Mỹ không trung lập trong giải quyết tranh chấp Biển Đông
(Tin tức 24h) - Mỹ không trung lập trong việc dùng luật pháp quốc tế giải quyết vấn đề Biển Đông và sẽ hành động mạnh mẽ để bảo đảm các bên tuân thủ luật.
Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ
Đó là khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel tại Hội thảo thường niên lần thứ năm về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) tổ chức hôm 21/7.
Theo ông Russel, Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và đường băng trái phép ở Biển Đông với tốc độ nhanh chưa từng có.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel |
Nhắc lại quan điểm Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng cũng nói rõ hơn về khái nhiệm "trung lập" trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, tính trung lập kia chỉ xét đến thái độ với "các bên có tuyên bố chủ quyền", chứ không phải là cách thức giải quyết tranh chấp, chuyên san The Diplomat (Nhật Bản) dẫn lời ông Russel cho biết.
"Chúng tôi không trung lập khi nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ hành động mạnh mẽ để buộc các bên tuân thủ luật lệ… Chúng tôi đang thúc đẩy các bên làm sống lại tinh thần hợp tác”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Washington đang hối thúc các bên có tranh chấp ở Biển Đông tạo dựng bầu không khí và các điều kiện cần thiết để xử lý tranh chấp hòa bình, ngoại giao, đúng luật, dù có xuất hiện căng thẳng gần đây do một số hoạt động của Trung Quốc.
Ông nói rằng Washington sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình theo những cách thức khác nhau: Tuân thủ các cam kết đồng minh, an ninh, trợ giúp có hiệu quả đối với các tổ chức tại khu vực, tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc ngoan cố
Một vấn đề nóng cũng được đề cập tại hội thảo là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc.
Một số học giả cho rằng nếu tòa án có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) thụ lý và ra phán quyết có lợi cho Philippines, đó sẽ là một sự khích lệ cho khả năng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, các học giả cũng đề cập tới vấn đề phán quyết của tòa án tuy mang tính ràng buộc pháp lý, song lại không có cơ chế thực thi, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cách hành xử của Bắc Kinh.
Đại diện của Trung Quốc ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông, tiếp tục tuyên bố Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền của mình trong hoạt động xây đảo.
Phía Bắc Kinh đặc biệt bày tỏ lo ngại việc Nhật Bản tham gia vào tình hình Biển Đông cũng như việc “Philippines đơn phương kiện Trung Quốc” ra toà quốc tế.
Đề nghị của Trung Quốc với Mỹ là “giữ Nhật Bản không được tham gia vào tình hình Biển Đông... vì việc này không đóng góp được gì và cũng không giúp ổn định khu vực”.
Ông Trần Trường Thuỷ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam bày tỏ lo ngại việc lấn đất ngoài biển khiến Trung Quốc tăng sự hiện diện và tăng mối nguy cơ xung đột trong tương lai.
Theo ông, Bắc Kinh có thể dùng các đảo nhân tạo này để “diễn đạt lại” luật biển UNCLOS và lập luận rằng các đảo nhân tạo có thể sống được cho nhân sinh và biến “đá thành đảo”.
Cũng theo ông Trần Trường Thuỷ, tình hình Biển Đông giờ quan trọng về mặt chiến lược hơn là thuần tuý về mặt tài nguyên như trước.
http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-khong-trung-lap-trong-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong-3278486/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét