Bà Nguyễn Thị Tâm, người xã Bình Hòa Tây thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, gần nơi xảy ra vụ va chạm giữa người dân hai nước, nói với VOA Việt Ngữ rằng bà cảm thấy quan ngại về tình hình hiện nay trên biên giới Tây Nam:
“Mình cũng lo, thực sự là lo. Sao không lo được? Mình phải chuẩn bị cho một tư tưởng có gì xảy ra thì phải dzọt, nếu không thì chết. Chiến tranh xảy ra thì phải đi lánh”.
Bà Tâm cho biết thêm rằng chính quyền ở địa phương cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không làm phức tạp thêm tình hình.
Người phụ nữ này lên tiếng 2 ngày sau khi một đoàn gồm hàng nghìn người Campuchia do các dân biểu đối lập dẫn đầu đã tới khu vực biên giới tranh chấp mà họ cho rằng Việt Nam đã lấn chiếm.
Không giống chuyến đi rầm rộ lần trước, dẫn tới xô xát giữa hai phía, cuộc đối đầu hôm 19/7 không xảy ra bạo lực, dù các bức ảnh cho thấy hàng nghìn người đứng khá gần nhau, tay lăm lăm gậy gộc.
Các nhà quan sát nhận định rằng nếu vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia không được giải quyết sớm, những lần đối mặt trong tương lai có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn tới các hệ quả khó lường.
Bà Vũ Chi, một người buôn bán trên biên giới Việt Nam – Campuchia, cũng có chung tâm trạng với bà Tâm.
“Ai cũng lo. Nói chung người Việt Nam hay Campuchia ai cũng lo. Cái người mà gây ra những chuyện này họ đứng sau lưng họ giật dây, chứ dân làm ăn chẳng ai muốn chuyện gì hết. Những người quấy rối là những người ở xa tới còn dân địa phương ai cũng thủ (không manh động)”.
Trong khi đó, báo chí Campuchia mới dẫn lời ông Sar Kheng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, lên tiếng kêu gọi dân làng sinh sống tại khu vực biên giới tranh chấp với Việt Nam giữ bình tĩnh, trong khi chính quyền hai bên đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề biên giới hiện thời.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc xử lý vấn đề này là chuyện phức tạp và cần phải kiên nhẫn. Ông Sar Kheng cũng yêu cầu các quan chức địa phương bảo đảm rằng người dân Campuchia trên biên giới không cho người Việt thuê đất.
Bộ trưởng Nội vụ Campuchia cũng yêu cầu chính quyền địa phương đóng bất kỳ hành lang qua lại phi chính thống trên biên giới và bắt giữ bất kỳ ai tìm cách vượt biên trái phép.
Bà Nguyễn Thị Mai Trinh, một người dân sống ở xã Bình Hòa Tây, cho biết dù tình hình biên giới Tây Nam khá căng thẳng trong thời gian qua bà vẫn an tâm vì có sự canh gác của lực lượng biên phòng Việt Nam. Bà nói:
“Tôi không thấy lo lắng gì cả. Chỉ có một số người người ta hơi hoang mang. Tôi thấy ở đây an ninh cũng tốt rồi biên phòng cũng đi tuần tra nên không cảm thấy lo lắng gì cả”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã lên tiếng nói rằng những vụ va chạm trên biên giới vừa qua là do “các phần tử quá khích Campuchia gây ra”.
Cũng trong tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã viết thư ngỏ gửi cho chính phủ Pháp, Anh và Mỹ để yêu cầu các nước này giúp về vấn đề bản đồ phân định biên giới với các nước láng giềng, nhất là Việt Nam.
Tin cho hay, ông Hun Sen cho rằng Pháp có thể nắm giữ bản đồ gốc vẽ vùng biên giới khu vực Đông Dương nhiều năm trước và yêu cầu Tổng thống Pháp Francois Hollande cho mượn một bản copy bản đồ này.
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron vì cho rằng hai nước này có thể có bản đồ gốc được quốc tế công nhận những năm 60.
Ông Hun Sen nói rằng việc mượn bản đồ này nhằm “chấm dứt tình trạng kích động chủ nghĩa [dân tộc] cực đoan đã gây ra tình trạng rối rắm ý kiến trong nước lẫn trên trường quốc tế”.
Trước đó, người đứng đầu chính phủ Campuchia cũng đã viết thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, yêu cầu mượn bản đồ gốc mà chính quyền Phnom Penh đã nộp cho tổ chức này hàng chục năm trước.
Tuần trước, LHQ đã trả lời rằng cơ quan này đã “cung cấp cho Campuchia thông tin có liên quan mà chúng tôi có thể tìm thấy và chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Campuchia yêu cầu”.
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét