- 5 kiệt tác văn học Trung Quốc

Tam quốc diễn nghĩa
Là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, Tam Quốc diễn nghĩa được La Quán Trung chắp bút vào khoảng thế kỉ 14. Thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử trường thiên gồm 120 chương hồi, Tam Quốc diễn nghĩa kể về thời kỳ hỗn loạn, cát cứ của các quốc gia từ năm 190 – 280. 

Tam quốc diễn nghĩa 

Không chỉ tóm lược những yếu tố lịch sử mà bộ tiểu thuyết còn khiến người đọc choáng ngợp bởi hệ thống nhân vật và tính cách rất riêng, rất đặc biệt mà không hề lẫn lộn. La Quán Trung khắc họa từng nhân vật lịch sử, dù là anh hùng hay gian hùng đều nuôi chí lớn, thống nhất thiên hạ, tạo nên một thời kỳ nơi những trí tuệ xuất sắc nhất tranh đấu và khẳng định bản thân. Đó là những trận chiến máu lửa, những mưu lược thâm sâu và sau nữa là sự khốn cùng của những người dân vô tội. 


Đến nay, Tam Quốc diễn nghĩa được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được coi là một trong những kiệt tác văn học quan trọng của văn học thế giới. 

Thủy Hử

Một trong Tứ đại danh tác khác của Trung Quốc đó là Thủy Hử của Thi Nại Am. Tác phẩm cũng xuất hiện cùng thời với Tam Quốc diễn nghĩa, do Thi Nại Am dựa trên những câu chuyện truyền miệng trong dân gian thời Tống, Nguyên. Theo đó, một nhóm người chống triểu đình bắt đầu hình thành, phát triển mạnh mẽ, cướp bóc. Họ còn được biết đến với tên gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. 
Thủy Hử 

Đến nay, dù có nhiều ý kiến khác nhau về tính chính xác cũng như cách nhìn khác nhau của các học giả, Thủy Hử vẫn xứng đáng là tác phẩm xuất sắc, ăn sâu và ảnh hưởng đến nền văn học Trung Quốc sau này. 

Tây Du Ký

Tây du ký của Ngô Thừa Ân cũng là một trong Tứ đại danh tác của nền văn học Trung Quốc. Tác phẩm được ra mắt lần đầu tiên vào khoảng năm 1590. Đến ngày nay, Tây du ký là tác phẩm dễ hiểu nhất, dễ được lòng người đọc và gây ấn tượng nhất. 
Tây Du Ký 

Hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng vượt muôn ngàn gian khổ để lấy được kinh cũng xuất hiện vô số lần trên truyền hình. Các tác phẩm liên quan cũng liên tục được làm mới, chuyển thể… và vẫn giữ sức hút khó cưỡng với những ai yêu mến tác phẩm thú vị này. 

Hồng lâu mộng
Là tác phẩm sau cùng của Tứ đại danh tác, được sáng tác vào khoảng thế kỉ 18. Trải qua tuổi đời hàng trăm năm nhưng Hồng lâu mộng vẫn là một trong những cuốn sách giữ kỷ lục bán chạy nhất mọi thời đại khi được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và hơn 100 triệu bản được tiêu thụ. 
Hồng lâu mộng là bộ tiểu thuyết mô tả chân thực xã hội phong kiến Trung Quốc
Tác phẩm gồm 120 chương, 80 chương đầu tiên do Tào Tuyết Cần viết, 40 chương tiếp theo do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.

Qua câu chuyện của hai nhân vật Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc, tác phẩm gửi gắm những vấn đề như các vấn đề tư tưởng thời đại, tinh thần dân chủ, phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, những giáo điều lạc hậu… Hồng lâu mộng còn là khát vọng tìm kiếm hạnh phúc, bình đẳng và những lý tưởng cơ bản của con người. 

Dù là tác phẩm văn học nhưng những giá trị, bức tranh toàn cảnh về xã hội phong kiến Trung Quốc cũng khiến người đọc không thể bỏ qua tác phẩm này. 

Liêu trai chí dị

Là tác phẩm thành công và xuất sắc nhất của Bồ Tùng Linh, Liêu trai chí dị lấy “chất liệu” từ những câu chuyện trong nhân gian, hoặc rút từ truyện chí quái thời Lục triều, truyền kỳ thời Đường… 
Liêu Trai chí dị 

Nội dung truyện mang đậm chất huyền huyễn, hư ảo với các nhân vật vô cùng phong phú từ thần tiên đến yêu ma, từ các loài vật hoang dã hung ác đến cây cỏ, khói mây… Tác giả gây ấn tượng ở chỗ, lấy câu chuyện để nói về thời cuộc, nói về sự bất mãn với chế độ và cả những mong muốn tình yêu thuần khiết của con người. 

(TT&VH)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét