Ngoại tệ tiếp tục nóng:
Chủ yếu do tâm lý găm giữ USD
Ngay từ đầu tuần này, thị trường USD đã có dấu hiệu leo thang, tâm lý đầu cơ, găm giữ tăng lên, gây khó khăn cho nhà hoạch định chính sách.
Tâm lý găm giữ chưa dứt, tỷ giá vượt trần
Đầu tuần này (24/8), giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng lên mức kịch trần (22.547 đồng/USD). Giá mua và giá bán USD được các ngân hàng đẩy lên sát nhau (thậm chí, tại DongA Bank, MB…, giá mua và giá bán USD được niêm yết bằng nhau), chứng tỏ các ngân hàng đang “khát” ngoại tệ. Tại thị trường tự do, giá USD cũng vượt xa trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đạt mức kỷ lục 22.800 đồng/USD.
Như vậy, sau 2 tuần diễn biến nóng bỏng do Trung Quốc phá giá sâu đồng nhân dân tệ, tuần này, tỷ giá vẫn chưa hết sóng, dù từ ngày 12/8 đến 19/8, NHNN đã hai lần điều chỉnh tỷ giá, với mức điều chỉnh tổng cộng 3%.
Đầu tuần này, USD niêm yết tại các ngân hàng đều tăng kịch trần. Ảnh: Đức Thanh |
Quan sát tại các ngân hàng, biểu đồ tỷ giá đã có một đường đi lên thẳng đứng trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong vòng 1 tuần qua, giá USD đã tăng gần 500 đồng/USD, còn tính từ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ (11/8) đến nay, USD đã tăng 760 đồng/USD.
Việc giá USD liên tiếp chạm trần trong vòng 2 tuần qua cho thấy, tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng. Tại phố ngoại tệ Hà Trung (Hà Nội), khách mua USD khá nhiều, bất chấp giá bị đẩy lên cao. Trong khi đó, tại các ngân hàng, khối lượng giao dịch giảm khá mạnh.
Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một ngân hàng cho hay, tình trạng căng thẳng về thanh khoản hiện nay không xuất phát từ nguyên nhân thanh toán, mà chủ yếu do tâm lý găm giữ.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng xác nhận, có tình trạng găm giữ ngoại tệ để chờ điều chỉnh tỷ giá của thị trường tăng lên.
Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng ngân hàng chuyển từ nội tệ sang mua ngoại tệ để cất trữ với kỳ vọng USD tiếp tục tăng giá là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngoại tệ khan hiếm, có thể gây nhiều hệ lụy đáng lo cho nền kinh tế.
Sức ép đè nặng nhà điều hành
Dù tỷ giá có dấu hiệu leo thang, song trao đổi với báo chí đầu tuần này, đại diện NHNN vẫn khẳng định, cơ quan này không có ý định điều chỉnh thêm tỷ giá. Trước đó, giữa tuần qua, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, sau hai lần điều chỉnh, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm, mà cả những tháng đầu năm 2016. NHNN cũng bày tỏ quyết tâm bình ổn thị trường và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết.
Điểm đáng mừng là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân và kiều hối trong 7 tháng đầu năm nay vẫn tăng khá tốt. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho hay, do giá mua USD trên thị trường tự do cao hơn thị trường chính thức, nên người dân có xu hướng nhận kiều hối bằng ngoại tệ rồi bán ra trên thị trường tự do hoặc găm giữ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, dù NHNN vẫn có trong tay nhiều công cụ để ổn định thị trường ngoại tệ, song giá USD thời gian tới sẽ bị chi phối mạnh bởi hai yếu tố khó lường: động thái điều chỉnh nhân dân tệ của Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất của Mỹ. Thêm vào đó, quỹ dự trữ ngoại hối dù đã tăng kỷ lục, song vẫn còn khá mỏng.
Nhiều tổ chức nước ngoài cũng dự báo, VND sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm giá từ nay đến cuối năm. Cụ thể, trong bản tin về thị trường nợ châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát đi đầu tuần này (24/8), ADB cho rằng, từ đầu năm đến nay, VND mất giá khoảng 5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN đã phá giá đồng nội tệ trên 10%. Điều này sẽ khiến VND chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng, Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng nhiều công cụ khác để ổn định tỷ giá, trước khi lựa chọn giải pháp phá giá VND thêm một lần nữa vào cuối năm 2015.
Trước đó, báo cáo của HSBC cũng cho rằng, khả năng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá và Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực buộc NHNN phải giảm giá VND thêm nữa vào cuối năm nay. HSBC dự báo VND sẽ giảm giá thêm 2% so với USD trong năm 2015 và thêm 2% nữa trong năm 2016.
Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, VND sẽ không bị phá giá mạnh từ nay về sau do nợ nước ngoài không cho phép Việt Nam phá giá VND quá nhanh.
Thùy Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét