Sự cam chịu chỉ có giới hạn
Hồi tháng 5, báo cáo “Minh bạch mức lương trong tuyển dụng tại Việt Nam” của mạng lưới việc làm hàng đầu Châu Á JobStreet đưa ra những con số giật mình. 31% số người lao động Việt Nam có mức thu nhập 3-5 triệu đồng, trong khi 36% phải chi tiêu 2-4 triệu đồng mỗi tháng. Và chẳng có gì lạ cả khi 68% số người lao động cho rằng “thu nhập không đủ chi tiêu” và sống “khá chật vật vào mỗi cuối tháng”.
JobStreet, hoặc một nhà đầu tư nước ngoài nào đó đang hướng tới Việt Nam với “tấm thảm đỏ nhân công giá rẻ” có thể ngạc nhiên: Không đủ chi tiêu thì người ta sống bằng cái gì!
Nhưng ở Việt Nam, thực tế trái khoáy, bất công tưởng không thể chấp nhận “Lương không đủ sống” vẫn tồn tại năm này qua năm khác trong sự cam chịu của những người “tạo ra của cải vật chất”.
Tuần trước, khi hết nhiệm kỳ Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki đã có một cái “vỗ vai” đầy thân tình: Thách thức với Việt Nam là phần lớn người lao động vẫn thuộc bộ phận phi chính thức và điều kiện làm việc không đảm bảo, trả công không đủ trang trải cuộc sống cũng như không được bảo vệ.
Phải chép hết ra đây các con số khách quan. Phải kể lại cái “vỗ vai” của Sziraczki là bởi cuộc thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã thất bại trước sự bất đồng về mức tăng.
VCCI – đại diện cho “giới chủ” – chỉ muốn tăng 6-7%. Trong khi Công đoàn – đại diện cho người lao động – muốn tăng lương tối thiểu từ 350.000-550.000 đồng, tương ứng với mức tăng khoảng 16%.
VCCI giải thích: “Qua khảo sát thực tế, nhiều DN đang rất khó khăn. Hơn 70% kinh doanh không có lãi. Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn”.
Còn đại diện Công đoàn cho rằng mức lương điều chỉnh phải được xác định dựa trên tính toán vào nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, đồng thời phải đủ bù trượt giá…. Huống chi, mức tăng thêm hợp lý này còn để thực hiện lộ trình tiền lương đến năm 2017 mà theo định hướng “mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình”. Cái lý của DN không phải là không có lý. Nhưng chẳng có cái lý nào có thể gọi là có lý trước sự bất hợp lý là lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu đã tồn tại nhức nhối bao nhiêu năm qua.
Từ giờ đến 2017, người lao động đang phải “tự ăn vào thịt mình” và vì thế, chẳng có lý do gì để trì hoãn việc thực hiện lộ trình xóa bỏ sự vô lý đã được Chính phủ cam kết.
Xin đừng viện dẫn lý do “nhân công giá rẻ” thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi bán rẻ sức lao động cũng là một điều vô lý cần phải chấm dứt.
Sự cam chịu nào có lẽ cũng chỉ có giới hạn!
THEO LAO ĐỘNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét