- LẶNG THINH


Cao Huy Thuần gởi Đỗ Hồng Ngọc

Anh Đỗ thân mến, tôi đọc kinh Duy Ma không biết bao nhiêu lần, nhưng có ba lần đáng nhớ nhất mà lần này là lần thứ ba. Lần thứ nhất là lúc mới bắt đầu đọc. Tôi tưởng như khám phá được mỏ vàng. Choáng mắt trước ánh sáng vàng rực. Hồi đó tôi còn trẻ, lại làm nghề dạy học, mà lại dạy cái môn suy diễn, biện luận. Tôi đọc cả quyển kinh một mạch, chưa thấy ai có tài lý luận, đối chất sắc bén như ông Duy Ma. Ông vây đối thủ, rồi ông siết vòng vây, dồn đối thủ đến cái thế phải giơ hai tay đầu hàng. Đại đệ tử của Phật, đại bồ tát, không ai dám tranh luận với ông, sợ ông hạ sát ván. Tôi đọc ông đấu lý mà cứ tưởng như đang xem đấu chưởng, chưởng vung ra vùn vụt, chữ nghĩa bay tít mây xanh. Ông lại có cái biệt tài biến thực thành ảo, biến ảo thành thực, biến hóa khôn lường, thần thông vô ngại. Tưởng như đọc kiếm hiệp.
Lần thứ hai tôi mở kinh, đọc kỹ từng câu, từng chữ, lúc đó, anh Đỗ ơi, mới thất kinh hồn vía, chẳng hiểu gì cả! Hổ thẹn quá chừng. Sao mình dốt thế, đụng chữ nào bí chữ ấy. Kể cả những chữ, những câu chẳng có vẻ gì là bí hiểm. Chẳng hạn mấy chữ này khi tôi lướt qua chương 4, loáng thoáng thấy có thiên nữ nên ngừng lại. Anh biết lòng ruột tôi rồi, mà chắc anh cũng thế thôi, tâm dễ động lắm. Huống hồ có đến mười hai ngàn thiên nữ, anh Đỗ ơi. Mười hai ngàn thiên nữ tấu nhạc hát ca. Mê quá. Nhưng đừng tưởng bở! Ma vương đấy. Ma vương thưa với bồ tát Trì Thế: “Kính bạch ngài, xin ngài hãy nhận mười hai ngàn thiên nữ này để giúp việc quét rưới”. Tôi mà được Ma vương đề nghị như thế, tôi nhận lời liền, sẵn sàng quên phức nó là Ma vương. Nhà cửa sạch sẽ thì cũng thích lắm chớ. Nhưng nhà tôi chật chội, nhận một cô cũng đủ. Anh đừng vội trách tôi thất kính với kinh hoặc với bồ tát. Tôi học kinh thật đấy. Tôi biết trước bồ tát Trì Thế sẽ trả lời thế nào. Bồ tát trả lời: Này, đừng đem cái thứ ấy hiến tặng bồ tát. Nhưng bồ tát chưa dứt câu thì ông Duy Ma đã lừng lững bước vào. Khoái cái ông Duy Ma này quá! Ổng nói, nguyên văn: “Hãy cho ta những thiên nữ này.” Thấy chưa! Tôi xin một. Ổng xin tuốt cả mười hai ngàn. Tha hồ mà quét nhà. Nhưng ông Duy Ma đâu có nhà cửa gì. Ổng nói với các cô tiên: “Ma vương đã đem các người cho ta, vậy các người nên phát tâm vô thượng bồ đề”. Tưởng các cô ham vui ở trên thiên cung mà nguầy nguậy lắc đầu. Ai ngờ các cô thưa vâng. Các cô thưa vâng rồi, ông Duy Ma mới nói: “Các người đã phát tâm rồi thì có cái vui chánh pháp, không vui theo năm dục nữa”. Ông Duy Ma là vậy đó, có khi ông giỡn, có khi ông thiệt, nhưng bao giờ cũng giỡn để mà thiệt. “Các thiên nữ hỏi, vui theo chánh pháp là thế nào?” Ông cắt nghĩa tường tận cái vui, cái thích đó trên hơn một trang kinh. Tôi thử đếm xem có bao nhiêu cái thích: trên ba mươi chữ thích, trên ba mươi cái thích. Tôi ngừng lại ở cái thích thứ bảy: “thích xét sáu giác quan như xóm vắng”. Anh Đỗ ơi, anh làm thơ thì chắc chắn khi nghe hai chữ “xóm vắng”, thi tứ của anh phải cồn cào như nước trăm độ sôi. Tôi cục mịch, chẳng biết văn thơ gì, nhưng khi nghe hai chữ đó, tôi tưởng như trở về với tuổi nhỏ, nằm giữa bóng cây, trong buổi trưa hè im vắng, không một tiếng gà, không cả tiếng gió, buổi trưa trống trơn như phơi hồn với vô tận mây xanh. Đưa nhớ nhung về miền tuổi nhỏ một hồi như vậy, bỗng tôi sực tỉnh, tự hỏi: Ủa, tại sao ông Duy Ma lại thích “xóm vắng”? “Xóm vắng” của ông là cái xóm gì vậy?
Đấy, anh Đỗ thân mến, chưa hết một câu, chỉ mới hai chữ thôi, tôi đã hoang mang. Anh biểu tôi nối đuôi cho quyển sách của anh, hai chữ mà tôi đã chưa hiểu, nói gì cả mười bốn chương kinh. Tôi hổ thẹn với các cô thiên nữ. Các cô ấy chỉ quen tấu nhạc với quét nhà, vậy mà ông Duy Ma nói là các cô hiểu ngay, còn tôi, đường đường một đấng chữ nghĩa…

Lặng lẽ, một mình, tôi tìm sách đọc để tự giải thích cho mình hai chữ “xóm vắng”, nghe sao mà thơ mộng quá. Tìm không ra. Có ai dám giải kinh Duy Ma đâu! Cho đến một hôm, tìm chuyện trẻ con để đọc cho cháu ngoại nghe, tình cờ tôi rơi vào câu đầu của một chuyện tưởng là chuyện cổ tích vì có trộm cướp và vua chúa trong đó. Câu như thế này: “Một tội nhân bị vua phạt phải giữ một cái hòm chứa bốn con rắn độc và phải nuôi bốn con rắn ấy”. Thấy chuyện hấp dẫn quá, tôi theo dõi:

“Hoảng kinh, anh ta chạy trốn. Vua sai năm tên giết người đuổi theo. Thêm một tên giết người thứ sáu nữa, nhưng tên này giấu ý định giết người của mình, giả vờ khuyên anh ta tuân lệnh vua. Nghi là bị bẫy, anh ta tiếp tục chạy trốn. Chạy một hồi thì đến một xóm vắng”. Ô hay, nó đây rồi! Mừng quá! Tìm thì không gặp. Không tìm thì gặp! Hăm hở đọc tiếp:

“Một người tốt bụng giục anh ta chạy gấp vì có thêm sáu tên trộm khét tiếng nữa sắp đột nhập vào xóm. Hụt hơi, anh ta cố sức chạy, một hồi thì đến trước một con sông. Nhìn tả nhìn hữu, anh thấy bờ gần nhất lại là bờ nguy hiểm nhất, bờ kia xa nhưng có vẻ an toàn. Bẻ vội sậy nứa, anh ta kết một cái bè, lấy hai tay làm chèo bơi qua sông”.

Cháu ngoại tôi nghe kể đến đây chắc sẽ hồi hộp lắm. Còn tôi, ủa, cái “xóm vắng” mới đó đâu rồi? Đọc tiếp mới biết ông Duy Ma lừa mình. Rắn rết, trộm cướp gì đâu, ông bày đặt ra cái chữ “xóm vắng” bắt mình phải hụt hơi tìm kiếm. “Xóm vắng” của ông là thế này: Ông vua là Ma vương. Cái hòm chứa rắn là thân xác con người. Bốn con rắn độc là tứ đại, bốn yếu tố vật chất tạo nên cái thân xác này: đất, nước, gió, lửa. Năm tên giết người là năm uẩn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Mình cứ tưởng năm uẩn ấy là mình, là tạo nên cái mà mình gọi là “tôi”. Tên giết người thứ sáu là dục lạc. Ông Duy Ma cảnh giác các cô thiên nữ: đừng tưởng đó là hạnh phúc thật. Vậy thì “xóm vắng” là vắng cái “tôi” do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tạo ra. Con mắt là con mắt, ai cũng giống ai, cứ hỏi ông bác sĩ mắt thì biết. Nhưng con mắt tôi thấy cảnh vật khác con mắt anh. Anh nhìn mùa thu thì nghĩ đến Cách Mạng. Tôi nhìn mùa thu thì con nai vàng hiện ra. Con mắt nhìn mà tôi thì thấy. Vậy con mắt ấy đâu phải là “tôi”. Tai mũi lưỡi thân ý gì cũng thế. Chúng nó là chúng nó, nhưng chúng nó bị lầm tưởng là “tôi”, là có một cái “tôi”. Tại sao? Tại vì có sáu thằng ăn trôm ấy. Nó ăn trộm con mắt để trở thành cái nhìn. Nó ăn trộm cái tai để trở thành cái nghe. Cái nhìn, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái sờ mó, cái ý tưởng, sáu cái tạo nên sáu yếu tố bên ngoài của tri thức, sáu cái ấy ăn trộm mấy cái uẩn để trở thành sắc, vị, thanh, hương, xúc, giác, cái nào cũng biến thành “tôi” cả: “tôi” nhìn, “tôi” nghe, “tôi” ngửi, “tôi” nếm… Cứ hiểu theo thông thường mà thôi thì tất nhiên cái “tôi” ấy là có. Nhưng phân tích cho đến rốt ráo như ông Duy Ma dạy cho các thiên nữ, thì con mắt là con mắt, mà “tôi” chỉ là kẻ mượn con mắt ấy để vỗ ngực tạo ra một cái riêng mà tôi gọi là “tôi”. Bởi vậy, người tốt bụng trong chuyện là người giục anh chàng kia phải trốn ngay, chạy tiếp. Người ấy là ông thầy, là Duy Ma. Con sông trong chuyện là con sông của dục vọng, của mê lầm, lầm tưởng cái không có là có thật để khổ với nó cả đời. Cái bờ gần nhưng đầy nguy hiểm là cuộc đời này, tưởng có rồi không, tưởng còn rồi mất, có đấy rồi không đấy, tưởng nắm được mà hóa ra nước chảy qua bàn tay. Bờ kia là bờ giác. Hãy tự kết bè chèo chống với hai tay không. Và nghĩ: ta sẽ đến.

Anh Đỗ ơi, sau khi đọc chuyện xong và suy nghĩ như thế, tôi đọc lại đoạn ông Duy Ma nói với các thiên nữ về cái thích của người phát tâm, và tôi nghĩ anh cũng nên thích như thế. Đây nhé:

“Các thiên nữ hỏi, vui theo chánh pháp là thế nào? Ông Duy Ma nói: là thích tin Phật, tin Pháp, thích cúng Tăng, thích rời năm dục, thích xét năm uẩn như giặc thù, thích xét bốn đại như rắn độc, thích xét sáu giác quan như xóm vắng…”

Tôi biết suy nghĩ của tôi không đúng hẳn đâu. Và cũng không theo nổi các thiên nữ được. Nhưng tôi chỉ cốt học hai chữ “xóm vắng” ấy thôi. Học cả đời: xóm vắng của tôi là vắng cái “tôi”. Thế thôi.

Đó là hai lần đọc kinh đáng nhớ trong đời. Lần này là lần thứ ba, vì anh biểu tôi phải đọc lại để viết cái gì đó cho quyển sách của anh. Tôi mở đại một chương: chương 9. Bắt đầu thế này:

“Bấy giờ Duy Ma thưa với các vị bồ tát, kính bạch các ngài, bồ tát nhập vào các môn bất nhị thế nào, xin các ngài tùy thích mà nói ra”.

Bất nhị là nhìn sự vật dưới một tổng thể, không tách ra thành từng cặp đối kháng để chỉ nhìn riêng một mặt, chỉ thấy một mặt trong nhận thức: tốt xấu, thiện ác, tội phước, tỉnh mê… Ba mươi mốt vị bồ tát trả lời, mỗi vị trình bày cách mình đi vào tinh thần bất nhị, ba mươi mốt cách là ba mươi mốt vấn đề triết lý cao tít mây xanh. May quá, có hai câu trả lời tương đối dễ, tôi đọc với anh.

Câu trả lời thứ nhất là của Tịnh Căn bồ tát. Ngài nói: “Phật Pháp Tăng là hai, nhưng Phật là Pháp, Pháp là Tăng. Tam bảo như vậy toàn là vô vi, đồng đẳng không gian, tất cả các pháp cũng là như vậy, và thuận hành như vậy, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị”.

Thói thường chúng ta phân biệt Phật là Phật, Pháp là lời dạy của Phật. Phân biệt như vậy thì đúng là Phật và Pháp là hai. Nhưng Phật dạy gì? Chẳng dạy gì cả. Chỉ nói sự thật. Sự vật như thế nào, Phật nói thế ấy. Có Phật hay không có Phật, sự vật vẫn muôn đời như vậy, cuộc đời cứ như thế, sinh lão bệnh tử, nước mắt nụ cười… Phật sinh ra trên đời này là để nói sự vật như thế, cuộc đời như thế, nói khổ vì có khổ, có Phật hay không, cái khổ vẫn mênh mông như biển. Như vậy, Phật và lời của Phật, Phật và sự vật, đâu có phải là hai? Pháp và Tăng cũng vậy. Bây giờ, nhiều người buồn cho hiện tượng tha hóa của một số tăng, giận quá, đòi bỏ quy y Tăng. Vậy là hiểu lầm chữ “Tăng” rồi! “Tăng” đâu phải là ông tăng này, ông tăng nọ, ông này khất khưởng nhậu bia, ông kia buôn thần bán thánh. “Tăng” là cả một tập thể theo Phật, một tập thể nói chung, trong đó có sư thầy, sư cô, có cư sĩ nam nữ, tất cả cùng chung nhau một chiếc áo lam, cùng chắp tay hướng về một Đấng Giác Ngộ, nghĩa là trong đó có cả anh cả tôi, chúng ta là một phần tử của Tăng. Không có tập thể ấy thì Phật cũng không còn. Không còn tiếng chuông, không còn mái chùa thì Pháp cũng mất. Vậy thì Phật và Tăng, Pháp và Tăng đâu có phải là hai. Tam bảo là một, chúng ta quy y chính chúng ta, vì chúng ta cũng là Phật, tâm là Phật kia mà. Và, thưa thật với anh, khi tôi gặp một ông tăng tha hóa, tôi vẫn cung kính chắp tay vái chào. Tôi lạy đức Phật trong lòng ông ấy. Anh tin chắc đi, khi tỉnh giấc, lúc tàn canh, trong một phút, trong một giây nào đó, ông sẽ giật mình chợt nhận ra đức Phật trong lòng.

Vị bồ tát thứ hai nói dễ dễ để tôi hiểu được là Bảo Ấn Thủ bồ tát. Ngài nói: “Thích niết bàn và chán thế gian là hai; không thích niết bàn, không chán thế gian, thế là bất nhị. Tại sao? Vì có buộc thì có mở, nếu vốn không buộc thì ai cần mở, mà không buộc không mở thì không thích không chán, là nhập vào pháp môn bất nhị”.

Cái này thì dễ hiểu vì hợp với khẩu vị của tôi. Việc gì tôi phải thích niết bàn? Cứ cho tôi được sống như đang sống ở giây phút này, được vợ cho ngồi yên để viết cái thư này cho anh, thế là tiên rồi! Việc gì tôi chán thế gian? Nó có vui có buồn, có sướng có khổ, có mùa đông có mùa xuân, không buồn làm sao anh biết vui, không khổ làm sao anh biết sướng, không lạnh lẽo làm sao anh biết ấm áp? Khi nào anh chán thế gian, tôi có phương thuốc này hiệu nghiệm vô song: anh cứ nhìn xung quanh anh, bao nhiêu người khổ, bao nhiêu cảnh khổ, anh đến với họ thì anh sẽ quên anh, quên cái chán của anh. Đừng nghe mấy cha triết gia ê a “địa ngục là kẻ khác”. Kẻ khác sẽ vớt anh ra địa ngục trong chính anh. Niết bàn với thế gian là một.

Ba mươi mốt vị bồ tát nói xong, đến phiên ngài Văn Thù mà chúng ta xưng tụng trí tuệ trong mỗi buổi lễ. Bồ tát Văn Thù nói để kết thúc: “Theo ý tôi thì, đối với các pháp, không nói năng, không giải thích, không chỉ bày, không hay biết, siêu việt vấn đáp, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị”.

Tôi cố hiểu, anh Đỗ ạ. Chắc Văn Thù muốn nói: Các vị giải thích hay lắm, nhưng giải thích là vẫn còn nhị nguyên, vẫn còn thấy hai. Giải thích thì phải mượn khái niệm. Vui là khái niệm. Buồn là khái niệm. Tội là khái niệm. Niết bàn là khái niệm. Thế gian là khái niệm. Anh nói “vui”, nhưng thế nào là vui? “Khấp như thiếu nữ vu quy nhật / Tiếu tự văn nhân lạc đệ thì”. Khóc như thiếu nữ vu quy / Cười như chàng trẻ đi thi hỏng về. Khóc ấy là buồn? Cười ấy là vui? Hay là nước mắt ấy là vui? Hay là cái cười ấy là thảm, quá thảm? Hễ nói là đụng đến khái niệm. Hễ đụng đến khái niệm thì phải giải thích. Hễ còn mất công giải thích là còn đứng ngoài lề bất nhị, chưa lọt vào trong. Muốn lọt vào trong thì phải vứt khái niệm đi, thì đừng nói năng gì nữa. Thì im.

Ha ha, dễ bắt bẻ Văn Thù quá! Ngài nói: hãy im. Nhưng như vậy là ngài đã nói rồi. Ngài giải thích: đừng nói. Nhưng ngài đã phải nói để giải thích đừng nói. Ngài đưa người ta vào sát cánh cửa bất nhị, nhưng cánh cửa chưa mở. Vì còn lời nói. Lời nói của chính ngài. Vậy thì làm sao mở? Hô hô, phải có ông Duy Ma!

Tôi đọc tiếp kinh: “Văn Thù bồ tát hỏi ông Duy Ma, chúng tôi đã nói cả rồi, ông cũng nên nói, thế nào là bồ tát nhập vào pháp môn bất nhi? Duy Ma lặng thinh, không nói gì cả. Văn Thù khen, tốt lắm, tốt lắm, đến nỗi không cả văn tự, ngôn ngữ, ấy mới thật là nhập vào pháp môn bất nhị”.

Đọc kinh đến đây, người đời sau chắp tay lạy cái im lặng của Duy Ma, xưng tụng là “im lặng sấm sét”. Còn tôi, anh Đỗ ơi, tôi muốn đóng kịch. Trong kinh, ông Duy Ma đóng kịch giả đò đau để đức Phật phải sai các bồ tát đến thăm. Tôi với anh bắt chước đóng kịch ở cái chương này, anh đóng vai Văn Thù, tôi đóng vai Duy Ma. Văn Thù nói với Duy Ma: “Này ông Duy Ma, tôi thấp thoáng xong rồi, bây giờ đến phiên ông viết vài hàng tán dóc cho vui”. Duy Ma lặng thinh.

Chẳng viết chữ nào.

Cao Huy Thuần (Paris, 12. 2015)
……………………………………………………………………………………

(Theo Liễu Quán, số 7, Giai phẩm Xuân Bính Thân 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét