Làng Campuchia trên đất Việt: Chung ché rượu cần
Khi Pôn Pốt - Iêng Xary tàn sát đồng bào mình, có hàng trăm người Campuchia đã chạy qua biên giới sang tỉnh Gia Lai (Việt Nam) để lánh nạn.
Làng Trêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
|
Họ được đồng bào Việt Nam đùm bọc như những người anh em. Và có những người tình nguyện ở lại làm công dân Việt Nam...
Tháng 4/1976, khi lực lượng Pôn Pốt - Iêng Xary (Pôn Pốt) trỗi dậy tại Campuchia cũng là lúc những người dân vô tội bắt đầu nơm nớp lo sợ. Những cuộc tàn sát đẫm máu ấy đã sớm lan nhanh đến các huyện vùng giáp ranh với Việt Nam. Lúc ấy làng Trêl, làng Lăl, xã Pak Nhai (huyện Ôzađao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) có khoảng 100 hộ dân nghe thông tin sợ quá nên đã đi về “hướng Đông” sang cư trú trong cộng đồng làng người Jarai thuộc xã Ia Pnôn (Đức Cơ, Gia Lai).
Bao bọc nhau
Những người già còn sống giữa làng Trêl, xã Ia Pnôn vẫn còn nhớ như in vào đầu tháng 4/1976, các cánh quân của Pôn Pốt lúc ấy đi đến đâu là gieo rắc cái chết kinh hoàng ở các làng mạc Campuchia. Chính vì vậy, rất nhiều người dân tại làng Trêl, làng Lăl, xã Pak Nhai (huyện Ôzađao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) rất hoang mang. Ai cũng lo sợ đội quân giết chóc ấy sẽ sớm tìm đến làng bản của mình.
Già Ksoi Rnhag (80 tuổi, là người gốc Campuchia), hiện trú tại làng Trêl, xã Ia Pnôn kể lại: Lúc ấy những người già của hai làng Trêl, làng Lăl đã cùng thông báo với nhau về tình hình của đội quân diệt chủng Pôn Pốt sắp đến gần. Cả hai làng cùng ngồi họp lại để bàn cách tự vệ, giữ làng. Lúc ấy, một già làng nói: “Bây giờ chỉ còn đi về hướng Đông (chỉ Việt Nam) mới sống thôi. Bên ấy có người Jarai cùng họ hàng với mình. Qua bên đó đều là anh em với nhau. Nếu bọn Pôn Pốt có tới thì gộp sức lại, bọn chúng không dám làm gì”.
“Chung ché rượu cần”
“Tình cảm giữa các làng người Jarai giữa khu vực hai biên giới qua địa phận của xã Ia Pnôn vẫn luôn hòa hợp. Những người cùng họ hàng, mỗi lần có việc cưới, bỏ mả, hội làng cũng thường hay mời nhau sang chơi, cùng uống chung ché rượu đến say khướt mới được về. Tôi cũng có họ hàng ở bên làng Trêl, mỗi năm cũng sang đó vài lần để thăm nom”.
Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn
Rơ Chăm Kluch |
Bàn bạc đâu vào đấy, cả trăm hộ dân hai làng lũ lượt băng rừng tiến về phía Đông. Lúc ấy, lúa rẫy còn đương ngậm sữa, không thể thu hoạch được. Nhà giàu nhất chỉ có thể mang theo con trâu vài gùi lúa. Vượt khoảng 30 km đường rừng già thì đến xã Ia Pnôn.
“Lúc ấy hai già làng ở Campuchia mang đến một con gà, một ché rượu cần. Sau khi làm lễ, uống với nhau vài “căn”, đại diện già làng Campuchia nói: Nay giặc Pôn Pốt truy lùng gần đến nơi rồi. Hai làng chúng tôi ai cũng sợ cái giặc này lắm. Bọn nó đi đến đâu là phá hết, đốt hết, giết không tha một ai. Chúng ta đều có họ hàng với nhau, đều là huyết thống người Jarai. Đều ăn cái lúa trên rẫy, uống cái nước của Yàng. Nay Pôn Pốt truy lùng, chúng muốn giết cả làng. Bây giờ chúng tôi muốn nhờ cậy người anh em giúp đỡ…”, già Ksoi Rnhag nhớ lại.
Già làng người Campuchia nói xong thì đồng loạt các già làng ở Ia Pnôn bảo: “Các làng ở hướng Tây (chỉ Campuchia) với chúng tôi là anh em, là huyết thống người Jarai. Chúng ta không giúp nhau thì giúp ai?”
Sau khi bàn bạc, để bảo vệ cho hai làng người Campuchia, chỉ còn một cách là đưa hai làng này vào sâu trong địa phận Việt Nam. Sau đó các già làng cử những người trong xã đưa người của hai làng Trêl, làng Lăl vào giữa lòng của cụm các làng Chan, Bua, Ba (Ia Pnôn) dựng nhà, lập làng để sinh sống. Đồng thời chia nương, nhường rẫy cho người dân của hai làng mới này canh tác. Làng này sau được đặt tên là làng Trêl theo y nguyên tên làng cũ ở Campuchia.
Và cũng từ đó, mối tình cảm khăng khít hơn. Mỗi khi làng có Pơ thi (bỏ mả), đám cưới, cúng lúa mới đều mời nhau uống ché rượu cần. Đâm trâu cũng chia cho nhau vài miếng đem về làm quà… Tình cảm sắc son là thế.
Rồi nạn diệt chủng cũng chấm dứt, bao mùa trăng sáng cũng là bấy nhiêu lần ngôi làng Trêl được mùa. Nhiều người dân ở Campuchia không muốn về “hướng Tây” nữa, họ ở lại với làng mới. Với cái nương, cái rẫy với những lễ hội cồng chiêng thâu đêm, đậm tình nghĩa anh em. Đâu chỉ có thế, mà cũng từ những mùa trăng sáng, những ngày hội làng lại thêm những tình cảm sâu nặng. Trai làng Trêl bị gái làng khác bắt làm chồng và ngược lại gái làng Trêl đi bắt trai làng khác làm chồng. Và như thế, những lần đâm trâu đám cưới lại làm cho tình cảm của cộng đồng thêm khăng khít, lại chuyện trò thâu đêm suốt sáng, ché rượu cần vơi rồi lại đầy. Rồi trai gái cùng nắm tay nhau nhảy trong ánh lửa, tiếng cồng chiêng vang núi rừng…
Già Ksoi Rnhag (80 tuổi, là người gốc Campuchia, hiện trú tại làng Trêl, xã Ia Pnôn) kể về tình cảm giữa hai làng vùng biên giới với Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn- Rơ Chăm Kluch.
|
Hạt muối cắn đôi
Già Rơ Châm Alunl (72 tuổi, trú tại làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) trầm ngâm nhớ lại: “Năm 1976, lúc ấy tôi là cán bộ đoàn của xã, khi nhận nhiệm vụ cùng thanh niên bảo vệ người dân Campuchia, ai cũng lo lắng. Chúng tôi tập trung thanh niên trong làng, chia ra nhiều tổ để canh chừng kẻ xấu trà trộn vào làng. Tổ khác đi thông báo với cộng đồng Jarai: “Nếu ai có hỏi gì về người của làng Lăl và làng Trêl qua thì không được nói. Đồng thời đi tìm những người dân nước bạn cảnh báo nên cẩn thận khi đi ra ngoài. Nếu gặp người lạ hỏi thì nói đó là người của các làng ở xã Ia Pôn. Tuyệt đối không được nói đó là người Campuchia sang ở”.
Đúng như dự đoán, chỉ khoảng một thời gian sau, có một số đội quân của Pôn Pốt men theo dấu vết của làng người Campuchia để tìm tới dò la. Tuy nhiên các thanh niên, du kích đã xua đuổi bọn này ra khỏi địa phận, giữ bình yên cho làng mới lập nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, Rơ Châm Khiêm còn nhớ như in: “Năm 1975, lúc ấy cả đất nước vừa mới giải phóng. Người dân xã Ia Pnôn ai cũng nghèo, cũng khổ. Cái gì cũng thiếu thốn, đói rách. Đến năm 1976, khi người dân Campuchia cần sự giúp đỡ thì lúc ấy chỉ có thể là sự san sẻ. Có lúa chia lúa, có con thú rừng mới săn về được cũng chia cho nhau. Rồi dựng nhà mới thanh niên trai tráng trong các làng đều góp sức… Sau khi tình hình Campuchia ổn định, khoảng 60% hộ dân của làng Trêl xin phép được trở về làng cũ. Cho đến nay số người dân Campuchia ở lại vẫn sinh sống yên bình ở làng Trêl. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Với những nghĩa tình gây dựng, với huyết thống của người Jarai, họ vẫn thường qua lại thăm nhau, cùng động viên nhau làm ăn”.
http://www.baogiaothong.vn/lang-campuchia-tren-dat-viet-chung-che-ruou-can-d113942.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét