Bộ Quốc Phòng Việt Nam “tuýt còi” thú chơi Drone tự phát


Từ cách đây rất lâu, các món đồ chơi điều khiển từ xa, máy bay không người lái đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, hình thành nên những cộng đồng người dùng yêu công nghệ nhỏ lẻ. Mãi cho đến thời điểm 1 năm trở lại đây, thú chơi này bắt đầu bùng phát trong “giới trẻ” với cường độ và mức độ xuất hiện dày đặc.
Chỉ cần dạo một vòng các chợ đồ chơi, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ hoặc đơn giản hơn là đặt hàng qua Internet, người dùng có thể sắm ngay cho mình một thiết bị bay ưng ý. Tiêu biểu trong đó là những mẫu drone/quadcopter nhiều cánh quạt lên thẳng, chạy bằng pin Li-ion và điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Thế nhưng, sau 7 năm chính phủ ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (gọi tắt là Nghị định số 36 của Chính phủ), đây lại trở thành vấn đề gây nhức nhối cho các nhà quản lý, làm ảnh hưởng tới trật tự trị an của xã hội.
Cụ thể, vào ngày 21/7 vừa qua, Bộ Quốc Phòng nước ta đã gửi công văn số 6321/BQP-TM tới các bộ ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm nêu rõ sự cần thiết trong việc cấp phép, quản lý, kinh doanh các máy báy không người lái, máy bay siêu nhẹ đang bùng phát hiện nay.
Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh, ở một số tỉnh, thành phố đang có nhu cầu sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ phục vụ cho các mục đích vui chơi thể thao, hướng nghiệp giáo dục quốc phòng và phục vụ kinh tế, xã hội.
Do đặc điểm nổi bật của phương tiện bay này là hoạt động ở tốc độ nhỏ và độ cao thấp, chủ yếu bay ngoài đường hàng không, không cần bảo đảm đường băng, sân đỗ cố định và không yêu cầu cao về bảo đảm kỹ thuật hàng không… đã xuất hiện hoạt động bay siêu nhẹ có tính tự phát, hoặc có một số tổ chức, cá nhân tự nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa xin phép các cơ quan có thẩm quyền.
Các hoạt động trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.
Hiện nay, qua theo dõi của các cơ quan chức năng và phản ánh của quần chúng nhân dân, còn tồn tại một số điểm tổ chức bay không có phép bay như: Tại Công viên Thống Nhất, Xuân Đỉnh (Hà Nội); khu Cát Lái (Quận 2), khu Cầu Đỏ (Quận 7), Đông Hưng Thuận (Quận 12), khu Cầu An Hạ (huyện Củ Chi) thuộc thành phố Hồ Chí Minh; khu phố Thống Nhất, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; khu vực Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang), khu Công nghiệp Hòa Khánh (Quận Liên Chiểu) thuộc thành phố Đà Nẵng….

Tại một số quốc gia, Drone được trang bị cho cảnh sát địa phương nhằm thắt chặt công tác tuần tra, kiểm soát

 Đặc biệt trong ngày 31 tháng 5 và ngày 21 tháng 6 năm 2015, đã xảy ra 02 vụ tại Hà Nội, Lữ đoàn 144/Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Do cả 02 trường hợp trên, trước khi tổ chức bay đã không xin cấp phép bay của cơ quan có thẩm quyền (Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu), bay trong khu vực cấm bay Hà Nội, vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định số 36 của Chính phủ; vì vậy, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã lập biên bản, tạm thời thu giữ phương tiện để phục vụ công tác điều tra.
Từ thực tế trên, để tăng cường sự hiểu biết và thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động bay nêu trên nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không chung và trật tự trị an xã hội trên phạm vi cả nước, Bộ Quốc phòng đã đưa ra những ý kiến chỉ đạo như sau:
– Đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc quyền nắm, hiểu và thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 36 của Chính phủ; theo đó, các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép; khi có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, thiết kế sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Phối hợp với các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ các loại hình hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
– Đề nghị Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền chỉ giải quyết thủ tục xuất, nhập khẩu, cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cho các tổ chức, cá nhân khi đã có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 36 của Chính phủ.
– Các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, BTL Bộ đội Biên phòng, BTL Cảnh sát biển, BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các cơ quan quân sự thuộc quyền phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương nơi đóng quân tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện ký cam kết không vi phạm; tích cực kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý kiên quyết theo thẩm quyền những hoạt động bay tự do, không có phép bay; khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các Câu lạc bộ Hàng không khu vực để đưa các phương tiện bay siêu nhẹ vào hoạt động đúng hướng theoNghị định số 36 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Drone cũng mang tới rất nhiều mới đe dọa rình rập
Tuy nhiên, Drone cũng mang tới rất nhiều mối đe dọa rình rập

NGHỊ ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀU BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN BAY SIÊU NHẸ
Số: 36/2008/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2008
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.
2. Phương tiện bay siêu nhẹ, bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay.
a) Khí cầu là khí cụ bay mà lực nâng được tạo bởi những chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, chất khí này có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí. Có hai loại khí cầu:
– Khí cầu bay có người điều khiển;
– Khí cầu bay không người điều khiển, bao gồm cả khí cầu bay tự do hoặc được điều khiển tự động hoặc được giữ buộc cố định tại một vị trí trên mặt đất.
b) Mô hình bay, bao gồm:
– Các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng nguồn năng lượng bằng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn;
– Các loại dù bay và diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.
3. Phép bay là văn bản hoặc hiệu lệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác định điều kiện và giới hạn được phép hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
THEO TRÍ THỨC TRẺ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét