- Bánh Chưng & Đặc Sản Hương Bài: Nét Đẹp Truyền Thống Tết VN

Là loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống dân tộc, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam.


Những năm gần đây, các gia đình ở Hà Nội đã thưa dần những người tự nấu bánh chưng. Thay vào đó, họ đặt mua từ các làng nghề, các hộ gia đình.
Bác Hiền ở xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Gia đình đã gói bánh chưng từ nhiều năm nay, ngày thường thì gói bánh nhỏ để bán, ngày Tết thì tập trung gói bánh to. Trong những ngày cận tết như thế này, gia đình bác gói mỗi ngày 300-400 cái để giao hàng cho hộ gia đình ở nội thành Hà Nội.
Công việc gói bánh chưng không quá vất vả nhưng bao gồm rất nhiều công đoạn: từ mua nguyên liệu đến sơ chế, gói và nấu. Riêng khâu nấu bánh chưng cũng phải kéo dài 14-15 tiếng để đảm bảo bánh luôn có 12 tiếng nước sôi. Giá bánh chưng dao động từ 30-40 nghìn đồng một chiếc.
Do công việc bận rộn nên cả gia đình gồm vợ và 3 người con đều được huy động vào công việc. Không khí trong nhà lúc nào cũng như một xưởng sản xuất.
Để gói được chiếc bánh chưng, đầu tiên là phải chẻ lạt. Trong những lúc bận rộn như thế này, bác thường phải mua lạt thay vì tự chẻ như mọi ngày.
Cô con gái thứ hai trong nhà được giao việc rửa lá. Mỗi ngày bạn ấy phải rửa khoảng 1.000 tàu.
Còn cậu út mới học lớp 6 thì được giao việc tước lá dong.
Cô con gái lớn thì đãi sạch gạo nếp.
Gạo sau khi đãi được trộn với một ít muối rồi để ráo nước.
Đỗ được đãi sạch vỏ. Bác Đào, vợ bác Hiền cho biết: Gia đình chọn đỗ còn vỏ vì dùng loại này thì bánh sẽ thơm hơn so với việc dùng đỗ đã đãi vỏ sẵn.
Sau đó đỗ sẽ được cho vào nồi và luộc trong khoảng 30 phút cho chín.
Sau khi chín, đỗ được đánh tơi thành bột rồi nặn thành từng viên tròn.
Thịt chọn loại nạc vai rồi đem rửa sạch. Bác Đào cho biết chọn loại nạc vai vì có đều nạc và mỡ nên sẽ dễ ăn.

Sau khi rửa sạch, thịt được thái thành từng miếng nhỏ.

Rồi đem ướp với bột canh và hạt tiêu.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong thì gia đình sẽ gói bánh.
Đổ một lớp gạo xuống đầu tiên. Mỗi chiếc bánh trung bình có khoảng hơn 3 lạng gạo.
Rồi cho đỗ lên trên. Khối lượng độ là khoảng 1,5 lạng.
Tiếp theo là cho thịt, ước chừng hơn 1 lạng cho một chiếc bánh.
Rồi lại cho đỗ và đổ gạo lên trên cho kín.
Chiếc bánh sau đó được gói lại.
Buộc lạt.
Rồi lại gói thêm một lớp lá bên ngoài.
Để thành một chiếc bánh hoàn chỉnh.
Bên cạnh những chiếc bánh to để thờ hay bày mâm cỗ thì những chiếc bánh nhỏ luôn là niềm hấp dẫn đối với trẻ em.
Bánh sau đó được xếp vào nồi. Những chiếc nồi lớn như thế này có thể chứa tới 150 chiếc bánh.
Cứ sau vài tiếng, bác Hiền lại phải đổ thêm nước vào nồi.
Sau 12 tiếng sôi thì chiếc bánh có thể được vớt ra.
Và bây giờ thì có thể thưởng thức được rồi.

Theo Đất Việt


Cách nhận biết bánh chưng luộc bằng pin độc hại



Hiện nay, thay vì gói và luộc bánh chưng tại nhà nhiều gia đình lựa chọn mua bánh chưng đã luộc sẵn để tiết kiệm thời gian.

Đáp ứng nhu cầu đó, thị trường bánh chưng cũng ngày càng nở rộ từ những cá nhân nhỏ lẻ cho đến những cơ sở làm bánh lớn.

Có một thực tế là để rút ngắn thời gian luộc và làm cho bánh có màu sắc bắt mắt hơn, người ta thường luộc bánh chưng bằng pin thay vì luộc theo cách truyền thống mất chục tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, luộc bánh chưng bằng pin để lại những nguy hại tiềm ẩn cho người sử dụng. Bởi lẽ các kim loại nặng chứa trong pin như thủy ngân, thạch tín, chì… đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nếu bạn nhiễm độc chì ở mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, vô sinh và sảy thai. Chưa kể các hóa chất độc hại khác chứa trong pin nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể với nồng độ lớn có thể dẫn đến bị tử vong.


Cách nhận biết bánh chưng xanh luộc bằng pin
Về vỏ lá bên ngoài: Nếu vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt thì nhiều khả năng đó là bánh chưng luộc bằng pin. Còn đối với bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, thời gian luộc khoảng tầm 8 - 10 giờ, lá thường ngả màu, hơi vàng và không thể xanh mướt được.

Về vỏ bánh chưng: Với bánh chưng luộc bằng pin, vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Nếp không được trong như bánh chưng luộc bằng pin.




Về nhân bên trong: Bánh chưng luộc bằng pin không được dền, vì ép chín nhanh nên không được dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường.

Bên cạnh những cách nhận biết kể trên, trước khi mua, bạn nên kiểm tra thật kĩ vỏ bánh. Nếu vỏ bánh có chút đen, cầm lên không chắc chắn thì có khả năng da nấu chín quá nhanh bằng pin độc hại.

Để tránh mua phải bánh chưng luộc bằng pin bạn nên lựa chọn địa chỉ bán bánh uy tín, có thương hiệu hay mua tại những cửa hàng, siêu thị lớn. Nếu có điều kiện thì bạn nên tự gói bánh tại nhà vừa tạo không khí Tết đầm ấm vừa đảm bảo bánh chưng sạch, được luộc theo phương pháp truyền thống.

Bánh chưng muốn bảo quản được lâu thì bạn nên để ở chỗ thoáng mát, không bị ẩm, bụi bẩn để tránh bánh bị ôi thiu, mốc nhanh. Tùy theo điều kiện thời tiết, bạn cần bảo quản cho phù hợp
.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Vị thuốc trong chiếc bánh chưng

Bánh chưng là một thực phẩm cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất dinh dưỡng, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Bánh chưng là một thực phẩm cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất dinh dưỡng, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Về mặt y học, tất cả các thành phần tạo nên chiếc bánh chưng đều là những vị thuốc dân gian, rất gần gũi với cuộc sống đời thường.

Lá dong: Vị ngọt nhạt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương quyết, lợi tiểu, làm se. Chữa say rượu: lá dong tươi 100g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá non sắn dây.

Có thể dùng cuống lá dong cũng được. Chữa ngộ độc: đọt lá dong 50g, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Ngày làm 2 - 3 lần. Chữa vết thương: lá dong 100g, rửa sạch, giã nhỏ, đắp băng. Nếu vết thương chảy máu sẽ cầm lại ngay. Chữa rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày: lá dong đốt tồn tính, mỗi lần uống 20g với nước sôi để nguội. Ngày uống 2-3 lần.

Các thành phần trong chiếc bánh chưng đều là những vị thuốc dân gian.

Gạo nếp (ngạch mễ): có vị ngọt, thơm, mềm dẻo, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị. Để chữa nôn mửa không dứt, Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng gạo nếp 20g sao vàng, gừng tươi 3 lát, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Cũng với công dụng trên, kinh nghiệm dân gian lại dùng gạo nếp 12g phối hợp với mạch môn 12g, đảng sâm 12g, bán hạ chế 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống. Nước gạo rang được dùng chống tiêu chảy.

Cháo gạo nếp nấu suông gọi là cháo hoa có tác dụng “mát ruột”,dùng cho những trường hợp “nặng bụng”, nếu nấu nhừ với móng giò lợn là món ăn - vị thuốc cổ điển và phổ biến làm tăng tiết sữa.

Đỗ xanh (lục đậu). Phần ăn được của hạt chứa protein 22-23,4%, lipid 1 - 2,4%, carbohydrat 53 - 60%, các acid amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6 và nguyên tố vi lượng. Dược liệu có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát, điều hòa ngũ tạng.

Người xưa đã biết phòng chống các bệnh viêm nhiệt về mùa hè bằng cách nấu nước uống với 3 loại đỗ xanh, đỗ đen và đỗ đỏ (lượng bằng nhau). Hạt đỗ xanh nấu với gạo nếp thành cháo, thêm đường, ăn hằng ngày chữa háo nhiệt, cồn cào, đái dắt, nôn ọe khi có thai. Đỗ xanh tán thật nhỏ, trộn với giấm đắp chữa sưng tấy, phát nóng, đau nhức.

Để giải độc, lấy đỗ xanh cả vỏ, 2 phần; cam thảo 1 phần, sắc lấy nước uống. Vỏ hạt đỗ xanh (lục đậu bì hay lục đậu xác), y học cổ truyền dùng vỏ hạt đỗ xanh phối hợp với sinh địa, huyền sâm, thạch cao, huyền minh phấn, cam thảo, mỗi vị 10g, phơi khô, nghiền nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày chữa sốt cao, mê man, co giật.

Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ hạt đỗ xanh phơi khô, nhồi vào túi vải để gối đầu tạo cảm giác mát dễ chịu, chống nhức đầu, nhất là về mùa nóng ẩm.


Giá đỗ xanh là một loại rau ăn đặc biệt dưới dạng màu rất giàu protid, glucid, các loại vitamin nhất là vitamin E rất cần thiết cho những người hiếm con và phụ nữ bị sảy thai. Dạng dùng phổ biến là ăn giá sống. Khi bị ho có đờm, khô cổ, khản tiếng, lấy giá sống trộn với ít nước, ép lấy nước ngậm làm nhiều lần trong ngày. Để chữa ngộ độc thức ăn và kim loại, bí tiểu, say rượu, uống nước ép giá sống pha thêm đường.

Ngoài ra, thịt lợn và các gia vị làm thơm như hạt tiêu, thảo quả cũng là những vị thuốc dân gian quen thuộc.

Theo DS. Đỗ Huy Bích









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét