- CHÓ PHÚ QUỐC

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

(iHay) Xin lưu ý trước, những con chó tôi nuôi và đề cập ở đây là chó Phú Quốc, đó là do sự ngẫu nhiên, không phải do tôi trọng chó Phú Quốc hơn những con chó khác. 

Đối với tôi, có lẽ đối với nhiều người khác cũng vậy, bất cứ con chó nào cũng có thể trở thành một con chó kỳ diệu.




Thằng bầu, con của con Tu-ti và thằng Sung

Hai con chó đầu tiên của tôi tên Bim và Tu-ti, “xuất thân” từ trại chó Phú Quốc ở M’Đrăk (Đăk Lăk) của ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Bố mẹ chúng là chó Phú Quốc nòi, có số má, do ông Vũ cất công tuyển chọn. Ông Vũ chọn những con chó Phú Quốc thuần chủng đưa về đây nhằm bảo tồn cho được giống chó quý của dân tộc, một giống chó được thế giới biết đến và đề cao từ hơn 100 năm trước. Một lần lên thăm trang trại của ông, tôi rất thích đàn chó, khi ấy đã có hàng trăm con lớn nhỏ. Sau khi về, tôi được người phụ trách trang trại của ông Vũ gửi cho 2 con, một đực một cái, anh đã cẩn thận chọn hai con khác cha khác mẹ. Cả hai con đều là chó vện, 3 tháng tuổi.

Thằng Bim đã bị mất trộm sau khi cùng với con Tu-ti sinh hai lứa con. Tôi định mua một con chó đực về cho con Tu-ti “tái giá”, nhưng đi chọn mãi, con nào ưng ý thì người ta không bán, có bán thì cũng quá mắc tiền, nên khi con Tu-ti động dục, tôi mang đến trại chó Hoàng Hà của anh Tưởng Văn Quý ở Sài Gòn “gả” cho thằng Sung để lấy giống. Thằng Sung là cháu của thằng Đốm đi thi quốc tế được giải xuất sắc ở Paris. Anh Quý bảo, nếu phối với những con chó Phú Quốc thường thì anh cho “giao lưu” miễn phí, phối với con chó “xịn” anh lấy 3 triệu đồng, còn phối với thằng Sung thì nhất thiết phải có giá là 8 triệu. Nhưng không phải con chó cái nào anh cũng đồng ý cho phối với thằng Sung, phải con chó cái “đạt chuẩn” thì anh mới cho phối. Tôi nói chó của tôi đương nhiên là chó chuẩn, anh bảo phải dắt tới để anh xem có đúng chuẩn thật không, chứ chưa xem chó anh không hứa trước, chó cái không đúng chuẩn thì dù có trả bao nhiêu tiền anh cũng không cho phối với thằng Sung, có lẽ anh sợ mất uy tín con chó giống của anh nếu như những đứa con của nó không “đạt chuẩn”. Tôi mang con Tu-ti đến, anh xem, thừa nhận là chó chuẩn và đồng ý cho phối ngay với thằng Sung. Tu-ti sinh một lứa với thằng Sung. Lần thứ hai, tôi đưa đến phối tiếp, do chỗ đã quen biết nên anh chỉ lấy 6 triệu.

Bây giờ mẹ Tu-ti đang có 10 đứa con, đời chồng trước (thằng Bim) còn lại 2 đứa, tên là Chuối và Ổi. Đời chồng sau (thằng Sung) còn 8 đứa, lần lượt là Bầu, Bí, Ớt, Tỏi, Gừng, Nghệ, Hành, Ngò. Tất cả đều là chó vện.


Bầu

Đối với gia đình tôi, 11 con chó không phải là “vật nuôi” mà là những người bạn, là những đứa con của chính mình. Và tôi, đang phấn đấu trở thành con chó đầu đàn của 11 con chó.

Tôi học được rất nhiều điều khi xem chương trình của người dạy chó lừng danh thế giới Cesar Millan. Cái ông Cesar này dạy chó rất thú vị, hoàn toàn không giống cách dạy chó ở các trường huấn luyện. Triết lý xuyên suốt của ông là người nuôi chó không phải là người sở hữu, không phải là chủ của những con chó, mà phải trở thành bạn, trở thành một con đầu đàn (leader of pack).

Nếu bạn muốn là bạn của một con chó, hoặc là con chó phải “hạ mình” thành một con người hoặc là bạn phải “nâng mình” lên thành một con chó. Thành một con người thì phải chịu nhiều thị phi phiền não, nên tất nhiên con chó không có ý định đó, chỉ còn cách thứ hai. Con chó nghĩ đơn giản, khi nó thân thiện với bạn, nó nghĩ bạn là một con chó; khi nó trung thành với bạn, nó nghĩ bạn là con chó đầu đàn.

Nhưng để trở thành một con chó đầu đàn là quá trình không hề dễ. Tôi biết nhiều người cũng đã học cách của ông Cesar, coi đó là cách tốt nhất để dạy chó, điều đó không sai. Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ coi là cách thức, là thủ pháp thì không thể bền lâu được. Một leader phải có những phẩm chất thật của một leader. Những thứ “phẩm chất” giả tạo có thể có tác dụng nhất thời nhưng về lâu dài không thể qua mắt được ai. Trên thế giới có nhiều con chó danh tiếng lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của nhân loại, thiên hạ tôn vinh nó, dựng tượng nó, nhưng ít ai nghĩ đến phẩm chất của người nuôi nó. Không có một người nuôi xứng đáng thì không thể có những con chó như vậy. Con chó có thể thấy được, có thể cảm nhận được những thứ mà con người không thấy, không cảm nhận được. Là do con người bị mê chấp, thường yêu ghét theo những thiên kiến có sẵn trong đầu, còn con chó thì không. “Từ trái tim đến thẳng với trái tim”, áp dụng đối với con chó là đúng nhất.

Cho nên, muốn nuôi chó, không phải chỉ yêu thương lũ chó là đủ, mà trước hết bạn nên tự hỏi mình đã sẵn sàng trở thành một con chó đầu đàn hay chưa. Tôi không hề có ý đùa cợt khi nói phải “nâng mình” thành một con chó. Chính xác hơn, phải “nâng mình” lên hai cấp, cấp thứ nhất là trở thành một con chó, cấp thứ hai là trở thành một con chó đầu đàn. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân


3 nhận xét: