- Đạo diễn

Vị nữ Phật tử trẻ tuổi kể chuyện: “Nhà con có một căn phòng lớn, hôm trước có một đoàn làm phim tới mướn để quay phim. Tụi con nghỉ học ở nhà xem họ làm việc. Cô diễn viên đóng vai chính rất đẹp, cứ tha thướt đi
ra đi vô trong nhà con. Phim tình cảm, có những cảnh hai người dắt nhau đi chơi ở công viên thì được quay ở ngoài. Còn cảnh chàng ngồi đàn cho nàng nghe thì được quay ở nhà. Đại ý là sau những hồi đẹp đẽ như vậy, đến lúc cuối hai người chia tay. Chàng đập bể cây đàn rồi bỏ đi; nàng về ngôi nhà cũ, lượm từng mảnh đàn xưa, khóc. Phim kết thúc ở đó. Tới lúc cô diễn viên chính phải khóc, họ quay đi quay lại nhiều lần. Lúc đầu thì đạo diễn biểu: Xức dầu vô mắt. Đến khi có nước mắt mà vẻ mặt không đạt, đạo diễn lại nói: Chùi bớ son đi, tươi quá! Tội nghiệp, ông đạo diễn la um sùm, còn diễn viên thì lúng túng. Coi đóng phim vui ghê. Thấy toàn chuyện giả bộ không hà”.
Chuyện của cô ấy làm tôi liên tưởng đến một vở kịch hồi xưa. Các diễn viên sau khi bị bắt đóng đủ trò hỷ, nộ, ái, ố, bèn tức giận đứng trên sân khấu đòi gặp ông đạo diễn. Kịch kết thúc khi các nhân vật đồng đứng dậy phản đối vai của mình, và la lớn: Đạo diễn đâu? Lẽ dĩ nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, nhưng vở kịch này có một ngụ ý sâu xa, từng được báo chí phân tích phê bình về cái tựa của nó: “Đi tìm đạo diễn”.

Xem phim chúng ta chỉ thấy người trên màn hình đi đứng cười nói, đôi lúc mình cũng bị lôi cuốn theo những trò ly hợp. Diễn viên đóng vai thiệt là tài tình đến nỗi khi thấy họ khóc, mình là người xem cũng đưa tay quẹt nước mắt, mình khóc thiệt mà không biết có khi diễn viên phải xức dầu cù là. Phim hay thường ngừng đúng chỗ, và người xem chẳng làm sao biết được là có sẵn ông đạo diễn đứng ở đằng sau ra hết lệnh này tới lệnh khác: Cắt! Ngừng! Quay! Đi tới! Chạy! v.v… Người xem phim mê phim đến nỗi chỉ gọi tên diễn viên bằng tên nhân vật họ đóng; như một dạo nào thành phố lên cơn sốt với Hoàn Châu Cách Cách… Hoàn Châu chỉ là nhân vật tưởng tượng của Quỳnh Dao.

Khen ngợi phim, ít ai nghĩ rằng mình cũng đang là diễn viên. Có những cuộc đời còn sôi nổi hơn phim, nhưng bảo chính nhân vật ấy đóng thì không đạt. Tôi lại nhớ một chuyện phim khác: Hai vợ chồng quý tộc người Anh gặp hoàn cảnh sa sút phải về Luân Đôn tìm việc làm. Phim trường đang dựng một bản kịch nói về đời sống của quý tộc, họ bèn nhận vai; nhưng đóng vào phim không đạt. Rốt cuộc phải nhờ diễn viên đóng vai quý tộc, còn nhà quý tộc thì đứng ngoài để điều chỉnh giùm những chỗ không hợp. Người giả vào vai như thật, còn người thật thì đứng xem họ đang đóng giả mình. Chuyện như vậy làm người xem phải suy nghĩ. Không có gì lạ, một bà nội trợ đang xách giỏ đi chợ bình thường, tính toán đồng tương đồng ớt rất tự nhiên, nhưng nếu có một máy quay phim chĩa vào thì bà sẽ lúng túng ngay, không còn là bà nội trợ nữa mà lấm la lấm lét tay chân cứng ngắc, cái giỏ xách cũng cầm không muốn nổi. Bị ám ảnh vì mình đang đóng phim. Không tự nhiên vì có ông đạo diễn điều khiển.

Có ông đạo diễn nào không? Khi mình đang vui buồn cười khóc trong đời? Trôi giạt, xô đẩy theo những đợt sóng nghiệp, có lúc nghèo hèn cùng cực, có lúc thì giàu sang phú quý, thông minh và ngu ngốc, người tỉnh kẻ say v.v… diễn rất đạt không cần người điều khiển. Chỉ khi nào khổ tột cùng, đời sống đến mức không chịu đựng nổi, mới than trời trách đất. Cho rằng có một đấng tạo hóa an bài nên mình mới ra nông nỗi. Không biết chính mình là đạo diễn cho cuộc đời mình. Cái động cơ giật dây bên trong, để biến đổi mình đến thiên hình vạn trạng, động cơ ấy ở đâu? Có ai ở sau bức màn diễn để nhắc từng bước đi, từng cử chỉ điệu bộ? Không ai hết. Chúng ta nghiễm nhiên đóng vai trò của mình mà không hề bận tâm suy nghĩ.

Một lần nhìn lại, nhận ra chính mình là người chủ động. Mọi thứ chỉ vận hành theo nhân duyên, mình là người bấm nút. Thấy tận mặt người đạo diễn đích thực ấy, chúng ta sẽ không bị quay cuồng. Trong bài kệ số 165 của kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:Tự mình làm điều ác

Tự mình sanh nhiễm ô

Tự mình không làm ác

Tự mình thanh tịnh mình

Thanh tịnh, không thanh tịnh

Đều do tự chính mình

Ai thanh tịnh cho ai?
Trao cho con người chiếc chìa khóa chủ động để nhắn nhủ rằng “Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi mình, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”.

Thế kỷ 21, trong ánh sáng Phật pháp, chúng ta tự làm lấy bộ phim của mình. ■„

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét