12 CON GIÁP. (Kỳ 1/12)



Từ tập quán “Đám cưới nhà chuột” để thấy tâm lý trong phong tục của dân tộc Trung Quốc


Mỗi độ xuân về, cả vùng đất Thần Châu nô nức treo tranh tết hoặc tranh cắt giấy để bày tỏ lời chúc phúc cho một mùa xuân mới tốt đẹp, đồng thời cũng để tăng thêm không khí vui mừng đón tết. Trong những bức tranh tết và tranh cắt giấy phổ biến có bức “Đám cưới nhà chuột” hoặc “Chuột cưới vợ”.

Xem bức tranh “Đám cưới nhà chuột” tưng bừng cờ long đèn hoa, đội lễ nhạc kèn trống rộn ràng, nhà chuột nô nức hân hoan, cảnh đó khác nào bức tranh ngày cưới trong dân gian. Có những bức vẽ đội đưa dâu có 2 con chuột giương cao lá cờ “Chính đại” “Quang minh”, khiến người xem không khỏi phì cười. Bọn chuột ngông nghênh lại ra vẻ đường hoàng ngay thẳng, quả là khôi hài? Đội khiêng kiệu hoa, đội lễ nhạc, đội đưa dâu, tất cả đều vẽ hình chuột, riêng cô dâu chú rể thì mỗi bức vẽ có khác.

Bức tranh tết “Đám cưới nhà chuột” của hiệu tranh Bửu Duyệt Lai tại Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam đời Thanh vẽ cô dâu chú rể đều là chuột. Tranh ghép in tại Miên Trúc tỉnh Tứ Xuyên đời Thanh thì chú rể là chuột, cô dâu là người. Tranh tết khắc gỗ đời Thanh tại Giáp Giang tỉnh Tứ Xuyên thì cô dâu chú rể đều là người. Tranh tết dân gian vùng Sơn Tây lại vẽ cô dâu chuột và chú rể mèo.

Còn những tranh cắt giấy trong dân gian lại càng đa dạng, muôn màu muôn vẻ, có cái tả thực, có cái phô trương, có cái chỉ có vài con chuột khiêng kiệu cưới, lời ngắn ý sâu, khiến người xem phải suy ngẫm, có cái lại đông đến hàng trăm con, trông rất náo nức, khiến người xem phải thán phục.

Tập tục “Đám cưới nhà chuột” chẳng những được thể hiện trên tranh tết, tranh cắt giấy, mà nó còn là một loại hình cúng tế chuột. Loại hình này thịnh hành ở nhiều nơi tại Trung Quốc, ngày cúng có khác nhau tùy mỗi nơi. Ở vùng Tô Bắc vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, Tô Nam vào mùng 1 tháng giêng, một số nơi ở Hồ Nam vào ngày mùng 4 tháng 2, vùng đồng bằng Giang Hán ở Hồ Bắc vào ngày 23 tháng 12, Tứ Xuyên vào đêm Trừ tịch, Sơn Đông, Sơn Tây vào mùng 7 tháng giêng, một số nơi ở Thiểm Tây vào mùng 10 tháng giêng, Hà Bắc vào 17 tháng giêng.

Cách cúng tế chuột ở mỗi nơi cũng có khác. Ở vùng Giang Nam, trước ngày chuột xuất giá, nhà nào cũng phải làm kẹo mè, tục truyền đây là loại kẹo cưới của chuột, đêm đó trẻ con mang bánh kẹo, gạo, hoa quả để ở nơi chuột thường qua lại, sau đó gõ vào nắp nồi, gầu xúc ...... để thúc giục chuột. Một số vùng Thiểm Tây vào đêm mùng 10 tháng giêng, mọi người tắt đèn ngủ sớm, trước khi ngủ, rải gạo muối ở góc nhà cho chuột, tục gọi là “chia tiền cho chuột”. Vùng Tư Hưng tỉnh Hồ Nam thì lại thắp đèn ở góc nhà và lối đi cho sáng rực rồi đi ngủ sớm, cấm trẻ con quấy phá ồn ào. Một số vùng Tô Nam, Tri Xuyên tỉnh Sơn Đông vào ngày chuột xuất giá, cả ngày không được đốt đèn và căn dặn trẻ con không được nói chuyện, để lại đôi giầy làm kiệu hoa, vỏ hạt dưa, vỏ đậu phộng làm quả.

Tục cúng tế chuột vào ngày “Đám cưới nhà chuột” có lẽ bắt nguồn từ tín ngường Tôtem thờ chuột của xã hội nguyên thủy. Trong “Sơn Hải kinh” miêu tả rất nhiều loại chuột đặc biệt kỳ lạ. Từ đó ta thấy người xưa rất sùng bái chuột. 

“Sơn Hải kinh - Tây Thứ tứ kinh - Điểu thử đồng huyệt sơn” kề về chuyện chim và chuột ở cùng một hang trong núi, chúng đào đất làm hang, chuột ở bên trong, chim ở bên ngoài, chung sống hòa bình. 

“Sơn Hải kinh - Bắc Sơn kinh - Đơn Huân sơn” ghi lại rằng: Trong núi có một loài thú có hình dáng giống chuột, đầu thỏ, thân nai, tiếng kêu như chó, dùng đuôi làm cánh bay, tên gọi chuột nhĩ, ăn thịt nó có thể trị được các loại độc.

Trong cuộc sống hiện thực cũng có lưu giữ lại những Tôtem chuột. Ở vùng núi Bu-răng Mãnh Hải tỉnh Vân Nam, dân tộc Bu-răng thời xưa có tục tế chuột chũi, được tổ chức vào ngày Cương Vĩnh (ngày kiêng kỵ của thôn trại) tháng 4 và tháng 9 hàng năm theo lịch của dân tộc Thái (tức tháng 2 và tháng 7 dương lịch). Vào ngày đó, trưởng làng sẽ dẫn dân trong trại đi lên núi bắt một con chuột chũi để làm lễ cúng tế, họ đội vòng hoa và khóa chuột vào một cây gỗ, 2 người khiêng nó đi một vòng trong làng, sau cùng đến nhà trưởng làng, họ chặt lấy đầu chuột để lại cho trưởng làng, còn mình chuột thì chặt vụn ra phân chia cho các hộ mang về để tế thần. Người dân tại đây cho rằng việc cúng tế này mang đến cho dân làng “Hồn cốc” để mọi người được ấm no đầy đủ. Nó giống với tâm lý tín ngưỡng “chuột” mang đến hạt giống, mùa màng bội thu trong chuyện “Chuột và ngũ cốc”.

Tranh Tôtem vật tổ chuột được lưu truyền tại vùng Lạc Xuyên tỉnh Thiểm Tây có tranh cắt giấy “Người bay bế đứa bé búi tóc” rất đặc sắc, tranh được cắt thành hình người, nhưng 2 chân, mặt, toàn thân đều có lông, sắc diện như chuột, 2 cánh tay dang ra, nách rộng như đôi cánh, làm tăng thêm nét thần thoại.

Hiện tượng sùng bái chuột như trên thực tế đã phản ánh trạng thái tâm lý rất phức tạp, mâu thuẫn của con người. Con người đánh giá chuột theo 2 cực trái ngược nhau, vừa yêu lại vừa ghét.

Nguyên nhân đó chính là do một mặt con người cho rằng chuột đã có cống hiến rất lớn cho loài người như mang đến ánh bình minh, mang đến hạt giống ngũ cốc ...... thì đương nhiên phải được thờ phụng, mặt khác chuột lại là mối nguy hại quá lớn đối với cuộc sống của con người, những tai họa do nó gây ra còn lớn hơn cả cọp, ăn vụn lương thực, phá hoại mùa màng, hủy hoại nhà cửa, cắn hỏng sách vở quần áo, tai hại hơn cả là bệnh dịch hạch, một khi bệnh lan rộng ra thì gây chết người vô số kể, nó làm cho cả thành phố hay làng mạc trở nên chết chóc hoang tàn trong phút chốc. Họa chuột nguy hại đến thế, tất nhiên con người phải cố hết sức để tiêu diệt chúng. Song sức sống của chuột khá mãnh liệt, sự sinh sôi nảy nở của chúng rất kinh người, lại thông minh đa mưu túc kế, thích ứng với môi trường rất nhanh. Vì thế mà con người diệt mãi vẫn không hết được và cảm thấy bó tay. Và do đó con người chỉ còn biết vừa tổ chức cúng tế đuổi chuột, vừa coi nó như thần linh thờ cúng bất đắc dĩ. Trong thực tế nơi nào có chuột phá hoại thì nơi đó có thờ cúng chuột. Nguyên nhân quan trọng thứ 3 là con người luôn luôn ngưỡng mộ khả năng sinh sôi nảy nở mạnh mẽ của chuột. Vì vậy nó trở thành tượng trưng của “Đa tử đa phúc” trong dân gian.

Tục “Đám cưới nhà chuột” đã thể hiện rõ tâm lý mâu thuẫn yêu - ghét, đuổi - mong của con người đối với chuột. Tục này đã chứng minh cho 3 nguyên nhân đã nêu trên.

Con người dùng gạo, muối, bánh trái để cúng tế chuột là một tục lệ thể hiện sự sùng  bái, giao hảo và ao ước “Chung sống hòa bình” cùng chuột của người xưa.

Con người không thắp đèn, không ồn ào, vì sợ phá vỡ không khí cưới xin náo nức của nhà chuột. Trong dân gian có câu “Người phá chuột một đêm, chuột phá người cả năm”. Chuột là mối họa cho người, gả chuột đi còn có ngụ ý “Tiễn đi”, thể hiện lòng mong mỏi tiêu diệt chuột của con người. Trong những bức tranh “Đám cưới nhà chuột” sau này có sự xuất hiện của mèo đực, càng bộc lộ quan niệm về cái thiện, cái ác của con người, thậm chí còn có những vở hài kịch “Chuột mèo kết duyên”, đó là nỗi mong ước tiêu diệt họa chuột, vươn tới chính nghĩa của con người ở vùng Hồ Nam có một trò chơi dân gian của trẻ con cũng nêu bật nội dung này. Trò chơi có sự tham gia của chừng 10 bé trai và bé gái, trong số đó chọn ra một bé trai cao lớn khôi ngô làm “Chú rể mèo”, một bé gái xinh đẹp làm “Cô dâu chuột”, còn những bé trai khác làm người khiêng kiệu, thổi kèn, đánh trống, bé gái làm phụ dâu. Bất đầu trò chơi, đội kèn trống trổi nhạc lên, 2 người kiệu phu khỏe mạnh dùng 2 tay bắt chéo thành kiệu hoa khiêng cô dâu chuột đến bên “Chú rể mèo” đang chờ ở đầu bên kia, mọi người vừa đi vừa hát: “Chuột gả con, gả đi đâu, gả vào bụng mèo rồi!”

Ông Cận Văn Lâm nhấn mạnh ý nghĩa của việc tôn sùng việc sinh sản trong phong tục “Đám cưới nhà chuột”. Ông nói: “Chuột là “Thần tý”” * (Trong chữ Hán, Tý, Tử cùng một chữ. Tử nghĩa là con cái). Phong tục trong dân gian ví chuột là tý (tử), là tượng trưng cho con cháu đông đúc, sinh sôi nảy nở của nhân loại, nên ngày xuất giá của chuột lấy “Nhân nhật” * (ngày của người), ví chuột là người….. “Nhân nhật” là ngày mà con cháu loài người được sinh ra phồn thịnh ...... Chọn “Nhân nhật” để chuột xuất giá là coi chuột như vị thần của con cháu phồn sinh. Do đó, trong tranh cắt giấy “Đám cưới nhà chuột” thời xưa có chuột khiêng kiệu, còn chuột ngồi trong kiệu là vị thần bế đứa bé búi tóc đại diện cho con cháu phồn sinh. Điều này chứng tỏ phần nào ý nghĩa văn hóa trong “Đám cưới nhà chuột” là dấu hiệu của sự ao ước phồn sinh.

Tóm lại, “Đám cưới nhà chuột” là sự kế thừa và biến đổi đa nguyên, nó có ý nghĩa văn hóa phong phú. Từ tập tục này, chúng ta thấy được quan niệm về chuột của người Trung quốc. Chúng là mối nguy hại, phá hoại, gây dịch bệnh cho loài người, nhưng lại là con vật cát tường đa tử đa phúc. Người Trung Quốc mang tâm lý vừa sợ hãi vừa kính nể gán cho chuột những nét đặc trưng nhân văn của phong tục dân gian. Những câu chuyện kể trên đã thể hiện trạng thái tâm lý muốn đẩy lùi tai ương, cầu phúc cầu tự của người Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét