Sai lầm kinh điển của cha mẹ

Bố mẹ đầu tư sai

 biến con trở thành "của nợ"


Tôi tin rằng khi những ông bố bà mẹ làm bạn được với con, làm bạn được với bạn bè con, làm bạn được với cả bố mẹ cuả bạn bè con thì đó chính là thành quả của một khoản đầu tư cho con cực kì đúng đắn.

Từ chuyện bố mẹ thuê chiếc xe cấp cứu....

Vừa rồi, đâu đâu cũng nóng chuyện "đầu tư chứng khoán tuyển sinh đại học". Ấn tượng nhất có lẽ là cú thuê xe cấp cứu 115 chạy từ Vinh ra Hà Nội để một thí sinh kịp rút và nộp hồ sơ từ Đại học An ning sang Đại học Bách khoa. Về mặt "đầu tư chứng khoán" thì hình như gia đình đó đã thắng, nhưng xe cấp cứu rõ ràng được quy định để chở những bệnh nhân tới bệnh viện, những người đang bị nguy kịch tính mạng, không có nhiệm vụ... cấp cứu hồ sơ đại học. 
Để kịp chui lọt vào cổng đại học đợt này, gia đình đã nói dối bệnh viện là ra Hà Nội đón bệnh nhân cấp cứu về Hà Tĩnh. Trên xe còn có cả y sỹ đi cùng. Và rất có thể xe này đã sử dụng đèn, còi ưu tiên và không bị hạn chế tốc độ khi đi trên đường. Chàng thanh niên kia đã đậu ĐH Bách khoa, nhưng hình ảnh, câu chuyện này sẽ còn tồn tại hoài trên kho dữ liệu cuả Google, cho tới khi chàng trai ra trường, có con.

Nếu một ngày kia, biết đâu xã hội văn minh hơn, con cái sẽ hỏi: "Ba ơi, lỡ đâu giờ đó, ngày đó, thành phố Vinh có một bệnh nhân vì thiếu xe cấp cứu mà nguy hiểm tới cơ hội sống?" và biết đâu sau này, khi nghe tiếng còi hú của cấp cứu, những người đi đường cứ việc đủng đỉnh, tặc lưỡi không thèm nhường đường vì "biết đâu trong đó chỉ là một cậu ấm cô chiêu khỏe mạnh lành lặn?"

Đến những khoản đầu tư cho con sai lầm của bố mẹ

Một chuyện rất khác, nhưng cũng liên quan về đầu tư cho con. Hồi trước, trên báo đăng tấm ảnh chụp hai cậu con trai bò trên đường phố thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ông bố đã bắt con bò từ tiệm game về nhà để trừng phạt tội nghiện game online. Vợ chồng ông vất vả cả ngày ngoài rẫy để kiếm tiền, không tiếc tiền cho con đi học thêm hè, ông thương con tới mức chỉ để riêng 2 vợ chồng vất vả nắng mưa ngoài rẫy để 2 cậu trai trẻ được ở nhà dành thời gian học bài. 

Bức ảnh đã làm tôi giật thót mình... Coi kiếm tiền là quan trọng, nhiều ông bố (phần lớn là các ông bố ạ!) đầu tư hết thời gian của mình ở công sở, giao khoán việc nuôi dạy con cho vợ, chẳng bao giờ đi đâu, làm gì với con. Việc kiếm tiền là việc lớn, việc dạy con là việc nhỏ.

Bàn tay của bố 1
Càng ngày càng có nhiều đứa trẻ, thay vì được làm bạn với bố mẹ thì phải làm bạn với giúp việc hoặc các thiết bị thông minh. (Ảnh minh họa)

Bao nhiêu ông bố khắp Việt Nam đang nghĩ và làm như vậy? Tập trung toàn bộ sức lực để kiếm tiền, để lo cho gia đình và con cái một cuộc sống khấm khá hơn hôm qua, hôm kia, năm trước. Đi sáng, về khuya, nai lưng cật lực ngoài ruộng rẫy hoặc lao tâm khổ trí trong văn phòng? Còn dạy con và chơi với con thì vứt cho TV và người giúp việc? Gọi là phụ huynh học sinh, mà sao phần lớn toàn thấy mẫu mẫu?

Tôi đã nghe thấy nhiều ông bố bận rộn vô cùng. Có người ngày nào cũng 10h đêm mới mệt mỏi xơ xác lê về nhà. Cả 5,6 ngày trong tuần đều như vậy. Hai ngày cuối tuần nếu không đi đâu thì nằm ngủ, hoặc ôm TV từ rạng sáng tới tối, chẳng làm gì, chẳng đưa con đi đâu, chẳng chuyện trò với vợ con hoặc bố mẹ gì cả. Họ vẫn tự hào tuyên bố: Tôi là đàn ông, tôi lo việc lớn, lo kinh tế!

Nhưng tại sao lại chỉ là kinh tế? Tại sao việc lớn lại chỉ là kiếm tiền? Có phải việc làm cho gia đình hạnh phúc và dạy dỗ con cái là chuyện nhỏ? Là một phụ nữ chân yếu tay mềm, tôi thấy kiếm tiền chả phải việc khó, mà dạy con mới là việc khó!

Tôi nghĩ, chỉ có ở thời nguyên thủy, sứ mệnh cuả người đàn ông mới là săn bắn cho được thật nhiều con mồi mang về cho vợ con khỏi bị đói. Chỉ có những ngày xưa cách đây 30, 40 năm trở lên, thì nhiệm vụ cao cả nhất của ba mẹ mới là kiếm cơm nuôi con. 

Bây giờ khác rồi!

Làm việc với trẻ em suốt 20 năm nay, tôi thấy cái trẻ con thiếu nhất chẳng phải là tiền của bố mẹ. Có em diễn đạt được vấn đề của mình một cách rõ ràng (là thiếu sự quan tâm), cũng có em còn lẫn lộn, nhưng tất thảy đều không chỉ đơn giản là đang thiếu tiền.

Nhất là lúc này, chục năm trở về đây, internet và mạng xã hội phát triển, bầu không khí quanh con bây giờ có biết bao nhiêu là nguy cơ, những nguy cơ mà bố mẹ (nhất là mẹ), chẳng có mấy kinh nghiệm: game online, bắt nạt trên mạng, lừa đảo trên mạng, lạm dụng,... Người bố, với thế mạnh của mình, nhiều hi vọng theo kịp đà tiến công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, để mà dạy con, hơn là mẹ.

Giáo dục ở nhà trường bế tắc, xã hội khủng hoảng, phức tạp, thì càng trông chờ nhiều hơn vào bàn tay của gia đình. Đâu phải, cứ tự nhiên mang cục tiền về, thậm chí cả khi dùng cục tiền đó thuê xe 115 cứu hồ sơ đại học của con, thì tự khắc con sẽ lớn, sẽ khôn, sẽ ngoan, sẽ sống đàng hoàng có lý tưởng như ước mơ của bố mẹ.

Bàn tay của bố 3
Đầu tư cho con một chiếc Ipad thay vì thời gian chơi với con đang là "xu hướng" của nhiều cha mẹ hiện đại. (Ảnh minh họa)

Liệu có phải chúng ta đang đầu tư sai?

Có lần tôi đi cùng một nhóm bạn sang Myanmar, chúng tôi được một ông bố của môt thành viên đoàn nước sở tại tiếp đón rất đặc biệt. Ông là giám đốc một ngân hàng, chắc chắn cũng rất là bận rộn, mỗi ngày của ông hẳn là cũng xếp kín lịch và làm ra rất nhiều tiền. Nghe tin trong đoàn có cô bạn gái của con trai mình, ông xin nghỉ phép hẳn 2 ngày, để thân chinh lái xe chở con và nhóm bạn của con đi chơi.

Hai ngày, ông vừa lái xe, đặt chỗ nhà hàng, ăn cùng, chơi cùng, nói chuyện cùng, và buổi cuối, còn nhậu cùng và rồi hát karaoke cùng cô bạn gái mà con trai ông đang đem lòng yêu. Tôi nhìn thấy ông nói chuyện, lái xe rất vui vẻ, và tôi cũng thấy ông đã không bỏ sót cử chỉ, câu nói nào của cô bé ấy.

Với con mắt của một người bố, một người đàn ông đã có gia đình, hẳn ông sẽ nhìn thấu tính cách, trình độ, cách cư xử và phông nền văn hóa của cô bé, tinh tường hơn cậu con trai đang “cảm nắng” của mình. Và tôi nghĩ, cô bé có trở thành vợ tương lai của con ông hay không, hoàn toàn ông có thể can thiệp được. Một khi đã thân thiết với con trai như thế, một khi đã đầu tư thời gian cho con nhiều như thế, một khi đã đánh giá cô gái kỹ như thế, thì hẳn mỗi lời góp ý của ông với con trai hẳn sẽ thật tâm phục khẩu phục.

Là một giám đốc ngân hàng, tôi nghĩ cú này ông đã đầu tư đúng. Hai ngày nghỉ phép để làm bạn với bạn gái của con, làm ông có thể tránh được nhiều ngày cãi cọ với con trai về chuyện cưới hay không cưới, nhiều năm đau khổ dằn vặt nếu con chọn sai bạn đời.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã từng kể ở Pháp nơi anh đang sống, những bạn bè thường giao lưu nhất, thân thiết nhất của gia đình, hóa ra là toàn là bố mẹ của bạn bè con anh.

Tôi tin rằng những ông bố bà mẹ làm bạn được với con, làm bạn được với bạn bè con, làm bạn được với cả bố mẹ của bạn bè con, sẽ chẳng phải bỏ việc đi tìm con trong các tiệm game, chẳng phải bỏ tiền thuê thám tử theo dõi hoặc đăng báo gọi con về nhà.

Một giám đốc trung tâm kỹ năng sống đã từng mở lớp cai nghiện game online nói với tôi: “Thành thật thì với những em đã nghiện game online thực sự, chúng tôi chưa chữa được”. Trong lớp cai nghiện đó, có con trai duy nhất cuả một đại gia thực phẩm với nhiều cửa hàng hoàng tráng khắp cả nước, nói tên ra thì hẳn ai cũng biết ngay. Ông ấy đã cược một nửa gia tài để Trung Tâm có thể cai nghiện game online cho con ông. Nhưng mà trễ rồi, ông ấy đầu tư trễ mất 18 năm! Lẽ ra phải chinh phục con từ hồi con còn bế ngửa. Ông ấy đã lỡ mất cơ hội cho con nghiện bố trước khi nghiện game rồi!

Bàn tay của bố 2
Khoản đầu tư "sinh lời" nhất của các ông bố chính là thời gian dành cho con khi chúng thực sự cần,  để không lỡ mất cơ hội cho con nghiện bố trước khi nghiện những "tệ nạn" khác ngoài xã hội. (Ảnh từ chiến dịch "Bàn tay của bố").

Thỉnh thoảng có hẹn hò cà phê với những nhân viên cũ, là tôi hay bị kêu ca khi cứ bỏ qua nhiều dự án ngon lành để ở nhà ôm con. Có đứa cáu lắm, sốt ruột lắm, kết tội tôi lười. Kệ, tôi xác tín rằng, trong việc dạy con ngày nhỏ, không có giáo viên nào bằng được cha mẹ! Nên, thay vì dành 10 giờ, 12 giờ, 14 giờ mỗi ngày làm việc kiếm tiền, tôi làm vừa đủ ăn, còn dành thời gian để đầu tư làm bạn con. Thế là Đủ!

Theo Nhà báo Thu Hà 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét