12 CON GIÁP (Kỳ 1/12)
Con chuột thông minh, giàu sang sung túc
Vào thời xa xưa, loài người sống bằng việc săn bắt hái lượm, chưa biết phân biệt loại cây cỏ nào không có độc có thể ăn được, loại nào có độc ăn vào sẽ chết, vì vậy thường xuyên bị trúng độc. Dần dần con người phát hiện ra loài chuột rất thông minh, chúng kiếm ăn trong đêm nhưng chưa bao giờ ăn phải thức ăn độc. Từ đó con người học được cách phân biệt các loại thực vật có độc từ chuột.
“Tinh ranh xảo quyệt” dường như đã trở thành ấn tượng về chuột trong dân gian. Quả thật chuột có trí tuệ phi thường. Khi chúng ăn vụn dầu, chúng biết dùng cái đuôi thò vào miệng lọ chật hẹp để thấm dầu rồi rút đuôi ra đưa vào miệng liếm. Chúng còn biết lấy trộm trứng gà để ở trên bàn mang về ổ mà không làm vỡ trứng bằng cách tìm đồng bọn đến giúp, một con nằm ngửa lên bàn dùng 4 chân ôm chặt lấy trứng gà, con kia sẽ cắn lấy đuôi con ôm trứng khéo léo kéo đi dọc theo chân bàn đi xuống đất và về ổ.
Chuột còn có khả năng lợi dụng các công cụ. Một nhà khoa học người Mỹ đã làm một thí nghiệm kiểm tra trí thông minh của chuột, ông đặt 2 giàn giá treo trên 2 bên bức tường, trên giá bên trái có đặt miếng pho mát, bên cạnh giá bên phải đặt một cái thang, phía trên giữa 2 giàn giá có treo một cái rổ, ông lấy sợi xích nối giàn giá bên phải với cái rổ. Con chuột bạch sau giây phút do dự, nó leo từ cái thang lên giá treo bên phải, rồi lay động sợi xích để kéo cái rổ đu đưa về phía minh, lấy thế nhảy vào rổ, sau đó phóng lên giá bên trái lấy miếng pho mát.
Chuột thích xây ổ ở những nơi có thức ăn phong phú, ổ chuột thường có nhiều lối thoát để phòng bất trắc. Có một giống chuột đồng ở miền đông bắc có lối xây ổ rất tinh tế, cấu tạo như cung điện, kiến trúc phức tạp nằm dưới lòng đất, chẳng những có đường sá chằng chịt thông suốt mà còn có cả phòng ngủ, kho, nhà vệ sinh, phòng nghỉ rất tiện nghi.
Về mặt bảo toàn tính mạng của bản thân, chuột càng thể hiện sự tài trí thông minh của chúng. Con người thường dừng thuốc độc để diệt chuột, chỉ sau một thời gian, chúng đã biết phân biệt được mồi có thuốc độc hay không. Đôi khi chúng còn biết cách giải độc để toàn mạng sống và được no bụng. Khứu giác của chúng rất nhạy, có thể đánh hơi thấy thức ăn có độc hay không. Chúng còn biết cách lấy thức ăn trên bẫy chuột mà không bị bẫy trúng. Chúng cũng rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường, nơi nào có thêm cái bẫy chuột, chỗ nào có thêm viên đá, chúng đều hết sức cẩn thận để tránh va vào.
Nhà văn Tô Thức (Tô Đông Pha) đời Tống trong bài “Hiệp thử phú” (Bài phú con chuột ranh) đã kể chuyện về một con chuột rơi vào thế cùng đường nhưng cuối cùng đã thoát thân. Vào một đêm nọ, Tô Đông Pha nghe thấy tiếng chuột gặm thức ăn, bèn gọi tiểu đồng soi đèn tìm kiếm và phát hiện tiếng phát ra từ một cái túi, thì ra có một con chuột bị kẹt trong đó. Khi tiểu đồng đến gần mở túi ra lại không nghe thấy động tịnh gì cả, bèn soi đèn nhìn vào túi thì thấy trong đó có một con chuột chết, tiểu đồng kinh ngạc nói: “Sao đột nhiên lại chết thế?” vừa nói nó vừa nắm lấy đuôi con chuột chết đó vứt xuống đất, con chuột vừa chạm đất ngay lập tác vùng chạy biến mất. Thì ra con chuột cố ý gây ra tiếng động để người đến mở túi, rồi giả vờ chết, thừa lúc người không chú ý liền chạy thoát thân.
Con chuột thông minh như thế, không dễ bị con người bắt giết được, đồng thời nó lại là mối nguy hại lớn đối với con người, đó là lý do khiến con người thường “thất sắc” khi nói đến chuột. Tại một số vùng ở Trung Quốc, chuột được xem là “Thần Tài”. Người ta lại thích sự xuất hiện của chúng, có nơi mê tín cho rằng nếu nằm mơ thấy chuột thì sẽ phát tài. Ngày nay, những điều này nghe có vẻ quá hoang đường, nhưng có rất nhiều truyền thuyết xưa đã minh chứng cho sự mê tín này.
Trong truyền thuyết dân gian của nhiều vùng tại Trung Quốc, chuột đóng vai một anh hùng mang đến các hạt giống cốc cho nhà nông. Ở huyện Đồng Hương tỉnh Chiết Giang có lưu truyền câu chuyện “Chuột và ngũ cốc”. Tương truyền từ thuở rất xa xưa, các loại hạt ngũ cốc sinh trưởng tự do trên mặt đất, con người không cần cày cấy gì cả, các vị thần trên trời thấy con người ngày càng lười biếng, nên cho một vị thần xuống trần gian thu nhặt hết tất cả các hạt giống cốc cho vào một cái bao to mang về trời. Lúc đó, có một con chuột không biết lẻn vào cái bao to từ lúc nào, nó cắn thủng một lỗ ở đáy bao, 5 loại hạt giống được rơi ra. Con người lấy những hạt giống đó mang đi trồng, từ đó ruộng vườn lại sinh sôi trở lại. Thế là hạt giống ngũ cốc được lưu lại trong nhân gian.
Tương tự những truyền thuyết như thế còn rất nhiều. Điều này chứng tỏ dân gian cho rằng chuột là “Thần Tài” với một lý do rất quan trọng là mong muốn nó có thể mang đến cho con người hạt giống, để con người no đủ, không phải chịu đói.
Ngoài ra, những nhà được chuột đến viếng tức sẽ “dư ăn dư để”, chí ít nhà này cũng không bị đói. Sự xuất hiện của chuột là hàm ý không bị đói khổ, là mong ước”phú túc” (phú quí đầy đủ) của con người trong thời kỳ ăn không no thời xa xưa. Còn một nguyên nhân nữa là chuột thích tích trữ lại thức ăn, trong ổ của nó luôn luôn có các loại lương thực dự trữ. Điều này cũng là việc khiến con người cho rằng chuột tượng trưng cho sự “phú túc”.
Ngày dài tháng rộng, hình tượng “thông minh phú túc” của chuột đi dần vào cuộc sống của người dân Trung Quốc, từ đó trong dân gian hình thành nhiều phong tục tập quán thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét