- Tuổi Mãn Kinh...

Ở lứa tuổi trung niên, phụ nữ bỗng đâu gặp những căn bệnh tuy không hiểm nghèo, chết người nhưng lại gây khó chịu, bối rối khiến cuộc sống có những ảnh hưởng không nhỏ.

Hội chứng tiền mãn kinh: 
Người phụ nữ trong thời kỳ phát triển, cơ thể liên tục tiết ra estrogen - nội tiết tố nữ - để tạo ra các đặc tính của phái nữ. Sang tuổi mãn kinh, buồng trứng không phát triển, nội tiết tố không tiết ra nữa, bắt đầu thiếu hụt estrogen.

Vùng khung chậu bị ảnh hưởng, rất dễ sinh ra các bệnh viêm âm đạo, ngứa âm hộ, rong kinh, âm đạo khô, giao hợp khó khăn... có thể dẫn đến bệnh sa sinh dục, sa bàng quang, són tiểu.

Thiếu estrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bị bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra những lo âu, dễ buồn tủi... Để phòng ngừa, có thể uống estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể, song phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Phụ nữ trung niên hay mắc bệnh loãng xương

Loãng xương: 
Là căn bệnh không gây chết người nhưng là mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Tuổi mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương, đặc biệt là những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. 

Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. 

Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid... cũng dễ bị loãng xương.

Do vậy, phòng ngừa bằng cách có chế độ ăn uống tăng canxi ngay từ tuổi vị thành niên, vận động và tập thể dục vừa sức, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc corticoides. 

Nên bổ sung 1.000mg canxi và 200 - 4.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D để giúp xương phát triển tốt, nhất là từ nguồn thực phẩm, thức ăn hàng ngày, nên dùng sữa có hàm lượng chất béo thấp (3 cốc/ngày). 

Việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết với phụ nữ trung niên. Để sống khỏe mạnh ở tuổi mãn kinh, cần giữ cân nặng bình thường, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, vận động nhiều, ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây, chất xơ, tập thể dục đều đặn.

Ung thư vú: 
Đây là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên - căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Có tới 18% phụ nữ tuổi 40 chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tăng 77% ở tuổi trên 50. Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong khá cao cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có chế độ ăn uống nhiều chất béo. 

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên: gia đình có người từng bị ung thư vú thì nguy cơ tăng gấp 3-5 lần; béo phì: nguy cơ gấp 3 lần; không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn; dậy thì sớm và mãn kinh muộn.

Để phòng bệnh này, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh, cần hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo; không nên uống rượu, đồ uống kích thích, không hút thuốc lá; tăng cường luyện tập… 

Chị em nên tự khám mỗi tháng xem có gì bất thường ở ngực, nhũ hoa... đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm 1 lần. 

Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực... thì có thể là dấu hiệu ung thư vú, hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị khi khối u còn nhỏ.

Bệnh tim mạch:
Ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. 

Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn bùng nổ các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) ở phái nữ với diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, người ta thấy rằng, liệu pháp hormon thay thế không thể giúp được phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của xơ vữa động mạch.

Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại, ví dụ thuốc lá, rượu, bia...

Rau quả tốt cho phụ nữ tuổi trung niên

Bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn, hiệu quả chữa trị kém hơn (các phương pháp can thiệp mạch vành hiện đại như thông mạch vành bằng cách đặt stent, nong mạch và nối mạch thông đạt hiệu quả thấp ở phụ nữ) nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ là giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý; không nên uống rượu bia, hút thuốc lá; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao; chế độ ăn uống phải hợp lý; không quá 5-6g muối/ngày; tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và axít béo không no omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa; không ăn thịt mỡ, da động vật và hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla; tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn...; luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép; giảm căng thẳng thần kinh…

Theo ThS. Hà Hùng

Phụ nữ trên 40 tuổi: Không bổ sung đủ 3 chất này thì ăn gì cũng ‘vô ích’

Phụ nữ sau 40 cần nhất là duy trì thể lực, cơ bắp và làn da trẻ trung hồng hào. Muốn có được điều này phải chú ý chế độ ăn uống. Nếu thiếu 3 chất sau đây, sức khỏe sẽ “biến mất”.


Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên bắt đầu rơi vào giai đoạn “thay đổi chóng mặt”. Từ thể chất, kết cấu da đều sẽ giảm nhanh chóng. Vào thời điểm này, việc quan tâm về sức khỏe, đặc biệt chế độ ăn uống là rất quan trọng.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, phụ nữ sau 40 tuổi, muốn duy trì sự trẻ trung và khỏe mạnh, nhất thiết phải bổ sung 3 yếu tố quan trọng nhất sau đây. Nếu trong chế độ ăn uống mà thiếu hụt 3 chất này, thì sức khỏe sẽ bị đe dọa, thậm chí có bác sĩ còn nói rằng, không ăn đủ thì dù có ăn gì khác nhiều bao nhiêu cũng chỉ là vô ích.

1. Vitamin C: Duy trì cấu trúc da, khỏe thị lực
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ dưới 60 tuổi, nếu mỗi ngày uống ít nhất 352 mg vitamin C thì nguy cơ đục thủy tinh thể ít hơn 57% so với phụ nữ chỉ tiêu thụ hàng ngày 140 mg hoặc ít hơn.

Một số vitamin C vitamin loại hỗn hợp cũng chỉ chứa khoảng 180 mg nên nếu không có chế độ bổ sung nhấn mạnh thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn uống là sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt Vitamin C nghiêm trọng.

Những món ăn giàu vitamin C như các loại quả họ cam, súp lơ, chuối, táo, lê, kiwi… Mỗi ngày bạn nên chú ý chọn thực phẩm loại này để ăn, miễn là không quá 2000 mg vitamin C là trong ngưỡng an toàn.

(Ảnh minh họa)

2. Canxi: Duy trì thể lực ổn định
Một viên thuốc vitamin tổng hợp có thể cung cấp 1/4 lượng canxi cần thiết cho một ngày của bạn. Cơ thể mỗi ngày cần tiêu thụ khoảng 1.000 mg canxi. Người trên 50 tuổi thì cần 1.200 mg canxi mỗi ngày.

Ngoài việc hấp thu canxi từ ba bữa ăn trong một ngày ra thì bạn cũng có thể uống bổ sung thêm một số lượng canxi nhất định. Một sự lựa chọn tốt hơn là canxi cacbonat (ăn cùng với bữa ăn hàng ngày để hấp thụ thuận lợi nhất có thể) và calcium citrate (loại canxi hấp thu tốt nhất).

(Ảnh minh họa)

3. Sắt: Máu phải tốt thì da mới đẹp, cơ thể vận hành thuận lợi

Phụ nữ 40 tuổi trong giai đoạn kinh nguyệt nên bổ sung thêm sắt với một lượng thích hợp. Có thể dùng loại vitamin tổng hợp chứa khoảng 18 mg sắt sẽ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh thiếu máu.

Nhưng sau khi mãn kinh, điều cần thiết phải kiểm soát bổ sung lượng sắt trong khoảng 8 mg hoặc ít hơn, bởi vì hàng tháng không còn phải mất máu (kinh nguyệt) nên sẽ tiêu thụ lượng sắt dự trữ của cơ thể mà không cần phải bổ sung quá nhiều.

Cần lưu ý rằng, thiếu sắt có thể gây thiếu máu từ đó dẫn đến phát sinh nhiều loại bệnh, nhưng uống sắt tùy tiện cũng là sai lầm nghiêm trọng. Cơ thể dư thừa sắt ở mức cao sẽ có hậu quả tiêu cực như táo bón và buồn nôn.

(Ảnh minh họa)

Nếu bạn đã vào ngưỡng tuổi 40 trở lên, hãy ghi nhớ 3 chất quan trọng này và lên thực đơn rõ ràng để ăn uống cân đối, đầy đủ. 

Tuổi trung niên cần duy trì sức khỏe của sắc vóc và làn da, nếu thiếu 3 chất này thì việc ăn bổ sung nhiều chất khác cũng không thể giúp bạn duy trì được phong độ ổn định, xinh đẹp và trẻ trung.

*Theo Bách khoa Toàn thư (TQ)

Chế độ ăn uống cho phụ nữ mãn kinh


Khi phụ nữ mãn kinh Do hoạt động ít, khối cơ bắp giảm nên nhu cầu về dinh dưỡng giảm đi, nên càng lớn tuổi càng ăn ít hơn lúc trẻ.

Do vậy, chế độ Dinh dưỡng cho đối tượng mãn kinh phải thật hợp lý để duy trì sức khỏe, vừa tránh suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì, tránh loãng xương, đái tháo đường, cao huyết áp.

Từ 45 - 55 tuổi, phụ nữ trải qua những thay đổi trong cơ thể liên quan đến mãn kinh. Đó là một biến đổi bình thường trong cơ thể phụ nữ và mãn kinh được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong suốt 12 tháng liền. 


Nguyên nhân gây ra mãn kinh là buồng trứng chấm dứt hoạt động (ngừng rụng trứng), cơ thể phụ nữ dần dần tạo ra càng lúc càng ít nội tiết tố estrogen, progesteron. Mật độ xương cũng bắt đầu giảm ở phụ nữ vào tuổi tứ tuần trở đi. Đặc biệt sự giảm mật độ xương này tăng lên trong suốt thời kỳ mãn kinh. 

Kết quả là tuổi tác và mãn kinh tác động cùng với nhau làm giảm khối xương và mật độ xương (loãng xương). Loãng xương dễ dẫn đến gãy xương. Phụ nữ bị gãy xương gấp đàn ông từ 2 - 7 lần. Nguy cơ gãy xương gia tăng theo tuổi và tình trạng mãn kinh.


Ngoài 3 bữa ăn chính là sáng, trưa, tối, có thể thêm 1 - 2 bữa phụ như sữa, trái cây.
Chất đạm: chiếm tỉ lệ hơn 50% trọng lượng thô của tế bào, là thành phần cấu tạo chính của enzyme, một số nội tiết tố. Chiếm 30% tổng số năng lượng trong ngày. 

Theo đó mỗi ngày cần cung cấp khoảng 50 - 60g thịt và 60 - 70g cá, 30g đậu các loại. Mỗi tuần ăn khoảng 3 quả trứng vịt hoặc gà (tốt nhất là hột vịt lộn). Nếu bị sỏi mật hoặc tăng cholesterol máu thì chỉ ăn 1 quả trứng/tuần.

Chất béo: cung cấp và dự trữ năng lượng cho cơ thể. Là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo màng tế bào, hấp thu các vitamin tan trong lipid như vitamin A, D, E, F, K. 


Trong khẩu phần ăn hàng ngày, chất béo chiếm khoảng 30% tổng số năng lượng hoặc ít hơn. Trong đó chất béo bão hòa chiếm ít hơn 10% tổng số năng lượng do nó làm tăng cholesterol máu và nguy cơ bệnh tim. 

Chất béo bão hòa có trong thịt mỡ, sữa béo, kem, phômai, da, óc, lòng, gan, tim, cật. Chất béo nên chọn là loại không bão hòa như các axít béo thiết yếu (omega-3, omega-6) có lợi cho tim mạch, có trong mỡ cá, mè, bắp, hạt hướng dương, hạt bí ngô, các loại rau có màu xanh đậm, đậu nành và các loại đậu khác. 

Trong chế biến thức ăn hàng ngày nên dùng dầu thực vật như dầu nành, dầu mè. Không nên dùng dầu dừa và dầu cọ vì kích thích gan sản xuất cholesterol nội sinh.

Chất bột đường: chủ yếu là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra còn tham gia cấu tạo tế bào và các thành phần trong cơ thể như axít nucleic, glycoprotein, glycolipid. 


Chất bột đường có trong thức ăn hàng ngày thông dụng như cơm, mì, miến, nui, bún, khoai. Thỉnh thoảng nên ăn thêm củ quả, bột ngũ cốc để tăng chất xơ chống táo bón, thải cholesterol dư thừa, hạn chế tăng đường huyết.

Rau xanh và trái cây: cung cấp 300g rau xanh, 250g trái cây mỗi ngày. Chọn các loại trái cây ít ngọt sẽ có lợi cho sức khỏe (cà chua, táo, ổi cho mỗi ngày).

Rau trái chứa nhiều vitamin chống lão hóa, chất xơ tốt cho sức khỏe. Nên uống sữa vào các bữa phụ cung cấp nhiều canxi chống loãng xương. 

Các thực phẩm giàu canxi như: cua đồng, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ, đậu nành, sữa, cá hồi, bông cải xanh. Tranh thủ tắm nắng mỗi ngày khoảng 20 - 30 phút để có đủ vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa canxi (từ 7h - 8h sáng, 4h - 5h chiều).Vitamin D có nhiều trong sữa, ngũ cốc, cá hồi, dầu gan cá thu.


Rau trái chứa nhiều vitamin chống lão hóa, chất xơ tốt cho sức khỏe

Tăng lượng sắt: sắt tham gia cấu tạo hồng cầu. Để đảm bảo nhu cầu sắt hàng ngày, nên ăn những thức ăn giàu sắt như: thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc. Ăn nhiều rau xanh cung cấp nhiều vitamin C để tăng hấp thu sắt (cụ thể là rau ngót, rau muống, mồng tơi).

Bổ sung vitamin B12 và axít folic:
vitamin B12 tham gia cấu tạo hồng cầu. Vitamin B12 có trong gan, thận, cá, gia cầm, trứng, sữa. Axít folic có trong măng tây, các loại rau có màu xanh đậm. Axít folic cần thiết cho dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể để phục vụ các quá trình tạo mới của tế bào.

Uống đủ nước:
nước tham gia cấu tạo cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng cho cơ thể, đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể, điều hòa thân nhiệt, tham gia bảo vệ mô cơ quan. 


Không đợi khát mới uống mà bạn nên uống khoảng 1,5 - 2 lít/ngày, bao gồm 60% nước lọc, 20% sữa, 20% nước trái cây.
Nên uống sữa vào các bữa phụ cung cấp nhiều canxi chống loãng xương

Đường và muối:
nên giảm trong các bữa ăn. Dùng quá nhiều muối làm tăng huyết áp. 


Tránh các thức ăn nhiều muối như: mắm, dưa muối, thịt muối, xúc xích, giò chả, đồ hộp, mì gói; các loại trái cây chứa nhiều đường như: nho, chuối, cam, mía.


Để làm giảm các triệu chứng mãn kinh
Cảm giác nóng bừng và ra mồ hôi vào ban đêm: tránh dùng các chất kích thích như càphê, rượu, sô-cô-la, thức ăn chứa nhiều gia vị, đặc biệt vào ban đêm.




Mệt mỏi: tránh các bữa ăn nhẹ chứa đường. Thay vào đó là củ quả tươi với một ít đậu.

Da khô: các loại đậu, hạt như hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân chứa vitamin E, kẽm và canxi.

Trầm cảm, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ: chọn thức ăn đạm chứa axít amin Tryptophan, có trong yến mạch, phômai, gà tây, các loại đậu. 



Tryptophan góp phần sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin điều hòa tính khí, giấc ngủ, sự ngon miệng. Để tránh kích thích cần ăn sáng đầy đủ và không bỏ bữa.


Theo BS. Ngô Văn Tuấn (Sức khỏe đời sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét