Sẽ thay đổi cách tính giá điện

Để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang xem xét điều chỉnh biểu giá điện từ 6 xuống còn 3 bậc

Sau khi biểu giá điện được rút từ 7 xuống còn 6 bậc vào tháng 3-2015, giá điện tại bậc thang thứ 6 cao hơn mức bình quân 1.000 đồng/KWh, khiến người dùng càng nhiều điện càng bị tính giá cao.

Biểu giá lũy tiến bất hợp lý?
Theo biểu giá điện hiện nay, sử dụng dưới 50 KWh/tháng mức giá là 1.484 đồng/KWh, từ 51-100 KWh sẽ có giá 1.533 đồng/KWh, bậc thang 101-200 KWh có giá 1.786 đồng/KWh, bậc thang 201-300 KWh là 2.242 đồng/KWh, bậc thang 301-400 KWh giá 2.503 đồng/KWh và từ 401 KWh trở lên, giá bán lẻ lên đến 2.587 đồng/KWh.
Với biểu giá mới gồm 6 bậc thang này, các hộ gia đình phải chi trả hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 1,5-3 lần so với trước; nhất là vào những thời điểm nắng nóng.

Cách tính giá điện hiện nay đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cách tính giá điện hiện nay đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU 
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng từng thừa nhận với cách tính như hiện nay, dùng càng nhiều điện thì giá càng cao. Ví dụ, 1 hộ khách hàng dùng 300 KWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng nhưng nếu dùng lên 450 KWh/ tháng, phải trả đến 1.026.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Thậm chí, những nước phát triển như Mỹ, Nhật hay một số thành viên trong ASEAN cũng không ngoại lệ. “Hiện nay, 10 nước trong ASEAN áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả” - ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết thời gian gần đây, Cục Điều tiết điện lực nhận được góp ý của khách hàng, nhà khoa học và cơ quan báo chí về sự bất hợp lý của bậc thang tính giá điện. Do đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế.
Nên giảm khoảng cách giá
Thực tế, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của việc áp dụng biểu giá điện như trên là bởi chủ trương không bán điện dưới giá thành nhưng vẫn phải tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách. Do vậy, hiển nhiên phải tồn tại tình trạng bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm tình trạng bù chéo giá giữa các đối tượng sử dụng điện sinh hoạt để bảo đảm công bằng. “Biểu giá điện phải xuất phát từ thực tế. Trước kia dùng máy điều hòa, tủ lạnh là xa xỉ thì áp giá cao được nhưng hiện nay, đời sống cải thiện thì đó lại là nhu cầu thiết yếu. Hơn nữa, giá điện cũng phải như giá các mặt hàng khác, tức là ngày càng rẻ, chứ không thể ngày càng đắt” - một chuyên gia góp ý.
Theo TS Ngô Trí Long, về nguyên tắc, với một loại hàng hóa, dịch vụ bất kỳ nào đó thì dùng càng nhiều thì giá phải càng rẻ. Vì vậy, việc tiêu thụ càng nhiều điện càng bị tính giá cao là bất hợp lý.
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng áp giá điện theo bậc thang không phải không hợp lý nhưng cần điều chỉnh theo hướng gọn hơn, giãn khoảng cách giữa các bậc thang nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận biểu giá hiện nay áp dụng cách tính lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp là chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Đặc biệt, giá điện bán như hiện nay đã có lãi nên định hướng dùng càng nhiều càng phải trả tiền nhiều là không còn phù hợp.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết để hợp lý hơn, cơ quan này đang xem xét điều chỉnh biểu giá điện từ 6 xuống còn 3 bậc. Việc chia bậc thang giá điện lũy tiến nhằm tiết kiệm điện phải được thực hiện trong cả cộng đồng, thay vì chỉ một nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện như hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giảm bớt bậc thang cần đi đôi với thu hẹp khoảng cách về giá điện một cách phù hợp để người tiêu dùng được hưởng lợi. Nếu không, bậc thang ít nhưng giá điện giữa mỗi bậc thang lại chênh lệch lớn thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt.
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/se-thay-doi-cach-tinh-gia-dien-20150724223002167.htm
Có thể chỉ còn 1 bậc thang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi cách chia biểu giá điện thành nhiều bậc thang nhỏ như hiện nay, về chỉ còn 1 bậc thang. Trước mắt, chưa thể xây dựng được mức 1 bậc thang thì phải rút xuống chỉ còn khoảng 3 bậc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét