1975, xã hội Tây Nguyên đã tồn tại bền vững trên cơ sở một cấu trúc xã hội đặc trưng, lấy làng làm đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Làng tồn tại bền vững trên nền tảng kinh tế, vật chất là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. 

Ở Tây Nguyên, từ xa xưa, hoàn toàn không có rừng vô chủ. Từng tấc rừng đều thuộc về một làng cụ thể. Người ta gọi đó là không gian xã hội, hay không gian tồn tại của làng ... Chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng Tây Nguyên từ sau năm 1975, là tước đi mất cái nền tảng vật chất của làng. Làng Tây Nguyên tất yếu đổ sụp. Văn hóa cũng không thể còn, chỉ còn văn hóa diễn và giả. 

Làng mất đất thì tan, con người trở nên bơ vơ, thụ động. 
Theo tôi, nói văn hóa Tây Nguyên, là nên nói như thế, cho đến đó. Chứ không chỉ dừng ở những hình thức đep đẽ bên ngoài, như cồng chiêng, nhà rông … .

Những con suối trên đại ngàn Tây Nguyên đã cạn nguồn. (ảnh Nguoiduatin)

Cũng cần khẳng định chỉ có làng, làng làm chủ đất và rừng thật sự của mình, thì mới giữ được rừng. Không chủ sở hữu nào làm được điều đó. Đấy là kinh nghiệm thực tế của hơn 40 năm qua. 

Đi đôi với chủ trương quốc hữu hóa đất và rừng tai hại, là chủ trương đưa dân lên Tây Nguyên với tốc độ và cường độ quá lớn, khiến dân số Tây Nguyên trong thời gian ngắn, tăng lên hơn 5 lần, đặc biệt làm cơ cấu dân cư đảo lộn lớn và đột ngột, hiện nay chỉ còn khoảng 20% người của các dân tộc tại chỗ. 80% đã là người Kinh. Các dân tộc tại chỗ không còn vai trò chủ thể trong đời sống và phát triển của Tây Nguyên. 

Theo tôi, đấy là những sai lầm lớn, đến mức khó quay ngược trở lại. 
Và hôm nay, ta đang chứng kiến một trong những hậu quả không thể ngờ: Đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa sống còn của cả nước, đang khô cháy và mặn chát … vì mất rừng Tây Nguyên! 

Một bài học thật lớn, thật cay đắng, về cả tự nhiên lẫn xã hội! 

Lần này, đã học được chưa?

Mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm nên dòng chảy bị thiếu hụt, mực nước sông Me Kong xuống thấp nhất 90 năm qua. Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn cùng kỳ gần 2 tháng, làm chết hàng trăm nghìn ha lúa. 


Tiến Thành - Phạm Hương 


Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm 
Hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Tây. 
Hàng chục nghìn ha lúa ở miền Tây chết do nước mặn xâm nhập. Ảnh: Cửu Long 

"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sáng 17/2.
Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn. 
Nạo vét kênh mương nội đồng để giữ ngọt ở vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Cửu Long 

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.
Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.
Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên. 
Hệ thống cống đập ở các địa phương ven biển tại miền Tây được đóng kín để trữ nước ngọt. Ảnh: Cửu Long 

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn. 

"Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn", ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói.

Cửu Long

'Hệ thống chính trị' chống xâm nhập mặn


Người dân Bến Tre và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại nặng nề vì xâm nhập mặn

Khoảng 70.000 – 80.000 hộ dân Bến Tre thiếu nước ngọt sử dụng vì tình hình xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết.

Ông Võ Thành Hạo và các lãnh đạo của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã có cuộc họp bàn về thiên tai xâm ngập mặn đang diễn ra ở khu vực này. Cuộc làm việc do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Hạo cho biết: “Về giá trị thiệt hại, chúng tôi thống kê chưa đủ, nhưng thiệt hại về lúa có thể lên tới 200 tỷ.”

Báo Tuổi Trẻ dẫn con số 13.845/14.759 ha diện tích trồng lúa của Bến Tre bị thiệt hại vì đợt xâm nhập mặn.

“Cây ăn trái diện tích khá lớn, nước mặn xâm nhập sâu vào vùng cây ăn trái rồi. Do mặn không tưới được, cây sẽ bị giảm sản lượng.”

“Thiệt hại thứ ba là nước sinh hoạt. Do tình trạng mặn, không chỉ ảnh hưởng nước cho sản xuất, nước sinh hoạt cho dân cũng bị ảnh hưởng lớn.”
Khoảng 13.845/14.759ha lúa của Bến Tre bị thiệt hại

Ông Hạo nói Bến Tre có phương án “khai thác nước mặt ở các giếng tầng nông để khai thác nước ngọt trong giếng giúp chở đến cung cấp cho bà con không có nước ngọt sinh hoạt.”

Các huyện gần biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú bị thiếu nước nặng nề nhất. Ông Hạo nói: “Đôi khi họ [người dân] phải mua nước với giá gấp 10 lần giá thông thường”.
Xâm nhập mặn ‘ngày càng nặng nề’

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh – Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Thành phố Cần Thơ – nhận định vấn đề hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long “diễn biến ngày càng nặng nề hơn”.

Ông giải thích: “Năm 2004 cũng là năm hạn, mặn còn cách Bến Ninh Kiều khoảng 15km nhưng đến 2010 thì đến Cái Cui, tức là cách Ninh Kiều 8km và độ mặn đo được là 1/1000, nhưng đến năm nay, mặn tại Cái Cui đo được đã là 2/1000.”
Kết quả đo mặn do Văn phòng Công tác Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ đo tại trạm Cái Cui

“Chiều hướng ngày càng xấu hơn” – Ông Vinh nói với BBC Tiếng Việt.

Do biến đổi khí hậu nên ông Vinh cho rằng “rất khó dự báo” khi nào tình hình xâm nhập mặn sẽ bớt, nhưng ông cũng nói “có thể sẽ kéo dài đến cuối tháng Sáu” và cho biết “dấu hiệu tạo thành mây mưa chưa thấy rõ”.

Văn phòng Công tác Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ sử dụng tám trạm đo mặn làm một trong những phương tiện để phát hiện và cảnh báo mặn sớm từ đầu năm.
'Đề nghị Trung Quốc xả nước'

Trong cuộc họp với 13 tỉnh hôm thứ Hai 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ''cả hệ thống chính trị vào cuộc" để ''hạn chế thấp nhất thiệt hại" từ đợt xâm nhập mặn này.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị chính phủ làm công hàm gửi Trung Quốc, để tăng xả nước ở các hồ chứa, với dung lượng khoảng 43 tỷ m3, giải quyết xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Kỷ Quang Vinh nhận định “43 tỷ m3 là một khối lượng nước lớn, nếu chảy xuống được đồng bằng sông Cửu Long sẽ cứu hạn cho khu vực này khá là quan trọng. Tuy nhiên, về lâu dài là đồng bằng sông Cửu Long phải có phương tiện hồ chứa nước tại chỗ. Mùa mưa, mùa lũ có rất nhiều nước trữ lại và sử dụng trong mùa khô, hoặc xử lý nước đưa vào tầng nước ngầm, vừa trữ nước, vừa nâng đất lún lên.”

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ xảy ra hiện tượng bị lún nghiêm trọng, tốc độ lún gấp 3 – 4 lần so với tốc độ nước biển dâng vì “khai thác quá mức nước ngầm” – ông Vinh dẫn thông tin từ một nghiên cứu từ Đại học Stanford hợp tác với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam và Cơ quan không gian của Nhật.

BBC.VN


Các đập thủy điện trên sông Mekong



Trung Quốc đã xây dựng xong 6 đập thủy điện trên sông Mekong, trong khi Lào và Campuchia dự kiến sẽ thiết lập thêm nhiều cơ sở mới.




Theo Phương Vũ - Hồng Hạnh

VnExpres




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét