- NHẤT CHI MAI


Đúng là Đạo bổn vô nhan sắc, nhưng ta và người thì có thể thấy được “nhất chi mai (一枝梅) ” kia là vật của đất trời, trống không, độc lập, hồn nhiên, như hữu sự mà vô sự.

Cáo tật thị chúng:
告 疾 示眾
春去百花落 
春到百花開 
事逐眼前過 
老從頭上來 
莫謂春殘花落盡 
庭前昨夜一枝梅 
Dịch: 
Cáo tật thị chúng 
Xuân khứ bách hoa lạc 
Xuân đáo bách hoa khai 
Sự trục nhãn tiền quá 
Lão tòng đầu thượng lai 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. 

Hòa Thượng Thanh Từ dịch thơ: 
Xuân đi trăm hoa rụng 
Xuân đến trăm hoa cười 
Trước mắt việc đi mãi 
Trên đầu, già đến rồi 
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua – sân trước – một cành mai. 

Ngô Tất Tố dịch thơ: 
Xuân ruổi trăm hoa rụng 
Xuân tới, trăm hoa cười 
Trước mắt việc đi mãi 
Trên đầu già đến rồi 
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua, sân trước một nhành mai. 

Tản Đà dịch thơ: 
Xuân đi muôn vạn hoa tàn 
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa 
Việc đời thế sự đi qua 
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương 
Chờ cho xuân hết hoa tàn 
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai. 

Người dịch thứ tư là Lê-Mạnh-Thát: 

Xuân đi trăm hoa rụng, 
Xuân đến trăm hoa cười. 
Việc đời qua trước mắt, 
Già đến trên đầu rồi! 
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, 
Ngoài sân đêm trước một cành mai. 


1.- Tác giả: Mãn Giác (滿 覺), (1052-1096), là một Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông.

Sư nối pháp Thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bổn Tịnh. Với bài thơ "Cáo tật thị chúng", Thiền sư được nhiều người coi là một nhà thơ đại biểu của dòng văn thơ Lý-Trần.

Thiền sư Mãn Giác thế danh là Nguyễn Trường (阮長), (còn gọi là Lý Trường 李長), thân phụ là Lý Hoài Tố làm chức Trung thư Viên ngoại lang.

Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Trường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Trường thường chú tâm vào Thiền học. Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín Trưởng lão.

Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Thiền sư là bậc lãnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Thiền sư làm trụ trì.

Năm 1096, cuối tháng 11, Thiền sư gọi chúng đọc bài kệ:
Cáo tật thị chúng (告 疾示 眾):
Xuân khứ bách hoa lạc 
Xuân đáo bách hoa khai 
Sự trục nhãn tiền quá 
Lão tòng đầu thượng lai 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


Đọc xong Thiền sư ngồi kết già thị tịch, trụ thế 45 năm. Sau lễ trà tỳ, xá lợi được thờ tại chùa Sùng Nghiêm, vua thuỵ hiệu là Mãn Giác Thiền sư.

2.- Bài kệ - bài thơ:
Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) trở thành một tác phẩm thi kệ nổi tiếng thời kỳ văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương.

Bài thơ mượn cảnh thị tình, lấy tình "trực chỉ chân tâm" nhằm khai phóng nhân sinh.

Dùng tư duy trực giác để hình thành nên một biểu tượng, bài thơ bắt đầu từ chỗ miêu tả một thực tại, một hình ảnh đơn giản, sinh động: Khai, lạc của mai hoa (đào hoa, xuân hoa...) là cái nhãn tiền tự nhiên nhi nhiên:
Xuân khứ bách hoa lạc - Xuân đáo bách hoa khai 

Không có mới cũng chẳng có cũ, không có đi cũng chẳng có về; đáo hay khứ thực ra chỉ là một thực tại bị chia cắt thành những khái niệm mà chỉ cần khởi tâm trí tuệ thì bỗng dưng được con mắt sáng mà nhìn, nghe, và cảm nhận cái thi vị của cuộc đời sau những tột cùng vô biên của sự phân chia, tách bạch.

Trước hết, chính tự nhiên, cho nên có con mắt thứ nhất mở ra phía sau trước nhìn vào chốn sinh linh mà dạy rằng: đừng bảo, đừng nói, đừng ngộ nhận, chớ lời, chớ chắc, chớ đoan... và còn con mắt thứ hai dành cho kẻ Xuân Thu biết vui thú du xuân bốn mùa tự nhiên sẽ có được:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai 

Cùng với muôn vàn con mắt không phô diễn.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai 
Xuân khứ (hoa lạc, quá) - nhất chi mai - Xuân đáo (hoa khai, lai)


Đúng là Đạo bổn vô nhan sắc, nhưng ta và người thì có thể thấy được “nhất chi mai” kia là vật của đất trời, trống không, độc lập, hồn nhiên, như hữu sự mà vô sự.

Lâu nay người ta sợ hãi là sợ cái có có - không không đối đãi, thì đây là vật chứng, là hiển nhiên của sinh diệt mà cũng là bất diệt. Cái giả hợp tất chịu đổi thay: còn trẻ răng trắng má hồng, lúc tuổi già răng long tóc bạc. Nhưng trong chỗ diệt diệt sinh sinh ấy có một thứ vượt ra ngoài sinh tử, và một lúc nào nhận diện được nhành mai trước sân thì tức là đang sống, đang tồn tại với Phật tánh vĩnh cửu chân như của chính mình. 

Tìm kiếm Phật ở bên ngoài thì cũng giống như cá chép tranh nhau vượt Vũ Môn, muôn đời làm sao hóa rồng được?!
Chân tánh là vô tánh, tử - sanh chẳng nói.
Vì "không hoa, mặc bướm để lòng chi"?
Thế mới biết: 
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua – sân trước – một cành mai. 

Điều mà chúng ta cảm nhận được qua bài kệ - bài thơ là: bài kệ rất đơn giản nhưng lại nói được rằng "vũ trụ vốn có những quy luật, con người và sự vật luôn luôn phải tuân theo, thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra, vượt ra ngoài cái khuôn khổ bình thường có quy luật của vũ trụ".


Quy luật đối với thiên nhiên là: 
Xuân đi trăm hoa rụng 
Xuân đến trăm hoa cười 

Quy luật đối với con người là:
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi

Nhưng đừng có nghĩ thế, vẫn có những sự huyền diệu, thần kỳ:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua, sân trước, một cành mai.

Hy vọng của mỗi người chúng ta, trong cuộc đời mình, sẽ có những lần may mắn được thấy, được nghe, được cảm nhận... những điều huyền diệu, thần kỳ, nhưng rất đơn giản, bé nhỏ... như “một cành mai!”


Phụ chú:
Cây nhất chi mai còn gọi là Mai trắng (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai).
Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).

Ở đây cần phân biệt rõ, tuy tên dân dã là mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).

Cây nhất chi mai là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh.

Nhất Chi Mai chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Nhất Chi Mai không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì lại càng có sức sống hơn, thật kì lạ!

Chỉ cây nhất chi mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Lần hai là chính vụ, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai nở để cổ vũ họ hàng hoa mai mà thôi. Có lẽ, đó là điều đặc biệt hơn cả, giống như tuyết rơi giữa mùa hè vậy…

Cây nhất chi mai ưa nước nhưng không chịu được úng. Không để bầu đất sũng nước thường xuyên, cũng không được để đất khô cây sẽ bỏ cành. Tốt nhất là trồng ra vườn thì lâu lâu bón phân là được, còn trồng trong chậu thì phải thăm nom ngày 2 lần sáng tối xem độ ẩm của đất thế nào.

Nên đặt cây mai nơi nhiều nắng và gió, cây cằn hoa sẽ to và dầy. Nếu cây quá xanh tốt hoa sẽ nhỏ và thưa.

Do rễ cây nhất chi mai nhỏ, yếu nên đất trồng phải có độ thoáng cao kẻo rễ bị nghẹt sẽ không phát được. Với kiểu chơi truyền thống, lấy đất mặt ruộng phơi thật khô, đập nhỏ và dùng sàng lọc ra những hạt có kích cỡ 3mm-5mm để dùng. Trộn thêm ít phân chuồng ủ hoai, thế là đủ.

Không nên bón phân hóa học, kể cả NPK vì dễ khiến cây chảy nhựa vào mùa hè. Có thể bón phân 1 lần bằng cách mua phân bánh đậu về,

nếu ngại ngâm phân vào nước ( thúi kinh) ,giã nhuyễn và chôn xung quanh gốc cách 10cm . Khi tưới phân sẽ tan dần vào đất.

Khi cây đã hết hoa và lá phát ra dịp đầu xuân đã chuyển sang bánh tẻ, ta thực hiện cắt tỉa để giữ dáng cho năm sau. (thường là khoảng tháng 2, cứ lá chuyển sang xanh đậm là có thể cắt tỉa.)

Cây nhất chi mai cũng giống như đào, chỉ nảy hoa trên những cành non, cành già phát từ năm trước sẽ không nảy hoa. Do đó nên cắt thật mạnh, chỉ chừa lại khoảng 2-3 đốt ngón tay. Có một lưu ý nhỏ là thường sẽ sót lại vài chiếc lá sau khi cắt tỉa, đừng buồn tay ngắt nó đi, hãy để lại đó để cây thở, sau này cây phát chồi thì cắt sau. Khoảng đầu tháng 7 âm, khi lá đã già thì ta cắt tiếp đợt 2 và cũng là đợt cuối cùng trong năm. Cách cắt tỉa giống như đợt đầu xuân. Nếu cắt sớm thì cành sẽ chóng già, cây ra hoa sớm.

Cây chỉ trồng trong chậu nhỏ nhưng ra rất nhiều hoa.

Một lưu ý là không nên cắt tỉa lúc trời mưa, cây bị chảy nhựa sẽ yếu và bỏ cành. Bạn xem hình dưới, cây đã nảy lộc nhưng không đều, có một số cành bị khô.

Đến cuối tháng 10 âm lịch (trước tết khoảng 50 đến 60 ngày, tùy vào thời tiết năm đó rét hay ấm) là thời điểm lặt lá và đưa lên chậu nhỏ để chơi tết.

Thời tiết cũng rất quan trọng, nếu gió nồm thổi sớm thì vô phương cứu chữa. Chỉ cần gió nồm thổi 5 hôm là cây đang đen xì bỗng bật chồi xanh cả loạt.

Nếu hoa nở muộn thì dễ chữa hơn. Trước tết 20 ngày, nếu dự báo thời tiết vẫn rét đậm thì chỉ cần thắp điện, trùm nilong cho nhiệt độ khoảng 20oC, pha loãng lân với nước ấm để phun thì cây sẽ bật nụ.

Chảy nhựa là vấn đề nan giải trên cây bạch mai. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như cây úng nước, thừa nước, sương muối.v.v.

Chủ yếu bệnh là do nấm. Nếu cây phát mạnh mà vẫn chảy nhựa thì ta có thể xác định là do nấm. Có thể sử dụng các thuốc diệt nấm như Ridomil, hợp chất vôi+lưu huỳnh pha loãng để phun.

Hoa nhất chi mai ngoài thưởng thức vẽ đẹp tao nhã hoa Xuân , còn nhiều công dụng làm thuốc sau đây:

Chữa ho dai dẳng: Hoa mai trắng 9g hãm uống thay trà trong ngày. Hoa mai trắng 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.

- Chữa chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai trắng 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.

- Chữa tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai trắng 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì uống.

- Chữa đau bụng do lạnh: hoa sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3-6g với rượu.

-Chữa viêm họng mạn tính: Hoa nhất chi mai 6g, hoa dành dành 5g, trà 20g. Ba thứ trộn lẫn chia làm hai lần hãm với nước sôi uống thay trà, mỗi ngày 1 thang.

- Chữa nấc: Hoa nhất chi mai 5g, tai hồng 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi chín thì cho hoa mai trắng vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.

- Chữa chán ăn do thử nhiện: Hoa nhất chi mai 10g, lá sen 50g, hãm với nước sôi uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa đau khớp do phong thấp: Hoa nhất chi mai 9g, thạch nam đằng 9g, thổ nhĩ phong 9g, đem ngâm với 200mml rượu, mỗi lần uống từ 30-50 mml.

-Chữa viêm da, lở loét: Hoa nhất chi mai 6g đem ngâm với dầu lạch hoặc dầu vừng, sau hai tuần thì dùng được, bôi vào chỗ tổn thương mỗi ngày 2 lần.

- Chữa viêm loét môi và niêm mạc miệng: Hoa nhất chi mai tươi với lượng vừa đủ, đem giã với đường trắng rồi vắt lấy nước bôi vào chỗ tổn thương.

- Chữa bỏng nhẹ: Hoa nhất chi mai lượng vừa đủ ngâm với dầu trà rồi bôi vào vùng bỏng.

-Chữa nôn mửa: Hoa nhất chi mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt hòa thêm nước gừng tươi rồi uống.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét