Cách mạng giáo dục
Ảnh minh họa
Mấy ngày, dư luận lên cơn bão với phát biểu của cậu bé học lớp 8 về giáo dục, nào là thối nát, nào là cải tiến cải lùi, nào là cách mạng… Người khen kẻ chê.
Cá nhân tôi, tôi không ủng hộ việc lan truyền lời nói của cậu bé này. Cho dù mọi người có mong muốn một Joshua Wong của Việt nam đi nữa thì tôi vẫn nghĩ, rằng cậu bé đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, lẽ ra, chưa đến lúc để cậu có thể thốt ra những từ ngữ tiêu cực như vậy.
Tuy nhiên, không ai phủ nhận được những điều cậu bé này nói ra. Tôi không công kích ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay bất cứ cá nhân nào, dù rằng đã từ lâu, tôi mất niềm tin vào hệ thống giáo dục nước nhà, ở tất cả các cấp học. Bản thân tôi, dù muốn hay không, cũng là một sản phẩm của hệ thống ấy và hiện đang góp một phần nhỏ công sức vận hành cái hệ thống ấy. Nên không thể im lặng mãi được.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt vụ giết người dã man xảy ra khắp nơi trên đất nước này. Thời gian gần đây, bao nhiêu người Việt nam ra nước ngoài ăn cắp, thể hiện những thói hư tật xấu, để cho người ta phải viết tiếng Việt cảnh báo. Các cô gái Việt nam ra nước ngoài bán dâm lậu, để cho hết Thái lan đến Singapore đưa ra những chính sách nhục mạ phụ nữ Việt nam…
Trong khi nền kinh tế của chúng ta đang trì trệ, người nghèo còn đang chiếm tỉ lệ cao cho dù chuẩn nghèo của chúng ta đã rất thấp, thì một bộ phận quan chức vẫn tìm mọi cách ăn chặn từng đồng, từng gói mì, con gà… mà nhân dân các nơi quyên góp hoặc ngân sách cấp cho người nghèo. Một số rất lớn người dân, trong đó có không ít trí thức, thì đắm chìm vào bia rượu, biến đất nước chúng ta thành một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới.
Trong khi nợ công ngập đầu, đến mức đất nước chúng ta được xếp thứ 12 trong số những nền kinh tế nguy hiểm nhất về nợ công trên thế giới, thì các nhà lãnh đạo đất nước đưa ra chương trình xây hàng loạt tượng đài Hồ Chủ Tịch, người đã kiên quyết từ chối xây tượng của mình, đã luôn kêu gọi thực hành tiết kiệm. Một số quan chức khác thì “tâm tư” khi không được xây công trình tượng đài nghìn tỉ…
Tất cả những điều trên đây đều là hệ lụy của một nền giáo dục sai hướng. Nền giáo dục của chúng ta nặng về giáo dục tư tưởng cách mạng mà ít chú trọng đến giáo dục về lòng tự trọng, về nhân cách, nặng về đề cao lòng căm thù mà nhẹ về tình thương yêu con người, đồng loại, nặng về tính giai cấp, mà nhẹ về tính nhân văn, nặng về hình thức, phô trương, sáo rỗng mà quên mất thực chất…
Có vẻ như chúng ta đang đào tạo ra thừa những chiến sĩ cách mạng, yêu chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng, nhưng lại luôn ỉ lại vào sự ban phát, mà thiếu những công dân yêu đất nước, yêu hòa bình, sẵn sàng và biết dùng sức lao động và trí tuệ của mình để làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
40 năm qua, nước nhà thống nhất, ngoại trừ những người Việt nam ưu tú được thế giới biết đến thông qua chiến tranh, có mấy người Việt nam trở nên ưu tú, được thế giới biết đến mà không có sự thoát li khỏi nền giáo dục của Việt nam? GS. Ngô Bảo Châu, vận động viên bơi lội Ánh Viên… đều phải thoát li ra khỏi nền giáo dục của Việt nam. Những tài năng đi thi quốc tế của chúng ta quay về nước đã làm được gì? Những cầu thủ thần đồng của chúng ta như Văn Quyến, khi đá bóng ở trong nước sẽ thế nào? Chắc tất cả chúng ta đều nhìn thấy những điều đó.
Trong khi đó, các nhà cải cách giáo dục hết loay hoay, nhầm lẫn 34.000 ngàn tỉ đồng với những con số khác. Khi muốn xây dựng một căn nhà, bạn phải biết căn nhà mà bạn xây dựng sẽ như thế nào, cao, to, dài, rộng ra sao, nhà dùng để làm gì, bố trí vật dụng ra sao…
Bạn không thể cứ xây, rồi muốn ra sao thì ra. Với cách làm như vậy, chúng ta sẽ xây được cái gì, nếu không “thối nát” như lời cậu bé kia thì nó cũng chỉ là một cái chuồng người, chứ làm sao mà có được một ngôi nhà, một biệt thự, một lâu đài… như mơ ước của bao thế hệ cha ông chúng ta mà vì những mơ ước ấy, họ đã không tiếc máu xương mình.
Như vậy, có cần không một cuộc cách mạng trong giáo dục? Câu trả lời có vẻ như không khó lắm.Võ Xuân Sơn

Một luận điểm sai lầm trong vụ "Cậu bé 14 tuổi phê bình Bộ Giáo dục" -
Một số đông dư luận đặt vấn đề, tại sao lại để một đứa bé 14 tuổi đứng lên chỉ trích Bộ Giáo dục như vậy, rồi cả đám người lớn hùa vào reo hò, tung hô nó, tiện thể “chửi” Bộ Giáo dục thêm? Như vậy, lũ người lớn kia đúng là bọn hèn nhát và cơ hội. Lẽ ra chúng phải thấy xấu hổ, nhục nhã mới phải.
Trước hết phải khẳng định rằng, việc một số người nêu vấn đề như vậy là quyền tự do ngôn luận của họ, không ai có thể cấm cản.
Tuy nhiên, thừa nhận như vậy rồi, ta vẫn phải nhận xét rằng họ nêu vấn đề sai; hay nói đúng hơn, họ không hiểu lắm về truyền thông (là chuyện bình thường). Hoặc, họ hiểu, nhưng cố tình lờ những nguyên tắc căn bản của truyền thông đi, để “lội ngược dòng” dư luận, thể hiện một chính kiến độc lập, khác biệt (cũng là chuyện bình thường).
Trong truyền thông, một trong các tiêu chí để đánh giá một sự kiện hay một vấn đề nào đó có xứng đáng được đưa lên mặt báo, có thu hút độc giả, gây sự chú ý của dư luận v.v. hay không, là: Sự kiện hay vấn đề đó có lạ, có mới không?
Sự kiện lạ, tức là sự kiện hiếm xảy ra. Ở đây, nếu người phát biểu những câu như “Suốt bao năm qua, các vị cải đi cải lại, cải tiến cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả” là một công chức về hưu, một cô giáo cấp II, hay một nhà báo chuyên viết về giáo dục... Thì chúng ta có thể thấy ngay là những lời đó sẽ rơi tõm vào thinh không. Sẽ không ai chú ý cả.
Và sự thực là những phát biểu chê trách Bộ Giáo dục đã xuất hiện quá nhiều, nhan nhản khắp nơi trong nhiều năm qua. Chúng có thể phát ra từ miệng các giáo sư ĐH đầu bạc hay hói, từ các quan chức về hưu đang mon men “phản tỉnh”, từ các thầy cô giáo sống đời công chức tương tự như “giáo Thứ” năm nào...
Chúng chẳng gây được ấn tượng gì cả. Càng nói càng nhàm.
Phát ngôn của của cậu bé 14 tuổi đang khuấy đảo truyền thông hiện nay - Ảnh: Từ Internet
Vậy nên, dễ hiểu tại sao những câu nói thẳng thắn, không lập luận, không lý lẽ, của một cậu bé 14 tuổi, lại gây “bão” dư luận. Video clip ghi âm cậu bé được gần nửa triệu lượt người xem chỉ sau 4 ngày.
Đơn giản vì sự kiện này quá lạ, quá hiếm khi xảy ra. Đã bao giờ có một đứa trẻ lên tiếng công khai chỉ trích Bộ Giáo dục chưa?
Và khi nó lạ, nó hiếm, thì nó khiến dư luận sôi lên là điều dễ hiểu, dễ thông cảm. Chẳng việc gì mà ai đó phải trách móc, đay nghiến đám đông: Tại sao các vị không phát biểu, lại để thằng bé đứng ra nói hộ rồi các vị vỗ tay? Chẳng có “đám đông ngu ngốc”, chẳng có “hiệu ứng bầy đàn” nào ở đây cả. Tất cả đều chỉ tuân theo những quy luật tâm lý và những nguyên tắc rất căn bản trong truyền thông.
Còn những ý kiến mạ lị vô căn cứ theo kiểu thuyết âm mưu “chắc chắn thằng bé này có người giật dây” thì chúng ta khỏi cần bàn ở đây.

Đoan Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét