12 CON GIÁP. (Kỳ 1/12)
“Chuột” _ một con vật với vẻ ngoài không lấy gì đặc biệt, đứng đầu 12 con giáp đã đi sâu vào lòng người Trung quốc. Từ cổ chí kim, nó có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống của con người.
Trong dân gian, ngoài “Đám cưới nhà chuột” còn có rất nhiều phong tục liên quan đến chuột.
Trong âm lịch của người Hán có ngày của chuột vào ngày 25 tháng giêng. Ở vùng phía nam tỉnh Chiết Giang, vào ngày này có phong tục “Đánh mắt chuột”, nhà nhà rái đậu đen trong nhà để trừ khử chuột phá hoại.
Người Triều Tiên ở vùng đông bắc có tục “Lửa hun chuột” vào ngày mùng 1 tháng giêng, trẻ con rải rơm trên bờ ruộng rồi đốt, xem ngọn lửa thế nào để dự đoán mùa thu hoạch trong năm.Một số vùng Thanh Hải có tục “Hấp chuột mù” vào ngày 14 tháng giêng, nhà nhà dùng bột mì nắn thành 12 con chuột mù, sau đó đem đi hấp chín, đến ngày nguyên tiêu đặt vào mâm thờ thắp hương cầu xin chuột đừng phá hoại ruộng lúa, để trong năm thu hoạch tốt.
Còn có tục “Chuột đếm tiền”. Vào lúc đêm khuya hoặc trời sắp sáng, chuột kêu chít chít như tiếng đếm tiền đồng. Dân vùng Sùng Minh, Thượng Hải cho rằng nghe thấy tiếng kêu này là điềm gở, cần phải cẩn thận, thắp hương cầu bồ tát phù hộ. Còn dân vùng Hồ Bắc thì lại cho rằng nghe tiếng “chuột đếm tiền” là điềm lành. Dân vùng Chiết Giang thì cho rằng nghe tiếng chuột đếm tiền vào nửa đêm khuya đầu thì chủ được tài, nửa đêm khuya cuối thì chủ hao tài.
Tuy diện mạo chuột hèn mạt không lấy gì đặc biệt, nhưng từ cổ chí kim cũng có nhiều văn nhân kẻ sĩ không ngớt lời ca tụng chúng.
Ông Quách Phác người đời Tấn có bài “Phi thử tán”: “Hoặc dĩ vĩ tường, hoặc dĩ nhiêm lăng, phi minh cổ hàn, thốc nhiên giai đằng, dụng vô thường sở, duy thần tư bằng”. Bức tranh của con chuột vừa lấy đuôi vừa lấy râu để bay, thân hình linh hoạt, tốc độ nhanh chóng của nó đã được ông Quách Phác khắc họa rất sinh động.
Ông Trương Thiệu người đời Thanh có bài “Ngân thử”: “Hạnh sơn huyệt đa diệu linh ngô, lạp võng truy phong bổ kỷ hà? Soán địa tiệp ư đào nguyệt thố, khiêu không lượng bỉ trịch tinh thoa. Tùng lâm lựu phấn tiêu hoàn bế, tuyết giáo tranh huy lãnh khước quá. Tổng vị vi danh hạnh thế bửu, tân lai quán phục tạ y đa''. Đã miêu tả con chuột bạc linh hoạt như thỏ, sáng tựa những vì sao, khiến người nhìn không chán.
Tất nhiên, với thói xảo quyệt tinh ranh của chuột cũng không tránh khỏi bị người ghét bỏ, lấy nó để làm con vật phản diện dùng để khuyên răn con người.
Tề Cảnh Công hỏi Yến Tử: “Cái gì là mối tai họa cho con người?”
Yến Tử trả lời: “Chính là loài chuột sống trong đình miếu.”
Cảnh Cũng hỏi: “Nghĩa là sao?”
Yến Tử đáp: “Chuột này chuyên lấy cắp ở ngoài, ăn bám trong đình miếu, cậy vào thần thánh. Dội nước, e làm hỏng tường. Đốt nó, sợ cháy cột. Đó là mối tai hại của loài chuột này. Nay nó ở xung quanh Bệ hạ, đó là những kẻ hám lợi buôn vua cho ngoại ban, trong nước thì xu nịnh, cậy thế, nếu không trị chúng ắt sẽ làm rối kỷ cương phép nước, Bệ hạ tin dùng dung túng chúng, là mối tai họa của nước nhà.”
Cảnh Công than: “Hỡi ôi, thật thế sao?”
Yến Tử lấy chuột ví người, khuyên Cảnh Công cảnh giác với những kẻ nịnh thần, chuyên cậy quyền cậy thế, hại dân hại nước.
Trong nhiều tác phẩm văn học cũng có những ví von tương tự. Trong “Tam giới” của Liễu Tông Nguyên có một câu chuyện “Chuột Vĩnh Châu” kể rằng, ở Vĩnh Châu có một hộ gia đình, chủ nhà tuổi chuột, nên rất thích chuột, vì vậy có rất nhiều chuột đến đây làm tổ, ngày cũng như đêm ngang nhiên hoành hành. Vài năm sau, gia đình này dọn đi nơi khác, ngôi nhà đó đổi chủ mới, lũ chuột vẫn ngang nhiên như trước đây, chủ mới liền dùng mèo bắt, dùng nước dội, tích cực dùng mọi cách để tận diệt chúng, cuối cùng xác chuột chất chồng như núi.
Liễu Tông Nguyên mượn chuột ở Vĩnh Châu để chê trách những kẻ thừa nước đục thả câu, cậy thời cậy thế mà tác oai tác quái.
Trong ca kịch thông tục “Thập ngũ quán” cũng lấy chuột ví người, xây dựng một hình ảnh chuột Lâu A giết người cướp của. Trong Côn khúc “Thập ngũ quán” màn 7 có lời “Chuột là con vật đứng đầu 12 con giáp, há chẳng phải là loài gây họa đầu tiên hay sao?” Bộc lộ tâm lý căm ghét, lên án chuột của con người.
Trong ngôn ngữ, con người cũng thường hay lấy chuột để diễn tả các sự vật như: “Răng chuột sừng chim” ví những người hay thưa kiện, “Chuột mèo chung giường” ví với chuyện quan dân câu kết nhau bao che làm điều ác, “Chuột trộm chó cắp” chỉ những tay trộm vặt,”Chuột đi qua đường” để chỉ mọi người cùng hô giết, “Tầm mắt như chuột” ví những người có tầm nhìn hạn hẹp, “Chuột hóa hổ” chỉ tiểu nhân được thời cậy thế ...
Ngoài ra, còn có những câu nói dí dỏm và từ ngữ địa phương như “Một cục cứt chuột làm hư nồi cháo” (một con sâu làm rầu nồi canh), “Chuột chui vào hộp không đáy, chịu nhục ở cả 2 phía”, “Nước sôi dội chuột chẳng chạy vào đâu được”, “Chuột vẫy đuôi, không hề gì”, “Mèo khóc tang chuột giả từ bi” ......
Chuột trong cuộc sống con người không những có mối quan hệ mật thiết như đã nói ở trên, mà sự xuất hiện của nó trong giấc mơ cũng có nhiều cách giải lý thú. Theo cách giải mộng của Chu Công: Nếu mơ thấy mèo bắt chuột là được tiền tài, mơ thấy chuột bạch dẫn đường là điềm bảo thăng quan tiến chức, mơ thấy chuột cắn áo người là muốn gì được nấy, mơ thấy chuột và chim đánh nhau, sẽ có tố tụng. Chuột có ở trong hiện thực lẫn trong giấc mơ, nó thật sự thâm nhập vào cuộc sống con người ở mọi lúc mọi nơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét