- Xin đừng bỏ phí “của trời cho”!


Hiện nay ở nước ta, khá đông người, đặc biệt là phụ nữ, tỏ ra rất quyết liệt “kỵ với ánh nắng mặt trời”. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, khi ra đường phố nhiều phụ nữ vận quần dài áo rộng kín mít đeo khẩu trang thuộc loại to đùng, đeo kính đen, đội nón rộng vành, mang giày và tất đủ bộ, nhất quyết không để một centimet nhỏ nhoi của làn da tiếp xúc với ánh nắng.

Thái độ “kỵ với ánh nắng mặt trời” quyết liệt như thế có hai lý do. Một là sợ ánh nắng làm đen da, tức xâm phạm đến vẻ đẹp làn da mà theo quan điểm của đa số các chị là “trắng bóc thì mới tuyệt mỹ” (trong khi đối với phụ nữ da trắng thì ngược lại, “nước da rám nắng nâu giòn giòn thì mới số dzách”). Hai là sợ, số này ít thôi, ánh nắng mặt trời có tia cực tím gây ung thư da. Đúng là hai lý do vừa nêu phần nào có sự đúng đắn để người ta cần hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp ánh nắng gắt đối với làn da của cơ thể. Ánh sáng sẽ có hại nếu ta phơi nắng khi trời nắng gắt được quy định trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Thời gian còn lại, ánh nắng của sáng sớm, nhất là một hai giờ sau khi mặt trời mọc, sẽ đánh thức làn da để làn da làm việc thần kỳ là tổng hợp biến “tiền vitamin D” thành vitamin D mà hiện nay được cho là có nhiều tác dụng mới rất tốt.



Vitamin D được xem là “vitamin trời cho” vì được tạo ra nhờ phơi nắng nhưng nhiều chị em phụ nữ đã khước từ “của trời cho” này do có sự lo sợ quá đáng về tác hại của ánh nắng mặt trời. Hiện trạng thiếu vitamin D ở ngay các nước nhiệt đới tràn ngập ánh nắng là điều đáng ngạc nhiên và rất đáng lo ngại. Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D; nghiên cứu ở Thái Lan và Malaysia cho thấy có khoảng 50% dân chúng thiếu vitamin D trời cho này; còn ở nước ta chưa có nghiên cứu đánh giá tình trạng thiếu nhưng có thể ước đoán tỷ lệ thiếu vitamin D trong dân số là khoảng 40%.

Thiếu vitamin D sẽ đưa đến bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh nhuyễn xương ở người lớn. Từ khá lâu, người ta đã biết cách phòng và trị bệnh thiếu vitamin D. Vào năm 1865, bác sĩ Armand Trousseau lần đầu tiên đề nghị dùng dầu gan cá và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để chống lại tình trạng thiếu vitamin D. Trước đó, đã có một nhà y học đưa ra ý kiến cho rằng có khả năng trị lành biểu hiện của thiếu vitamin D bằng cách phơi nắng. Nhưng nhà y học này lại không vững vàng, không bảo vệ ý kiến của mình trước hai phản bác có tính công kích. Một là lập luận cho rằng ở Ấn Độ và châu Phi có ánh nắng rất nhiều tại sao vẫn có trẻ bị còi xương (người đưa ra lập luận lúc đó không biết rằng sắc tố melanin gây màu da đen của da làm giảm đi rất nhiều khả năng tổng hợp vitamin D và trẻ con da đen bị còi xương là vì thế). Hai là lập luận cho rằng những người Eskimo sống ở vùng gần như không có ánh mặt trời nhưng cộng đồng họ lại không có người bị còi xương (người đưa ra lập luận này không biết rằng người Eskimo ăn cá biển, đặc biệt ăn gan cá chứa đầy dầu trong đó có đầy rẫy vitamin D và cả vitamin A, vì thế người Eskimo không thể nào bị còi xương).

Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm, có hai dạng: vitamin D2 hay ergocalciferol hiện diện trong thực vật (trong nấm men và một số loại nấm) và vitamin D3 hay cholecalciferol có trong động vật (nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu). Vitamin D không chỉ là “của trời cho” từ các loài động vật mà còn từ một số loài thực vật. Một số loại nấm, đặc biệt là vi nấm như nấm men (yeast) chứa sẵn hợp chất esgosterol biến thành ergocalciferol tức vitamin D2. Còn đối với con người chúng ta, ở vùng thượng bì của da có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol cũng được xem là tiền vitamin D. Khi có tia cực tím (đặc biệt là UVB có bước sóng 290-325nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol tức vitamin D3. Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày. Vitamin D sản xuất từ ánh nắng mặt trời, nếu dư cơ thể ta không xài hết được sẽ được dự trữ ở gan hoặc mô mỡ để sử dụng dần dần. Ngoài  vitamin D là “của trời cho” sản xuất bởi ánh nắng mặt trời, vitamin này còn được cung cấp từ thực phẩm như dầu gan cá, mỡ cá (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, sữa. Ở một số nước tiên tiến thiếu ánh nắng mặt trời, vitamin D được bổ sung bằng bánh mì, margarin (bơ làm từ dầu thực vật) để cho dân nước họ không thiếu chất dinh dưỡng này. Rõ ràng là nếu ta ăn uống đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất và chịu khó phơi nắng một ít trong ngày là chẳng phải lo thiếu vitamin D. Cần ghi nhận, trẻ con nước ta rất dễ thiếu vitamin D. Ngay từ khi sơ sinh, trẻ rất cần được phơi nắng để có vitamin trời cho bởi vì sữa mẹ tuy có chứa vitamin D nhưng hàm lượng rất nghèo nàn, và đặc biệt có khá nhiều bà mẹ theo hủ tục, bản thân úm mình trong phòng kín chẳng dám ra nơi thoáng đảng nói chi chịu khó cho con mình mới sinh được phơi nắng.

Vai trò chính của vitamin D là tạo xương bằng cách duy trì lượng calci và phospho có sẵn trong cơ thể để hóa xương. Nếu thiếu vitamin D, sẽ thiếu chất khoáng cho xương và răng đưa đến còi xương, nhuyễn xương, loãng xương. Ngày nay, người ta còn phát hiện thêm một số tác dụng mới của vitamin D. Đó là tăng cường hệ miễn dịch, tức giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là biệt hóa bạch cầu thành những tế bào có sức chiến đấu cao tiêu diệt mầm bệnh. Gần đây, một số nghiên cứu khoa học ghi nhận tình trạng thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, mắc bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường v.v.

Chính vì những lý lẽ trên, mong mọi người, nhất là chị em phụ nữ, hiểu được vai trò của vitamin D, đừng bỏ phí “của trời cho” quý giá này vì chính nó giúp ta sống khỏe hơn.

Nguyễn Hữu Đức


https://plus.google.com/u/0/+%C4%90%E1%BA%AECTH%E1%BB%9CI_%C4%90%E1%BA%B7tT%C3%AAn_XemT%C3%AAn_%C4%90%E1%BB%95iT%C3%AAn/posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét