Trời thương không đưa bão tới, sao người lại tự tạo mưa dông?

)
(GDVN) - “Đứng ở ruộng dưa, không cúi xuống sửa giày, đứng dưới tán cây ăn quả, không đưa tay sửa mũ” bởi những động tác ấy, dù rất đường hoàng vẫn có thể bị hiểu nhầm.
Câu chuyện con gái Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được bố trí 400 mét vuông đất tái định cư ở quận Cẩm Lệ có nguyện vọng chuyển về trung tâm thành phố, được chính quyền đổi cho diện tích 180 mét vuông tại ngã tư Trần Quý Cáp – Phan Bội Châu (quận Hải Châu), được một số cơ quan truyền thông phản ánh đang gây xôn xao dư luận.

Trong buổi họp “họp nóng” của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều 17/7, liên quan đến vụ việc, vtc.vn dẫn ý kiến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, rằng: “Việc người dân xin đổi đất tái định cư về trung tâm không có gì trái pháp luật và không phải cá biệt ở Đà Nẵng”. [1]

Cũng trong buổi họp, một số cán bộ chủ chốt của Đà Nẵng đã phát biểu ý kiến, Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng: "Đây là chủ trương chung của thành phố có từ trước đến nay, chứ không có gì sai”.

Bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng: "Nếu việc chuyển đổi không đúng quy trình thì người có thẩm quyền thực hiện chịu trách nhiệm chứ đâu phải do ông Thọ giả mạo giấy tờ, hay tác động gì để được đất cho con".[1]

Đồng tình với các ý kiến nêu trên còn có một số người khác như Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính... (vnexpress.net17/7/2015).

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Ông Thọ đã thẳng thắn, trung thực, không trốn tránh trách nhiệm. Và đây là bài học cho lãnh đạo chủ chốt của thành phố. Nó ảnh hưởng xã hội ghê gớm lắm.

Nếu chuyện xảy ra với người đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường là chuyện khác, nhưng đây là con của lãnh đạo thành phố, anh Thọ lại là Bí thư Thành ủy
". [1]
Kết luận của Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, (Ảnh chụp màn hình ngày 20/7/2015)
Quả thật, việc người dân được bố trí tái định cư ở nơi này có nguyện vọng chuyển sang nơi khác không có gì trái pháp luật, thậm chí nếu nơi chuyển đến là “đất vàng” mà giá lại rẻ hơn giá thị trường từ 50-70% thì càng “hợp lòng dân”.

Giá như Đà Nẵng phân lô đánh số sau đó cho tất cả những người đủ tiêu chuẩn tái định cư và nguyện vọng chuyển đổi chỗ ở bốc thăm công khai xác định vị trí thì chắc dư luận sẽ không có lý do gì để xì xào.

Người viết biết chuyện một địa phương ngoại thành Hà Nội đã có sáng kiến về chuyện bốc thăm đất rất đáng để cho nơi khác “học tập”.

Những người bốc thăm, mỗi người bốc một phiếu mang về chỗ ngồi, sau khi tất cả bốc thăm xong, từng người đứng lên đọc số lô đất mình bốc được. Thế là công bằng, thế là vui vẻ cả dân thường lẫn dân “không thường”.

Nếu chuyện này xảy ra ở nơi khác và vào thời điểm khác có lẽ chưa chắc đã xuất hiện nhiều ý kiến đa dạng như vậy.

Kết luận cuộc họp của Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khiến người đọc không khỏi phân vân. Có hai điều toát lên từ ý kiến này.

Thứ nhất, bằng cách đánh giá ông Trần Thọ là người “thẳng thắn, trung thực,không trốn tránh trách nhiệm”, ông Xuân Anh đã trực tiếp khẳng định ông Trần Thọ phải chịu trách nhiệm trong việc con gái ông được bố trí đất ở vị trí đẹp, vì ông phải chịu trách nhiệm nên mới “không trốn tránh trách nhiệm”!
Con Bí thư đổi đất tái định cư: “không sai, nhưng nhạy cảm...” (Ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, lời khẳng định ông Trần Thọ “không trốn tránh trách nhiệm” của Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh dường như không giống với ý kiến của một số Ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng mà vtc.vn và vnexpress.net [3] đã tường thuật?

Vậy thì ý kiến của một số thường vụ thành ủy Đà Nẵng có hoàn toàn đúng?

Một khi ông Trần Thọ đã “không trốn tránh trách nhiệm” thì ông phải chịu trách nhiệm đến đâu, khi cô Trần Thị Yến Minh, con gái ông Thọ trả lại thành phố lô đất đã nhận, liệu thành phố có sử dụng lô đất ấy vào sự nghiệp công ích hay lại phân cho người khác?

Nếu phân cho người khác thì thành phố Đà Nẵng, để tránh “ảnh hưởng xã hội ghê gớm lắm” có bắt buộc phải phân cho “người đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường” hay lại phân cho bất kỳ ai kể cả con lãnh đạo?

Câu chuyện 180 mét vuông đất của cô Yến Minh nếu mà so sánh với mấy ngàn mét vuông đất của con một Bí thư ngoài Bắc hay dinh cơ của con một nguyên lãnh đạo thanh tra trong Nam thì hơi khập khiễng song quả thật có gì đó rất đáng tiếc.

Nói đáng tiếc vì chuyện này xảy ra ở “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, và lại xảy ra với một cán bộ ở cương vị lãnh đạo cao nhất thành phố.

Càng đáng tiếc khi ông Huỳnh Ngọc Thơ trao đổi với Tuoitre.vn cho rằng việc con Bí thư Đà Nẵng đổi đất tái định cư: “không sai, nhưng nhạy cảm...”.

Người tinh ý đến mấy cũng không thể đoán định nội hàm của từ “nhạy cảm” mà ông Thơ đề cập là “nhạy cảm” vì điều gì?
Tuy nhiên, có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi này qua ý kiến của chính ông Trần Thọ mà Tienphong.vn tường thuật: “Tôi biết thời gian qua, tôi có nhiều quyết sách khá mạnh tay, tuy được lòng dân nhưng lại mất lòng một số người…”.[2] 
Tâm sự của ông Trần Thọ cho thấy một điều gì đó giống như sương mù, nhìn thấy rõ ràng nhưng lại chẳng thấy gì cả! Phải chăng chuyện “dư luận xì xào” quả đúng là do những quyết sách được lòng dân của thành phố do ông chỉ đạo đã làm “mất lòng một số người”?

Thiết nghĩ, đến đây thì câu chuyện 180 mét vuông đất của con gái ông Thọ chỉ là chuyện nhỏ, nhất là hôm 20/7/2015 cô Yến Minh đã viết đơn trả lại thành phố mảnh đất này.

Chuyện không nhỏ mà dư luận nên quan tâm là liệu thực sự có “một số người” “đục nước béo cò” đằng sau câu chuyện này hay không? Chắc chắn ý kiến của Bí thư Trần Thọ không phải là một phát biểu ngẫu hứng.

Thứ hai, ý kiến của Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh khiến người ta phải đặt câu hỏi, lẽ nào người “đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường” thì “có thể” mà con Bí thư lại “không thể”?

Phải chăng cần phải có sự phân biệt đối xử giữa “dân bình thường” và “con Bí thư”? Nếu quả như thế thì sự công bằng của công dân trước pháp luật chẳng lẽ chỉ tồn tại trên văn bản?

Ông Trần Thọ làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

(GDVN) - Thông tin từ Thành ủy Đà Nẵng cho biết: 100% số phiếu bầu Ông Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Người dân không hề mong muốn có sự phân biệt giữa con của cán bộ lãnh đạo, người thân của cán bộ với “người đạp xích lô, xe thồ”.

Một xã hội công bằng không chỉ bênh vực quyền lợi của người dân thường mà cũng phải tôn trọng quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức nếu đó là quyền lợi chính đáng.

Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam không có bất kỳ điều khoản nào phân biệt “người đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường” với “con của lãnh đạo thành phố”!

Tuy nhiên, người viết đồng tình quan điểm của ông Nguyễn Xuân Anh, rằng nhất cử nhất động của người đứng đầu tổ chức Đảng một địa phương có “ảnh hưởng xã hội ghê gớm”.

Bất kỳ ai, dù là dân thường hay quan chức cũng không nên ngây thơ cho rằng “thấy đơn giản” nên mới làm, có những sự việc trên đời, đơn giản với người này, nhưng lại cực kỳ khó khăn với người khác.

Người xưa có lời khuyên chí lý với bậc chính nhân quân tử, rằng “đứng ở ruộng dưa, không cúi xuống sửa giày, đứng dưới tán cây ăn quả, không đưa tay sửa mũ”bởi những động tác ấy, dù rất đường hoàng vẫn có thể bị hiểu nhầm là có ý ăn trộm.

Vậy nên bước chân vào chốn quan trường, cũng như đứng giữa ruộng dưa, nếu mà vẫn ngây thơ “cứ nghĩ rằng” hay “cứ tưởng” thì quả thật là hơi “cạn nghĩ”.
Chiều trên sông Hàn – Đà Nẵng (Ảnh: Xuân Dương)
Viết mấy dòng này, tự nhiên cảm thấy buồn buồn, dư âm những ngày hè Đà Nẵng vừa qua vẫn còn rất ấn tượng.

Đứng trên khách sạn Mường Thanh, cách cầu Rồng vài trăm mét, ngắm sông Hàn lúc hoàng hôn tuyệt đẹp, đám mây phía trời xa bên kia sông chẳng khác nào hình ảnh cầu Rồng in lên trời cao.
Trên đường đi lễ chùa Linh Ứng, người lái taxi nói, từ khi dựng xong tượng Bồ Tát, bảy năm nay Đà Nẵng không bị cơn bão nào.

Trời thương không đưa bão vào, sao người lại tự gây bão? Yêu Đà Nẵng và cũng tiếc cho Đà Nẵng, càng tiếc cho người Đà Nẵng, chẳng lẽ câu “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” không có lúc nào sai?
Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét