- Những lời khuyên của Đức Atisa

Khi mới tới Tây Tạng, Đức Atisa trú ở xứ Ngari, miền tây Tây Tạng. Ngài truyền dạy nhiều giáo lý cho các đệ tử. Người đứng đầu các đệ tử này là Lha Jangchud Od. Hai năm sau, đạo sư Atisa quyết định trở về Ấn Độ. Khi ngài sắp khởi hành, Lha Jangchub Od hỏi: "Thầy sắp đi khỏi đây, chúng con xin thầy ban cho một lời dạy nữa."


Đức Atisa nói: "Những gì ta đã dạy đủ rồi."

Nhưng Lha Jangchub Od vẫn khẩn cầu nên ngài nói như sau:
"Thật là kỳ diệu! Các người/bạn đã đạt chứng ngộ và tri kiến lớn, trong khi ta không có tài năng lớn và không có trí huệ nhiều. Nhưng vì các người/bạn là những người bạn thân và đã yêu cầu nên ta có lời khuyên này, phát xuất từ kiến thức ấu trĩ của ta.

1. Trước khi đạt giác ngộ thì cần phải có thầy, vậy hãy nương tựa vị thầy của mình. Trước khi chứng ngộ Tính không một cách trọn vẹn, các người/bạn cần phải nghe pháp, vậy hãy nghe kỹ những lời dạy của vị thầy. Chỉ hiểu Giáo pháp không thôi thì không đủ để thành Phật. Các người/bạn phải thực hành tu tập liên tục.

2. Tránh xa những chỗ nào có hại cho việc tu tập của các người/bạn. Luôn luôn trú ở nơi nào thuận lợi cho việc tu dưỡng đức hạnh. Khi tâm trí chưa vững chắc thì sự ồn ào của ngoại cảnh là điều có hại, vậy hãy tìm nơi vắng vẻ.

3. Hãy từ bỏ những người bạn nào làm cho mình gia tăng những cảm xúc phiền não. Hãy thân cận với những người làm cho minh gia tăng đức hạnh. Không thể nào làm hết mọi chuyện, vì vậy hãy giới hạn những hoạt động thông thường của mình. Hồi hướng đức hạnh của mình ngày đêm, và luôn luôn giữ chánh niệm.

4. Khi đã nghe những lời dạy của thầy, các người/bạn nên luôn luôn suy ngẫm về những lời dạy đó và hành xử phù hợp với lời thầy. Khi làm như vậy với lòng khiêm hạ thì chắc chắn sẽ có kết quả sớm. Nếu thành tâm làm theo Giáo pháp thì thực phẩm và những nhu yếu khác sẽ tới với các người/bạn một cách tự nhiên.

5. Những gì các người/bạn muốn có sẽ không làm cho các người/bạn thoả mãn. Giống như uống nước biển để giải toả cơn khát. Vì vậy hãy giữ cho mình an lạc với hoàn cảnh. Hãy bỏ tất cả mọi hình thức giả dối và kiêu ngạo. Hãy làm cho mình trở thành người hiền hoà. Bỏ tất cả những điều mà có những người gọi là đạo đức nhưng thật ra chỉ là những chướng ngại đối với việc tu tập. Hãy dẹp bỏ mọi ý tưởng về danh lợi, coi chúng như những tảng đá gây chướng ngại cho con đường hẹp, khó đi. Chúng là sợi dây trói của quỷ vương. Liệng bỏ mọi ý nghĩ về tiếng tăm và lời khen của người khác, vì chúng chỉ có tính cách lừa dối.

6. Hạnh phúc, sung sướng và bạn bè chỉ có tính cách tạm thời, vậy đừng bám giữ vào những thứ đó. Kiếp sau sẽ dài hơn kiếp hiện tại, vậy hãy giữ kỹ kho tàng đức hạnh để cung cấp cho kiếp tương lai. Khi chết người ta không mang theo được một vật nào cả, vậy đừng chấp thủ bất cứ cái gì.

7. Đừng khinh thường người khác mà hãy từ bi với những người ở vị trí thấp hơn mình. Không chấp thủ những người bạn mà cũng không phân biệt những người thù địch. Không ganh tị với những phẩm tính tốt của người khác, mà hãy khiêm tốn gây dựng cho mình những phẩm tính đó. Đừng bận tâm bắt lỗi người khác, mà hãy nhận hết những lỗi lầm của chính mình. Hãy loại bỏ mọi lỗi lầm cũ mình. Cũng đừng đề cao đức hạnh của mình mà hãy kính phục đức hạnh của người khác. Hãy mở rộng lòng tư bi với tất cả chúng sinh như họ chính là con ruột của mình.

8. Luôn luôn có khuôn mặt tươi cười với tình thương. Hãy nói lời thành thật và không tức giận. Nếu hay nói những chuyện vô nghĩa, phù phiếm thì sẽ phạm lỗi, vậy hãy nói có chừng mực. Nếu làm những chuyện vô nghĩa thì không làm được nhiều việc tốt, vậy hãy từ bỏ những việc làm không hợp với đạo pháp. Đừng phí công làm những việc không cần thiết. Những việc làm của mình có kết quả hay không là do nghiệp quá khứ, và những kết quả đó không bao giờ đúng như ý muốn của mình hiện tại, vậy hãy thản nhiên với mọi thành công hay thất bại.

9. Thà chết còn hơn làm cho một thánh nhân hổ thẹn, vậy hãy luôn luôn nghiêm chỉnh và không giả dối. Mọi sự sướng và khổ của cuộc đời đều phát xuất từ nghiệp đã tạo trong kiếp hiện tại hay kiếp quá khứ, vậy đừng đổ lỗi cho người khác khi gặp đau khổ hay khó khăn. Hãy nhớ đền đáp lòng từ bi của vị thầy, vì tất cả hạnh phúc của mình là nhờ ơn gia hộ của ngài.

10. Chưa nhiếp phục được bản thân thì không thể nhiếp phục người khác, vậy hãy nhiếp phục mình trước. Không thể hướng dẫn người khác tu luyện nếu không có nhãn thông, hay huệ nhãn, vậy hãy nỗ lực đạt nhãn thông.

11. Người ta sẽ có lúc chết, để lại tất cả những gì mình có, vậy hãy cẩn thận đừng tích luỹ những của cải gây nhiễm ô. Những thú vui thông thường không có ích lợi gì cả, hãy trưởng dưỡng hạnh bố thí. Luôn luôn giữ giới, vì trì giới là vẻ đẹp của kiếp này và là hạnh phúc của kiếp sau. Trong thời mạt pháp này, khi tâm sân hận lan tràn, các người hãy mặc áo giáp nhẫn nhục, không để cho sân hận nổi dậy. Chúng ta trụ ở trong thế gian này bằng lực giãi đãi, vậy phải tự đốt lửa tinh tấn để đạt thành tựu. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bị cảm dỗ và lãng phí cuộc đời bởi các hoạt động phàm tục, vậy hãy dành thời giờ cho việc tu tập. Vì các người đang chịu ảnh hưởng của những tà kiến nên không thể chứng ngộ tính không. Hãy hăng hái tìm chân lý.

12. Luân hồi là một đầm lầy lớn không có hạnh phúc thực sự. Hãy đi ngay tới chỗ giải thoát. Hãy tu tập theo lời dạy của vị thầy để làm cạn dòng đau khổ luân hồi. Luôn luôn ghi nhớ điều đó. Hãy nghe kỹ lời khuyên này, vốn không phải là những lời suông, mà xuất phát từ tim của ta. Nếu các người/bạn làm theo những lời này thì không chỉ riêng ta vui lòng, mà các người/bạn và tất cả những người khác cũng hạnh phúc. Ta là người không có học cao, nhưng ta khuyên các người nên ghi nhớ những lời này."
------------------------

Khi Đức Atisa trú ở Yerpadrak, gần Lhasa, ngài dạy giáo lý sau đây cho Yeshe Barwa: "Con phục lạy Đấng Ơn Phước và Nữ Thánh Tara. Con phục lạy các vị thầy thiêng liêng."
1. "Các đệ tử cao quý, hãy suy ngẫm những lời này. Trong thời gian mạt pháp này, tuổi thọ của người ta ngắn, mà lại có nhiều điều phải học. Người ta không biết mình sẽ sống tới bao nhiêu tuổi. Vậy, các người hãy cố gắng ngay bây giờ để đạt được những gì mình mong ước."

2. "Đừng nói mình là một Tỳ Khưu nếu các người tìm kiếm những vật cần thiết của đời sống giống như người tại gia. Sống trong tu viện là đã bỏ các hoạt động trần gian, nhưng nếu cứ nghĩ tới những gì mình đã bỏ thì các người không có quyền tuyên bố: "Ta là một tỳ khưu sống trong một Tu viện". Nếu vẫn còn hoà trộn với người ngoài và lãng phí thời giờ vì những chuyện thế gian vô nghĩa với họ thì dù sống trong một tu viện cũng đừng nói: "Ta là một tỳ khưu sống trong một tu viện." Nếu không kiên nhẫn mà tự cảm thấy mình thua thiệt, nếu không thể giúp đỡ một chút gì cho người khác, thì cũng đừng khoe: "Tôi là một bồ tát tỳ khưu.""Nếu nói như vậy với người khác thì đó là lừa dối. Có thể họ không biết mình lừa dối, nhưng người có huệ nhãn sẽ biết sự thật, nhất là những người có Pháp Nhãn toàn giác. Các người cũng không thể tự lừa dối mình, vì nghiệp quả xấu sẽ đi theo các người."

3. "Thêm nữa, khi phát Bồ đề tâm, hãy nhớ lời phát nguyện của mình trước các vị thầy và các vị thần. Đừng nói "Nhẫn nhục là chuyện quá khó" khi gặp người nào tạo cơ hội cho mình tập tính nhẫn nhục. Nên nhớ dù khó luôn luôn mình vẫn có thể làm được một cái gì đó. Trước khi lập giới nguyện, hãy xem xét kỹ xem mình có thể giữ tròn giới nguyện hay không, vì nếu vi phạm giới nguyện thì như vậy là lừa dối thầy tổ và chư thần."

4. "Đã vào tu viện thì phải bỏ lối sống trần tục và không quyến luyến bạn bè hay người thân. Như vậy, các người tránh được nghiệp tham ái và từ đó hãy tìm Bồ đề tâm quý báu. Đừng để cho những điều quan tâm thế gian xuất hiện trở lại trong tâm trí của mình. Trước kia, các người đã không thực hành đúng Giáo pháp, và do ảnh hưởng của thói quen có từ kiếp trước, hay tập khí, các người đã tiếp tục giữ quan niệm của người thế gian. Lối nghĩ thế gian có sức mạnh lớn, vì vậy phải dùng những pháp đối trị có oai lực đối với chứng, nếu không thì đời sống tu viện cũng vô ích, không khác nào loài chim thú ở nhờ tu viện."

5. "Đừng nghĩ: "Ứng dụng pháp đối trị ngay bây giờ thì khó quá." Nếu một người mù làm rơi viên ngọc như ý thì y có thể không bao giờ tìm lại được. Khi thực hành tu tập, đừng đếm tháng đếm năm, mà hãy xét lực thiền định và mức chứng nghiệm của mình. Xét xem những phiền não của mình có giảm hay không. Luôn luôn giữ chánh niệm. Đừng làm cho mình khổ sở mà cũng không lừa dối mình, lừa dối thầy tổ và chư thần. Đừng làm điều gì có hại cho mình hay người khác."

6. "Điều cần thiết là giảm thiểu các hoạt động trần tục. Nếu có một đống đồ dơ trước mặt mình, hãy dẹp bỏ nó ngay. Nếu có người giúp đỡ, tại sao mình lại không thích? Cũng vậy, phải bỏ lối nghĩ quen thuộc cũ bằng cách dùng bất cứ pháp đối trị nào có thể được. Nếu được thầy và bạn giúp đỡ thì tại sao không vui mừng?"

7. "Đã phát nguyện trước các vị thầy và các vị thần là sẽ hoạt động cho lợi ích của chúng sinh thì đừng phân biệt những người được mình bố thí. Người ta thì khác biệt nhau, còn Bồ đề tâm thì chỉ có một."

8. "Đừng sân hận những người muốn làm hại mình. Nếu để cho mình nổi sân hận thì làm sao có sự nhẫn nhục được? Khi cảm xúc phiền não xuất hiện, hãy nhớ tới pháp đối trị chúng. Nếu không thì tu tập để làm gì trong khi gia tăng phiền não? Luôn luôn gìn giữ Bồ đề tâm quý báu của mình, không lãng quên một khoảnh khắc. Chỉ xao lãng một chút là quỷ phiền não nhập vào ngay, nó sẽ cản trở Bồ đề tâm, và chúng ta sẽ không thể giúp người khác mà lại còn rơi vào những cõi thấp. Hãy suy nghĩ về điều này."

9. "Dù cho rằng mình đã tu tập thì khi chết cũng vẫn ra đi tay không. Khi chết, hãy cẩn thận đừng để cho thầy và bạn của mình phải lo buồn vì mình. Đừng gây nghi ngờ và tuyệt vọng cho những người tại gia trung thành với Giáo pháp. Phải luôn kiểm soát mình, so sánh tâm trí của mình với Phật pháp. Nếu không làm như vậy thì dù có cho là mình đã tu tập cũng vẫn xa rời Giáo pháp, do đó khi chết sẽ không có dấu hiệu gì cho thấy là mình đã thực hành Bồ đề tâm, và khi có dấu hiệu mình sẽ rơi vào những cõi thấp, người khác sẽ phải lo sợ cho mình. Vậy, đừng giải đãi trong việc thực hành Giáo pháp hay tự lừa dối bằng ý nghĩ "Mình đã sống trọn đời cho giáo pháp", để rồi lúc chết vẫn tay không."

10. "Tóm lại, dù tu ở chùa cũng không lợi ích gì nếu vẫn còn ham mê vật chất và không từ bỏ những việc làm phàm tục. Nếu không bỏ những khuynh hướng này mà lại cho rằng mình có thể đạt mục tiêu của đời này cũng như đời sau thì như vậy chỉ là tu tập hời hợt bên ngoài, tu tập lừa dối vị lợi lộc riêng tư."

11. "Vậy, các người/bạn nên luôn luôn tìm bạn đồng tu và tránh bạn xấu. Đừng trú cố định ở một nơi nào và đừng giữ nhiều tài vật. Bất cứ việc gì mình làm phải hợp với Giáo pháp và là một pháp đối trị các phiền não. Như vậy mới là tu tập thật sự. Hãy để sức cố gắng làm như vậy. Khi tri thức của mình gia tăng, đừng để cho con quỷ kiêu ngạo nhập vào mình."

12. "Hãy trú nơi cô tịch và nhiếp phục chính mình. Hãy giảm thiểu ước muốn và an vui với hoàn cảnh của mình. Không tự kiêu vì tri thức của mình mà không tìm lỗi của người khác. Không lo và không sợ gì cả. Hãy có hảo ý với mọi người và không có thành kiến với ai. Hãy tập trung nghĩ tới Giáo pháp khi bị xao lãng vì những điều xấu."

13. "Hãy khiêm hạ, vì khi không đạt thành công, hãy chấp nhận thất bại một cách hoà nhã. Từ bỏ tính khoe khoang. Xả ly mọi ước vọng. Luôn luôn phát tâm từ bi. Bất cứ việc gì mình làm, cũng làm một cách phải chăng. Hãy dễ tính và dễ chịu đựng. Khi gặp điều xấu hãy bỏ chạy như thú hoang chạy trốn thợ săn."

14. "Nếu không chối bỏ đời sống thế tục thì đừng nói mình là người thánh thiện. Nếu chưa buông bỏ nhà cửa, ruộng đất thì đừng nói mình đã đi tu. Nếu không từ bỏ dục vọng thì đừng nói mình là tỳ khưu. Nếu không có từ bi thì đừng nói mình là Bồ Tát. Nếu không xả ly mọi hoạt động phàm tục thì đừng nói mình là đại hành giả. Đừng dung dưỡng dục vọng."

15. "Tóm lại, khi đã trú ở tu viện thì hãy giảm bớt những hoạt động thế gian và hãy suy ngẫm về Giáo pháp. Đừng làm điều gì để phải ân hận vào lúc chết."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét