Lấy "Độc Trị Độc" Khi Dạy Con


Bạn lo lắng khi thấy con có tính hay giành giật, mỗi lần đến nhà ai là lập tức nằng nặc đòi về, hay cứ thích bám theo mẹ? Nếu khéo léo, bạn có thể lợi dụng chúng để sửa các tật xấu khác của con.

Từ khi ra đời, trẻ đã hành động theo bản năng và nhu cầu tồn tại của mình, không biết hay quan tâm đến các quy tắc đã có của người lớn. Do đó, ở trẻ bắt đầu hình thành các tật xấu (so với các chuẩn mực của cộng đồng).

Sau đây là các cách "lấy độc trị độc":
Sửa tật nhút nhát bằng tính hay giành giật

Bé Gia Bảo, 2 tuổi, hay sợ hãi nhiều thứ. Bé thường khóc thét khi gặp người lạ, cứ ôm chặt lấy mẹ mỗi khi nghe tiếng còi hụ của xe cứu hỏa và sợ hãi ngay những món đồ chơi điện tử mới. Nhưng khi đã quen và yêu thích cái gì thì bé lại không muốn xa rời chúng, thậm chí giành giật đồ chơi với cả bố mẹ mình.

Có lần, Gia Bảo được bố mua cho một con ong điện tử. Bé thích thú cầm lấy nhưng khi bật công tắc điện thì khóc thét, bỏ chạy vì con ong nhấp nháy vừa chạy quanh phòng vừa phát ra tiếng động. Chiều tối sau, bố đi làm về cũng cầm con ong ấy, nói to theo kịch bản đã bàn với mẹ: “Bố mua tặng mẹ món quà này nè!”. Mẹ cũng nói rất to: “Cảm ơn bố! Để bố và mẹ chơi thôi, đừng cho Gia Bảo chơi nhé!”. Sau đó hai người ngồi quây lại che kín món đồ chơi. Với tính hay giành giật, Gia Bảo không còn ngồi bình tĩnh được nữa, bắt đầu lao vào giành. Bố mẹ di chuyển đến vài nơi khác và cứ ngồi quây lại che kín con ong điện tử ấy. Con ong cứ vừa chạy vừa nhấp nháy đèn màu và kêu bíp bíp, thật hấp dẫn. Gia Bảo đã thích thú với món đồ chơi mà ngay hôm qua bé còn rất sợ.

Giúp trẻ lễ phép hơn nhờ thói hay đòi về
Cu Bi hơn 2 tuổi đã nhiều phen làm bố mẹ xấu hổ vì cứ nằng nặc đòi về mỗi khi đến nhà ai đó. Cũng với tật ấy, cậu bé gần như mất đi sự lễ phép (chào, thưa…) mỗi khi gặp người lạ.ố mẹ cu Bi nhận ra một “quy luật” là, cậu bé rất ngoan và lễ phép mỗi khi sắp được đi về nhà.

Trong một buổi tiệc ở nhà bạn thân của bố mẹ, vừa đến cổng Bi đã không chịu vào, nằng nặc đòi về. Mẹ nói nhỏ vào tai bé: “Con ngoan nhé, vào thưa bác rồi sẽ về nhà sớm”. Nghe đến từ “về nhà” là Bi ta vui vẻ ngay: “Thưa bác con mới đến!”, “Thưa cô con mới đến!”...

Sau khi làm xong “thủ tục” với nhiều người, bố thưởng ngay cho cu Bi một chiếc xe tải mới (là nhóm đồ chơi bé thích nhất). Thế là cậu ta chạy ra sân, lo chơi mà quên hẳn chuyện đòi về nhà.  

'Bắt' trẻ dậy đúng giờ nhờ tật đòi theo mẹ
Mỗi ngày, việc đánh thức bé Bin rất khó khăn. Vì tâm lý không muốn rời xa bố mẹ nên bé thường mè nheo mỗi khi bị đánh thức, chuẩn bị đi học vào buổi sáng. Dù đã đi học ở nhà trẻ từ khi tuổi rưỡi nhưng bé Bin sau 1 năm đi học vẫn luôn đòi được mẹ đưa đến trường (bé không thích người khác, kể cả bố, đưa đi).  

Hiểu được đặc điểm tâm lý này của con, vào mỗi buổi sáng mẹ lại nói to: “Chào bố, mẹ đi làm trước nhé!”. Nghe đến đây, dù còn đang “nướng”, cậu bé vẫn choàng dậy: “Con đi với mẹ, con đi với mẹ!”. Cứ như vậy, tùy theo sở thích thay đổi mỗi ngày của bé, bố mẹ đã phối hợp để tập cho trẻ thức dậy và đi học đúng giờ. 

Bố dọa 'đánh' mẹ khi con không nghe lời
Cách này thoạt nghe rất chướng tai nhưng lại có hiệu quả đối với bé Chí Tâm. Có một lần bố đã nghiêm khắc dùng một chiếc đũa đánh thật đau vào bàn tay của bé lúc lên 3. Sau lần đó, bố và mẹ đã thay phiên nhẹ nhàng trò chuyện cùng bé về lý do bị đòn (không vâng lời, không ngoan) và Chi Tâm đã ít bướng bĩnh hơn.

Biết được quy luật tâm lý mẹ là số 1 của trẻ, một hôm khi chuẩn bị đi ngủ, mẹ đang mắc màn, đột nhiên bố nói: “Mẹ nằm xuống, để bố đi lấy đũa lên đánh đòn mẹ”. Sau đó bố đi xuống bếp, còn mẹ ngoan ngoãn nằm xuống sàn nhà. Khi bố trở lại với chiếc đũa trên tay, bé Tâm chạy lại cản: "Bố đừng đánh mẹ, đừng đánh mẹ!”. Sau vài lần bố dọa và bé Tâm ngăn cản quyết liệt, bố dừng lại và nhẹ nhàng bảo: “Con mà không vâng lời, bố sẽ đánh mẹ nha!”. Bé hứa sẽ ngoan. Không chỉ bênh vực cho mẹ mà bé Tâm còn bênh cả chú cún con hoặc chiếc xe cảnh sát mà bé rất thích…

Biện pháp này góp phần xây dựng lòng nhân ái, tính trách nhiệm và biết hy sinh vì người khác, qua đó hạn chế tính ích kỷ của trẻ sau này.

Hiểu được cá tính con trẻ và khéo léo phối hợp chính các tật xấu để sửa chữa lẫn nhau đôi khi lại có tác dụng rõ hơn các phương pháp giáo dục thông thường. Điều quan trọng là bố mẹ cần xác định chính xác thời điểm mà biện pháp đó đã hết tác dụng đối với trẻ.


St.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét