Đừng để con cái mắc kẹt trong “giấc mơ” của cha mẹ
Sẵn sàng ra tay sát hại những người thân yêu trong gia đình, hoặc lên các trang mạng xã hội nói xấu đấng sinh thành bằng những từ ngữ đầy tục tĩu vì bị cấm yêu, cấm chơi... đã không còn là những câu chuyện xa lạ trong thời gian qua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức của giới trẻ?
Thạc sỹ Lê Thị Thanh Thủy: "Sự áp đặt của cho mẹ vô hình trung đã trở thành bức tường ngăn cách khiến các em bị ảnh hưởng tâm lý, bị trầm cảm và có nguy cơ tách rời cha mẹ"
Từ một vụ án đau lòng...
Mới đây, Theo tờ Washington Post, vụ án cô gái gốc Việt Jennifer Pan, 28 tuổi, sống cùng cha mẹ ở Canada, thuê người giết hại chính cha mẹ ruột của mình đã gây xôn xao dư luận. Pan được cha mẹ coi như con gái “vàng” và luôn áp đặt cô phải có những thành tích học tập cao nhất. Ngoài việc học tập ở trường, Pan bị cấm tham dự thêm bất cứ hoạt động nào khác được cha mẹ cô cho là không phục vụ cho một tương lai tươi sáng.
Chính điều đó đã gây áp lực cho Pan, cô đã bị trầm cảm. Bắt đầu từ năm học cấp 2, việc học tập của cô bị sa sút dần, và cô không tốt nghiệp được cấp 3. Nhưng vì muốn đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ, Pan đã làm giả tất cả các giấy tờ, từ báo cáo, thư từ, học bổng hay bảng điểm đại học,... để đạt sinh viên hạng A.
Tuy nhiên, không lâu sau, cha mẹ Pan đã phát hiện sự thật và coi cô là đứa con gái hư hỏng, đồng thời cấm cô sử dụng tất cả các thiết bị internet, điện thoại,... Hậu quả đau lòng là cô đã thuê sát thủ giết cha mẹ mình vì suy nghĩ “Cuộc sống của mình sẽ tốt hơn chừng nào nếu không có họ”. Kết cục, hồi tháng 1 vừa qua, Tòa án Canada đã tuyên án Pan tội giết người cấp độ 3 và phạt cô tù chung thân.
Sau khi câu chuyện gia đình Pan được hé lộ, rất nhiều người đã lên tiếng chỉ trích hành động và sự thiếu suy nghĩ của cô gái trẻ. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, việc tạo áp lực quá lớn cho con cái cũng là một trong những nguyên nhân khiến những đứa trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, không kiểm soát được bản thân.
Dưới góc độ của một người nghiên cứu về tâm lý học, Thạc sỹ Lê Thị Thanh Thủy, Giảng viên khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, sự áp đặt quá khắc nghiệt của cha mẹ đôi khi bị nhầm lẫn bởi những từ như yêu thương, kỳ vọng, quan tâm, lo lắng cho con… Tuy nhiên sự áp đặt quá khắc nghiệt lại thường bộc lộ rất khác biệt trong giao tiếp, đó là những phản ứng tiêu cực.
Thạc sỹ Thủy chia sẻ “Sau khi đọc xong câu chuyện về vụ án hy hữu này, tôi bị ấn tượng bởi 3 thứ, đó là hành vi che đậy sự thật về kết quả học tập của Jennifer Pan, sự áp đặt quá khắc nghiệt của cha mẹ và hành vi bị dồn vào bước đường cùng đó là thuê sát thủ giết hại cha mẹ mình”.
Một đứa trẻ phải tìm cách “đeo mặt nạ” ở rất nhiều nơi, nhiều lúc trong cuộc sống của mình, với người thân của mình trong một thời gian khá dài như vậy. Lúc đầu có thể chỉ là hành vi nói dối, giấu diếm, làm giả giấy tờ, bảng điểm nhưng sau đó những hành vi này trở thành những thứ không thể thiếu và chi phối toàn bộ cuộc sống của Pan. Ở câu chuyện này, Pan quá đáng thương và khổ sở khi không được sống thoải mái, sống thật với con người mình.
Nếu phụ huynh phản ứng quá tiêu cực với con cái, với một em vốn bản tính hiền lành luôn vâng lời cha mẹ thì sẽ khiến các em cảm thấy ấm ức, buồn nản, thất vọng với cuộc sống, thất vọng với cách ứng xử của cha mẹ. Còn với những em cá tính thì như chúng ta biết rồi, gào khóc, đập phá thậm chí còn dọa giết cả bố mẹ, người thân.
Đây là một câu chuyện rất hy hữu, tuy nhiên lại cho chúng ta thấy rằng xã hội ngày càng phức tạp, tội phạm là thanh thiếu niên đang ngày càng nhiều, thanh thiếu niên đang đứng trước rất nhiều nguy cơ.
Những hành vi sai lệch?
Ngoài câu chuyện trên, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều câu chuyện đáng buồn khác do những thanh thiếu niên gây ra. Chẳng hạn như, tháng 6 vừa qua, tại thành phố Huế, đứa con trai duy nhất đã sẵn sàng cầm dao đâm chết mẹ vì không được cho tiền chơi game. Hay một vụ án đau lòng khác ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) hồi tháng 3/2015, đã khiến nhiều người bàng hoàng, khi một đứa con nghịch tử giết mẹ cướp vàng khi xin tiền mua xe máy mà không được đáp ứng,…
Tất cả những câu chuyện này đã cho thấy sự suy thoái đạo đức trong giới trẻ, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai lệch này?
Theo Thạc sỹ Lê Thị Thanh Thủy, không thể khẳng định những nguyên nhân dẫn đến hành vi sai lệch ở lứa tuổi thanh thiếu niên bởi mỗi cá nhân có những nguyên nhân rất cụ thể. Tuy nhiên có những nhóm yếu tố có thể gọi là nguy cơ như sau:
Nhóm yếu tố từ cá nhân như: Sinh học khác nhau, chất dẫn truyền thần kinh khác nhau, kiểu hình thần kinh khác nhau, sự thay đổi hooc môn... Những sang chấn thời quá khứ như bị bạo lực, bị bắt nạt bởi bạn cùng lứa cũng tạo nên suy nghĩ và niềm tin tiêu cực.
Nhóm yếu tố từ gia đình như xung đột cách giáo dục con của cha mẹ, thay đổi mối quan hệ, có những sang chấn từ gia đình như người thân mất, cha mẹ ly dị, bạo lực từ gia đình, cha mẹ sao nhãng…
Nhóm yếu tố từ xã hội như: Công nghệ truyền thông và thông tin như mạng xã hội, internet tới giá trị văn hóa, đạo đức, niềm tin …
Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ví dụ, mạng internet hoặc mạng xã hội đang bị coi là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến những hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên, tuy nhiên nguyên tắc phát triển của xã hội đến một thời điểm nào đó sẽ đòi hỏi truyền thông và công nghệ thông tin còn phát triển hơn nữa. Nó được tạo ra với mục đích phục vụ nhu cầu của người dân, tức là điều tốt, nhưng bị người ta sử dụng nó với mục đích xấu, bản thân nó không xấu mà người tiếp nhận mới là quan trọng. Trên mạng xã hội hoặc internet có đủ thứ tốt đẹp đến xấu xa nhất, thượng vàng hạ cám, có người chỉ vào internet để phục vụ mục đích tốt (làm việc, email, kết nối bạn bè), những người khác thì không như vậy.
Cần tôn trọng và “nhập bọn” với con
Có thể khẳng định tâm lý chung của cha mẹ là đều muốn con em mình ngoan ngoãn, thành đạt và có một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, họ lại quên rằng những đứa trẻ ấy lại cần có sự độc lập, tự do đưa ra các quyết định của mình. Sự áp đặt của cho mẹ vô hình trung đã trở thành bức tường ngăn cách khiến các em bị ảnh hưởng tâm lý, bị trầm cảm và có nguy cơ tách rời cha mẹ.
“Môi trường giáo dục của gia đình có tầm quan trọng không thể thay thế. Bố mẹ nên quan tâm để biết đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi của con mình như thế nào, con mình đang có tâm tư gì, xu hướng phấn đấu của các em là gì… Chính việc được chia sẻ cởi mở mà các em sẽ có sự gắn bó với gia đình nhiều hơn”, Thạc sỹ Thủy nói.
Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh cấm con dùng facebook vì sợ không kiểm soát được con nhưng có người lại lập facebook để kết bạn với con. Như vậy chúng ta phải thừa nhận, xâm nhập vào thế giới của con em mình để có thể làm bạn và hiểu chúng hơn.
Theo Thạc sỹ Lê Thị Thanh Thủy, chúng ta phải tôn trọng và “nhập bọn” với các em thì các em mới có cảm giác an toàn. Có một câu nói của giáo sư Hồ Ngọc Đại khi nói về cách giáo dục trẻ em là “muốn thắng kẻ nào thì chúng ta phải nhận thua trước đã”. Ở trường hợp này cũng vậy, chúng ta nên chấp nhận và khi các em đã có lòng tin thì lúc đó việc điều chỉnh nhận thức hay hành vi của các em sẽ dễ dàng hơn.
Diệu Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét