- Nhận diện Học thuyết quân sự Việt Nam (phần I)

Dùng ngoại giao khôn khéo để trì hoãn chiến tranh, kéo thật dài thời gian chuẩn bị trước khi phải chấp nhận xung đột đã thành đối sách từ ông cha đến con cháu đều chú trọng vận dụng.
Để góp phần bàn giao sự nghiệp bảo vệ bằng sức mạnh truyền thống của dân tộc đất nước cho các thế hệ tiếp nối, đã từ lâu nhiều cán bộ lão thành trong các lực lượng vũ trang cách mạng muốn thực hiện một công trình nghiên cứu, làm rõ những luận cứ về nghệ thuật giữ nước bằng sức mạnh truyền thống của Việt Nam, không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà quan trọng hơn là sức mạnh trí tuệ từ ông cha đến thời đại Hồ Chí Minh, bao gồm cả nghệ thuật động viên, tổng hợp sức mạnh đến nghệ thuật ứng xử với kẻ thù trong mọi tình huống bất trắc.
Lực lượng đặc công của Hải quân nhân dân Việt Nam
Qua thể nghiệm của nhiều thế hệ, khi nào ta chống giặc một cách chủ động sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đất nước thì thắng lợi; khi nào ta tiếp thu, học theo nước ngoài một cách rập khuôn, máy móc thì thất bại.

Từ đó thấy rõ bên cạnh những nguyên lý chung mà bất cứ nền khoa học - nghệ thuật quân sự nào cũng phải tuân theo, mỗi dân tộc lại có truyền thống quân sự, tư chất quân sự của riêng mình. 

Lịch sử đấu tranh để đứng vững và phát triển của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra một nghệ thuật giữ nước, một cách đánh giặc có những nét riêng, không chỉ do kinh nghiệm các đời để lại, mà do thúc bách của tình thế mất còn, buộc ông cha ta phải “chọn binh pháp các nhà” mà soạn thảo binh thư, tìm ra “bí thuật cầm quân bày trận dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết”, tức là buộc phải có binh thư, binh pháp soạn thành bài bản, chẳng những để giảng giải cho tướng sĩ cùng thời mà còn có dụng ý căn dặn đời sau.
Tuy nhiều sách quý đã bị thất lạc hoặc có sự thêm bớt của các đời tiếp nối, nhưng các binh thư, kế sách đó đã được chính các tác giả chỉ đạo ứng dụng thành công, thiết thực góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc, cho phép đời sau có thể “thông qua hiệu quả mà biết được giá trị của sản phẩm”.
Có thể chỉ ra rằng, trong lịch sử Việt Nam không chỉ có một nền nghệ thuật quân sự của dân tộc mà đã từng có một nền học vấn quân sự bao gồm cả thực hành và lý luận (thực hành đã đi trước và bỏ xa lý luận đến một hạn độ mà thực tiễn đất nước đời phải có lý luận đúc kết từ thực tiễn, có nhu cầu cấp bách phải chỉ đạo thực tiễn). Một nền học vấn quân sự sinh ra từ nền văn hiến Việt Nam qua nghiên cứu các binh thư cổ phương Đông mà rút lấy những điều hợp với nước mình. Nền binh học được coi là bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam không chỉ lấy binh thư Trung Quốc cổ làm nền kiến thức mà đã chú trọng đề xuất, vận dụng binh thư, binh pháp của nước ta.
Cũng từ đó thấy rõ: cùng với nền học vấn quân sự hình thành trong lịch sử, đã xuất hiện một dạng “Học thuyết quân sự Việt Nam” đại diện cho nền học vấn đó, đã được thế hệ tiếp nối kế thừa và phát triển một cách xuất sắc trong thời chống đế quốc, kể từ khi được hệ tư tưởng quân sự Mác - Lênin soi sáng, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa quân sự trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu và ý định nghiên cứu đó, vấn đề đầu tiến phải giải quyết là cân nhắc xem phải khái quát chủ đề đó dưới cái tên gì cho chính xác? Lấy tên “Học thuyết quân sự Việt Nam” đã chín chắn chưa, nếu đem so sánh với cái tên:
- Tư tưởng quân sự Việt Nam.
- Nghệ thuật quân sự Việt Nam.
- Lý luận quân sự Việt Nam.
- Tinh hoa, truyền thống quân sự Việt Nam.
- Học thuyết chiến tranh nhân dân Việt Nam.
- Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc ViệtNam... nhằm xác định thật đúng chủ đề và các khía cạnh cần đi sâu nghiên cứu.
Sự phân biệt đầu tiên là chủ đề không đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu “lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam” mà chỉ thông qua thực tiễn lịch sử để rút ra những luận điểm chỉ đạo có giá trị một Học thuyết quân sự (HTQS) Việt Nam. Việc rút ra đó mới là chủ đề phải đi sâu nghiên cứu.
Chủ đề này không chỉ nghiên cứu về chuẩn bị và tiến hành chiến tranh hay về nghệ thuật đánh giặc giữ nước. Dân tộc ta chỉ đánh giặc khi đất nước có giặc. Mặc dù nghệ thuật đánh giặc có thể được nghiên cứu cả trong các thời kỳ chuẩn bị thế trận và lực lượng để đợi giặc đến rồi mới đánh, nhưng nói cho cùng học thuyết chiến tranh nhân dân và nghệ thuật đánh giặc giữ nước chỉ biểu hiện rõ rệt trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược.
So với nội dung đó, chủ đề nghiên cứu có mặt rộng hơn và mang tính khái quát cao hơn. Rộng hơn ở chỗ, nó không chỉ nghiên cứu vấn đề chuẩn bị và tiến hành chiến tranh hay nghệ thuật đánh giặc mà phải nghiên cứu việc tạo dựng sức mạnh toàn diện để đẩy lùi ngăn chặn chiến tranh, nghiên cứu cả nghệ thuật phá vỡ các âm mưu và thủ đoạn gây chiến của giặc, làm sao càng ít phải đánh, chậm phải đánh, thậm chí không phải đánh càng tốt. Dùng ngoại giao khôn khéo để trì hoãn chiến tranh, kéo thật dài thời gian chuẩn bị trước khi phải chấp nhận xung đột đã thành đối sách từ ông cha đến con cháu đều chú trọng vận dụng.
Nó cũng không chỉ nghiên cứu nghệ thuật đánh giặc với tư cách là các phương thức, cách thức được tiến hành một cách thuần thục mà còn chú trọng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những trí tuệ, tri thức sáng tạo và điều chỉnh nghệ thuật ấy.
Nó mang tính khái quát cao hơn: khi nghiên cứu nghệ thuật đánh giặc giữ nước, ta phải xuất phát chặt chẽ từ quá trình đấu tranh giữa kẻ cướp nước và người giữ nước, có chỉ rõ cái nguy hại của kẻ thù mới làm rõ được giá trị của nghệ thuật đánh bại nó. Còn HTQS không nhất thiết phải xuất phát đầy đủ từ quá trình lịch sử, mà có thể khái quát, rút ra những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của mọi cuộc đấu tranh, cũng có thể chỉ dựa vào những cuộc thử thách điển hình nhất mà chỉ ra những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo.
Hơn nữa, việc mất chủ quyền, độc lập dân tộc xưa nay không nhất thiết chỉ thông qua đấu tranh vũ trang là đặc trưng của chiến tranh mà còn thông qua nhiều hình thức đấu tranh khác mà HTQS Việt Nam không thể không nghiên cứu.
- Gọi đó là tinh hoa quân sự, truyền thống quân sự cũng không sai, nhưng tinh hoa, truyền thống là những cái tinh túy, tốt đẹp nhất rút ra được về quân sự thì lại quá rộng, không có tính xác định về nội hàm. Riêng khái niệm truyền thống với hàm nghĩa những thói quen tốt được hình thành từ lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có chiều hướng thiên về những cái của quá khứ, chưa dễ chấp nhận những quan điểm, tri thức mới hình thành, do đó có thể không phản ánh hết những yêu cầu trước mắt và sắp tới của HTQS Việt Nam.
- Gọi đó là lý luận quân sự Việt Nam cũng chưa được thỏa đáng và không phản ánh đúng ý định và chủ đề nghiên cứu. Dù lý luận là kết quả rút ra từ thực tiễn nhưng tự thân lý luận chưa thực sự bao gồm thực tiễn. Xét trên góc độ triết học, cặp phạm trù nào cũng là sự thống nhất giữa hai mặt đối lập thì trong cặp phạm trù lý luận - thực tiễn, lý luận vừa thống nhất, vừa là mặt đối lập của thực tiễn. 
Lịch sử các hoạt động quân sự Việt Nam chứng minh rằng nhu cầu giải quyết các vấn đề thực tiễn luôn đi trước lý luận rất xa, cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt tình trạng đó. Mặt mạnh nhất của lịch sử quân sự Việt Nam chưa phải là mặt lý luận, và cái cần để lại cho các thế hệ sau cũng vị tất đã là các công trình lý luận. Nhưng những chỉ dẫn không thể làm trái ngược về sự hiểu biết cần thiết về đất nước và dân tộc, xem xét và đánh giá kẻ thù, về xử trí các tình huống, những kế sách điển hình được rút ra, đúc kết lại, những nguyên tắc và tư tưởng chỉ đạo nhất thiết phải tuân theo... được trình bày tương đối có lý luận và điều quan trọng hơn cả là phải được lựa chọn cho đích đáng và sàng lọc cho phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh của đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử.
HTQS Việt Nam phải có lý luận nhưng không chỉ chủ yếu là lý luận quân sự.
- Cái cần thể hiện của chủ đề chính là nghệ thuật quy tụ sức mạnh và sử dụng sức mạnh vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả tư tưởng quân sự, quan điểm quân sự và học vấn quân sự; cả lý luận và thực tiễn, cả nghệ thuật và những quan điểm, luận điểm chỉ đạo nghệ thuật, trong phạm vi của đấu tranh vũ trang và cả các phạm vi khác có liên quan tới đấu tranh vũ trang, để đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh và để tiến hành chiến tranh trong tình thế bắt buộc. Đó là những điều phải rút ra từ thực tiễn cả lịch sử và hiện tại để tìm ra cách ứng xử chủ động trong tương lai.
Nếu lấy tên là “Tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam” sẽ buộc phải xử lý chủ đề thành hai đơn nguyên riêng rẽ, mà thực sự chủ đề không có ý định nghiên cứu tách rời giữa tư tưởng quân sự với nghệ thuật quân sự, cũng không nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam tách khỏi quan điểm quân sự, tư tưởng quân sự của các thời.
Cái cần thể hiện chính là sự tổng hòa của các nhân tố đó, những nguyên lý rút ra từ thực tiễn Việt Nam, những chỉ dẫn vừa trí tuệ, vừa hiện thực, giống như những mệnh lệnh của lịch sử không được phép cưỡng lại, góp phần tạo nên một bản lĩnh quân sự, cốt cách quân sự của dân tộc, không đối lập mà hòa hợp với nên học vấn quân sự trên toàn thế giới, có lợi cho cuộc đấu tranh của các thê hệ mai sau, của những tập đoàn người chống lại đè nén và áp bức.
- Lựa chọn thuật ngữ HTQS Việt Nam (theo nguyện vọng của không ít cán bộ chỉ đạo và nghiên cứu), có chú ý tìm hiểu khái niệm học thuyết trong các hệ thống kiến thức đã và đang lưu hành, được sử dụng tương đối quen thuộc trong giới học thuật nước ta, đồng thời có so sánh với cùng khái niệm đó ở một số nước trên thế giới, tìm ra chỗ đồng nhất và chỗ khác nhau để xử lý cho đúng đắn.
Chỗ khác nhau là nhiều nước châu Âu (trong đó có Liên Xô trước đây và nước Cộng hòa Liên bang Nga hiện nay) đang lưu hành một cặp phạm trù chính sách quân sự và HTQS (Politique và Doctrine). Chính sách quân sự thường được hiểu là đường hướng của tập đoàn lãnh đạo và phương thức hoạt động của tập đoàn đó về mặt quân sự, còn HTQS được coi là hệ thống quan điểm được chấp nhận trong một nhà nước ở một thời kỳ nhất định về mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh có thể xảy ra, về việc chuẩn bị và phương thức tiến hành cuộc chiến tranh đó. 
Ở Liên Xô trước đây còn lưu hành thuật ngữ “HTQS Xôviết” được hiểu là hệ thống những tư tưởng và phương hướng quyết định những nhiệm vụ cơ bản trong lĩnh vực tăng cường khả năng quốc phòng và xây dựng quân đội, tương ứng với khái niệm “đường lối quân sự” của ta.
Ở Việt Nam, từ lâu đã lưu hành khái niệm “đường lối quân sự” chứa đựng cả các yếu tố chính sách quân sự và HTQS của các nước châu Âu. Nó bao gồm cả đường hướng, hệ thống quan điểm và phương thức hoạt động quân sự của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, không đòi có sự phân biệt cái này là của Đảng, cái kia là của Nhà nước như cách phân chia của Liên Xô trước đây. Đối với ta, chính sách quân sự là cái mà Nhà nước cần phải có để tuyên bố công khai đối sách của mình về các vấn đề có liên quan trong giới hạn những điều có thể công bố mà không gọi là HTQS.
Nếu chấp nhận khái niệm “Học thuyết quân sự” đồng nhất với khái niệm đang lưu hành ở phương Tây và Liên Xô trước đây thì sẽ làm đảo lộn khái niệm “đường lối quân sự” đang sử dụng ở Việt Nam một cách phổ cập.
Chỗ đồng nhất là cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam thuật ngữ “học thuyết” được chấp nhận và sử dụng như một tổng thể những quan điểm, quan niệm, khái niệm của một hệ thống kiến thức về một môn học dùng để lý giải và xử lý một lĩnh vực nào đó, có quan hệ đến việc nâng cao tri thức, làm phong phú thêm nền học vấn, học thuật và kinh nghiệm ứng xử về lĩnh vực đó, như học thuyết Khổng Tử, học thuyết Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, về vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa v.v...
Thuật ngữ “học thuyết” còn được giải thích là hệ thống khái niệm, quan niệm của một trường phái (école) văn học hay triết học, một hệ thống chính trị, kinh tế... có các môn đồ (adeptes) là những người tiếp thu, duy trì và phát triển học thuyết trong lịch sử. “Hán ngữ từ điển” coi học thuyết là những chủ trương và những nhận thức có hệ thống về mặt học thuật, được coi như một thứ đạo, giáo lý, chủ nghĩa. 
Học thuyết không nhất thiết chỉ là “hệ thống quan điểm được chấp nhận trong một nhà nước ở một thời kỳ nhất định” như cách sử dụng ở một số nước. Đã là học thuyết thì phải hàm chứa trình độ học vấn, học thuật, dù đánh giỏi mấy nhưng học vấn quân sự còn thấp thì cũng không thể đề ra học thuyết cho các môn đồ tin theo, gìn giữ, phát triển.
Khi tiếp cận HTQS, chúng tôi có phân vân về tính từ quân sự. Nhưng suy nghĩ lại từ ông cha cho đến ngày nay, thuật ngữ quân sự ở Việt Nam và phương Đông nói chung không giống phương Tây, cũng không hoàn toàn chỉ gồm những cái mà chúng ta đã đọc được từ các tác phẩm quân sự Mác - Lênin. Xưa nay, ông cha ta gói tất cả các hoạt động có quan hệ đến yêu cầu tạo ra sức mạnh và sử dụng sức mạnh để cứu nước và giữ nước trong khái niệm “việc binh” có nội hàm rộng hơn thuật ngữ quân sự.
Căn dặn về kế sách chống giặc giữ nước, Trần Quốc Tuấn nói về quân sự chỉ gọn một câu: “Dĩ đoản chế trường”. Còn đại bộ phận là nói về những điều không phải là quân sự. Trả lời câu hỏi: “Nếu xảy ra điều chẳng lành, giặc Bắc lại sang xâm lược, làm thế nào giữ được an toàn?” Tức là hỏi về việc binh, nhưng lại nói về quân sự rất ít, còn nói những điều rộng hơn quân sự, chỉ đạo quân sự lại rất nhiều, như “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”. Những điều đó không phải là quân sự, theo cách hiểu của phương Tây.
Tổng kết cuộc kháng chiến 10 năm chống nhà Minh để công bố rộng rãi cho toàn dân, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân, quân đánh dẹp cốt lo trừ bạo” tức là phải lấy nhân nghĩa để yên dân, còn việc đánh dẹp chẳng qua chỉ là một thủ đoạn. 
Còn Quang Trung trước khi đem đại quân ra Bắc Hà diệt quân Tôn Sĩ Nghị tuyên bố năm câu về mục đích ra quân, nhưng lại mở đầu bằng câu: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”, tức là trước hết đánh vì nền văn hiến, đế khẳng định một nên văn hóa độc lập rồi mới kết thúc bằng câu: “Đánh cho biết sông núi nước Nam là có chủ”. Thế thì quân sự ở Việt Nam khác lắm; ở Việt Nam, quân sự lại là không thuần túy quân sự, quân sự lại là nó cái góc, cái đẻ ra quân sự, nên không thế đồng nhất với tính từ “milite” (militaire, military) ta đã tiếp thu của phương Tây.
Thử đi vào các binh thư cổ mà ông cha ta đã để công nghiên cứu. Tôn Tử nói: “Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi địa, tôn vong chí đạo, bất khả bất sát dã” (tạm dịch: việc binh là việc lớn của quốc gia, là việc sống chết, mất còn, không thể không xét kỹ), ở Việt Nam cũng vậy, việc binh không chỉ là việc quân, mà là việc quốc gia, là quốc sự. Đó là việc lớn, việc sống chết, mất còn. không thể không xét kỷ. Khi Tôn Tử cân nhắc năm điều để biết ai thắng, ai bại đã nói: “Nhất viết đạo, nhị viết thiên, tam viết địa, tứ viết tướng, ngũ viết pháp”. Tướng là người chỉ huy, pháp là khuôn phép. là quy cách dùng binh thì Tôn Tử xếp thứ tư, thứ năm. Thứ nhất là Đạo: “Đạo giả lệnh dân dĩ thượng đồng ý, khả dữ chi tử, khả dữ chi sinh, nhi bất uy nguy dã” (tạm dịch: Đạo là làm cho dân chúng thuận theo ý người trên, có thể chết, có thể sống mà không sợ nguy hiểm).
Binh pháp Ngô Khởi viết sáu thiên, thiên  thứ nhất “Đồ quốc”, thiên  thứ hai “Liệu địch”, thiên  thứ ba “Trị binh”, thiên  thứ tư “Luận tướng”, thiên  thứ năm “Ưng biến”, thiên  thứ sáu “Lệ sĩ”. Đọc trong sáu thiên này ta thấy chỉ có năm thiên sau nói về quân sự, còn “Đồ quốc” là thiên đầu thì không chỉ thuộc phạm vi quân sự. Ở thiên  “Đồ quốc”, Ngô Khởi viết: “Ngày xưa các bậc vua chúa mưu đồ việc nước, trước hết là lo dạy dỗ trăm họ và yêu thương muôn dân”. Đó là chính sách cai trị, là chính trị bao gồm cả giáo dục. “...Thánh nhân yêu dân bằng đạo, trị dân bằng nghĩa, sai dân bằng lễ, vỗ về dân bằng nhân”. Tất cả đểu không phải là quân sự.
Ở phương Đông, nói đến việc binh không phải bắt đầu từ đánh đấm, mà bắt đầu từ việc nắm lấy dân, được lòng dân, làm cho dân nghe mình, bắt đầu từ việc tạo ra sức mạnh rồi mới nói đến sử dụng sức mạnh.
Như thế là ở phương Đông từ thời cổ người ta đã gói mục đích chính trị của các hoạt động vũ trang vào trong một khái niệm chung là việc binh chứ không tách mục đích ra khỏi thủ đoạn như ở phương Tây. Chính vì tiếp thu cái hệ thống tách rời đó mà sau này, khi ta biết được câu của Cơlaodơvít được V.I.Lênin tán thành và mở rộng: Quân sự là kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực”, ta thấy mới quá! Phải chăng ông cha ta đã biết điều này lâu rồi, trước cả Cơlaodơvít, nhưng vì ta chưa hiểu hết ông cha nên khi được biết điều này, ta mới bảo là mới.
Thực ra xưa nay, chúng ta đều thống nhất: việc binh phải đặt nhân tâm lên hàng đầu, không chi nói thủ đoạn quân sự mà nói từ mục đích. cả quốc phòng -an ninh, cả yên dân, trị quốc, giữ vững nên độc lập, tự chủ. Đó là học thuyết về việc binh, có thể gọi là binh thuyết.
Phải chăng ở Việt Nam, vốn là một nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư duy quân sự phương Đông, HTQS không chỉ nghiên cứu chủ yếu về nghệ thuật sử dụng sức mạnh quân sự như quan điểm quân sự phương Tây mà đặt mục đích dùng sức mạnh và nghệ thuật tạo ra sức mạnh lên hàng đầu. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng đi theo hướng đó.
Từ nhận thức về HTQS như vậy, chúng tôi coi HTQS Việt Nam là tổng thể những quan điểm luận điểm phản ánh hệ thống tri thức, hệ thống lý luận có liên quan tới đấu tranh vũ trang và những hoạt động tạo ra sức mạnh Việt Nam để giành và giữ vững quyền độc lập tự chủ của dân tộc trong mọi hoàn cảnh, được đúc kết từ lịch sử đấu tranh lâu dài của dân tộc, được diễn đạt có hệ thông theo quan điểm nhất quán của một nước thường phải lấy sức mạnh của toàn dân để đương đầu với các thế lực xâm lược lớn mạnh, trong tác chiến nhiều lúc phải lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn... góp phần bồi bổ cho nền học vấn quân sự Việt Nam, nâng cao trình độ và bản lĩnh quân sự của dân tộc.
Nó bao gồm cả nghệ thuật sáng tạo sức mạnh và sử dụng sức mạnh, có vị trí chỉ đạo nghệ thuật quân sự về những nét riêng độc đáo, khái quát từ tinh hoa truyền thống quân sự của dân tộc nâng lên thành phương châm, nguyên tắc ứng xử trong mọi tình huống, nhất là các tình huống bị uy hiếp, đe dọa.
Do đặc tính của đấu tranh vũ trang ở Việt Nam không chỉ do quân đội tiến hành, cũng không đơn thuần quân sự, HTQS Việt Nam phải khai thác nguồn lực không chỉ từ sức mạnh quân sự mà từ tất cả mọi sức mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối nội và đối ngoại có Liên quan tới cuộc đấu tranh tự phòng vệ của dân tộc và chế độ, những vấn đề có quan hệ đến “việc binh” như ông cha thường nói.
HTQS Việt Nam là bộ phận quan trọng của nền học vấn quân sự Việt Nam, bộ phận hợp thành của nền văn hiến Việt Nam được bổ sung phát triển qua các thế hệ tiếp nối, làm nền tảng lý luận - thực tiễn cho đường lối quân sự, chính sách quân sự, nghệ thuật quân sự của đất nước qua mỗi chặng đường lịch sử.

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét